Quyết định 14/2011/QĐ-UBND Quy chế tạm thời về phối hợp quản lý, tổ chức tiếp đón, phục vụ khách du lịch quốc tế bằng tàu biển cập cảng Chân Mây do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: 14/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Ngô Hòa
Ngày ban hành: 29/04/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 14/2011/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 29 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ PHỐI HỢP QUẢN LÝ, TỔ CHỨC TIẾP ĐÓN, PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ BẰNG TÀU BIỂN CẬP CẢNG CHÂN MÂY

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải và Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 103/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ vế quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
Căn cứ Nghị định số 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu, cảng biển;
Theo đề nghị của Công ty TNHH Một thành viên cảng Chân Mây tại Tờ trình số 61/TT-CM ngày 29 tháng 3 năm 2011 về việc đề nghị ban hành Quy chế tạm thời về phối hợp quản lý, tổ chức tiếp đón, phục vụ khách du lịch quốc tế bằng tàu biển cập cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về phối hợp quản lý, tổ chức tiếp đón, phục vụ khách du lịch quốc tế bằng tàu biển cập cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND ngày 20/4/2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phối hợp quản lý, tổ chức tiếp đón, phục vụ khách du lịch quốc tế bằng tàu biển cập cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế; có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành chức năng có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế; Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cảng Chân Mây; Giám đốc các doanh nghiệp và tổ các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ PHỐI HỢP QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC TIẾP ĐÓN, PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ BẰNG TÀU BIỂN CẬP CẢNG CHÂN MÂY, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 14/2011/QĐ-UBND ngày 29/4/2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế tạm thời này quy định nguyên tắc, trách nhiệm về chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức đơn vị, các doanh nghiệp có liên quan trong quản lý, tổ chức tiếp đón, phục vụ khách du lịch quốc tế bằng tàu biển cập cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trực tiếp tham gia quản lý và tổ chức tiếp đón, phục vụ khách du lịch quốc tế bằng tàu biển cập cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ

1. Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây sau khi có Bản kế hoạch đăng ký tàu du lịch đến, nhanh chóng thông báo cho tất cả các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên quan biết để cùng phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

2. Các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại cảng Chân Mây trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình hoàn tất các thủ tục, công việc liên quan đến tàu khách du lịch quốc tế một cách nhanh chóng, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của tàu.

3. Doanh nghiệp du lịch kinh doanh lữ hành quốc tế (gọi tắt là doanh nghiệp du lịch) được tổ chức đưa đón và phục vụ khách du lịch quốc tế bằng tàu biển theo đúng phạm vi quy định của giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp.

4. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, Ban quản lý các điểm tham quan có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp du lịch và các cơ quan chức năng đảm bảo tuyệt đối an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh và đáp ứng các nhu cầu cần thiết khác cho khách du lịch đến tham quan, vui chơi, giải trí trên địa bàn Tỉnh.

5. Trong khi làm nhiệm vụ cán bộ, nhân viên các cơ quan quản lý Nhà nước quy định tại Điều 2 của Quy chế này phải mang mặc trang phục, đeo bảng tên, phù hiệu kiểm soát theo quy định của ngành.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP QUẢN LÝ

MỤC I: TRƯỚC KHI TÀU KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ ĐẾN CẢNG

Điều 4. Trách nhiệm của Đại lý tàu biển

1. Căn cứ lịch tàu đến cảng Chân Mây hàng năm để thông báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan và các doanh nghiệp du lịch đón khách những thông tin theo mẫu “Thông báo tàu đến cảng” (tên tàu, quốc tịch, tên và địa chỉ chủ tàu, trọng tải, mớn nước, chiều dài, chiều rộng của tàu; dự kiến thời gian đến và rời Cảng; số lượng và quốc tịch khách du lịch; số lượng và quốc tịch thuyền viên,...).

2. Chậm nhất 08 giờ trước khi tàu dự kiến đến Cảng, phải thông báo thời gian tàu đến và rời Cảng, đồng thời, gửi danh sách thuyền viên và danh sách hành khách cho các cơ quan chức năng liên quan.

3. Thông báo cho Kiểm dịch Y tế Biên giới biết tình hình sức khoẻ của những người trên tàu. Trong trường hợp có người ốm, người chết ở trên tàu thì phải thông báo rõ tên, tuổi, quốc tịch, tình trạng bệnh tật, lý do tử vong và các yêu cầu có liên quan khác.

4. Giải quyết thủ tục đến và rời Cảng cho tàu, thuyền viên và hành khách.

5. Giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh liên quan đến tàu, thuyền viên và hành khách trước khi tàu đến Cảng, trong thời gian tàu neo đậu tại Cảng và sau khi tàu rời Cảng.

6. Xin ý kiến của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây cho đưa các phương tiện từ tàu xuống, các phương tiện chở khách…, trừ các trang thiết bị phục vụ cứu sinh của tàu.

Điều 5. Trách nhiệm của Doanh nghiệp du lịch

1. Sau khi nhận giấy báo khách du lịch quốc tế đến cảng Chân Mây bằng đường biển:

- Quyết định cử cán bộ điều hành, hướng dẫn viên, phục vụ viên.

- Thông báo cho các cơ quan chức năng biết về cán bộ điều hành, hướng dẫn viên, lái xe và phương tiện đón khách.

- Liên hệ với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây để làm thủ tục xin giấy phép vào, ra Cảng cho cán bộ điều hành, hướng dẫn viên, phục vụ viên, lái xe, phương tiện vận chuyển khách du lịch và khách mời tham quan hoặc tham gia kiểm tra (nếu có).

2. Sau khi đã có danh sách khách đăng ký đi theo các chương trình tham quan:

a) Liên hệ với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây để:

- Thông báo chương trình du lịch của đoàn khách cho Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây trước 02 ngày.

- Chậm nhất 12 giờ trước khi tàu nhập cảnh, phải thông báo qua điện thoại, fax, email cho Đồn Biên phòng cửa khẩu danh sách khách đã được Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) duyệt nhân sự cấp phép nhập cảnh.

- Chậm nhất 06 giờ trước khi tàu nhập cảnh, phối hợp với Đại lý tàu biển gửi Fax hoặc Email cho Đồn Biên phòng cửa khẩu danh sách hành khách, thuyền viên và hướng dẫn viên du lịch cùng chương trình hoạt động của khách tại Việt Nam.

- Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu đến phao số 0, cử cán bộ nộp danh sách chính thức khách đã được duyệt nhân sự cấp phép nhập cảnh và xác báo chương trình hoạt động của khách tại Việt Nam cho Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây.

- Lập danh sách cán bộ lãnh đạo, điều hành, hướng dẫn viên, phục vụ viên, lái xe và các phương tiện vận chuyển khách và danh sách những thành viên xin phép được xuống tàu (nếu có nhu cầu).

- Lập danh sách các đoàn khách, từng nhóm khách đi theo chương trình du lịch;

- Làm thủ tục nhập cảnh hành khách tại cửa khẩu cảng Chân Mây theo quy định.

b) Liên hệ với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây tiếp nhận những thông tin có liên quan để thông báo danh mục các mặt hàng nhà nước cấm xuất nhập khẩu, phương thức kê khai hành lý cá nhân hoặc hàng hoá lúc xuất cảnh, nhập cảnh.

c) Thông báo chương trình du lịch đến các cơ quan chức năng:

Chậm nhất là 05 ngày trước khi tàu biển dự kiến cập cảng Chân Mây, doanh nghiệp du lịch phải thông báo bằng văn bản các chương trình du lịch cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng có liên quan.

3. Đối với một số khách du lịch không đi theo tour (khách lẻ):

Chủ động tổ chức các phương tiện vận chuyển phù hợp và cần thiết để phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan, nghỉ ngơi bảo đảm an toàn cho du khách trong quá trình tham quan du lịch; có trách nhiệm cung cấp danh sách phương tiện đón khách để cùng phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phục vụ đối tượng khách này.

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

1. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế trên địa bàn Tỉnh; là đầu mối liên kết giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp du lịch trong việc phối hợp tổ chức đón tàu biển du lịch quốc tế tại cảng Chân Mây; phối hợp với các ngành chức năng có liên quan để giải quyết, xử lý các sự cố liên quan đến khách du lịch trong suốt thời gian tàu đến và rời khỏi cảng Chân Mây.

2. Báo cáo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc giám sát, kiểm tra tình hình thực tế, đôn đốc các doanh nghiệp du lịch phối hợp tổ chức đón khách du lịch bằng tàu biển quốc tế chu đáo với thái độ niềm nở, mến khách. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết các vụ việc ngoài chức năng và vượt thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Điều 7. Trách nhiệm của Đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây

1. Chậm nhất 08 giờ trước khi tàu biển dự kiến cập cảng Chân Mây, đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây có trách nhiệm thông báo cho Đại lý của chủ tàu về:

a) Vị trí tàu sẽ được neo đậu và địa điểm làm thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch và hàng hoá (nếu có).

b) Thời gian Hoa tiêu dẫn tàu vào cập cầu cảng.

c) Các quy định cụ thể của bến và cầu tàu tiếp nhận tàu khách du lịch.

d) Các quy định, nội quy của Cảng biển có liên quan về đảm bảo trật tự, vệ sinh, an toàn đối với tàu khách du lịch quốc tế đến cảng Chân Mây.

2. Kiểm tra, phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn và xử lý theo đúng pháp luật các hành vi đặt đáy luới trái phép trong luồng tàu, khu nước nhằm đảm bảo an toàn cho tàu trước và sau khi rời Cảng.

Điều 8. Trách nhiệm của Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây

1. Bố trí lực lượng an ninh Cảng, thiết lập các vị trí từ cổng cảng và các vị trí cần thiết để kiểm tra, điều phối phương tiện và khách ra vào nhằm đảm bảo trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn cho tàu, du khách và thuỷ thủ… Có phương án đảm bảo an ninh theo kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt.

2. Tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các danh sách đăng ký về con người và phương tiện đưa đón khách du lịch ra vào cảng Chân Mây.

3. Thành lập bộ phận thường trực tại Cảng có trách nhiệm xử lý các tình huống có thể xảy ra theo thẩm quyền của pháp luật quy định, có đường dây liên lạc (số điện thoại, tên người trực).

4. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch ra vào Cảng khi đã có Giấy phép đi bờ do Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây cấp.

5. Có quyền từ chối các cá nhân và phương tiện không đăng ký ra vào cảng Chân Mây khi đến đón khách du lịch quốc tế bằng tàu biển hoặc người không có phận sự vào khu vực Cảng.

6. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch tổ chức nghi thức đón: cờ, hoa, khẩu hiệu, biểu ngữ, trống, ca nhạc, múa lân (nếu có).

7. Đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, tổ chức vệ sinh cầu bến, bố trí nơi đậu xe để đón khách.

8. Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức việc bán hàng lưu niệm (các quầy giới thiệu và bán hàng) tại Cảng cho du khách, thuyền viên cho du khách tại cảng Chân Mây đảm bảo văn minh, lịch sự, mỹ quan, vệ sinh môi trường và an ninh, trật tự; cung cấp danh sách người bán hàng cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây.

9. Đối với một số khách du lịch không đi theo tour (khách lẻ): sau khi thỏa thuận và thống nhất với Doanh nghiệp du lịch, Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây được tổ chức các phương tiện vận chuyển phù hợp và cần thiết để phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan, nghỉ ngơi bảo đảm an toàn cho du khách trong quá trình tham quan du lịch; có trách nhiệm cung cấp danh sách phương tiện đón khách để cùng phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phục vụ đối tượng khách này.

Điều 9. Trách nhiệm của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây

1. Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao; đồng thời, phối hợp các lực lượng liên quan bảo vệ an toàn tuyệt đối cho tàu và khách du lịch trong suốt thời gian tàu đến và rời khỏi vùng biển Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Bố trí phương tiện tuần tra trên luồng tàu, khu nước đảm bảo an toàn và ngăn chặn mọi sự xâm nhập bằng đường biển đối với tàu khách quốc tế.

3. Định kỳ, đột xuất thông báo các thông tin liên quan để Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây chủ động và làm tốt nhiệm vụ, đảm bảo an ninh an toàn khu vực Cảng, an toàn cho khách du lịch. Phối hợp với Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây thực hiện các biện pháp duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực Cảng.

4. Tiếp nhận các kế hoạch bảo vệ an ninh khu vực Cảng; hướng dẫn và hỗ trợ Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây về công tác đảm bảo an ninh, chủ động thông báo tình hình an ninh, trật tự khu vực Cảng cho các lực lượng phối hợp.

5. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vụ việc liên quan khác xảy ra trong khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

6. Phối hợp tham gia ứng phó các tình huống khẩn cấp xảy ra tại cảng Chân Mây theo chức năng nhiệm vụ.

7. Bố trí lực lượng, phương tiện để sẵn sàng làm các thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát cho người, tàu, thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và chuyển cảng tại cửa khẩu cảng Chân Mây.

8. Cấp, thu hồi các loại giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan Kiểm dịch Y tế Biên giới

1. Sau khi đã nhận được thông báo và được cung cấp đầy đủ thông tin (tên, quốc tịch, lịch trình của tàu, số hành khách và các thành viên trên tàu, bản khai y tế theo mẫu quy định), cơ quan Kiểm dịch Y tế Biên giới phải nhanh chóng thực hiện đầy đủ các thể thức, trình tự kiểm dịch y tế (theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định 103/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ) đối với hành khách, các thành viên trên tàu, kiểm tra y tế đối với hành lý, hàng hoá và tất cả các phương tiện phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống của hành khách và các thành viên trên tàu.

2. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch y tế cho hành khách, các thành viên trên tàu và tàu được nhập cảnh, xuất cảnh tại Cảng, sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm tra và xử lý y tế.

3. Phối hợp với Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây bố trí phòng khám cách ly để khi phát hiện dịch bệnh có thể cách ly, không để lây lan bệnh; đồng thời, chuẩn bị phương tiện cấp cứu ứng trực, tác nghiệp kịp thời.

Điều 11. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế

1. UBND huyện Phú Lộc có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo UBND các xã có liên quan để ngăn chặn và giải toả nạn đáy lưới trong khu vực Cảng nhằm đảm bảo an toàn cho tàu du lịch ra vào Cảng.

2. UBND thành phố Huế, UBND huyện Phú Lộc và UBND các huyện, thị xã nơi có các điểm di tích, thắng cảnh tham quan du lịch có trách nhiệm chuẩn bị tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cho du khách, chống nạn ăn xin, đeo bám, cướp giật…; chỉ đạo công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện dọn dẹp, vệ sinh môi trường khu vực.

Điều 12. Trách nhiệm của Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Trước khi tàu du lịch quốc tế cập cảng 03 ngày, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có trách nhiệm chủ động kiểm tra kỹ các tuyến đường bộ trên địa bàn khu kinh tế mà xe ô tô vận chuyển du khách đi qua nhằm đảm bảo thông tuyến thuận tiện và an toàn giao thông; chỉ đạo và phối hợp thực hiện công tác dọn vệ sinh sạch, đẹp dọc tuyến đường.

MỤC II: TRONG THỜI GIAN NEO ĐẬU TẠI CẢNG ĐỂ LÀM THỦ TỤC ĐƯA KHÁCH DU LỊCH LÊN BỜ ĐI THAM QUAN

Điều 13. Trách nhiệm của Doanh nghiệp du lịch

1. Thông báo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước và hướng dẫn giải thích các quy định của Nhà nước Việt Nam cho Thuyền trưởng, thuyền viên và khách du lịch quốc tế biết để chấp hành, giải quyết những yêu cầu khác liên quan đến Doanh nghiệp du lịch.

2. Phải thường xuyên liên hệ với đại lý của chủ tàu để kịp thời nắm thông tin về:

a) Tình hình khắc phục sự cố, tai nạn hàng hải (nếu có).

b) Các yêu cầu mới phát sinh đối với tàu và khách du lịch quốc tế trong thời gian lưu tại Cảng.

3. Liên hệ với Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây để:

a) Xin phép tiến hành các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao phục vụ khách du lịch tại khu vực Cảng (nếu có nhu cầu).

b) Chuẩn bị chu đáo các chương trình đón và tiễn khách đúng quy định như: trang trí cờ, hoa, khẩu hiệu...(nếu cần thiết).

4. Đại diện cho khách du lịch quốc tế (theo chương trình du lịch) để khai báo, làm thủ tục hải quan, nộp thuế, giao nhận hàng hoá khi được chủ sở hữu hàng hóa ủy quyền.

5. Phải bố trí ít nhất 01 nhân viên để thực hiện các công việc có liên quan (hoặc các công việc phát sinh) giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức quản lý Nhà nước và khách du lịch.

Điều 14. Trách nhiệm của Chi Cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây

1. Thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, chuyển cảng cho các phương tiện vận tải, hành khách, thuyền viên, hàng hóa (nếu có) và hành lý mang theo khi nhập cảnh, xuất cảnh theo đúng quy định quản lý Nhà nước về hải quan.

2. Hướng dẫn và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp du lịch các quy định về chính sách đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, thủ tục xuất nhập cảnh tại thời điểm làm thủ tục.

Điều 15. Trách nhiệm của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây

1. Đảm bảo an ninh cho tàu du lịch trong lúc neo đậu tại Cảng.

2. Thực hiện thủ tục nhập xuất cảnh cho hành khách, đảm bảo tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách được nhanh chóng lên bờ tham quan cũng như trở về tàu để rời bến đúng thời gian và lịch trình dự kiến của tàu du lịch.

3. Tổng hợp danh sách các khách du lịch đi lẻ và không đi theo tour gửi cho Công an tỉnh để cùng phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh (bằng Fax, Email hoặc điện thoại).

Điều 16. Trách nhiệm của Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây

1. Đảm bảo an ninh, an toàn cảng biển cho tàu biển và hành khách theo quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.

2. Kiểm tra, điều phối phương tiện và du khách ra - vào Cảng nhằm đảm bảo trật tự và an toàn giao thông.

3. Yêu cầu và hướng dẫn người bán hàng lưu niệm liên hệ với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây để làm thủ tục xuất khẩu đối với hàng hóa bán cho khách du lịch, thuyền viên tại cảng Chân Mây theo đúng quy định hiện hành của luật Hải quan, luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và luật quản lý thuế.

Điều 17. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Tỉnh

Tổ chức quầy thu đổi ngoại tệ thuận tiện phục vụ khách du lịch quốc tế khi lên bờ có điều kiện để mua sắm, tiêu dùng theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối.

MỤC III: TỔ CHỨC ĐƯA KHÁCH ĐI THAM QUAN THEO CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH

Điều 18. Trách nhiệm của Doanh nghiệp du lịch trong quá trình thực hiện các chương trình du lịch

1. Trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng:

a) Trường hợp cơ quan an ninh, biên phòng có yêu cầu, doanh nghiệp du lịch phải cung cấp tình hình hoạt động của khách du lịch có liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

b) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh và các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết những tổn thất hoặc xử lý những sai phạm của khách du lịch quốc tế trong thời gian đi theo chương trình du lịch.

c) Trường hợp có yêu cầu của cơ quan an ninh, doanh nghiệp du lịch phải tuân thủ cho cơ quan an ninh biệt phái một số cán bộ của ngành làm nhiệm vụ hướng dẫn viên, phục vụ viên, vận chuyển khách nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

d) Có trách nhiệm hướng dẫn hành khách khai báo và làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa, hành lý xuất khẩu, nhập khẩu, xuất trình hàng hóa mua tại Việt Nam và hàng hóa, hành lý mang từ tàu xuống để cơ quan Hải quan kiểm tra trước khi mang hàng hóa, hành lý xuất khẩu lên tàu hoặc trước khi mang hàng hóa, hành lý nhập khẩu vào nội địa khi có yêu cầu.

2. Trách nhiệm trong quá trình thực hiện các chương trình du lịch:

a) Quản lý mọi hoạt động của khách du lịch quốc tế đi theo chương trình.

b) Đảm bảo đầy đủ các phương tiện vận chuyển khách để thực hiện đúng theo các chương trình đã đề ra.

c) Chấp hành và hướng dẫn khách du lịch quốc tế tuân thủ theo nội quy tại các điểm du lịch. Nếu phát hiện những hành vi sai phạm của khách du lịch phải kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn và thông báo cho các cơ quan hữu quan biết.

d) Nếu phát hiện những hành vi gây phiền hà cho khách từ phía các cơ quan, tổ chức tại các tuyến điểm du lịch, doanh nghiệp có trách nhiệm kịp thời báo cáo về Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để có giải pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, nhằm bảo vệ uy tín của địa phương, tạo được ấn tượng tốt đối với khách du lịch.

e) Trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến tính mạng hoặc tài sản của khách du lịch quốc tế, phải tiến hành khẩn trương các biện pháp khắc phục hậu quả; đồng thời, báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết theo đúng luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Điều 19. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Trên cơ sở các thông tin cần thiết do các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan đơn vị phối hợp trước và sau khi tàu cập bến cung cấp, Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương liên quan thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công để xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự; phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây, các đơn vị liên quan và các tuyến, điểm du lịch nơi khách đến.

2. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động tổ chức đưa, đón khách du lịch quốc tế bằng tàu biển để góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong du lịch, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho du khách; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch

1. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra, đảm bảo an toàn, trật tự và văn minh tại những di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

2. Kiểm tra, giám sát chất lượng phục vụ du khách của các doanh nghiệp du lịch (về chương trình du lịch, vận chuyển, hướng dẫn viên, thuyết minh viên…) và tại các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; theo dõi nắm tình hình thực hiện chương trình du lịch phục vụ du khách, báo cáo UBND Tỉnh.

Điều 21. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên quan hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại cảng Chân Mây và các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.

Điều 22. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên quan kiểm tra, giải quyết, ngăn chặn không để tệ nạn ăn xin, đeo bám, cướp giật... diễn ra tại các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.

Điều 23. Trách nhiệm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

1. Đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại những tuyến, điểm di tích tham quan du lịch do Trung tâm quản lý (kiên quyết ngăn chặn tệ nạn ăn xin, đeo bám, cướp giật...).

2. Bố trí thuyết minh viên tại các tuyến, điểm tham quan để phục vụ khách du lịch và thực hiện tốt các quy định về thuyết minh viên trong khi làm nhiệm vụ (theo quy định tại Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

3. Bố trí đầy đủ, thuận lợi và phù hợp các nhà vệ sinh lưu động phục vụ du khách tại những tuyến, điểm di tích tham quan du lịch do Trung tâm quản lý.

MỤC IV: TRƯỚC VÀ SAU KHI TÀU BIỂN DU LỊCH QUỐC TẾ RỜI CẢNG CHÂN MÂY

Điều 24. Trách nhiệm của Doanh nghiệp du lịch

1. Trách nhiệm trước khi tàu rời cảng Chân Mây:

a) Thực hiện đúng chương trình tham quan theo hợp đồng; đưa, đón khách về tới cảng Chân Mây an toàn và bảo đảm đúng thời gian quy định.

b) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để bảo đảm trật tự an toàn khi tiếp đón, tiễn đưa tàu và khách du lịch quốc tế rời cảng Chân Mây.

c) Phối hợp với doanh nghiệp du lịch nước ngoài nộp đầy đủ, nhanh chóng các khoản lệ phí thị thực nhập, xuất cảnh, lệ phí bổ sung hoặc chuyển đổi cửa khẩu nhập xuất cảnh, thuế hàng hoá xuất nhập khẩu, các khoản tiền phạt đối với khách du lịch quốc tế (nếu có) và các khoản lệ phí khác theo quy định hiện hành.

2. Trách nhiệm sau khi tàu rời cảng Chân Mây:

Lập báo cáo về tình hình thực hiện chương trình tiếp đón, phục vụ khách du lịch tàu biển quốc tế gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định (nếu có vướng mắc), chậm nhất là 05 ngày sau khi tàu rời cảng Chân Mây.

Điều 25. Trách nhiệm của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây

1. Trước khi tàu rời Cảng:

Giải quyết nhanh chóng các thủ tục xuất cảnh, đảm bảo cho khách xuống tàu được thuận lợi, an toàn (trừ một số trường hợp khách có vi phạm pháp luật Việt Nam cần phải lưu giữ để xử lý).

2. Sau khi tàu rời Cảng:

Theo dõi, quản lý tình hình an ninh trong khu vực Cảng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tàu rời khỏi Cảng và vùng biển Chân Mây.

Điều 26. Trách nhiệm của Đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chủ tàu, đại lý và Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây, giải quyết thủ tục rời Cảng cho tàu nhanh chóng và thuận tiện.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà hoặc làm ảnh hưởng đến việc phối hợp hoạt động giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tại cảng Chân Mây; hoặc gây tổn thất cho doanh nghiệp và uy tín của địa phương.

2. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa của các Doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan khác để kinh doanh trái phép, gây mất trật tự tại cảng Chân Mây và các tuyến, điểm du lịch. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 28. Tổ chức thực hiện

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, phối hợp với Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây, doanh nghiệp du lịch và các cơ quan chức năng, địa phương liên quan để tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Quy chế theo định kỳ 03 tháng một lần; tiếp nhận các thông tin phản ánh, kiến nghị về các vướng mắc, trở ngại trong suốt quá trình thực hiện; tham mưu đề xuất UBND tỉnh giải pháp xử lý.

2. Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương và doanh nghiệp có liên quan trong triển khai thực hiện Quy chế này; theo dõi và tổng hợp thông tin để định kỳ 03 tháng một lần báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh.

Điều 29. Sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh Quy chế

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu gặp vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác cảng Chân Mây để báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương./.





Nghị định 92/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Du lịch Ban hành: 01/06/2007 | Cập nhật: 22/06/2007