Nghị quyết 17/2015/NQ-HĐND về Kế hoạch đào tạo nghề năm 2016 tỉnh Sóc Trăng
Số hiệu: 17/2015/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng Người ký: Lê Thanh Hải
Ngày ban hành: 10/12/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2015/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 10 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ NĂM 2016 TỈNH SÓC TRĂNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài Chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 128/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 09 tháng 8 năm 2012 của Bộ Tài Chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 40/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch đào tạo nghề năm 2016 tỉnh Sóc Trăng; báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Kế hoạch đào tạo nghề năm 2016 tỉnh Sóc Trăng, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, phấn đấu đến cuối năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22%. Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1956/QĐ-TTg), Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 971/QĐ-TTg), đào tạo nghề và tạo việc làm phù hợp với người khuyết tật theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1019/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ.

2. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh: Áp dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

b) Đối tượng áp dụng: Người trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, trong đó, ưu tiên cho người học nghề thuộc đối tượng: Người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và lao động nông thôn theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Chỉ tiêu

a) Đối với đào tạo nghề

Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 13.000 người, trong đó: Trình độ cao đẳng, trung cấp là 920 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 12.080 người. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề trên 70%.

Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%.

b) Đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 545 lượt cán bộ, công chức cấp xã.

4. Ngành nghề đào tạo

Ngành nghề đào tạo được xác định căn cứ vào nhu cầu chuyển dịch lao động theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các văn bản có liên quan đến đào tạo nghề. Xuất phát từ nhu cầu thực tế sử dụng lao động của xã hội, tổ chức đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng; đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động đã qua đào tạo nghề nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg , hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị có liên quan xây dựng danh mục nghề, thời gian, định mức kinh phí đào tạo trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

Ngoài ra, đào tạo nghề phải đa dạng, cụ thể, sát nhu cầu của người dân và thực tiễn sản xuất; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định đến đào tạo chuyên sâu để cấp bằng, chứng chỉ nghề một cách đầy đủ, toàn diện.

5. Định mức hỗ trợ đào tạo nghề

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010, Thông tư liên tịch số 128/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 09 tháng 8 năm 2012 và Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và những quy định khác có liên quan đến đào tạo nghề.

6. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch đào tạo nghề năm 2016 là 39.600 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương là 26.345 triệu đồng; ngân sách địa phương là 2.600 triệu đồng; nguồn kinh phí huy động (xã hội hóa) là 10.655 triệu đồng, cụ thể như sau:

- Kinh phí đào tạo nghề: 25.711 triệu đồng (trong đó, dự kiến kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 15.056 triệu đồng, kinh phí từ nguồn xã hội hóa là 10.655 triệu đồng);

- Xây dựng chương trình học liệu, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề: 319 triệu đồng;

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề: 12.750 triệu đồng;

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã: 820 triệu đồng.

Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao chỉ tiêu đào tạo nghề, kể cả đào tạo nghề cho lao động nông thôn và phân khai kinh phí cụ thể cho các địa phương thực hiện.

7. Nguồn vốn thực hiện

Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đang triển khai thực hiện trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh, huy động từ các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề do các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương cung ứng, giới thiệu và nguồn huy động khác (xã hội hóa).

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa VIII, kỳ họp lần thứ 14 thông qua và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
Lao động - Thương binh và xã hội;
- TT. TU, TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Hải