Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2015 triển khai thực hiện chỉ thị 14/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch
Số hiệu: 17/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Lê Tiến Phương
Ngày ban hành: 18/09/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-UBND

Bình Thuận, ngày 18 tháng 09 năm 2015

 

CHỈ THỊ

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 14/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, TẬP TRUNG KHẮC PHỤC YẾU KÉM, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DU LỊCH

 

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, ngày 02/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Chỉ thị đã nêu rõ những mặt hạn chế, yếu kém của du lịch cả nước như: việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch ở nhiều nơi chưa nghiêm, chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế, môi trường du lịch, vệ sinh, an toàn chậm được cải thiện, sức cạnh tranh còn thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững; đồng thời Chỉ thị cũng xác định rõ nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, khắc phục các mặt hạn chế, yếu kém tạo bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranhsự phát triển bền vững của du lịch Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt sâu, rộng Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó phát huy đúng mức vai trò, ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã trong việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của từng địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, phát triển du lịch ở địa bàn, sự phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh về công tác quản lý, tạo hiệu quả tích cực trong xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện đối với du khách, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo vệ tốt thương hiệu du lịch Bình Thuận.

Rà soát việc triển khai và tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động số 1418/KH-UBND ngày 08/5/2015 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 5183/KH-UBND ngày 19/12/2013 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường quản lý giá cả; bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước toàn diện trên địa bàn. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch, đảm bảo nơi nào có khách tham quan đều phải có người quản lý, các Ban quản lý phải có quy chế hoạt động, có nội quy quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo trật tự kỷ cương, văn minh lịch sự;

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, bán hàng tại các khu du lịch, điểm du lịch, điểm dừng chân trên các tuyến du lịch thực hiện niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; tổ chức kiểm tra thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, rác thải, chất thải tại các khu, điểm du lịch. Thành lập Tổ kiểm tra liên ngành về môi trường du lịch của địa phương và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu, điểm du lịch, các điểm dừng chân, trạm xăng không thực hiện đúng các quy định về giá cả, vệ sinh môi trườngxử lý kiên quyết các hành vi vi phạm;

- Chỉ đạo các Ban quản lý khu, điểm du lịch phải bố trí nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch tại điểm tham quan có đông khách du lịch, bảo đảm trật tự, văn minh, ưu tiên người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và người có trẻ em đi cùng; phải công khai số điện thoại và bộ phận chức năng có trách nhiệm trực 24/24 giờ để tiếp nhận và giải quyết kịp thời những phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch và các vấn đề phát sinh; lập sổ theo dõi thống kê các sự việc đã xử lý để rút kinh nghiệm và báo cáo cơ quan chức năng kiểm tra khi được yêu cầu; bố trí phương tiện và nhân viên để giữ gìn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, chất thải, tạo thuận lợi cho khách du lịch;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn du khách; tăng cường kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn có hành vi vi phạm về giá, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch, các đối tượng có hành vi gây mất an toàn cho du khách; chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để tình trạng vi phạm xảy ra trên địa bàn.

- Chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý vỉa hè, lòng đường, đảm bảo thông thoáng, vệ sinh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất vệ sinh, trật tự. Chỉ đạo Công ty công trình đô thị, Ban quản lý công trình công cộng nâng cao trách nhiệm trong việc thu gom rác thải các tuyến đường, các khu, điểm du lịch và tăng cường vào các ngày cao điểm, dịp lễ, tết;

- Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào chung tay cải thiện môi trường tại nơi công cộng; bỏ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định và phù hợp với lịch trình thu gom rác, giữ gìn vệ sinh chung; đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm quy định về vệ sinh, môi trường. Phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch, “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”;

- Phát huy vai trò tích cực của các tổ chức đoàn thể tham gia các hoạt động vì môi trường du lịch, vận động thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tăng cường trách nhiệm trong việc giúp UBND tỉnh quản lý toàn diện về du lịch trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch, chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến quản lý, phát triển du lịch;

- Tham mưu đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn tăng sức cạnh tranh du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về du lịch của tỉnh;

- Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường sự phối hợp và thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, tăng cường năng lực cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở các huyện, thị xã, thành phố thúc đẩy phát triển du lịch ở các địa bàn;

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp lữ hành, đảm bảo thực hiện đúng chương trình du lịch theo hợp đồng đã ký kết, bảo đảm chất lượng dịch vụ. Xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật mọi hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh hoặc đề nghị rút giấy phép;

- Tăng cường công tác hướng dẫn thực hiện gắn với thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh, đảm bảo an toàn du khách của các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao biển;

- Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên tinh thần huy động mạnh mẽ sự tham gia của Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch; tăng cường phối hợp với các ngành liên quan trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch ở các hội chợ thương mại, du lịch trong và ngoài nước,…

- Chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cho các tiểu thương, người bán hàng, nhân viên taxi, xe ôm,… tại các địa điểm tập trung khách du lịch, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cộng đồng dân cư, đảm bảo môi trường du lịch.

4. Sở Công thương:

- Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, bán hàng tại các khu du lịch, điểm du lịch, điểm dừng chân trên các tuyến du lịch thực hiện việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết;

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra và xử lý triệt để tình trạng taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác ở tỉnh kinh doanh không phép hoặc không đúng giấy phép, không niêm yết giá và thu cước không theo giá đã niêm yết;

- Phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch các khu, điểm du lịch, chợ bán hàng không đủ số lượng, trọng lượng, bán hàng giả, hàng kém chất lượng,...

5. Sở Giao thông vận tải:

- Tăng cường công tác quản lý các đơn vị vận chuyển khách du lịch trên địa bàn tỉnh; rà soát, kiểm tra và xử lý triệt để tình trạng taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác kinh doanh không phép hoặc không đúng giấy phép, không niêm yết giá và thu cước không theo giá đã niêm yết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che để chủ taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác kinh doanh không phép trên địa bàn; chấn chỉnh tình trạng taxi từ chối khách đi tuyến ngắn;

- Tổ chức rà soát, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn giao thông rõ ràng, phù hợp bảo đảm an toàn, tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận các khu, điểm du lịch;

- Phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, phát hiện, xử lý các hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà cho lái xe trên các tuyến đường giao thông, gây bức xúc cho người dân và du khách.

6. Sở Y tế:

- Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện đúng quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh khu vực chế biến và phục vụ khách;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ở các khu vực có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các khu phố trung tâm ẩm thực, tăng cường quản lý, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh đường phố, lòng đường, hè đường và tại địa điểm kinh doanh; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường tập huấn, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm theo phân cấp.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch thuộc thẩm quyền; kiểm tra thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, rác thải, chất thải tại các khu, điểm du lịch;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội về đảm bảo môi trường phục vụ du lịch; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường trong khu dân cư;

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quy định, quy trình xử lý, xử phạt về các hành vi vi phạm về môi trường đối với UBND các phường, xã, thị trấn và các Ban quản lý khu, điểm du lịch.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường kiểm tra, xử  không để người ăn xin lang thang ở các khu, điểm du lịch. Đối với người có hoàn cảnh khó khăn, tập trung bố trí về nơi quy định và có biện pháp hỗ trợ phù hợp; xử lý triệt để tình trạng giả làm người ăn xin, gây phiền hà cho khách du lịch; có biện pháp rà soát, phân loại, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đang kiếm sống bằng nghề bán hàng rong tại các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.

9. Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh:

- Tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến tỉnh về thủ tục xuất, nhập cảnh, đi lại tham quan trên địa bàn tỉnh và đi huyện đảo Phú Quý;

- Chủ trì triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trt tự tại các khu, tuyến, điểm du lịch. Phối hợp các sở, ngành chức năng và các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch;

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cho nhân viên xuất nhập cảnh, cảnh sát giao thông.

10. Hiệp hội Du lịch:

Phát huy vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội Du lịch trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp du lịch, phối hợp hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, cùng phát triển, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển du lịch ở tỉnh; tăng cường trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh du lịch phải bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là vệ sinh môi trường ngay trong khuôn viên và khu vực tiếp giáp xung quanh của cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các bãi biển và nơi tập trung đông du khách.

11. Các sở, ngành khác, các tổ chức chính trị - xã hội:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch của tỉnh, kiểm soát, quản lý tốt môi trường du lịch nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm như thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Nam, huyện Bắc Bình, huyện Tuy Phong,...

Tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Chỉ thị, kịp thời biểu dương những tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt; phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm.

12. Tổ chức thực hiện:

- Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp);

- Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh phân công thành viên định kỳ đi kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị này tại các địa phương;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, hàng năm tham mưu UBND tỉnh sơ kết tình hình thực hiện và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương