Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2021 về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025
Số hiệu: 32/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Hà Minh Hải
Ngày ban hành: 03/02/2021 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/KH-UBND

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Tình hình chung

1.1. Tổ hợp tác (THT)

Tổng số THT trên địa bàn là 1.543 THT (tăng 755 THT so với năm 2016); trong đó có: 1.049 THT nông nghiệp, 417 THT công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 77 THT thuộc các lĩnh vực khác, số thành viên THT là 4.629 thành viên. Doanh thu bình quân của THT đạt 220 triệu đồng/năm.

Nhìn chung, trong những năm qua, mô hình THT đã thể hiện được bản chất của kinh tế tập thể (KTTT), là mô hình phù hợp với thực tế trong việc hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển, đặc biệt là khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội; đã đáp ứng và khắc phục được một số mặt hạn chế của kinh tế hộ như: thiếu vốn, thiếu công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; tăng sức cạnh tranh thị trường. Lãi bình quân 01 THT đem lại giá trị khoảng 35 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của các thành viên, lao động của THT trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho các hộ thành viên và nhân dân.

Tuy nhiên, THT trên địa bàn Thành phố có quy mô nhỏ, chủ yếu ở mức độ nhóm hộ và hoạt động khép kín trong một thôn, xã; ít có THT liên thôn, liên xã; chưa liên kết, hợp tác thường xuyên với các nhóm sản xuất kinh doanh, các nhà khoa học, doanh nghiệp... Các THT còn gặp nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch kinh tế nên chưa tranh thủ được các chính sách ưu đãi của Nhà nước; chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia; thu nhập của thành viên từ hoạt động của THT chưa cao.

1.2. Hợp tác xã (HTX)

Thành phố có 2.164 HTX và quỹ tín dụng nhân dân - gọi chung là HTX (tăng 400 HTX so với năm 2016), trong đó số HTX đang hoạt động là 1.802 HTX. Giai đoạn 2016-2020, số lượng HTX thành lập mới là 555 HTX, số HTX giải thể là 202 HTX. Đến nay, đa số các HTX đã tiến hành chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012; chưa có HTX nào chuyển sang loại hình kinh tế khác.

- Số thành viên HTX là 598.500 thành viên (giảm 30.378 thành viên so năm 2016), trong đó số lượng thành viên mới tham gia vào HTX giai đoạn 2016 - 2020 là 12.348 thành viên, số lao động làm việc trong khu vực HTX là 45.500 người (tăng 8.175 lao động so với năm 2016), trong đó số lao động mới cả giai đoạn 2016-2020 là 9.825 HTX.

- Tổng số vốn của HTX là 14.008.423 triệu đồng; tổng giá trị tài sản của HTX là 3.201.000 triệu đồng.

- Doanh thu bình quân 01 HTX là 2.750 triệu đồng/năm; lãi bình quân 01 HTX đạt 190 triệu/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/năm. Các chỉ tiêu này tăng đều qua các năm từ 2016 đến 2020.

- Tổng số nợ đọng của HTX: Theo số liệu thống kê từ các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm 31/12/2018, số tiền nợ đọng của HTX ngừng hoạt động trên địa bàn Thành phố là: 42.958,895 triệu đồng.

- Số HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã 2012: số HTX hoạt động hiệu quả năm 2020 ước đạt 1.175 HTX, chiếm 65,2% số HTX đang hoạt động (tăng so với năm 2016 - có 821 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 55%). Giai đoạn 2016-2020, Thành phố có thêm nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Các mô hình HTX mới hình thành quy mô thành viên trung bình từ 07 - 30 người, hoạt động chủ yếu theo từng chuyên ngành, đa số thành viên HĐQT là những người có năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mạnh dạn trong đầu tư, chủ động tìm kiếm đối tác, liên kết sản xuất kinh doanh; nhiều mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình Vietgap, tiêu chuẩn hữu cơ, áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tem nhãn, bao bì... góp phần tăng giá trị sản phẩm của HTX. Việc cung cấp dịch vụ của HTX cho hộ thành viên HTX có hỗ trợ về giá so với giá cả thị trường và địa phương, chi phí sản xuất của thành viên giảm so với các hộ không phải là thành viên và việc tiêu thụ sản phẩm của HTX luôn có sự ưu tiên cho hộ thành viên của HTX...; do vậy, thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn so với các hộ không phải thành viên HTX.

- Số lượng cán bộ quản lý HTX là 7.682 HTX, trong đó số lượng cán bộ quản lý đạt trình độ sơ, trung cấp là 5.378 người (chiếm 70%); số lượng cán bộ quản lý đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 1.844 người. Năm 2020, số cán bộ HTX được đóng bảo hiểm xã hội là 3.078 người.

1.3. Liên hiệp HTX (LH HTX)

Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 17 liên hiệp HTX (tăng 09 liên hiệp HTX so với năm 2016), trong đó số lượng LHHTX đang hoạt động 10 LHHTX, ngừng hoạt động 07 LHHTX. Giai đoạn 2016-2020 có 09 LH HTX thành lập mới và 01 LH HTX giải thể.

Số HTX thành viên là 89 HTX (tăng 48 thành viên so với năm 2016) trong đó số lượng HTX thành viên mới tham gia vào LHHTX là 48 HTX.

Tổng số vốn hoạt động của LH HTX là 143.158 triệu đồng, tăng 123.458 triệu đồng so với năm 2016.

LH HTX đang hoạt động chủ yếu là các HTX thành lập từ năm 2016 trở lại đây. Các LHHTX này đã từng bước tổ chức liên kết, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho nhiều đơn vị thành viên phát triển. Một số LHHTX đã có kết quả hoạt động tốt, cung cấp sản phẩm rộng rãi cho toàn Thành phố và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, còn một số LHHTX chưa tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012, dẫn đến ngừng hoạt động là do đều gặp khó khăn trong hoạt động, trình độ quản lý điều hành còn thấp, thiếu phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi, sự liên kết giữa các HTX thành viên chưa được nhiều. Khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả.

(Chi tiết tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 đính kèm)

2. Tình hình phát triển KTTT theo ngành, lĩnh vực

2.1. Lĩnh vực nông nghiệp

Thành phố có 1.262 HTX nông nghiệp (tăng 214 HTX so với năm 2016) và 07 LHHTX nông nghiệp (tăng 04 LHHTX so với năm 2016).

Hoạt động kinh doanh dịch vụ của các THT, HTX, LHHTX (gọi chung là HTX) thuộc lĩnh vực nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên; đã đưa cơ giới hóa, giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất. Các HTX nông nghiệp đã tổ chức trên 10 khâu dịch vụ, hầu hết các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất đều được các hộ thành viên sử dụng; một số hộ đã mở rộng nhiều dịch vụ có lãi và thực hiện miễn các khoản dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thành viên. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho HTX; tham gia, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối, bước đầu đạt hiệu quả. Đến nay toàn Thành phố có 141 HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định; nhiều HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất Vietgap, hữu cơ, đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể như: gạo chất lượng cao T10 của HTX Đại Thắng - huyện Phú Xuyên, gạo nếp cái hoa vàng của HTX Liên Hà - huyện Đông Anh, khoai lang Hoàng Long của HTX Đồng Thái - huyện Ba Vì, ...

Do sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, giá cả các sản phẩm đầu ra không ổn định, ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh, một số thành viên bỏ ruộng để chuyển sang làm dịch vụ khác ngày càng nhiều nên hiệu quả hoạt động của HTX đến kinh tế của các thành viên không cao, số HTX hạn chế trong việc mở rộng liên kết với các tổ chức cá nhân để đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa còn nhiều. Thu nhập của thành viên, người lao động làm việc thường xuyên trong khu vực nông nghiệp (không kể thu nhập của riêng các hộ) còn thấp, bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, sản xuất nông nghiệp chuyên ngành có thu nhập cao hơn, từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

2.2. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại, dịch vụ

- Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Có 293 HTX CN-TTCN (tăng 33 HTX so với năm 2016) và 01 LH HTX CN-TTCN (trong 5 năm qua, không có LHHTX CN-TTCN thành lập mới). Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành; sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, đáp ứng một phần nhu cầu thiết yếu đối với sản phẩm hàng hóa cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận; quy mô tổ chức sản xuất đa số nhỏ khoảng 24 lao động/đơn vị. Kỹ thuật, công nghệ trong các HTX CN-TTCN phổ biến là thủ công truyền thống và bán tự động, khoảng 10% HTX sử dụng công nghệ hiện đại; một số HTX đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất (HTX Nhật Quang, HTX Quyết Tiến,...). Một số HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ phát triển tốt, thiết kế nhiều mẫu mã sản phẩm tiện dụng, thu hút khách hàng trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: HTX sơn khảm Ngọ Hạ, HTX mây tre lá Hồng Kỳ, HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu Phú Nghĩa, HTX công nghiệp Trường Sơn, HTX gốm sứ Tân Thịnh,... Bên cạnh những mặt đạt được thì còn những hạn chế nhất định như: mặt bằng chật hẹp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa ký được hợp đồng thuê đất lâu dài; trình độ lao động thủ công vẫn là phổ biến; thiếu vốn phát triển sản xuất kinh doanh,...

- Lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Có 253 HTX thương mại - dịch vụ (tăng 5 HTX so với năm 2016) và 04 LH HTX thương mại - dịch vụ (tăng 02 LH HTX so với năm 2016). Các đơn vị thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ chủ yếu kinh doanh nước sạch, điện dân sinh, dịch vụ nhà ở, bãi đỗ xe, đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh khai thác chợ, dịch vụ vui chơi giải trí. Một số đơn vị mở rộng hợp tác, liên kết trong kinh doanh, phát triển thị trường, đã có kết nối giữa HTX với doanh nghiệp, HTX với HTX để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần tích cực trong thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các HTX thương mại - dịch vụ hoạt động hiệu quả tiêu biểu là: HTX Láng Hạ (quận Đống Đa), HTX Thống Nhất (quận Nam Từ Liêm), HTX thương mại Việt Phương (huyện Gia Lâm),...

2.3. Lĩnh vực xây dựng

Trên địa bàn Thành phố có 23 HTX xây dựng (tăng 17 HTX so với năm 2016) và 02 LH HTX xây dựng (tăng 01 LH HTX so với năm 2016). Nhìn chung các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, quy mô vốn nhỏ, năng lực về tài chính, nhân lực, máy móc thiết bị, phương tiện thi công chưa đầy đủ và chịu tác động, ảnh hưởng theo những đặc thù của ngành xây dựng nên khó trúng thầu các công trình lớn hoặc hiệu quả đầu tư thấp, chủ yếu nhận thầu các công trình dân dụng,

2.4. Lĩnh vực vận tải

Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 189 HTX vận tải (tăng 128 HTX so với năm 2016); có 4 LH HTX vận tải (tăng 3 LH HTX so với năm 2016); doanh thu bình quân của đơn vị 9,9 tỉ đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên khoảng 4triệu đồng/tháng. Các HTX vận tải đều đã tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 và tập trung đổi mới quản lý điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới kinh doanh; hoạt động tương đối hiệu quả, góp phần vào việc vận chuyển, hàng hóa hành khách tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền. Tuy nhiên một số đơn vị thành lập mới chỉ có địa chỉ giao dịch (sử dụng chung với sinh hoạt gia đình), không có nhà xưởng, gara; một số đơn vị tuy có mặt bằng nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ, lạc hậu, không phát huy được nội lực đơn vị.

2.5. Lĩnh vực tín dụng

Hiện nay, Thành phố có 98 quỹ tín dụng nhân dân (TDND) với tổng số khoảng 122.000 thành viên, tổng nguồn vốn trên 12.000 tỷ đồng, tỉ lệ nợ xấu đa số dưới 3%. Hoạt động của đa số quỹ tín dụng nhân dân ổn định và có hướng phát triển khá. Các quỹ đã thực hiện tái cơ cấu tổ chức và hoạt động theo Luật tổ chức tín dụng và Luật HTX năm 2012; tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát và hiệu quả hoạt động; tích cực xử lý nợ xấu, duy trì các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả. Kết quả hoạt động của các quỹ TDND đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và hạn chế nạn cho vay nặng lãi tại các địa phương.

II. KHUNG KHỔ PHÁP LÝ VÀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU VỰC KTTT, HTX

1. Khung khổ pháp lý

Giai đoạn 2016-2020, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai thực hiện trên địa bàn, tiêu biểu là: Chương trình hành động số 204/CTr-UBND ngày 26/10/2018 thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012; Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 04/10/2018 của UBND Thành phố về “Chương trình hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020” theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 8450/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”; Quyết định số 579/QĐ-UBND ngày 30/01/2019 Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố; Quyết định 390/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 ban hành danh mục sản phẩm quan trọng trong nông nghiệp cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm;...

Ngoài ra, Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hỗ trợ chung về kinh tế - xã hội, về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong đó có đối tượng thụ hưởng là các HTX như: Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội;...

2. Tình hình triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX

2.1. Chính sách hỗ trợ chung đối với các HTX

a) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Hàng năm, Thành phố đều bố trí ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý HTX; các lớp bồi có đối tượng ngày càng mở rộng (Chủ tịch HĐQT, giám đốc, kiểm soát, kế toán, ...) và nội dung bồi dưỡng đa dạng hơn (gồm kiến thức về luật, chuyên môn nghiệp vụ, các kỹ năng). Giai đoạn 2016-2020, các sở, ngành, Liên minh HTX Thành phố đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 18.000 lượt cán bộ HTX với tổng kinh phí là 14 tỷ đồng. Đến nay, cán bộ của các HTX đã được trang bị kiến thức cơ bản về HTX; nhận thức và trình độ của cán bộ HTX được cải thiện, từng bước hỗ trợ có hiệu quả cho việc tổ chức, quản lý và kinh doanh của HTX.

b) Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã hỗ trợ nhiều HTX tham gia hội chợ thương mại quốc tế tại Hà Nội và hội chợ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước; tham gia Chương trình bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Thành phố và các tỉnh thành phố phía Bắc; hỗ trợ tổ chức các đoàn HTX đi tham quan mô hình điển hình tiên tiến, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường ở trong và ngoài nước; thực hiện kết nối các HTX có nhu cầu cung ứng sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu thụ sản phẩm.

Thành phố đã phối hợp với tổ chức Jica (Nhật Bản) xây dựng Trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản an toàn của Hà Nội (nongsanantoanhanoi.gov.vn), qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX gặp gỡ, tìm kiếm và kết nối với các đối tác liên kết, kinh doanh, nhà phân phối. Đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, phân phối, chuỗi liên kết của Hà Nội và các tỉnh tham gia, hàng trăm nghìn lượt truy cập, tìm kiếm thông tin kết nối trên trang web.

c) Chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới.

Giai đoạn 2016-2020, Thành phố triển khai hỗ trợ các HTX theo các chương trình ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông (hỗ trợ đưa giống mới, công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh, xây dựng nhà lưới, kho lạnh..). Hỗ trợ 5.603 triệu đồng để triển khai 02 dự án sản xuất thử nghiệm do 02 HTX chủ trì thực hiện là: Dự án “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị điều khiển tạo môi trường khí hậu nhân tạo đối với nhà màng nilon cho Lan hồ điệp ra hoa theo ý muốn trong sản xuất hoa lan theo quy mô công nghiệp” và Dự án “Hoàn thiện công nghệ, thiết kế, lắp đặt dây truyền sản xuất nấm hương và nấm linh chi theo hướng công nghiệp”; hỗ trợ 1.350 triệu đồng cho 2 đề tài nghiên cứu về HTX: “Nghiên cứu giải pháp chủ yếu đổi mới, phát triển HTX ở ngoại thành Hà Nội đến năm 2025”; “Các giải pháp chủ yếu thúc đẩy các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả ở thành phố Hà Nội”; hỗ trợ 12 đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm khác có sự tham gia của các HTX.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tư vấn, cấp kinh phí hỗ trợ các huyện, quận triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản và sản phẩm của làng nghề truyền thống ở địa phương như: “Miến dong Minh Hồng - Ba Vì” của HTX Minh Hồng (huyện Ba Vì); “Làng nghề may Áo dài truyền thống Trạch Xá - Ứng Hòa” của HTX làng nghề may áo dài Trạch Xá (huyện ứng Hòa); “Chuối Cổ Bi” của HTX Cổ Bi (huyện Gia Lâm); “Chuối Vân Nam - Phúc Thọ” của HTX Vân Nam (huyện Phúc Thọ); “Rau cần Khai Thái” của HTX Phú Xuân (huyện Thường Tín),...

Ngoài ra, Thành phố đã giao các sở, ngành phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học và HTX thực hiện các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm; tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến một số kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đến các HTX...

Việc hỗ trợ về ứng dụng khoa học công nghệ đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực; một số HTX đã ứng dụng thành công vào sản xuất kinh doanh, tạo ra được sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thương hiệu, nhãn hiệu và ký kết được các hợp đồng xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cho HTX và thành viên.

d) Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Thành phố tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nguồn vốn bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. Đồng thời, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các HTX, LH HTX, THT và thành viên vay vốn ưu đãi đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2016-2020, Quỹ đã hỗ trợ cho vay được 1.143 dự án với tổng số tiền là 376,25 tỷ đồng; vốn vay chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ nông nghiệp, chế biến lâm sản, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ, nhiều HTX đã có vốn đầu tư vào máy móc, đổi mới trang thiết bị, phát triển thêm ngành nghề, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm mới thích ứng với thị trường.

e) Chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các nội dung về phát triển kinh tế tập thể, HTX như: Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 06/10/2016 của UBND Thành phố thực hiện Chương trình 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” có nhiệm vụ hỗ trợ các HTX xây dựng đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; hỗ trợ, khuyến khích phát triển và thành lập mới HTX để các HTX nông nghiệp thực sự là một tổ chức kinh tế có vai trò thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đáp ứng tiêu chí số 13 - Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; Kế hoạch triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội” trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 579/QĐ-UBND ngày 30/01/2019) xác định rõ nội dung nhiệm vụ “Tạo điều kiện cho các HTX tham gia hoạt động một số dịch vụ phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới”,... Qua quá trình triển khai thực hiện, các HTX hiện nay đã và đang từng bước trở thành nhân tố mới, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đặc biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

g) Chính sách thành lập mới HTX, LH HTX.

Hàng năm, Thành phố đều bố trí ngân sách giao Liên minh HTX Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ thành lập HTX, hướng dẫn tổ chức lại hoạt động cho HTX. Ước giai đoạn 2016- 2020, đã hỗ trợ thành lập mới cho 337 HTX với tổng số kinh phí hỗ trợ 5.531,46 triệu đồng và hướng dẫn tổ chức lại hoạt động cho 275 HTX với tổng kinh phí hỗ trợ 5.750,2 triệu đồng.

Việc hỗ trợ các HTX trong quá trình thành lập đã khuyến khích người dân mạnh dạn trong hợp tác, đầu tư, mở rộng sản xuất, không còn bó hẹp trong mô hình sản xuất kinh doanh quy mô hộ, nhỏ lẻ. Các HTX được hỗ trợ thành lập cơ bản đã nắm được quy định của Luật HTX, ổn định tổ chức, đi vào hoạt động, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực KTTT, HTX

2.2. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX nông nghiệp

a) Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Thành phố tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thủy lợi cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp phát triển theo Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho khu vực nông thôn theo Chương trình số 02-CTr/TU là 56,512 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố là 20,911 nghìn tỷ đồng.

Để tiếp tục thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ngày 05/12/2018, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội; trong đó đưa ra nội dung và mức hỗ trợ cụ thể đối với việc xây dựng hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đối tượng áp dụng có các HTX. Ngày 30/01/2019, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 579/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó dự kiến hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho 30 HTX.

b) Chính sách giao đất, cho thuê đất

Giai đoạn 2016-2020, Thành phố ban hành Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 01/9/2016 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân và nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác dồn điền, đổi thửa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn. Đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.218/75.980,6ha (đạt 104%), cấp được 617.964/622.861 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, đạt 99,21%. Các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa. Cùng với những chính sách chung về đất đai, Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, trình tự, thủ tục xin thuê đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; phối hợp tư vấn, hướng dẫn và giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai của các HTX.

Sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt từ Thành phố đến cơ sở đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân nói chung, HTX nói riêng có trụ sở ổn định để sản xuất kinh doanh; tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, thực hiện liên doanh, liên kết, sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất; và xây dựng những mô hình HTX liên kết sản xuất nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

c) Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh

Thực hiện nội dung hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND Thành phố đã ban hành và triển khai Quyết định số 2544/QĐ-UBND ngày 11/4/2013 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội; theo đó, đối tượng áp dụng có các tổ hợp tác, HTX sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

d) Chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm

Ngày 05/12/2017, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 8450/QĐ-UBND về phê duyệt đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020”, trong đó đưa ra nhiệm vụ hỗ trợ 60 HTX tham gia các chương trình, dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngày 05/12/2018, HĐND Thành phố có Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về “Một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội” quy định cụ thể về điều kiện, nội dung, mức hỗ trợ đối với dự án cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở sơ chế, chế biến nông sản; các HTX là một trong những đối tượng hưởng lợi từ chính sách này.

3. Công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX

Công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể tại Thành phố ngày càng được quan tâm, từ công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, đến việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; xây dựng các cơ chế, chính sách của địa phương và công tác kiểm tra, giám sát...

- Công tác thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX: Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể của Thành phố hiện có 20 thành viên, đồng chí Phó chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo. Trước tháng 11/2018, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo là Liên minh HTX Thành phố; từ tháng 11/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Ở cấp huyện, UBND các quận, huyện, thị xã cử 01 đồng chí Phó chủ tịch UBND làm Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể của quận, huyện, thị xã. Hàng năm, Ban Chỉ đạo đối mới, phát triển KTTT các cấp thực hiện kiện toàn thành viên và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn, tổ chức giao ban, đánh giá tình hình triển khai công tác phát triển KTTT, HTX.

- Công tác kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về HTX: Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao nhiệm vụ giúp UBND Thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước chung đối với KTTT trên địa bàn; tuy nhiên, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố chưa có Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và Tư nhân. Ở cấp huyện, chức năng quản lý nhà nước về KTTT hiện được giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch, một số quận huyện giao Phòng Kinh tế. Cán bộ theo dõi KTTT ở các cấp hầu hết là kiêm nhiệm.

Để nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực KTTT, UBND Thành phố đã có một số văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức về KTTT, HTX; kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế quản lý nhà nước về KTTT, HXT (yêu cầu các quận, huyện, thị xã thống nhất phân công Phòng Tài chính - Kế hoạch là cơ quan tham mưu, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chung về KTTT, HTX; bố trí đủ biên chế theo dõi, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT, HTX theo đề án vị trí việc làm); triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX; tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTT, HTX.

- Công tác kiểm tra, giám sát: Các sở, ngành Thành phố, các cơ quan chuyên môn của nhiều quận, huyện thuộc Thành phố đã quan tâm triển khai công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các văn bản pháp luật về HTX; thường xuyên phối hợp để thanh kiểm tra hoạt động của HTX, tập trung vào các nội dung: thực hiện đề án, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, điều lệ HTX, tổ chức đại hội xã viên, quản lý tài chính HTX, nộp thuế... Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX như: Quản lý hệ thống thông tin về HTX; hướng dẫn các HTX về thủ tục đăng ký HTX, xây dựng Điều lệ HTX, tổ chức đại hội thành viên, quản lý tài sản tài chính HTX; giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX về đất đai, thuế, xử lý tài sản, tài chính... Hàng năm, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Liên minh HTX Thành phố tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, những khó khăn và thực hiện đánh giá phân loại HTX để đưa ra giải pháp chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật HTX năm 2012.

- Về việc sử dụng Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký HTX: Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã để thực hiện việc chuyển đổi dữ liệu đăng ký của HTX. Đến nay, việc đăng ký và cấp tài khoản truy cập, đăng nhập phần mềm chuyển đổi dữ liệu HTX vào Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký HTX cho các cán bộ thực hiện công tác đăng ký HTX đã hoàn thành; các quận, huyện, thị xã đã khẩn trương thực hiện việc chuyển đổi dữ liệu; tuy nhiên do có những khó khăn trong quá trình thực hiện nên một số quận, huyện chưa hoàn thành việc chuyển đổi dữ liệu theo kế hoạch. Đối với việc đăng ký mới, hiện nay, 100% hồ sơ đăng ký HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn Thành phố đã được tiếp nhận, xử lý, phê duyệt trên Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký hợp tác xã.

- Công tác tổ chức tổng kết, sơ kết: Thành phố đã tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; sơ kết 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012... và các hội nghị khác để đánh giá, rút kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX trên địa bàn.

- Việc thực hiện chế độ báo cáo về HTX, liên hiệp HTX theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT cơ bản đảm bảo; công tác thông tin, báo cáo của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã dần đi vào nề nếp, góp phần quan trọng trong việc nắm bắt, ra quyết định, chủ trương, chính sách phát triển KTTT, HTX của cấp ủy, chính quyền Thành phố.

4. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể và Liên minh HTX Việt Nam đối với phát triển KTTT, HTX

4.1. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể của Thành phố đã tham gia vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho việc thành lập các tổ hợp tác, HTX mới trong các ngành nghề, lĩnh vực; tham gia vào nhiều hoạt động hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, tư vấn giúp cho kinh tế tập thể, HTX ổn định và phát triển. Một số tổ chức đã có chương trình phối hợp hoạt động trong phát triển kinh tế tập thể với Liên minh HTX Thành phố.

4.2. Vai trò của Liên minh HTX Thành phố

Liên minh HTX Thành phố đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong phát triển KTTT, HTX, tích cực thực hiện các nhiệm vụ Thành phố giao, tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể, HTX và có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố.

Liên minh HTX Thành phố là Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể Thành phố giai đoạn 2009 - 2017 và là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CT/TU của Thành ủy về nông nghiệp, nông thôn, nông dân giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Với vị trí, vai trò trên, Liên minh HTX Thành phố đã trực tiếp tham mưu cho UBND Thành phố nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động của khu vực KTTT trên địa bàn Thành phố; đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT, gồm: hướng dẫn các quận, huyện xây dựng kế hoạch phát triển KTTT hàng năm và đánh giá, phân loại HTX; xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX; tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình KTTT, HTX hàng năm; tổ chức các phong trào thi đua và xét, đề xuất các cấp, ngành khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX của Thành phố;...

Liên minh HTX Thành phố đã thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ theo Luật HTX về: Tuyên truyền phát triển HTX; tư vấn hướng dẫn thành lập mới HTX, liên hiệp HTX; xây dựng các mô hình HTX (HTX nhà ở, HTX vệ sinh môi trường, HTX sản xuất - tiêu thụ rau an toàn, HTX chợ, mô hình liên hiệp HTX thủy sản chăn nuôi...); triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ; phối hợp với ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Quỹ TDND trên địa bàn Thành phố tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu tổ chức hoạt động theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng;...

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ PHÁT TRIỂN KTTT, HTX

1. Thành tựu, vị trí, vai trò của KTTT trong phát triển kinh tế - xã hội

Giai đoạn 2016-2020, các tổ chức của khu vực KTTT (đặc biệt là các HTX) đã được tổ chức lại và hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện” đúng với bản chất vốn có. Số lượng, hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh của HTX đa dạng hơn (Số HTX hoạt động hiệu quả năm 2016 là 46,5%, năm 2020 là 54,3%. Đa số HTX được tổ chức lại theo Luật HTX 2012, nội dung hoạt động được mở rộng, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ, thành viên phát triển. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng CNTT, đổi mới trong quản trị, điều hành.

Sự hợp tác, liên kết giữa các HTX với nhau và với các thành phần kinh tế khác ngày càng được coi trọng. Nhiều mô hình liên doanh, liên kết được xây dựng và phát triển; hình thức, nội dung liên kết, hợp tác đa dạng hơn như: cung ứng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, giống cây trồng vật nuôi, sản phẩm hàng hoá, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy của các HTX nông nghiệp; liên kết ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản cho các hộ thành viên. Nhiều HTX trên địa bàn các huyện đã chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp giống - vật tư nông nghiệp của Trung ương và tại các tỉnh, thành phố trong nước để cung cấp giống, vật tư nông nghiệp cho các hộ nông dân; liên kết với các doanh nghiệp sản xuất sữa, chè trong việc tiêu thụ và chế biến sản phẩm của thành viên HTX. Các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở làng nghề đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung cấp nguyên liệu, vật tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu.

Nhiều mô hình HTX mới, hiệu quả được triển khai; một số sản phẩm của HTX đã cạnh tranh được với các thành phần kinh tế khác. Khu vực KTTT bước đầu đã thoát ra khỏi “tình trạng trì trệ, yếu kém kéo dài” và ngày càng có đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô:

- Vai trò đối với phát triển kinh tế: Hoạt động của các HTX không những đóng góp trực tiếp vào GRDP chung của địa phương mà còn tác động đến phát triển kinh tế cá thể, hộ gia đình thông qua gần 570.000 thành viên tham gia HTX. HTX cung cấp đầu vào (giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ làm đất, gặt hái, bảo quản sau thu hoạch; tạo công ăn việc làm); khâu trung gian (chuyển giao, hướng dẫn, đào tạo, tư vấn kỹ thuật) và đầu ra là thu mua sản phẩm nông nghiệp cho hơn các hộ gia đình, cá nhân là thành viên, nên thành viên giảm được chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, không sợ tư thương ép giá; qua đó, thu nhập không ngừng được cải thiện, hiệu quả sản xuất được nâng lên, đời sống người dân từng bước phát triển. Ngoài KTTT, HTX, còn có các hình thức khác như tổ hợp tác - trên địa bàn Thành phố hiện nay có 1.543 tổ hợp tác - thu hút khoảng 4.629 thành viên tham gia. Qua hình thức này, các thành viên tăng thu nhập, có việc làm ổn định. KTTT, HTX đang dần trở thành chỗ dựa vững chắc, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, kinh doanh, giữ vai trò liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Trong phát triển nông nghiệp: HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng đang trở thành nhân tố giúp cho sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, thích nghi với yêu cầu thị trường. Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn, tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng, đặc biệt thay đổi hình thức sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình mới (hữu cơ, công nghệ cao), hoạt động của các HTX nông nghiệp đã làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp; góp phần tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực (OCOP) và đẩy mạnh xuất khẩu.

- Trong xây dựng nông thôn mới: Các tổ chức KTTT, HTX đã tham gia đóng góp xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội (giao thông, thủy lợi, điện, thương mại - dịch vụ, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí,...). Kết quả hoạt động của HTX hiện nay cũng là yếu tố quan trọng để đạt được Tiêu chí số 13 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới chung trên địa bàn (hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 382/382 xã đạt và cơ bản đạt Tiêu chí số 13).

- Vai trò về chính trị: Bên cạnh vai trò trên, với hình thức tổ chức “đối nhân”, KTTT, HTX đã thể hiện, phát huy tính dân chủ trong hoạt động của mình, qua đó tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện chủ trương, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các địa phương; đã xây dựng được sự đoàn kết tinh thần tương trợ, hợp tác trong nội bộ; góp phần ổn định chính trị - xã hội ở các địa phương.

- Vai trò về văn hóa: Thông qua HTX, các thành viên có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống (hiếu, hỷ, ốm đau, ...) giúp cho cộng đồng cư dân đoàn kết hơn, góp phần giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc là đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”. Hoạt động của một số HTX còn khắc phục một phần khó khăn về thị trường, thương hiệu sản phẩm, không những giúp các làng nghề truyền thống tồn tại, hoạt động mà còn đưa các sản phẩm làng nghề ra rộng rãi trên thị trường; một số sản phẩm làng nghề đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và được người tiêu dùng tin tưởng như: “Miến dong Minh Hồng - Ba Vì” của HTX Minh Hồng (huyện Ba Vì); “Áo dài truyền thống Trạch Xá - Ứng Hòa” của HTX làng nghề may áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa); “Chuối Cổ Bi” của HTX Cổ Bi (huyện Gia Lâm); “Rau cần Khai Thái” của HTX Phú Xuân (huyện Thường Tín);...

- Về lao động việc làm, an sinh xã hội: Trong quá trình hoạt động, các Liên hiệp HTX, HTX và THT đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động, thành viên của HTX (hiện nay Thành phố có 45.500 lao động thường xuyên, trong đó có 44.875 lao động là thành viên HTX), đồng thời gián tiếp tạo việc làm cho người lao động tại các hộ gia đình, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.

2. Tồn tại, hạn chế

- Nhận thức về vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của phát triển kinh tế tập thể, mô hình HTX kiểu mới của một số cán bộ, đảng viên, thành viên HTX và nhân dân chưa đầy đủ.

- Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể đối với nền kinh tế có xu hướng giảm dần. Mặc dù số lượng HTX tăng dần theo các năm nhưng tỷ lệ về số lượng HTX hiện còn nhỏ trong các thành phần kinh tế; tổng số vốn sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tập thể chiếm tỷ lệ khiêm tốn; quy mô HTX nhỏ; thu nhập bình quân đầu người một tháng tăng hàng năm nhưng vẫn ở mức thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác.

- Năng lực nội tại của các HTX còn hạn chế: Các HTX hoạt động hiệu quả chủ yếu là các HTX mới được thành lập gần đây; còn lại một số lượng không nhỏ HTX không mở rộng phát triển kinh doanh, chậm thích nghi với cơ chế thị trường và quá trình đô thị hóa, chủ yếu tập trung thực hiện các dịch vụ truyền thống; khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất, cơ sở vật chất; kết nối cung cầu hàng hóa còn hạn chế. vẫn còn hơn 300 HTX ngừng hoạt động, tồn tại danh nghĩa chưa được giải thể; còn có một số ít HTX chưa tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.

- Việc tiếp cận với quyền sử dụng đất của đơn vị rất khó khăn, nhiều tổ chức KTTT chưa có đất đai, trụ sở, nhà máy, xí nghiệp hoặc đất nông nghiệp để có quy mô sản xuất tập trung; việc tích lũy vốn đầu tư phát triển còn thấp, nhiều đơn vị còn khó khăn về tiếp cận vốn ưu đãi.

- Sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX có lúc chưa chặt chẽ. Một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại về đất đai của HTX chậm được giải quyết.

3. Nguyên nhân

3.1. Về pháp luật, cơ chế, chính sách:

Luật HTX năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành và nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức hoạt động và chính sách, hỗ trợ đối với khu vực KTTT, HTX là những khung khổ pháp lý tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện đã phát sinh bất cập (chức năng hỗ trợ, tỉ lệ dịch vụ nội bộ ...). Một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn chậm triển khai và khó thực hiện trong thực tiễn.

3.2. Về tổ chức thực hiện, pháp luật, cơ chế, chính sách.

- Thành phố đã triển khai nghiêm túc đầy đủ, các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách đối với khu vực KTTT, HTX nhưng nguồn lực thực hiện chủ yếu từ ngân sách địa phương, một số chính sách được lồng ghép với những hình thức khác; một số đối tượng thụ hưởng không có tư cách pháp nhân (THT), khó khăn cho việc tiếp cận thụ hưởng cơ chế, chính sách.

- Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Thành phố về phát triển KTTT, HTX của một số đơn vị chưa được thường xuyên. Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về phát triển kinh tế tập thể, HTX biến động, một số cán bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng nên có mặt còn hạn chế.

3.3. Về bản thân HTX

Quy mô HTX nhỏ, khả năng tích lũy hạn chế, trong khi đối tượng phục vụ lại có tính xã hội cao. Trình độ cán bộ quản lý HTX chưa cao, đa phần chưa qua đào tạo, tầm nhìn còn hạn chế; thu nhập, chế độ thù lao còn thấp. Sự liên kết giữa các HTX còn yếu, mô hình liên hiệp HTX chưa phát huy được hiệu quả.

3.4. Về thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT, HTX

- Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KTTT từ Thành phố đến quận huyện còn hạn chế về biên chế, đa số cán bộ đều kiêm nhiệm.

- Một số quận, huyện chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước chung về KTTT giữa Phòng Tài chính - Kế hoạch với Phòng Kinh tế; một số chính quyền cơ sở còn can thiệp sâu vào công tác quản trị, tổ chức cán bộ và hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

4. Bài học kinh nghiệm

Một là: Coi trọng công tác tuyên truyền, truyền thông, phổ biến sâu rộng, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các Nghị Quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của Thành phố về phát triển kinh tế tập thể, về mô hình hợp tác xã kiểu mới tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong thực hiện.

Hai là: Nghiên cứu thể chế hóa chủ trương, chính sách phát triển KTTT, HTX của Trung ương đảm bảo có hệ thống, được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế của THT, HTX, LH HTX được đồng bộ, đầy đủ, kịp thời; đặc biệt là thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Ba là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KTTT, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về phát triển KTTT ở Thành phố và cấp huyện. Quan tâm bố trí đủ nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KTTT. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KTTT. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Luật HTX, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển KTTT trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Bốn là: Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các HTX, LHHTX đảm bảo cán bộ phải có trình độ năng lực, có tinh thần trách nhiệm, năng động, có tư duy kiến thức về kinh tế thị trường gắn với thực tiễn cơ sở và thành viên; có khả năng tuyên truyền vận động thành viên, nhân dân tích cực tham gia các hoạt động của HTX.

Năm là: Chú trọng xây dựng các mô hình điểm, điển hình tiên tiến, tổ chức hoạt động hiệu quả; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, có khả năng huy động nguồn lực từ thị trường, có vùng nguyên liệu, vùng sản xuất phù hợp năng lực và điều kiện để phát triển, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân, tham gia chuỗi giá trị.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

1. Tình hình quốc tế

Tình hình thế giới và khu vực trong 5 năm tới: Hòa bình và hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn. Bên cạnh đó, trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Các nước lớn tiếp tục có điều chỉnh chiến lược, linh hoạt, phức tạp; các liên kết kinh tế khu vực và song phương tiếp tục được thúc đẩy, tuy nhiên liên kết kinh tế toàn cầu vẫn gặp khó khăn bởi xu hướng bảo hộ thương mại, hàng rào phi thuế quan gia tăng, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động nhanh, sâu rộng và đa chiều đến mọi mặt kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Công nghệ số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế số, xã hội số; xu hướng tiêu dùng và đời sống văn hóa - xã hội ở mỗi quốc gia sẽ có nhiều thay đổi. Biến đổi khí hậu gia tăng, sự nóng lên của toàn cầu, nước biển dâng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững; xu thế chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là tất yếu.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Thương mại thế giới năm 2020 giảm sâu do sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu toàn cầu và gián đoạn các chuỗi nguồn cung thế giới. Nhiều nền kinh tế trên thế giới bị phong tỏa, phá hủy chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và khiến hàng triệu người mất việc làm. Mặc dù chính phủ các nước đã triển khai các gói kích cầu để chống lại đại dịch và tác động của nó đến kinh tế xã hội, tuy nhiên, Covid-19 là một cuộc khủng hoảng y tế, xã hội và kinh tế chưa từng có tiền lệ, sự phục hồi của các nền kinh tế hậu Covid-19 được dự báo là sẽ rất chậm.

2. Tình hình đất nước

Việt Nam đã và đang có đà tăng trưởng khá vững chắc của cả quá trình đổi mới nói chung và cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh thời gian qua nói riêng. Theo đó, tăng trưởng GRDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011 - 2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017 - 2019. Việt Nam đang có sự ổn định tích cực cả môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô. Kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi góp phần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế kinh tế trong nước, tạo cơ hội mở rộng thị trường, đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn lớn. Quá trình đô thị hóa nhanh của nước ta diễn ra nhanh chóng. Với một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu thế tăng trưởng chậm của nền kinh tế thế giới và nới lỏng tiền tệ của nhiều nước lớn trong thập niên tới, gắn với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, ... Cùng với đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bao phủ toàn cầu, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô..., ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lên khu vực KTTT. Ngoài ra, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu; các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm; thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

3. Cơ hội và thách thức đối với khu vực KTTT, HTX

3.1. Cơ hội

Thủ đô Hà Nội những năm tới tiếp tục đô thị hóa nhanh; dân số tiếp tục tăng mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp chất lượng cao; chuyển dịch đất đai, lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác; chuyển dịch dân cư nông thôn sang dân cư thành thị với nhu cầu khác trước. Đây là yếu tố mà KTTT, HTX cần quan tâm để thực hiện tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Thủ đô Hà Nội có những thuận lợi cơ bản: giàu tài nguyên xã hội, nhân văn (quy mô dân số lớn với cơ cấu trẻ, lực lượng lao động chất lượng cao, quy tụ được đội ngũ cán bộ, chuyên gia, trí thức có trình độ cao); nguồn lực về đất đai còn rất lớn; Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương, sự quyết tâm và trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân trong xây dựng và phát triển. Đây là những thuận lợi cơ bản thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và KTTT nói riêng.

3.2. Thách thức

Những khó khăn, thách thức đối với Thủ đô ngày càng bộc lộ rõ hơn trong quá trình hội nhập: các ngành công nghiệp gia công có giá trị gia tăng, năng suất và trình độ quản lý thấp ngày càng khó khăn trong cạnh tranh thị trường; doanh nghiệp nói chung và các HTX nói riêng sẽ phải đối mặt với vấn đề sở hữu trí tuệ, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa; giá thuê đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh ngày càng cao dẫn đến một số doanh nghiệp di dời ra các địa phương có giá thuê rẻ hơn;...

Kinh tế tập thể của Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển tích cực song phần lớn các tổ chức kinh tế tập thể có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, tỷ trọng trong kinh tế Thủ đô còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa cao, năng lực quản lý, quản trị, của một bộ phận của HTX còn hạn chế. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân ngày được nâng cao; yêu cầu của thị trường về sản phẩm hàng hóa có đủ tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, có kiểm soát ngày càng “khắt khe” đòi hỏi việc quản lý, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ của kinh tế hợp tác trong sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng ngày càng cao hơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, song cũng là thách thức đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp do khả năng ứng dụng, hấp thụ các công nghệ của kinh tế tập thể Hà Nội còn hạn chế.

Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục tác động rất mạnh đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thủ đô; nhất là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thu chi ngân sách, đầu tư và thương mại; làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng, dịch vụ và du lịch; đòi hỏi vừa phải chủ động phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội,vừa phải nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển mạnh các ngành kinh tế...

4. Dự báo xu hướng phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025

KTTT, HTX có tác động quan trọng đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, trở thành chỗ dựa, phát huy vai trò kinh tế hộ, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và hỗ trợ nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội cho thành viên. Trong thời gian tới, các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định song phương, đa phương thế hệ mới. Trong khi đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Do vậy, trong giai đoạn mới đòi hỏi thành phố Hà Nội phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tận dụng các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, vượt qua các khó khăn thách thức, giảm thiểu các tác động tiêu cực của quá trình hội nhập.

Trên thế giới, HTX là một mô hình kinh tế đã hình thành từ lâu đời, được khẳng định và phổ biến ở hầu hết các nước, hiện nay mô hình này đang tiếp tục phát triển, có sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia và phát huy hiệu quả tại nhiều nước phát triển như: Anh, Mỹ, Hà Lan, Đức... Ở Hà Nội, số lượng HTX được thành lập mới trong những năm qua vẫn tiếp tục tăng lên, “HTX kiểu mới” sẽ phát triển theo xu hướng chung này. Mặt khác, KTTT, HTX phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với “chuỗi” giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả ngày càng cao.

Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng; có nhiều HTX quy mô toàn xã, huyện; nhiều loại hình HTX mới được thành lập như HTX môi trường, HTX trường học, HTX y tế... Trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng cao; một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của HTX. Thông qua HTX, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, thu nhập của người lao động cũng như của thành viên, hộ thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đáng chú ý, số lượng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững; nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh, tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm; Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu. Mô hình hợp tác liên kết theo nguyên tắc “tự nguyện, cùng có lợi”, mô hình hợp tác, liên kết thời gian tới sẽ có ở các hình thức THT, HTX, LH HTX; tuy nhiên, trước mắt HTX sẽ là mô hình có sự lựa chọn để phát triển trước.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. KTTT là thành phần kinh tế tất yếu và quan trọng trong các thành phần kinh tế của Thủ đô. Phát triển KTTT phải phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

2. KTTT, HTX kiểu mới có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. KTTT, HTX không những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, mà còn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, an ninh trật tự, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

3. Khuyến khích phát triển các loại hình của KTTT, với sự liên kết đa dạng; ưu tiên phát triển tổ chức KTTT gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và có tác động lớn với thành viên, cộng đồng. Khuyến khích phát triển bền vững KTTT, HTX với nhiều hình thức, hợp tác, liên kết, đa dạng, phong phú. Các loại hình kinh tế hợp tác phải phát triển theo nguyên tắc: tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX phải căn cứ yêu cầu thực tế khách quan, tránh tư tưởng nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

4. Phát triển KTTT, HTX là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; cần có được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia tích cực của Liên minh Hợp tác xã.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển KTTT cả chiều rộng và chiều sâu; phấn đấu KTTT, HTX có đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, đóng góp tích cực trong việc tái cơ cấu kinh tế, kinh tế nông nghiệp và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thông qua phát triển KTTT, HTX để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên HTX, nhân dân; góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị - xã hội.

2. Các mục tiêu cụ thể

- Tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới khoảng 100 HTX mỗi năm, nâng tổng số HTX trên địa bàn là 2.498 HTX, trong đó có khoảng 150-200 HTX nông nghiệp. Thành lập mới 7 LHHTX.

- Vận động, hướng dẫn, giải thể khoảng 35 HTX mỗi năm.

- Doanh thu bình quân của HTX 3.525 triệu đồng.

- Thu nhập bình quân của người lao động từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

(Chi tiết tại Phụ lục 3 và Phụ lục 4 đính kèm)

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KTTT GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Định hướng chung

- Khuyến khích phát triển KTTT, HTX trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, trên mọi địa bàn thuộc Thành phố; thu hút mọi thành phần xã hội tham gia; bảo đảm quyền và lợi ích của thành viên HTX.

- Phát triển KTTT phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quy hoạch vùng sản xuất và gắn với công nghiệp chế biến, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội của địa phương phù hợp với tiến trình hội nhập nền kinh tế thế giới và khu vực, xây dựng nông thôn mới.

- Phát triển KTTT, HTX đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực, truyền thống gắn với “chuỗi giá trị”.

- Phát triển KTTT phải đảm bảo các nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi; phù hợp với điều kiện từng vùng. Phát triển KTTT không chỉ chú trọng hiệu quả về mặt kinh tế mà phải chú trọng hiệu quả về mặt chính trị, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng của Thành phố; nâng cao tỷ lệ đóng góp của khu vực KTTT vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

- Huy động nguồn lực cần thiết cho hoạt động hỗ trợ phát triển HTX; tạo điều kiện để HTX tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực của để phát triển HTX, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có HTX hoạt động hiệu quả theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012, các quy định của pháp luật về KTTT, HTX và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

- Giải thể các HTX ngừng hoạt động, yếu kém kéo dài, không củng cố được trên địa bàn để tạo dư địa thành lập mới HTX.

2. Định hướng phát triển KTTT theo ngành, lĩnh vực chủ yếu

2.1. Định hướng phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp

- Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện có; hướng dẫn các HTX chuyển sang mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững và Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

- Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến... Phát triển mô hình HTX chuyên canh (như : HTX rau sạch, HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm, HTX chế biến nông sản, thực phẩm và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị cao, có truy xuất nguồn gốc, ...); đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản xuất khẩu, từng bước hình thành tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp dịch vụ công nghệ cao.

- Thành lập mới các HTX nông nghiệp chuyên ngành trên cơ sở tập trung ruộng đất thành những vùng sản xuất quy mô lớn chuyên canh của HTX. Có cơ chế chính sách khuyến khích tập trung ruộng đất theo các hình thức góp đất, cho thuê đất và thuê đất để HTX chủ động áp dụng công nghệ sản xuất có lợi nhất.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định bền vững từ cung cấp đầu vào cho sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Hướng dẫn, hỗ trợ sáp nhập, hợp nhất các HTX dịch vụ nông nghiệp có quy mô thôn thành các HTX quy mô toàn xã.

2.2. Định hướng phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp

- Phát triển HTX CN-TTCN kiểu mới cung cấp sản phẩm, dịch vụ chung phục vụ các thành viên là các cơ sở sản xuất TTCN và xây dựng. Chú trọng phát triển HTX CN-TTCN trong các làng nghề theo mô hình vừa sản xuất tập trung vừa sản xuất tại hộ gia đình các thành viên nhằm tận dụng mặt bằng sản xuất, người lao động, thời gian nông nhàn, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, qua đó giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp, các ngành nghề đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Tập trung ưu tiên các nguồn lực, đặc biệt là vốn, đất đai, mặt bằng hỗ trợ cho các HTX, LHHTX cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các mô hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX thương mại với nhau và giữa các HTX thương mại dịch vụ với các thành phần kinh tế khác, đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ theo hướng hiện đại.

Phát triển các THT, HTX thương mại dịch vụ tổng hợp, chú trọng mô hình HTX sản xuất nông nghiệp - thương mại - dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của nhân dân ở những nơi chưa có HTX thương mại; phát triển HTX kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

- Phát triển HTX xây dựng và kinh doanh tổng hợp, vừa xây dựng, vừa sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; có năng lực đảm nhận các công trình xây dựng quy mô vừa và nhỏ, tham gia các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương; khuyến khích đẩy mạnh liên kết giữa các HTX và các doanh nghiệp trong ngành xây dựng có năng lực hoạt động cao, đủ sức cạnh tranh để có thể thực hiện các dự án có quy mô lớn và chất lượng cao.

- Vận động phát triển HTX vận tải hỗn hợp (vừa tổ chức sản xuất tập trung, vừa làm các dịch vụ cho thành viên...), các HTX dịch vụ vận tải phát triển nhiều ngành nghề, các dịch vụ đa dạng như: sửa chữa cơ khí, cung ứng xăng dầu, vật tư, bến bãi, luồng tuyến phục vụ cho các thành viên và xã hội.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu tổ chức hoạt động. Tiếp tục củng cố, chấn chỉnh và nâng cao mức độ an toàn hiệu quả của quỹ TDND hiện có; đảm bảo quỹ TDND hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên.

- Tiếp tục củng cố và phát triển HTX trong các ngành, lĩnh vực nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng dân cư. Từng bước phát triển mới các HTX trong các ngành và lĩnh vực như : HTX vệ sinh môi trường, HTX dịch vụ đời sống, HTX nước sạch, HTX y tế, HTX trường học, HTX dịch vụ nhà ở, HTX quản lý chợ,…; HTX của cựu chiến binh, HTX của phụ nữ, HTX của thanh niên...

V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Về tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, HTX

Tiếp tục tổ chức quán triệt, học tập nâng cao nhận thức về KTTT, HTX, từ đó tạo sự thống nhất các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về: Vai trò, vị trí quan trọng, tính tất yếu của KTTT, HTX; trách nhiệm của các cấp, các ngành; chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với phát triển KTTT, HTX; về sự cần thiết và yêu cầu khách quan cần phải tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX kiểu mới, về tác động của KTTT trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống thành viên HTX của cán bộ quản lý trong hệ thống KTTT, để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động điều hành của HTX, vai trò đóng góp của các thành viên của KTTT trong xây dựng, phát triển HTX. Các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch để tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX. Chú trọng tuyên truyền, tập huấn cho các tầng lớn nhân dân, thành viên HTX hiểu rõ, hiểu đúng bản chất, nguyên tắc và pháp luật về HTX, cơ chế quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của HTX.

2. Về hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách

Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật HTX năm 2012, các văn bản quy phạm pháp luật về KTTT, HTX và đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp.

Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KTTT giai đoạn 2021-2025 theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Trên cơ sở chính sách hỗ trợ của Trung ương tại Quyết định số 1804/QĐ-TW ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, các cơ quan, đơn vị, nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án về hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX giai đoạn mới của Thành phố, tập trung hỗ trợ về: Thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, HTX; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;... Chủ động cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách.

3. Về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với KTTT, HTX, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc chỉ đạo phát triển KTTT, HTX, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành xây dựng, chỉ đạo thực hiện các đề án, kế hoạch, chương trình về phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 và hàng năm. Tập trung, quyết liệt hơn trong tổ chức quán triệt phổ biến Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Thành phố trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, sự nhận thức đúng đắn về bản chất, vị trí, vai trò của KTTT, mô hình HTX kiểu mới.

Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT trên địa bàn Thành phố theo hướng tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho HTX hoạt động, đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật của các HTX. Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX; tránh tình trạng buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu vào nội bộ của HTX.

Thống nhất phân công Phòng Tài chính - Kế hoạch là cơ quan tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước chung về KTTT, HTX; khắc phục tình trạng chồng chéo nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTT giữa Phòng Tài chính - Kế hoạch với Phòng Kinh tế cấp huyện; bố trí đủ cán bộ phụ trách, theo dõi về KTTT, HTX.

4. Về nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, xây dựng mô hình HTX hiệu quả và tổng kết mô hình

Hướng dẫn tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong HTX; đồng thời, tạo điều kiện cho HTX tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo; có chế độ ưu đãi về quy định cụ thể để thu hút nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại các HTX và giữ lại cán bộ quản lý HTX giỏi, có năng lực quản lý và tâm huyết với HTX; quan tâm triển khai chính sách bảo hiểm xã hội cho cán bộ quản lý HTX.

Các cơ quan quản lý tổ chức đánh giá, phân loại HTX hoạt động hiệu quả, trung bình, yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể từng HTX thực hiện tái cơ cấu. Rà soát, tổng hợp các khó khăn của HTX; từng bước tháo gỡ rào cản nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực của HTX; vận động giải thể, giải thể bắt buộc, dứt điểm các HTX yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập HTX mới.

Tập trung xây dựng một số mô hình HTX, LH HTX hoạt động hiệu quả, tham gia liên kết, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn Thành phố; các HTX dịch vụ nông nghiệp thực hiện đảm bảo tiêu chí số 13 và 13.5 bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

5. Về huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT, HTX

Các tổ chức KTTT xây dựng phương án phát triển sản xuất kinh doanh khả thi, phù hợp với nhu cầu của thành viên, huy động nguồn vốn nội lực từ thành viên, đơn vị thành viên để thực hiện các hoạt động mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn hoạt động cho các tổ chức trong khu vực KTTT, HTX thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các quỹ tín dụng, ngân hàng; nghiên cứu việc tiếp cận vốn thông qua hình thức tín chấp. Vận động, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, nhà tài trợ trong nước, các tổ chức quốc tế.

6. Về phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể trong phát triển KTTT.

Mặt trận Tổ quốc Thành phố có chương trình phối hợp hành động trong phát triển KTTT với các tổ chức đoàn thể, các thành viên và Liên minh HTX Thành phố. Tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng, hội viên, thành viên tham gia phát triển KTTT, HTX; thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện Luật HTX 2012 và các chính sách phát triển KTTT, HTX; củng cố và phát triển tổ chức đoàn thể trong HTX, LHHTX.

7. Về tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX Thành phố

Thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Liên minh HTX Thành phố thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, mở rộng hoạt động trong một số lĩnh vực dịch vụ công.

Liên minh HTX Thành phố củng cố tổ chức, bộ máy, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các HTX, tập trung vào tư vấn hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của HTX, đơn vị thành viên; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Tiếp tục tham mưu cho Thành phố xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch giai đoạn, hàng năm về phát triển KTTT; triển khai công tác hỗ trợ phát triển HTX (hỗ trợ thành lập mới, củng cố HTX; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX; xúc tiến thương mại; xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị...); tăng cường phối hợp với chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan liên quan để giải quyết các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của HTX thành viên, xã viên và người lao động trong các HTX.

8. Về tăng cường hợp tác quốc tế về KTTT

Nghiên cứu triển khai, tổ chức thăm quan, trao đổi, học tập các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả ở trong và ngoài nước. Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thông tin tư vấn, vốn đầu tư, khoa học công nghệ...

Khuyến khích các hợp tác xã chủ động nghiên cứu, xây dựng định hướng phát triển theo mô hình hợp tác xã kiểu mới để nhằm đáp ứng với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ, hướng dẫn các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất sản phẩm hàng hóa, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Liên minh HTX Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã: Trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách; xây dựng chương trình hành động và kế hoạch hàng năm để triển khai; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về việc thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025.

2. Định kỳ hàng năm, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch của Thành phố và chương trình, kế hoạch hành động của đơn vị gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX Thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (Để báo cáo)
- Liên minh HTX Việt Nam; (Để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (Để báo cáo)
- Thường trực HĐND TP; (Để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (Để báo cáo)
- Các PCT UBND Thành phố; (Để báo cáo)
- Các sở, ngành Thành phố;
- Liên minh HTX Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VP UBND TP: CVP, PCVP,
Các phòng: KT, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Minh Hải

 

PHỤ LỤC 1

CHỈ TIÊU CƠ BẢN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 03/02/2021 của UBND Thành phố)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Thực hiện năm

Thực hiện giai đoạn 2016- 2020

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

I

HỢP TÁC XÃ

 

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ trọng đóng góp vào GDP

%

0,7

0,7

0,7

 

 

 

2

Tổng số hợp tác xã

HTX

1.764

1.780

1.970

2.084

2.164

2.164

3

Tình hình hoạt động của HTX

 

 

 

 

 

 

 

 

Số HTX đang hoạt động

HTX

1.493

1.506

1.666

1.782

1.802

1.802

 

Số HTX ngừng hoạt động

HTX

271

274

304

302

362

362

 

Số HTX thành lập mới

HTX

336

119

100

555

 

Số HTX giải thể

HTX

177

5

20

202

 

Số HTX hoạt động hiệu quả

HTX

821

883

999

1.158

1.175

 

 

Số HTX thành lập doanh nghiệp

HTX

 

1

1

1

1

1

4

Tổng số thành viên HTX

Thành viên

628.878

585.920

564.173

566.380

598.500

598.500

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

Số thành viên mới

Thành viên

1.140

1.260

3.320

3.428

3.200

12.348

 

Số thành viên là cá nhân

Thành viên

271.675

257.805

253.878

254.871

 

0

 

Số thành viên là đại diện hộ gia đình

Thành viên

357.203

328.000

310.180

311.394

 

0

 

Số thành viên là pháp nhân

Thành viên

 

115

115

115

115

115

5

Tổng số lao động thường xuyên trong HTX

Người

37.325

37.650

41.650

44.550

45.500

45.500

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

Số lao động thường xuyên mới

Người

950

1.050

4.000

2.900

925

9.825

 

Số lao động là thành viên HTX

Người

34.712

35.015

38.735

41.432

44.875

44.875

6

Tổng vốn hoạt động của HTX

Triệu đồng

11.984.849

13.087.780

13.729.632

13.923.432

14.008.432

14.008.432

7

Tổng giá trị tài sản HTX

Triệu đồng

2.931.768

2.491.882

2.719.754

3.126.000

3.201.000

3.201.000

8

Doanh thu bình quân một HTX

Tr đồng/năm

2.084

2.188

2.263

2.495

2.750

2.356

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

Doanh thu của HTX với thành viên

Tr đồng/năm

 

 

 

 

 

 

9

Lãi bình quân một HTX

Tr đồng/năm

152

161

168

178

190

170

10

Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX

Tr đồng/năm

40

43

45

48

50

45

11

Tổng số cán bộ quản lý HTX

Người

6.774

7.033

7.092

7.502

6.603

6.603

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp

Người

4.537

4.750

4.893

5.252

4.462

4.462

 

Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên

Người

1.267

1.316

1.418

1.651

2.141

2.141

12

Số cán bộ HTX được đóng BHXH

Người

 

 

2.169

 

3.078

 

II

LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổng số Liên hiệp HTX

LHHTX

8

10

10

13

17

17

2

Tình hình hoạt động của LHHTX

 

 

 

 

 

 

 

 

Số LHHTX thành lập mới

LHHTX

2

2

0

3

3

10

 

Số LHHTX giải thể

LHHTX

0

0

0

0

1

1

 

Số LHHTX hoạt động hiệu quả

LHHTX

 

 

 

 

 

 

3

Tổng số HTX thành viên

HTX

41

49

49

77

89

89

4

Tổng vốn hoạt động của LHHHX

Triệu đồng

19.700

30.200

30.200

133.500

143.158

143.158

5

Tổng giá trị tài sản của LHHTX

Triệu đồng

 

 

 

 

 

 

6

Doanh thu bình quân một LHHTX

Tr đồng/năm

 

 

 

 

 

 

7

Lãi bình quân một LHHTX

Tr đồng/năm

 

 

 

 

 

 

III

THỢP TÁC

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổng số tổ hợp tác

THT

1.284

1.284

1.393

1.493

1.543

1.543

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

Số THT thành lập mới

THT

 

 

109

100

50

259

 

Số THT có đăng ký thành lập

THT

1.284

1.284

1.393

1.493

1.543

1.543

2

Tổng số thành viên THT

Thành viên

3.852

3.852

4.181

4.485

4.629

4.629

3

Tổng số lao động trong THT

Người

 

 

 

 

 

 

4

Doanh thu bình quân một THT

Tr đồng/năm

 

 

200

200

220

 

5

Lãi bình quân một THT

Tr đồng/năm

 

 

30

30

35

 

 

PHỤ LỤC 2

SỐ LƯỢNG HTX, LIÊN HIỆP HTX, TỔ HỢP TÁC PHÂN LOẠI THEO NGÀNH NGHỀ GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 03 /02/2021 của UBND Thành phố)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Thực hiện giai đoạn 2011-2015

Thực hiện năm

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

I

HỢP TÁC XÃ

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số hợp tác xã

HTX

1.811

1.764

1.780

1.970

2.084

1.164

 

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

 

1

HTX nông nghiệp

HTX

1.085

1.048

1.054

1.134

1.214

1.262

2

HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

HTX

263

260

260

280

284

293

3

HTX xây dựng

HTX

15

6

6

13

14

23

4

HTX tín dụng

HTX

98

98

98

98

98

98

5

HTX Thương mại-dịch vụ

HTX

230

248

260

304

319

253

6

HTX vận tải

HTX

56

61

63

80

87

189

7

HTX khác

HTX

50

29

25

47

52

46

II

LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số Liên hiệp hợp tác xã

LHHTX

6

8

10

11

14

17

 

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

 

1

LHHTX nông nghiệp

LHHTX

2

3

5

5

5

7

2

LHHTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

LHHTX

1

1

1

1

1

1

3

LHHTX xây dựng

LHHTX

1

1

1

1

2

2

4

LHHTX tín dụng

LHHTX

 

0

0

0

0

0

5

LHHTX Thương mại-dịch vụ

LHHTX

1

2

2

2

3

4

6

LHHTX vận tải

LHHTX

1

1

1

2

3

3

7

LHHTX môi trường

LHHTX

 

 

 

 

 

 

8

LHHTX nhà ở

LHHTX

 

 

 

 

 

 

9

LHHTX khác

LHHTX

 

 

 

 

 

 

III

THỢP TÁC

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số tổ hợp tác

THT

836

788

1.284

1.393

1.493

1.543

 

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

 

1

THT nông nghiệp

THT

568

544

899

951

1.006

1.049

2

THT công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

THT

234

213

321

366

395

417

3

THT xây dựng

THT

 

 

 

 

 

 

4

THT Thương mại-dịch vụ

THT

 

 

 

 

 

 

5

THT vận tải

THT

 

 

 

 

 

 

6

THT môi trường

THT

 

 

 

 

 

 

7

THT nhà ở

THT

 

 

 

 

 

 

8

THT khác

THT

33

32

64

76

92

77

 

PHỤ LỤC 3

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 03/02/2021 của UBND Thành phố)

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Kế hoạch

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

I

HỢP TÁC XÃ

 

 

 

 

 

 

1

Tổng số hợp tác xã

HTX

2.229

2.294

2.359

2.424

2.498

2

Tình hình hoạt động của HTX

 

 

 

 

 

 

 

Số hợp tác xã đang hoạt động

HTX

1.879

1.964

2.049

2.124

2.218

 

Số hợp tác xã thành lập mới

HTX

100

100

100

100

100

 

Số hợp tác xã giải thể

HTX

35

35

35

35

35

 

Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả

HTX

1.287

1.394

1.495

1.593

1.707

 

Số HTX thành lập doanh nghiệp

HTX

1

1

1

1

1

3

Doanh thu bình quân một hợp tác xã

Tr đồng/năm

2.900

3.045

3.197

3.357

3.525

4

Lãi bình quân một hợp tác xã

Tr đồng/năm

190

200

210

220

230

5

Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã

Tr đồng/năm

54

57

60

63

66

II

LIÊN HIỆP HTX

 

 

 

 

 

 

1

Tổng số liên hiệp hợp tác xã

LHHTX

17

18

19

20

21

2

Tình hình hoạt động của LHHTX

 

 

 

 

 

 

 

Số liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động

 

 

 

 

 

 

 

Số liên hiệp HTX thành lập mới

LHHTX

2

2

2

2

2

 

Số liên hiệp HTX giải thể

LH HTX

1

1

1

1

1

3

Tổng số hợp tác xã thành viên

HTX

96

101

106

111

116

III

Tổ hợp tác

 

 

 

 

 

 

1

Tổng số tổ hợp tác

THT

1.593

1.643

1.693

1.743

1.793

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Số THT thành lập mới

THT

50

50

50

50

50

 

Số tổ hợp tác có đăng ký thành lập

 

1.543

1.593

1.643

1.693

1.743

2

Tổng số thành viên tổ hợp tác

Thành viên

4.780

4.930

5.080

5.230

5.380

 

PHỤ LỤC 4

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC PHÂN LOẠI THEO NGÀNH NGHỀ GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 03/02/2021 của UBND Thành phố)

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Kế hoạch

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

I

HỢP TÁC XÃ

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số hợp tác xã

HTX

2.229

2.294

2.359

2.424

2.498

 

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

1

Hợp tác xã nông nghiệp

HTX

1.292

1.312

1.342

1.377

1.430

2

Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

HTX

302

307

314

320

327

3

Hợp tác xã xây dựng

HTX

24

25

26

26

27

4

Hợp tác xã tín dụng

HTX

98

98

98

98

98

5

Hợp tác xã thương mại

HTX

260

266

273

279

286

6

Hợp tác xã vận tải

HTX

194

200

206

213

218

7

Hợp tác xã khác

HTX

59

86

100

111

112

II

LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số LH hợp tác xã

LHHTX

18

19

21

23

25

 

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

1

LH hợp tác xã nông nghiệp

LHHTX

8

8

9

10

10

2

LH hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

LHHTX

1

1

1

1

1

3

LH hợp tác xã xây dựng

LHHTX

2

2

2

2

3

4

LH hợp tác xã tín dụng

LHHTX

 

 

 

 

 

5

LH hợp tác xã thương mại

LHHTX

4

4

5

5

6

6

LH hợp tác xã vận tải

LHHTX

3

4

4

5

5

7

LH hợp tác xã môi trường

LHHTX

 

 

 

 

 

8

LH hợp tác xã nhà ở

LHHTX

 

 

 

 

 

9

LH hợp tác xã khác

LHHTX

 

 

 

 

 

III

THỢP TÁC

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số tổ hợp tác

THT

1.593

1.643

1.693

1.743

1.793

 

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

1

Tổ hợp tác nông nghiệp

THT

1.115

1.150

1.185

1.220

1.255

2

Tổ hợp tác công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

THT

414

427

440

453

466

3

Tổ hợp tác xây dựng

THT

 

 

 

 

 

4

Tổ hợp tác thương mại

THT

 

 

 

 

 

5

Tổ hợp tác vận tải

THT

 

 

 

 

 

6

Tổ hợp tác môi trường

THT

 

 

 

 

 

7

Tổ hợp tác nhà ở

THT

 

 

 

 

 

8

Tổ hợp tác khác

THT

64

66

68

70

72

 





Kế hoạch 192/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TU Ban hành: 12/10/2016 | Cập nhật: 28/10/2016