Quyết định 03/2012/QĐ-UBND về Quy định chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu: 03/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Võ Kim Cự
Ngày ban hành: 31/01/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 31 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN ĐẾN NĂM 2015 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/03/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức;

Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 2 phê chuẩn cơ chế, chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo;

Xét đề nghị của Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VXI, kỳ họp thứ 2.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Cục Kiểm tra VB, Bộ Tư pháp;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- UBMTTQ tỉnh, các đoàn thể cấp tỉnh;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp, TT Công báo - Tin học;
- Lưu: VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Kim Cự

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN ĐẾN NĂM 2015 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 03-NQ/TU NGÀY 03/11/2011 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 21/2011/NQ-HĐND NGÀY 16/12/2011 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA VXI, KỲ HỌP THỨ 2
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 31/01/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng áp dụng:

- Công chức, viên chức (kể cả cán bộ y tế xã, phường, thị trấn; nhân viên y tế thôn bản, khối phố) thuộc ngành Y tế Hà Tĩnh; công chức các phòng y tế huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh;

- Người thuộc diện thu hút các chuyên ngành y, dược;

- Các cơ sở y tế trên địa bàn và Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh.

2. Phạm vi điều chỉnh: Các hoạt động phục vụ công tác quản lý, phòng bệnh, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số - KHHGĐ, đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Y tế đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

Chương 2.

CHÍNH SÁCH CỤ THỂ

Điều 2. Chính sách thu hút nhân tài

1. Người có học hàm, học vị: Giáo sư - Tiến sỹ, Phó Giáo sư - Tiến sỹ, Tiến sỹ khoa học, Tiến sỹ chuyên ngành y, dược, nam không quá 50 tuổi, nữ không quá 45 tuổi, nếu có cam kết về làm việc trong ngành Y tế Hà Tĩnh tối thiểu 10 năm:

a) Được hỗ trợ:

- Giáo sư - Tiến sỹ, Phó Giáo sư - Tiến sỹ: 100.000.000 đồng;

- Tiến sỹ khoa học: 80.000.000 đồng;

- Tiến sỹ: 60.000.000 đồng.

b) Nếu chưa có đất ở và nhà ở, được giao đất có thu tiền sử dụng đất theo giá đất do UBND tỉnh quy định tại vùng quy hoạch đất ở.

2. Bác sỹ CKII, dược sỹ CKII, bác sỹ nội trú, Thạc sỹ, bác sỹ, dược sỹ CKI (hệ chính quy), nam không quá 45 tuổi, nữ không quá 40 tuổi, nếu có cam kết về làm việc trong Ngành Y tế Hà Tĩnh tối thiểu 10 năm, được hỗ trợ:

- Bác sỹ CKII, dược sỹ CKII, bác sỹ nội trú: 50.000.000 đồng;

- Thạc sỹ, bác sỹ, dược sỹ CKI: 30.000.000 đồng;

3. Bác sỹ, dược sỹ đại học (hệ chính quy): Có cam kết về làm việc trong Ngành Y tế Hà Tĩnh từ 5 năm trở lên, ngoài chính sách được hưởng 100% lương khởi điểm trong thời gian tập sự còn được hỗ trợ:

a) Tốt nghiệp đạt loại giỏi:

- Các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội: 25.000.000 đồng;

- Các trường Đại học y, dược khác trên toàn quốc: 20.000.000 đồng.

b) Tốt nghiệp đạt loại khá:

- Các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội: 20.000.000 đồng;

- Các trường Đại học y, dược khác trên toàn quốc: 15.000.000 đồng.

4. Hỗ trợ 100% học phí cho các sinh viên (hệ chính quy) học tại các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội và 70% học phí cho các sinh viên đang học các trường đại học y, dược khác có cam kết (của người học, gia đình) và xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú (xã, phường, thị trấn) sau khi tốt nghiệp về công tác liên tục 10 năm trong ngành Y tế Hà Tĩnh.

Điều 3. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

1. Hỗ trợ 100% học phí đào tạo bác sỹ cho trạm y tế xã, phường, thị trấn.

2. Các đối tượng khác thực hiện theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND ngày 21/06/2011 của UBND tỉnh.

Điều 4. Chính sách ưu đãi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (trừ các đối tượng đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/07/2009 của Chính phủ); nhân viên y tế thôn, bản.

1. Ngoài các chính sách quy định, hỗ trợ thêm 30% lương cơ bản hàng tháng đối với bác sỹ, dược sỹ đại học công tác trong lĩnh vực: Lao, tâm thần, pháp y. Hỗ trợ thêm 20% lương cơ bản hàng tháng đối với bác sỹ công tác trong lĩnh vực: Y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS.

2. Hỗ trợ cán bộ đi luân phiên theo Đề án 1816 của Bộ Y tế: Từ cấp tỉnh xuống huyện, thị xã: Mức lương tối thiểu nhân (*) hệ số 1,5/người/tháng; từ cấp huyện xuống xã: Mức lương tối thiểu nhân (*) hệ số 01/người/tháng.

3. Hỗ trợ thêm ngoài lương cho:

- Bác sỹ công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn: Mức lương tối thiểu nhân (*) hệ số 01;

- Bác sỹ, dược sỹ đại học công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng huyện miền núi: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê: Mức lương tối thiểu nhân (*) hệ số 0,5.

4. Hỗ trợ phụ cấp đặc thù cho bác sỹ, dược sỹ đại học làm công tác quản lý nhà nước về y tế 30% lương cơ bản/người/tháng.

5. Hỗ trợ mức phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung cho nhân viên y tế làm việc tại khối phố chưa được hưởng chế độ quy định tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Bác sỹ, dược sỹ đại học hoặc cán bộ y tế công tác từ 10 năm trở lên có hoàn cảnh khó khăn chưa có đất ở, nhà ở được xem xét giao đất tại vùng quy hoạch đất ở, có thu tiền sử dụng đất theo giá đất quy định của UBND tỉnh.

Điều 5. Chính sách thu hút đầu tư phát triển

1. Ngân sách sự nghiệp hàng năm:

- Hàng năm ưu tiên bố trí từ nguồn kinh phí chống xuống cấp để mua sắm trang thiết bị, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở y tế theo khả năng đáp ứng của ngân sách;

- Hàng năm bố trí từ nguồn kinh phí chống xuống cấp để mua sắm trang thiết bị, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở y tế tối thiểu 20 tỷ đồng/năm.

2. Đầu tư phát triển:

- Bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các dự án y tế đã cam kết.

- Ưu tiên các nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng các bệnh viện đang dang dở, hoàn thành đưa vào sử dụng;

- Hỗ trợ ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã tối thiểu 40% tổng mức đầu tư/trạm y tế;

- Huy động các nguồn vốn hợp pháp theo hướng xã hội hóa để đầu tư xây dựng khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh;

- Tập trung các nguồn vốn (ngân sách tập trung, hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ, tiền bán đất, tài sản, vật kiến trúc trên đất tại cơ sở cũ, bổ sung từ sự nghiệp đào tạo và các nguồn vốn hợp pháp khác) để đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Y tế tại cơ sở mới theo đúng lộ trình;

- Tập trung các nguồn vốn (ngân sách tập trung, hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác) để xây dựng trụ sở làm việc cho các Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện và triển khai các Đề án xây dựng các đơn vị khác đã được phê duyệt;

- Xây dựng nhà công vụ cho cán bộ y tế thuộc các đơn vị sự nghiệp y tế công tác tại các huyện miền núi: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn.

Điều 6. Chính sách xã hội hóa công tác y tế

Ưu tiên về lựa chọn địa điểm theo vùng quy hoạch và giao đất để xây dựng các bệnh viện tư nhân; không thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 10 năm kể từ khi đi vào hoạt động.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan

1. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các Sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã để triển khai thực hiện chính sách này.

b) Hàng năm lập kế hoạch về nội dung và nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách báo cáo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành có liên quan tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

c) Định kỳ hàng năm tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện các chính sách trên báo cáo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh.

2. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thực hiện chính sách này gồm: Thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; ưu tiên chỉ tiêu thu hút và đào tạo cán bộ có chất lượng cao.

b) Tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định hoặc quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức học tập, đào tạo theo phân cấp quản lý.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí lồng ghép các nguồn vốn (XDCB tập trung, Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW, vốn trái phiếu Chính phủ, đối ứng ODA…) để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Y tế.

4. Sở Tài chính

Căn cứ vào kế hoạch, nhiệm vụ và dự kiến kinh phí của ngành Y tế, trên cơ sở khả năng ngân sách, chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành có liên quan, thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm và trong quá trình thực hiện dự toán.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng

Quy hoạch đảm bảo nhu cầu đất xây dựng các cơ sở y tế theo quy hoạch tổng thể của ngành Y tế và phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; đồng thời bố trí quỹ đất ở và nhà thực hiện chính sách thu hút và ưu đãi cho các đối tượng theo quy định.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện giao đất cho các đối tượng theo quy định của chính sách trên, theo đúng phương án phê duyệt của UBND tỉnh và các quy định hiện hành.

b) Bố trí ngân sách địa phương theo tỷ lệ quy định để đầu tư xây dựng xã, phường, thị trấn đạt “Bộ tiêu chí Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020”.

Điều 8. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, hay cần thiết sửa đổi, bổ sung các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Y tế để phối hợp với các Sở, ngành liên quan để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.





Nghị định 18/2010/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức Ban hành: 05/03/2010 | Cập nhật: 09/03/2010