Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội
Số hiệu: 10/2018/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
Ngày ban hành: 05/12/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tài chính, Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHHÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2018/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, PHÁT TRIỂN HỢP TÁC, LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP; XÂY DỰNG HẠ TẦNG NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 7

(Từ ngày 04/12 đến ngày 06/12/2018)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25/11/2013;

Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;

Xét Tờ trình số 172/TTr-UBND ngày 15/11/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc đề nghị ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội; Báo cáo thẩm tra số 99/BC-HĐND ngày 29/11/2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố; Báo cáo giải trình số 335/BC-UBND ngày 04/12/2018 của UBND Thành phố; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội, với các nội dung chính như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Chính sách này áp dụng cho các hoạt động phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường

a) Đối tượng, điều kiện áp dụng:

- Đơn vị, tổ chức được cấp có thẩm quyền giao tập huấn theo kế hoạch, dự toán hàng năm.

- Giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật tham gia giảng dạy; cán bộ quản lý lớp tập huấn.

- Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản, liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Mỗi người chỉ được hỗ trợ tham gia 01 lần/01 nội dung tập huấn.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Chi in ấn tài liệu, giáo trình trực tiếp phục vụ lớp tập huấn; văn phòng phẩm; nước uống; thuê phương tiện, hội trường, trang thiết bị phục vụ lớp tập huấn; vật tư thực hành (nếu có): Mức chi theo đơn giá, định mức chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc theo hợp đồng thực tế.

- Chi bồi dưỡng cho giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật (một buổi giảng được tính bằng 4 tiết học):

Giảng viên là tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh, thành phố trả tiền công giảng dạy, mức 1.200.000 đồng/buổi.

Giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật có trình độ kỹ sư và tương đương trả tiền công giảng dạy, mức 600.000 đồng/buổi.

- Chi hỗ trợ cho người sản xuất:

Hỗ trợ tiền ăn tối đa không quá 50.000 đồng/ngày/học viên.

Hỗ trợ tiền đi lại đối với người học xa nơi cư trú từ 15 km trở lên theo giá giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/học viên/khóa tập huấn; đối với nơi không có phương tiện giao thông công cộng thanh toán theo mức khoán 150.000 đồng/học viên/khóa tập huấn.

- Thời gian tập huấn: Tối đa không quá 03 ngày/lớp.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách Thành phố hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị được giao tổ chức tập huấn.

3. Hỗ trợ đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết

a) Đối tượng, điều kiện áp dụng:

- Đối tượng: Người lao động trực tiếp có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, trong độ tuổi lao động theo quy định, có trình độ trung học cơ sở trở lên, có nhu cầu bồi dưỡng về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Người quản lý và người lao động trực tiếp tại các đơn vị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong độ tuổi lao động theo quy định, có nhu cầu được đào tạo nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.

- Điều kiện: Người lao động được doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đủ điều kiện chuyển giao, đào tạo về ứng dụng công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc được cơ sở đào tạo có đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo quy định. Có trong kế hoạch đào tạo và dự toán hàng năm của Thành phố.

b) Nội dung và mức hỗ trợ: Mỗi lao động được hỗ trợ một lần bằng 100% học phí đào tạo nghề và tiền tài liệu theo quy định của cơ sở đào tạo nghề hoặc theo phương án đào tạo của các cơ sở tự đào tạo được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, mức hỗ trợ tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách Thành phố hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở sử dụng tự đào tạo lao động hoặc cơ sở đào tạo thông qua phương thức đặt hàng.

4. Chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản

a) Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới theo quy hoạch trên địa bàn Thành phố đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Cơ sở sản xuất giống cây trồng đáp ứng quy định tại Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/4/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm;

- Các cơ sở sản xuất giống ông, bà, sản xuất tinh dịch lợn đáp ứng điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo quy định tại Pháp lệnh Giống vật nuôi;

- Các cơ sở nhân giống thủy sản đủ điều kiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-15:2009/BNNPTNT.

b) Nội dung và mức hỗ trợ

- Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT , ngày 01/3/2012 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Đề án phát triển giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản đến năm 2020;

- Được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 70% giá trị đầu tư của dự án.

c) Phương thức hỗ trợ: Ngân sách Thành phố hỗ trợ sau đầu tư sau khi các cơ sở hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.

5. Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản

a) Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản theo quy hoạch đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Cơ sở sơ chế rau, củ, quả có công suất tối thiểu 03 tấn/ngày;

- Cơ sở chế biến chè có công suất tối thiểu 05 tấn búp tươi/ngày;

- Cơ sở sơ chế trứng gia cầm các loại có quy mô tối thiểu 25.000 quả/ngày;

- Kho lạnh bảo quản giống, rau, củ, hoa, quả, thịt, cá, trứng có thể tích tối thiểu 50 m3.

b) Nội dung và mức hỗ trợ

- Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 70% giá trị đầu tư của dự án.

c) Phương thức hỗ trợ: Ngân sách Thành phố hỗ trợ sau khi các cơ sở đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.

6. Chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

a) Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và có dự án đầu tư thuộc danh mục Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư về đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm, tập trung, công nghiệp. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp theo quy hoạch, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú ý, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư: Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp: Hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba.

c) Phương thức hỗ trợ: Ngân sách Thành phố hỗ trợ sau khi các cơ sở đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.

7. Chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

a) Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp bao gồm: máy làm đất; máy gieo cấy; máy gặt đập liên hợp; máy sấy hạt; máy phun thuốc có động cơ; hệ thống tưới tiết kiệm; máy phát điện chạy bằng khí sinh học; máy vắt sữa; máy thái cỏ; hệ thống làm mát chuồng trại; hệ thống cho ăn tự động; thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; máy quạt nước trong nuôi thủy sản.

b) Nội dung và mức hỗ trợ: 100% phí quản lý (vay vốn Quỹ khuyến nông Thành phố), 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn vay tối đa là 3 năm (36 tháng), mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.

c) Phương thức hỗ trợ: Ngân sách Thành phố hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng vay vốn của Quỹ khuyến nông, vay vốn của các Ngân hàng thương mại được UBND cấp xã xác nhận và UBND cấp huyện phê duyệt.

8. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản

8.1. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu vật nuôi

a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Các doanh nghiệp trong nước; hộ gia đình, cá nhân, trang trại (gọi chung là nông dân); hợp tác xã sử dụng các giống vật nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để thay thế các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng thấp hoặc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo quy hoạch trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung của Thành phố, nằm trong kế hoạch và dự toán thực hiện hàng năm.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ về giống: Hỗ trợ 100% các chi phí thụ tinh nhân tạo (gồm: Liều tinh, Nitơ, dụng cụ phối giống, công phối giống) trên địa bàn Thành phố khi phối giống bằng tinh bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tinh lợn giống cao sản.

- Hỗ trợ phòng chống dịch bệnh: Hỗ trợ chi phí tiêm phòng (vắc xin, công tiêm) trên địa bàn Thành phố đối với các loại bệnh nguy hiểm: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh và dịch tả lợn; hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường.

c) Phương thức thực hiện:

- Ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí thụ tinh nhân tạo, mua vắc xin hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường.

- Ngân sách cấp huyện thực hiện chi tiền công tiêm phòng cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố. Ngân sách Thành phố hỗ trợ có mục tiêu cho các quận, huyện, thị xã trong thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định để thực hiện hỗ trợ.

8.2. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung

a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Các doanh nghiệp trong nước, hộ gia đình, cá nhân, trang trại (gọi chung là nông dân); hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ trong vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, sử dụng các giống cây trồng, thủy sản đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để thay thế các giống cây trồng, thủy sản có năng suất, chất lượng thấp hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản theo quy hoạch, nằm trong kế hoạch và dự toán thực hiện hàng năm.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ về giống: Được hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống lần đầu. Riêng giống hoa lan nuôi cấy mô, hoa lyly hỗ trợ một lần 20% chi phí mua giống lần đầu.

- Hỗ trợ phòng chống dịch bệnh:

Đối với cây trồng: Hỗ trợ 50% chi phí bảo vệ thực vật trong năm đầu và 30% trong năm thứ hai bao gồm: Thuốc, công lao động, thuê máy. Hỗ trợ 70% chi phí trong năm đầu và 50% trong năm thứ hai chi phí bảo vệ thực vật khi sử dụng các chế phẩm sinh học, có nguồn gốc sinh học để phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất rau, quả, chè an toàn.

Đối với thủy sản: Hỗ trợ 50% năm đầu và 30% năm thứ hai chi phí hóa chất khử trùng, tiêu độc một trường ao nuôi.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách cấp huyện hỗ trợ trực tiếp thông qua các hợp đồng cung ứng dịch vụ trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố. Ngân sách Thành phố hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, thị xã trong thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định.

8.3. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

a) Đối tượng và điều kiện áp dụng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình đầu tư sản xuất cây ăn quả (bưởi, cam canh, nhãn, chuối nuôi cấy mô), chè, hoa hồng, hoa lan nuôi cấy mô, hoa lily, nuôi thủy sản (cá trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính) ứng dụng công nghệ cao thuộc vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nông nghiệp hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn về giống theo quy định của Pháp lệnh giống cây trồng, Luật Thủy sản.

b) Nội dung và mức hỗ trợ: Ngân sách Thành phố hỗ trợ một lần đầu 80% chi phí mua giống: chè, cây ăn quả (bưởi, cam, nhãn, chuối), hoa hồng; 20% chi phí mua giống hoa lan nuôi cấy mô, hoa Lily; 50% chi phí mua giống thủy sản (cá trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính).

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách cấp huyện hỗ trợ trực tiếp thông qua các hợp đồng cung ứng dịch vụ trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố. Ngân sách Thành phố hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, thị xã trong thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định.

9. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm sản phẩm nông nghiệp

Thực hiện theo quy định của Thành phố tại Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc quy định một số chính sách, nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố.

10. Hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

a) Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; Các quy định về nguyên tắc ưu đãi, hỗ trợ; Điều kiện để được hỗ trợ; Hồ sơ và trình tự thủ tục hỗ trợ liên kết; Nguồn kinh phí: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông.

Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua dịch vụ tập trung của hợp tác xã.

Ngân sách hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

c) Phương thức thực hiện: Theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ.

11. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng

11.1. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung

a) Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã có diện tích đang sản xuất trong vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung chưa có hệ thống cấp nước tưới cho cây trồng; chưa có thùng (bể) lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; chưa có hệ thống xử lý môi trường trong chăn nuôi và hệ thống làm giàu ôxy trong nuôi trồng thủy sản có trong kế hoạch và dự toán hàng năm.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Đối với cây trồng:

Hỗ trợ một lần chi phí khoan giếng, đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng tối đa không quá 10 triệu đồng/ha.

Hỗ trợ một lần kinh phí mua thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (02 thùng/ha); hỗ trợ 100% chi phí xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

- Đối với vật nuôi: Hỗ trợ một lần khi xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi (lợn, bò) đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường theo quy định, mức hỗ trợ 300.000 đồng/01 đầu gia súc.

- Đối với vùng nuôi trồng thủy sản: Hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua thiết bị làm giàu ôxy vùng nước nuôi trồng thủy sản, tối đa không quá 15 triệu đồng/ha.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách cấp huyện hỗ trợ trực tiếp thông qua Ủy ban nhân dân xã hoặc Hợp tác xã khi đầu tư hệ thống tưới và xử lý môi trường trong lĩnh vực cây trồng; Ngân sách cấp huyện hỗ trợ sau đầu tư cho các đối tượng thụ hưởng đối với xử lý chất thải trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố. Ngân sách Thành phố hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, thị xã trong thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định.

11.2. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

a) Đối tượng và điều kiện áp dụng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án, phương án đầu tư xây dựng đường giao thông, kênh mương trục chính cấp, tiêu nước trong vùng, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt.

b) Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư xây dựng (xi măng, gạch, đất, cát, sỏi, sắt, thép) theo định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với từng loại, cấp công trình.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách cấp huyện hỗ trợ sau đầu tư cho các đối tượng thụ hưởng trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố. Ngân sách Thành phố hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, thị xã trong thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định.

12. Chính sách khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa

a) Đối tượng, điều kiện áp dụng: Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện “dồn điền, đổi thửa” trong vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, tập trung phù hợp với quy hoạch nông nghiệp, đạt yêu cầu sau khi dồn mỗi hộ chỉ còn 01-02 thửa/hộ. Phương án dồn điền đổi thửa được thông qua Hội đồng nhân dân xã và được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

b) Nội dung và mức hỗ trợ

Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

- Hỗ trợ Ban chỉ đạo cấp xã, thôn kinh phí hoạt động, tổ chức hội họp tuyên truyền. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/ha. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

- Hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng khi dồn điền đổi thửa, trong đó ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ 50% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.

- Hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kỹ thuật quy định của Nhà nước) khi thực hiện kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Ủy ban nhân dân các xã, hợp tác xã quản lý tổ chức thực hiện theo phương án được duyệt.

13. Chính sách khuyến khích xây dựng kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm

a) Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các thôn, xóm, bản làng, khu dân cư nông thôn khi thực hiện việc kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới.

b) Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định của Nhà nước).

c) Phương thức thực hiện: Hỗ trợ sau đầu tư, ngân sách các cấp hỗ trợ thông qua ngân sách xã để tổ chức thực hiện. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp Thành phố là 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện là 20%.

Ngoài các nội dung chính sách nêu trên, các đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng các chính sách khác của Trung ương và Thành phố theo quy định nhưng không trùng lắp về nội dung hỗ trợ. Trường hợp trong cùng thời điểm và cùng một nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách chỉ được lựa chọn một mức hỗ trợ cao nhất và có lợi nhất.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố:

1. Tổ chức thực hiện quy định tại Nghị quyết này.

2. Sớm xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách đảm bảo tính khả thi, cân đối nguồn lực và thứ tự ưu tiên đầu tư, hỗ trợ. Lập dự toán ngân sách hàng năm theo khả năng cân đối ngân sách của Thành phố để thực hiện chính sách.

3. Rà soát, sớm ban hành danh mục vùng sản xuất chuyên canh tập trung, vùng chăn nuôi, khu chăn nuôi, trang trại đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, các quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất của Thành phố làm căn cứ, điều kiện để được hưởng các chính sách, báo cáo lại kết quả với HĐND Thành phố. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu HĐND Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (nếu có).

4. Tăng cường công tác tuyên truyền; thông báo công khai, rộng rãi nội dung chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; thực hiện phương thức hỗ trợ gắn với cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện chính sách.

Điều 3. Điều khoản thi hành:

1. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố; các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố; các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân Thành phố.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tham gia tuyên truyền và giám sát thực hiện Nghị quyết.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

4. Nghị quyết này thay thế:

- Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016.

- Nghị quyết số 17/2015/NQ-HĐND ngày 02/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016.

- Điều 1 Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố về Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2020; Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội; Chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 08/7/2015 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc Ban hành một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 07 thông qua ngày 05/12/2018, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và PTNT;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQTP;
- Các vị Đại biểu HĐND Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban của Thành ủy;
- VP HĐNDTP, VP UBNDTP;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Cổng GTĐT TP; Công báo Thành phố;
- Trang web của HĐND Thành phố;
- L
ưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc

 





Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ Ban hành: 29/08/2018 | Cập nhật: 29/08/2018

Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông Ban hành: 24/05/2018 | Cập nhật: 28/05/2018

Nghị quyết 22/2016/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư công năm 2017 Ban hành: 08/12/2016 | Cập nhật: 28/02/2017