Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn năm 2012 - 2016; định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 04/2012/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng Người ký: Nguyễn Văn Thành
Ngày ban hành: 20/07/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2012/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 20 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2012 - 2016; ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 4

(Từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 7 năm 2012)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 21/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải;

Căn cứ Quyết định số 280/2012/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 39/2003/TT-BTC ngày 29/04/2003 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế tài chính đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị,

Sau khi xem xét Tờ trình số 36/TTr-UBND và Đề án số 4266/ĐA-UBND ngày 11/7/2012 của UBND thành phố về phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn năm 2012 - 2016 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn năm 2012 - 2016; định hướng đến năm 2020 như sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Phấn đấu đẩy nhanh phát triển xe buýt công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ, tỷ lệ người sử dụng xe buýt công cộng; góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

- Phát triển dịch vụ và phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt, thân thiện môi trường, văn minh, hiện đại và tiện dụng cho người đi lại trong thành phố.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2012- 2016: Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đáp ứng 5% nhu cầu đi lại, tương ứng số xe buýt là 190- 200 xe; sản lượng hành khách xe buýt đạt 72.000 lượt hành khách/ngày (26 triệu lượt hành khách/năm).

- Giai đoạn 2016- 2020: Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đáp ứng 10% nhu cầu đi lại tương ứng số xe buýt là 320-330 xe; sản lượng hành khách xe buýt đạt khoảng 190.000 lượt hành khách/ngày (69 triệu lượt hành khách /năm).

2. Các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hải Phòng

a) Giải pháp về củng cố hoạt động các tuyến xe buýt hiện hành và phát triển mạng lưới xe buýt:

- Rà soát, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp tốc độ tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế, triển khai quy hoạch đồng bộ các điểm đỗ, bãi đỗ xe, các điểm dừng, đón trả khách.

- Căn cứ quy hoạch được duyệt, lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phân kỳ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với lộ trình mở tuyến mới và đầu tư phương tiện của các doanh nghiệp.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; đầu tư mua sắm, đổi mới phương tiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn; đình chỉ, chấm dứt hoạt động các phương tiện xuống cấp. Doanh nghiệp đầu tư xe buýt cần đầu tư thiết bị hỗ trợ người khuyết tật nhằm tạo thuận lợi cho người khuyết tật khi sử dụng xe buýt.

- Xây dựng các tiêu chí xe buýt theo đúng quy định; thống nhất màu sơn xe buýt mang tính đặc trưng của thành phố; các đơn vị kinh doanh xe buýt đảm bảo yêu cầu văn minh, lịch sự, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

- Mở thêm một số tuyến buýt mới theo lộ trình để tăng tính kết nối, hỗ trợ hiệu quả cho các tuyến buýt đang hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.

b) Giải pháp về hoàn thiện, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt:

- Thành lập Trung tâm điều hành nhằm điều phối, kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố; ứng dụng công nghệ mới đối với hoạt động quản lý, điều hành xe buýt (các xe buýt bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS) để cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát về tần suất chuyến, thời gian hoạt động, điểm dừng đón, trả khách đảm bảo đúng quy định.

- Xây dựng quy chế đấu thầu, đặt hàng lựa chọn đơn vị vận chuyển đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả, đảm bảo chất lượng dịch vụ xe buýt văn minh, lịch sự, thuận tiện cho người dân khi sử dụng xe buýt.

- Ban hành Quy chế quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn; xây dựng và áp dụng các định mức kinh tế- kỹ thuật trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; khung giá vé ưu đãi cho các đối tượng ưu tiên.

- Tăng cường kiểm tra, thực hiện các chế tài xử lý, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xe buýt.

c) Giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính.

Ủy ban nhân dân thành phố trình, ban hành cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các quy định của Chính phủ, Bộ, ngành, Nghị quyết của HĐND thành phố, cụ thể như sau:

- Cơ chế ưu tiên cho thuê đất, miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp vận tải khách bằng xe buýt đầu tư xây dựng hạ tầng như: các trạm bảo dưỡng, sửa chữa; các bến, bãi đỗ xe.

- Cơ chế hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp đầu tư mua sắm mới xe buýt phục vụ vận chuyển hành khách công cộng theo các tuyến quy định trong Đề án.

- Cơ chế trợ giá cho người sử dụng xe buýt được giảm trừ trực tiếp vào giá vé đối với tất cả các tuyến mở mới, các tuyến theo đơn đặt hàng của thành phố để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

- Đối với các đối tượng cần ưu đãi về giá vé như: học sinh, sinh viên, người già, thương binh, bệnh binh, người khuyết tật được hưởng trợ giá, miễn, giảm giá vé trực tiếp.

d) Giải pháp về tuyên truyền, vận động người dân đi xe buýt; tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe buýt.

- Tuyên truyền đến người dân về lợi ích, tác dụng của việc đi xe buýt, thông tin về lộ trình, thời gian phục vụ và tần suất của các tuyến, các cơ chế chính sách đối với các đối tượng đi xe buýt như: miễn vé, giảm giá vé tháng ưu đãi và trách nhiệm của người dân trong việc chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Tổ chức đào tạo, tuyên truyền, giáo dục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tăng cường trách nhiệm, thái độ phục vụ hành khách, ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông và đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách.

e) Giải pháp về hợp tác quốc tế

- Tranh thủ các nguồn viện trợ của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho lĩnh vực này.

- Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, trợ giúp kỹ thuật, hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết.

2. Giao Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND thành phố kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Ủy quyền cho Thường trực, các Ban của HĐND thành phố xem xét, giúp HĐND thành phố quyết định các cơ chế, chính sách cụ thể phát triển xe buýt và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết này giữa hai kỳ họp theo đề nghị của UBND thành phố và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV, kỳ họp thứ 04 thông qua ngày 19/7/2012, có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND thành phố thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thành