Quyết định 3393/QĐ-UBND năm 2011 về Đề án "Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020"
Số hiệu: 3393/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Trần Văn Vĩnh
Ngày ban hành: 16/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3393/QĐ-UBND

Ngày 16 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN "CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH ĐỐI VỚI NÔNG SẢN, THỦY SẢN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính Phủ về việc cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 62/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các loại danh mục máy móc, thiết bị được hưởng chính sách theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-NHNN ngày 08/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và các chính sách tín dụng khác phục vụ đầu tư vào lĩnh vực tổn thất sau thu hoạch;

Căn cứ Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 13/4/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương và kinh phí Đề án "Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020";

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2675/TTr-SNN ngày 17/11/2011 về việc phê duyệt Đề án "Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020",

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án "Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020".

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện Đề án, lập kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi chung việc tổ chức thực hiện chương trình, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Vĩnh

 

ĐỀ ÁN

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH ĐỐI VỚI NÔNG SẢN, THỦY SẢN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3393/QĐ-UBND ngày 16/12/2011của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Phần I

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 13/4/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương và kinh phí Đề án “Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về việc “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”;

Nghị quyết số 24-NQ/CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về việc cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn Lúa, Ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ Cà phê theo quy hoạch;

Thông tư số 62/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các loại danh mục máy móc, thiết bị được hưởng chính sách theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Thông tư số 03/2011/TT-NHNN ngày 08/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và các chính sách tín dụng khác phục vụ đầu tư vào lĩnh vực tổn thất sau thu hoạch;

Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Thông tư số 06/2011/TT-BKHĐT ngày 06/4/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành về việc hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp “Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ”.

Phần II

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Ngày 05/8/2008 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó xác định một trong những mục tiêu tổng quát là “…Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý…”. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 20/10/2008 Chính phủ ra Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhấn mạnh yêu cầu “… Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch”.

Để cụ thể hóa yêu cầu nêu trên của Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ngày 23/9/2009 Chính phủ có Nghị quyết số 48/NQ-CP về cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Theo đó Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể nhằm giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch trên địa bàn.

Để cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết số 48/NQ-CP về việc cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, việc xây dựng Đề án “Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” là hết sức cần thiết.

Ngày 11/12/2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 10161/UBND-CNN giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Đề án “Về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản” theo Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập đề cương, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 13/4/2010 về việc phê duyệt Đề cương và kinh phí Đề án “Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;

Đề án Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” được biên tập nhằm mục tiêu đưa ra các cơ chế chính sách nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với một số nông sản chính (gồm Lúa, Bắp, Cà phê, Điều, Tiêu, rau ăn lá, rau ăn quả, trái cây và thủy sản). Dựa trên cơ sở thu thập, điều tra dữ liệu các loại nông sản chính và thủy sản, mỗi đối tượng điều tra được thực hiện tại 03 huyện đại diện cho tỉnh, mỗi huyện chọn 03 xã đại diện cho huyện và mỗi xã có 20 phiếu điều tra. Tổng cộng mỗi đối tượng điều tra có 180 phiếu điều tra. Kết quả điều tra được xử lý bằng phần mềm SPSS để có được thông tin chung.

Từ thông tin được xử lý và các báo cáo của các địa phương, Đề án Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” được biên tập gồm các phần:

- Thực trạng về tổn thất sau thu hoạch của nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

- Đề xuất mục tiêu, nội dung, cơ chế chính sách nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với một số nông sản chính và thủy sản trong các khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, sơ chế, chế biến;

- Để thực hiện mục tiêu nêu trên, đề án đưa ra giải pháp tổ chức thực hiện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ TỔN THẤT SAU THU HOẠCH ĐỐI VỚI NÔNG SẢN, THỦY SẢN TỈNH ĐỒNG NAI

1. Tình hình sản xuất nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai có điều kiện tự nhiên khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhất là các cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và các loại rau quả; nông dân Đồng Nai luôn có tinh thần chịu khó tìm tòi học hỏi lẫn nhau, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ mới vào sản xuất từ khâu làm đất, chọn giống tốt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch đúng cách luôn được đẩy mạnh. Các kỹ thuật 03 giảm 03 tăng trên cây Lúa, kỹ thuật thâm canh Bắp lai, ứng dụng các giống cây có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, thâm canh cây dài ngày, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ghép cải tạo Cà phê, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây Tiêu, thực hiện kỹ thuật bao trái, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống nhằm giảm công lao động, giảm chi phí nhiên liệu chạy máy, tăng hiệu quả của phân bón, tăng chất lượng sản phẩm, tăng năng suất cây trồng,... đã từng bước góp phần cải thiện tập quán sản xuất cũ, phòng ngừa phát sinh dịch hại, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.

Nông dân đã ý thức sức mạnh của sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nhờ đó đã hình thành các câu lạc bộ năng suất cao, các hợp tác xã nông nghiệp… Một số câu lạc bộ, hộ nông dân đã mạnh dạn cải tạo các vườn cây già cỗi, năng suất thấp thay thế bằng các giống khác có chất lượng cao.

Việc chuyển đổi cây trồng đã thực hiện theo đúng các quy hoạch được phê duyệt nhằm mục đích phát triển các loại cây trồng có ưu thế cạnh tranh, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đồng thời khuyến khích nông dân chuyển đổi các vườn cây già cỗi kém hiệu quả và vườn tạp, các địa phương đã triển khai Dự án Phát triển cây trồng chủ lực theo Quyết định số 43/2007/QĐ-UBND ngày 12/7/2007 ban hành chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010. Các loại cây trồng chủ lực được từng bước hình thành các vùng chuyên canh như: Tiêu, Cà phê, Mãng cầu, Sầu riêng, Điều, Lúa, Bắp, Xoài, Quýt…

Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp năm 2009 như sau:

Kết quả sản xuất nông sản, thủy sản những năm qua như sau:

a) Cây hàng năm

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cây hàng năm hết sức đa dạng về chủng loại, trong đó trừ cây Lúa và cây Bắp có quy mô diện tích tương đối lớn, còn lại hầu hết có quy mô diện tích nhỏ. Kết quả thực hiện 05 năm (2005 - 2009):

Bảng 1: Kết quả diện tích và sản lượng cây hàng năm tỉnh Đồng Nai

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện

2005

2006

2007

2008

2009

TỔNG DTGT

Ha

1. Lúa

DT (ha)

79.439

77.465

75.5

75.0

73.187

SL (tấn)

323.942

305.767

324.602

331.688

337.870

2. Bắp

DT (ha)

59.837

56.758

58.193

56.705

54.391

SL (tấn)

295.770

288.021

308.928

313.263

313.902

3. Khoai mì

DT (ha)

19.018

18.643

19.677

23.095

16.335

SL (tấn)

414.350

424.961

481.013

557.336

381.998

4. Rau các loại

DT (ha)

11.920

13.256

13.853

14.047

14.121

SL (tấn)

140.329

162.412

168.896

175.331

180.610

5. Đậu các loại

DT (ha)

11.683

10.139

10.165

8.671

8.456

SL (tấn)

11.261

8.992

9.898

8.292

8.269

6. Đậu nành

DT (ha)

4.497

3.177

2.745

1.757

1.237

SL (tấn)

4.667

3.221

3.171

2.117

1.553

7. Đậu phộng

DT (ha)

1.523

1.616

1.372

1.452

1.665

SL (tấn)

1.535

1.732

1.499

1.616

1.907

8. Mía

DT (ha)

8.895

8.792

8.944

8.687

9.034

SL (tấn)

513.379

521.837

549.632

490.171

540.728

9. Thuốc lá

DT (ha)

1.329

2.194

1.425

1.344

1.463

SL (tấn)

1.423

2.622

1.887

1.978

2.295

10. Bông vải

DT (ha)

924

678

495

95

26

SL (tấn)

1.254

1.070

845

160

48

 

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai qua các năm

Một số tiến bộ mới đã được áp dụng như: Mô hình ba giảm ba tăng trên cây Lúa, IPM trên rau. Mặt khác, để hạn chế nguồn sâu bệnh hại Lúa, tiết kiệm nước tưới, đồng thời tăng thu nhập, góp phần cải thiện kinh tế địa phương, trên các diện tích đất chuyên Lúa, bà con nông dân nhiều nơi đã ứng dụng mô hình luân canh Lúa - rau màu, đặc biệt là luân canh Lúa - Bắp. Năng suất của các loại cây trồng trong những năm gần đây có sự cải thiện đáng kể; trong đó góp phần rất lớn là do người dân đã từng bước tiếp cận và đưa vào ứng dụng các quy trình sản xuất mới; công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp được tăng cường: Quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh tốt, lựa chọn giống mới, năng suất và chất lượng cao…

Kết quả là trong 05 năm (2005 - 2009) một số cây hàng năm có quy mô diện tích và sản lượng tăng, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, cho hiệu quả tương đối ổn định gồm có: Lúa, Khoai mì, rau các loại trong đó: Bắp và Khoai mì chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nguyên liệu chế biến. Một số cây hàng năm truyền thống trước đây có quy mô diện tích lớn như Đậu nành, đậu các loại, diện tích giảm mạnh do năng suất thấp, giá thành cao, sức cạnh tranh kém. Diện tích các vụ Hè Thu, vụ Mùa có xu hướng giảm do diện tích cây lâu năm tăng và diện tích trồng xen trong cây lâu năm ngày càng giảm do khép tán của cây lâu năm.

b) Cây lâu năm

- Nhóm cây công nghiệp lâu năm: Có 04 cây chính là: Cà phê, Cao su, Điều và Tiêu đã hình thành các vùng chuyên canh khá ổn định. Đây là nhóm cây chủ lực, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh, trong đó:

Bảng 02: Diện tích và sản lượng cây công nghiệp lâu năm

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện

2005

2006

2007

2008

2009

1. Cà phê

Tổng DT (ha)

18.630

16.857

16.384

17.729

18.616

DTTH (ha)

18.451

16.857

16.384

17.729

18.616

SL (tấn)

24.577

23.095

23.745

25.294

28.869

2. Cao su

Tổng DT (ha)

41.034

41.420

41.401

43.009

42.973

DTTH (ha)

36.883

36.923

33.035

32.235

33.043

SL (tấn)

49.379

57.851

55.198

54.363

56.961

3. Điều  

Tổng DT (ha)

50.092

53.975

54.476

55.103

53.440

DTTH (ha)

37.362

41.264

44.6686

47.419

50.731

SL (tấn)

47.722

40.055

52.743

47.130

50.065

4. Tiêu   

Tổng DT (ha)

7.586

7.003

6.837

6.718

6.933

DTTH (ha)

5.476

5.469

5.565

5.740

5.903

SL (tấn)

9.870

9.782

9.891

10.694

11.618

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai qua các năm

Cây Cà phê: Những năm trước đây cây Cà phê ổn định diện tích, tuy nhiên là cây sử dụng nhiều nước tưới nên dự báo diện tích sẽ giảm do mực nước ngầm giảm.

Cây Cao su: Diện tích ổn định ở mức 43 ngàn ha, hiệu quả những năm gần đây tăng đáng kể.

Cây Điều: Diện tích tăng do thị trường xuất khẩu khá thuận lợi, đặc biệt là năng suất được cải thiện, nên cho hiệu quả khá cao. Hiện nay, nhiều hộ nông dân ở các huyện, nhất là Định Quán, Xuân Lộc vẫn đang tiếp tục chuyển đất trồng cây hàng năm trong đó chuyển từ trồng Mía sang trồng Điều. Tuy nhiên ở huyện Nhơn Trạch,… do tác động của phát triển công nghiệp và đô thị, hầu hết người trồng Điều không chú trọng đầu tư thâm canh, nên năng suất và hiệu quả cây Điều trên địa bàn huyện thấp.

Cây Tiêu: Diện tích giảm do dịch bệnh nhưng người trồng Tiêu vẫn có lời nhờ giá Tiêu tăng cao.

- Nhóm cây ăn trái: Những năm gần đây các cây ăn trái chủ lực bị sâu đục thân, bệnh xì mủ, bệnh greening và các loại bệnh khác, đồng thời hiệu quả kinh tế không cao do tổn thất nhiều sau thu hoạch nên diện tích các cây chủ lực chỉ dao động quanh con số 31 - 33 ngàn ha.

Bảng 03: Diện tích và sản lượng cây ăn trái

Chỉ tiêu

Đơn vị

tính

Thực hiện

2005

2006

2007

2008

2009

Tổng diện tích các cây chủ lực

(ha) 

33.728

33.774

33.870

31.244

31.209

Trong đó

 

 

 

 

 

 

1. Cam, Quít

Tổng DT (ha)

4.475

4.870

5.145

4.966

4.635

DTTH (ha)

2.153

3.042

3.509

3.835

4.051

SL (tấn)

19.651

30.522

46.908

58.264

62.386

2. Xoài

Tổng DT (ha)

7.080

7.222

7.731

8.134

8.424

DTTH (ha)

3.573

4.594

5.464

5.939

6.200

SL (tấn)

30.261

34.126

44.700

56.653

52.723

3. Bưởi

Tổng DT (ha)

1.314

1.642

1.698

1.585

1.537

DTTH (ha)

666

-

-

-

-

SL (tấn)

8.793

10.791

13.645

15.534

15.214

4. Chôm chôm

Tổng DT (ha)

12.082

12.228

12.096

11.319

11.490

DTTH (ha)

8.949

9.624

10.306

10.452

10.670

SL (tấn)

117.408

115.508

130.458

140.474

142.145

5. Sầu riêng

Tổng DT (ha)

4.276

4.289

4.294

4.281

4.343

DTTH (ha)

2.678

3.040

3.243

3.644

3.757

SL (tấn)

16.756

19.139

21.049

25.983

25.393

6. Nhãn

Tổng DT (ha)

4.501

3.523

2.906

959

780

DTTH (ha)

3.551

-

-

-

-

SL (tấn)

15.851

12.974

12.224

4.421

3.885

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai qua các năm

Căn cứ vào hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh cũng như triển vọng về thị trường tiêu thụ, có thể chia các cây ăn trái thành 02 nhóm chính:

- Nhóm cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh và có triển vọng mở rộng thị trường nội vùng gồm: Cam, Quít, Bưởi, Xoài, Sầu riêng. Tuy nhiên, việc phát triển nóng diện tích trồng Cam ở một số huyện như Định Quán đặt ra vấn đề cấp bách trong bảo quản, tổ chức tiêu thụ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

- Nhóm cây ăn trái có quy mô lớn, nhưng đang gặp khó khăn về thị trường, đòi hỏi phải có sự đầu tư đúng mức về chế biến, bảo quản và mở rộng thị trường, gồm có: Chôm chôm.

c) Nuôi trồng và khai thác thủy sản:

Nuôi trồng thủy sản những năm gần đây cho hiệu quả kinh tế khá cao nên giá trị sản lượng tăng nhanh. Trong lĩnh vực thủy sản, tính đến năm 2010, giá trị sản lượng thủy sản nuôi chiếm 93,78%, khai thác chiếm 4,20%, dịch vụ chiếm 2,02%.

Bảng 1.19: Kết quả sản xuất ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai

Số TT

Hạng mục

Đơn vị tính

Thực hiện

2005

2006

2007

2008

2009

01

Giá trị SX

Tỷ đồng

393.225

404.594

456.562

601.032

624.215

02

Diện tích nuôi

Ha

31.438

30.535

32.324

33.255

33.300

 

 - Nuôi cá

Ha

29.537

29.537

30.585

31.193

31.275

 

 - Nuôi tôm

Ha

1.901

998

1.739

2.062

2.025

03

Số bè nuôi

Cái

1.727

1.996

1.956

1.846

1.826

04

 Sản lượng

Tấn

25.424

27.316

28.947

32.525

33.081

 

 - Cá

Tấn

23.809

25.971

26.972

28.432

28.743

 

 - Tôm và TS khác

Tấn

1.531

1.262

1.956

4.090

4.102

Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Nai qua các năm

- Nuôi thủy sản: Diện tích nuôi thủy sản tăng nhanh từ 31.438 ha năm 2005 lên 33.300 ha năm 2009, trong đó: Nuôi cá 31.275 ha (chiếm 93,92%) và nuôi tôm 2.025 ha (chiếm 6,08%).

+ Nuôi cá: Cá giống chủ yếu mua giống từ nơi khác về nên tỷ lệ hao hụt cao, giống ổn định về chất lượng; cách thức nuôi truyền thống với thức ăn tự pha chế chiếm khoảng 70%, phần lớn nuôi cá trong bè và diện tích mặt nước hồ của các công trình thủy lợi được đấu thầu, còn lại là diện tích mặt nước ao hồ trong dân quy mô hộ gia đình trong đó các ao cá được thiết kế theo mô hình VAC để tận dụng nguồn nước thải từ chăn nuôi heo và phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Đa số diện tích đều nuôi theo hình thức quảng canh hoặc bán thâm canh.

Đối tượng thủy sản được nuôi trồng rất đa dạng nhưng chủ yếu là cá Trắm, cá Chép, cá Mè, cá Rô phi, cá Trôi, cá Diêu hồng, cá Mè Vinh, cá Trê,... năng suất trung bình 4,5 tấn/ha/năm. Bên cạnh những loài cá chủ yếu, một số nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi Ba ba, Lươn, Ếch, cá Rô đồng,... làm phong phú các loại mặt hàng thủy sản tại địa phương.

+ Nuôi tôm: Diện tích tăng từ 1.901 ha (năm 2005) lên 2.025 ha (năm 2009), bao gồm:

Nuôi tôm Càng xanh: Phương thức nuôi kết hợp trên đất Lúa, năng suất nuôi bình quân đạt 800 - 1.000 kg/ha, doanh thu bình quân đạt 70 - 85 triệu đồng/ha, khả năng mở rộng diện tích theo mô hình này chậm là do kỹ thuật chăm sóc Lúa và tôm đòi hỏi phải thực hiện quy trình hết sức nghiêm ngặt, nhất là sử dụng thuốc trừ sâu. Mặt khác nguồn tôm giống còn thiếu, chi phí đầu tư cho nuôi tôm rất lớn, nên chỉ có các hộ có vốn, kỹ thuật nuôi mới thành công và tồn tại.

Tôm nước lợ: Diện tích nuôi tăng trong đó nuôi theo phương thức thâm canh; giống tôm Thẻ chân trắng cho năng suất khá cao 04 - 05 tấn/ha, nuôi tôm Sú theo phương thức quảng canh cải tiến, cho năng suất bình quân 01 - 1,5 tấn/ha.

Nhìn chung nuôi tôm nước lợ trên địa bàn cho hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ do:

* Nguồn nước ở nhiều khu vực, nhất là khu vực sông Thị Vải đã có biểu hiện ô nhiễm nặng, các hộ nuôi thâm canh phải canh thời điểm để lấy nước và bắt buộc phải xử lý qua ao lắng mới có thể đảm bảo an toàn.

* Đa phần hộ nuôi tôm mua giống ở các đại lý không qua kiểm dịch.

- Khai thác thủy sản: Do không có biển, chỉ có khai thác nội địa (sông, rạch, bàu, hồ) nên quy mô khai thác thủy sản của tỉnh còn nhỏ, phương tiện đánh bắt là thô sơ. Sản lượng khai thác tuy không có số liệu thống kê chính thức, nhưng nhìn chung không lớn và có xu hướng giảm dần, hiện nay có khoảng 120 hộ dân xã Phước Thái hoạt động đánh bắt thủy sản trên lưu vực sông Thị Vải. Hầu hết phương tiện đánh bắt là thô sơ, chỉ có 57 phương tiện thực hiện đăng ký, đăng kiểm với Trạm Thủy sản.

d) Tình hình sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản, thủy sản

Đồng Nai có nguồn nguyên liệu nông sản phong phú từ các cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và các loại rau quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn phát triển.

Tuy một số vùng nguyên liệu nông sản đã hình thành nhưng vẫn còn phân tán, chưa tập trung thành những vùng chuyên canh ổn định. Vẫn còn nhiều vườn tạp, sử dụng các giống cây trồng có năng suất và chất lượng thấp, không ổn định về chất lượng và số lượng, không đáp ứng nguồn nguyên liệu sản xuất công nghiệp, từ đó làm hạn chế đầu tư phát triển trong nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng nhất là giao thông nội đồng tại các vùng chuyên canh còn yếu nên việc vận chuyển nông sản đến các cơ sở chế biến và tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó trang thiết bị để phục vụ cho nhu cầu sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản, thủy sản tại chỗ lại thiếu nên nông dân thường bị thua thiệt, bị ép giá vì không có phương tiện bảo quản nông sản được lâu..., việc áp dụng khoa học và kỹ thuật mới trong sơ chế, chế biến và bảo quản còn ít, làm mức độ tổn thất sau thu hoạch trên địa bàn vẫn cao.

Hoạt động sơ chế chủ yếu là phân loại thủ công như: Tách vỏ, tách hạt và sấy sản phẩm. Tùy theo vùng nguyên liệu nông sản mà trên địa bàn tỉnh nông dân trang bị các loại máy tách hạt Bắp, máy bóc vỏ Cà phê, máy sấy Lúa, Bắp và máy sấy Tiêu, Điều, Cà phê,... Sau đó nông sản được bán cho thương lái hoặc các cơ sở chế biến. Các máy tách vỏ, tách hạt hầu hết sử dụng các loại máy bơm động cơ cài bộ phận tách vỏ, tách hạt. Máy rất gọn nhẹ dễ di chuyển giúp cho nông dân có được sản phẩm tiêu thụ nhanh nhưng đa phần thiết bị sơ chế có cấu tạo quá đơn giản nên tỷ lệ hao hụt cả về chất lượng lẫn số lượng trong khâu sơ chế còn lớn. Sản lượng nông sản làm ra được sấy và sơ chế chiếm khoảng 10%, số còn lại được bán tươi.

+ Đối với lương thực: Phần lớn lượng Lúa sau thu hoạch được làm khô bằng cách phơi nắng, một lượng nhỏ được thu mua và sấy tại các lò sấy. Vì vậy có những năm đến kỳ thu hoạch mưa kéo dài, Lúa không phơi được: Lúa bị ẩm, mọc mầm làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Đối với Bắp ở vụ Hè Thu và vụ Mùa, nông dân thường bán Bắp tươi cho thương lái hoặc các chủ lò sấy, lượng Bắp được phơi nắng chủ yếu ở các hộ có diện tích nhỏ; vụ Đông Xuân, lượng Bắp được phơi nắng nhiều hơn nhưng các hộ có diện tích lớn việc bán Bắp tươi vẫn là chủ yếu.

+ Đối với Cà phê, Điều, Tiêu: Phơi nắng bằng cách lót bạt ở rẫy trên nền đất, một số phơi trên sân xi măng hoặc trên đường giao thông nông thôn. Riêng Cà phê, nông dân thường dùng cối chà để xát vỏ quả tươi trước khi phơi (phương pháp nửa ướt) nhằm rút ngắn thời gian phơi... Do làm khô bằng thủ công, phụ thuộc thời tiết nên khi thu hoạch nông sản gặp trời mưa thì không đảm bảo chất lượng như hạt đen, kém phẩm chất. Nhìn chung khâu sơ chế thủ công gây nhiều tổn thất.

Riêng đối với thủy sản, sơ chế bằng ướp đá nhằm bảo quản lạnh hoặc chạy máy sục khí đối với sản phẩm sống trước khi cung cấp cho người tiêu dùng.

Hoạt động chế biến: Hầu hết các nông sản trên địa bàn không chế biến mà bán ở dạng thô nên chưa tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trừ các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, hạt Điều, Cà phê ở các khu công nghiệp có sử dụng nguyên liệu nông sản, đa phần nông sản còn lại được xuất thô hoặc tiêu thụ nội địa. Trên địa bàn các huyện, hoạt động chế biến phổ biến là xay xát gạo, nghiền nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phục vụ cho chăn nuôi tại chỗ. Một số địa phương chế biến nông sản chủ yếu bằng nghề truyền thống như làm bún, bánh tráng, tinh bột khoai Mỳ, miến dong, bột báng, chuối sấy, chế biến Tiêu sọ, rang xay Cà phê, nấu rượu,... hầu hết đều ở quy mô nhỏ lẻ. Đa số các thiết bị chế biến nông sản hiện còn thô sơ, công suất thấp nên tỷ lệ hao hụt trong chế biến còn cao. Ngành chế biến thủy sản nội địa chưa được phát triển, chủ yếu thủy sản thương phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hoặc tiêu thụ tươi trên thị trường nội địa; một số lượng rất nhỏ được chế biến thủ công làm chả cá…

Hoạt động bảo quản: Việc dự trữ trong dân chủ yếu là Lúa, Bắp, Mì lát đủ để ăn và chăn nuôi, còn phần lớn các loại nông, thủy sản khác bán thô sau khi thu hoạch. Những hộ có điều kiện kinh tế thì lượng nông sản sau thu hoạch được tích trữ lại để chờ giá cao mới bán, nhưng cũng giữ lại vài tháng sau thu hoạch nên nông dân chưa quan tâm đến hao hụt bảo quản. Các kho chứa nông sản chủ yếu được xây dựng ở các đại lý thu mua và các công ty, hầu hết là kho đa nhiệm, không đạt tiêu chuẩn của kho dành cho bảo quản nông sản nên tăng tỷ lệ thất thoát do nấm mốc, mối mọt và giảm phẩm chất nông sản.

Riêng trái cây qua chế biến và tiêu thụ còn thấp, phần lớn trái cây hiện nay còn tiêu thụ tươi, phải bảo quản lạnh trong các thùng xốp hoặc chứa trong các sọt, vận chuyển tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu tiểu ngạch. Hiện nay trái cây Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt với một số nước khác trong khu vực và thế giới nên khó khăn về tiêu thụ, vì thế khi vào vụ thu hoạch cung vượt quá cầu làm cho giá trái cây hạ thấp, nhiều vùng những sản phẩm rau quả ứ đọng gây ra khủng hoảng thừa, hao hụt trong bảo quản trái cây còn rất lớn.

2. Đánh giá thực trạng về tổn thất đối với nông sản, thủy sản

a) Thực trạng về tổn thất đối với nông sản, thủy sản:

Xử lý số liệu từ 1.720 phiếu khảo sát của 09 đối tượng nghiên cứu trên phần mềm phân tích dữ liệu SPSS cho thấy:

- Tổn thất trung bình các khâu như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Lúa

Bắp

Cà phê

Điều

Tiêu

Rau ăn lá

Rau ăn quả

Trái cây

Thủy sản

Thu hoạch

8,01

2,79

4,96

4,42

1,88

7,25

7,44

12,25

1,98

Vận chuyển

0,49

1,093

0,067

0,329

0,06

2,04

2,21

2,94

0,59

Sơ chế

0,89

0,66

1,3

0,01

0,46

4,29

2,61

3,68

0

Phơi sấy

2,3

0,97

0,61

0

0,21

0,02

0

0

0

Chế biến

0,53

0,02

0

0

0

0

0

0

0

Bảo quản

0,15

0,47

0,085

0

0,04

0

0

0

0,28

Tổng tổn thất

12,37

6,003

7,022

4,759

2,65

13,6

12,26

18,87

2,85

- Phân tích tổn thất trung bình các khâu của từng đối tượng khảo sát:

+ Đối với Lúa: Tổng tổn thất là 12,37%, tổn thất chủ yếu ở các khâu thu hoạch, phơi sấy. Kết quả này phù hợp với báo cáo của các địa phương: Lương thực sau khi thu hoạch, phơi sấy chỉ để dành đủ sử dụng đến khi giáp hạt, số còn lại bán hết nên không quan tâm đến các hao hụt khác.

+ Đối với Bắp: Tổng tổn thất là 6,003%, so với toàn quốc có mức tổn thất là 13 - 15% thì không phải nông dân Đồng Nai làm tốt hơn các địa phương khác mà chính là sau khi thu hoạch, nông dân bán tươi tại ruộng cho thương lái hoặc các nhà máy sấy nên hao hụt chủ yếu ở khâu thu hoạch. Tuy nhiên các vận chuyển, sơ chế, phơi sấy vẫn có mức hao hụt đáng kể.

+ Đối với Cà phê: Tổng tổn thất là 7,022%, tổn thất chủ yếu ở các khâu thu hoạch, sơ chế, phơi sấy.

+ Đối với Điều: Tổng tổn thất là 4,759%, tổn thất chủ yếu ở các khâu thu hoạch, vận chuyển.

+ Đối với Tiêu: Tổng tổn thất là 2,65%, tổn thất chủ yếu ở các khâu thu hoạch, sơ chế, phơi sấy.

+ Đối với rau ăn lá: Tổng tổn thất là 13,6%, tổn thất chủ yếu ở các khâu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế.

+ Đối với rau ăn quả: Tổng tổn thất là 12,26%, tổn thất chủ yếu ở các khâu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế.

+ Đối với trái cây: Tổng tổn thất là 18,87%, tổn thất chủ yếu ở các khâu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế.

+ Đối với thủy sản: Tổng tổn thất là 2,85%, tổn thất chủ yếu ở các khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản.

b) Đánh giá thực trạng về tổn thất:

- Đánh giá thực trạng trước thu hoạch gây tổn thất về khối lượng và chất lượng nông sản, thủy sản.

+ Đánh giá thực trạng tổn thất trước thu hoạch đối với nông sản, thủy sản qua khâu giống: Trước đây do chưa chú trọng về khâu chọn giống và thời gian thu hoạch thích hợp đối với từng loại giống nên tỷ lệ tổn thất còn ở mức cao. Thời gian gần đây các giống có khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, năng suất ổn định nên tỷ lệ tổn thất trong khâu thu hoạch giảm xuống đáng kể. Hiện nay, đa số bà con nông dân đều sử dụng các giống Lúa xác nhận như: VNĐ 95-20, IR64, IR66,... có năng suất cao, chất lượng tốt. Tập quán để giống Lúa sử dụng trong nhiều năm ngày càng hạn chế, thường tối đa là 06 vụ hoặc ít nhất là 02 vụ, các hộ mua lại giống xác nhận để sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số bà con sử dụng giống Lúa địa phương, các giống không xác nhận hoặc để giống qua nhiều năm liền ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng Lúa khi thu hoạch. Dù ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng các giống Lúa nhưng nhiều nơi chưa mạnh dạn áp dụng giống Lúa mới và vẫn duy trì các giống Lúa địa phương (Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long Khánh). Hiện nay trên địa bàn thị xã Long Khánh nông dân vẫn còn trồng giống Lúa mùa 04 tháng/vụ mùa vì cho rằng chất lượng gạo ngon hơn Lúa trồng 03 tháng/vụ và giống Lúa chín sớm có khuynh hướng cho tỷ lệ gạo nguyên thấp hơn những giống chín muộn.

Việc sử dụng các loại giống không rõ nguồn gốc đã gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng của các loại cây trồng. Một số địa phương nông dân còn sử dụng giống địa phương: Giống Tiêu trên địa bàn các huyện chủ yếu là giống Tiêu Vĩnh Linh và Tiêu Sẻ. Các giống này đều không có khả năng kháng bệnh chết nhanh chết chậm; phần lớn diện tích Điều trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ sử dụng giống địa phương, được trồng trên các diện tích đất thiếu nước, nông dân ít đầu tư chăm sóc. Hiện nay đa số trong giai đoạn già cỗi. Cùng với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, năng suất Điều ngày càng giảm. Đối với cây ăn trái, nông dân có xu hướng đưa các giống mới vào sản xuất như giống Chôm chôm Thái, Sầu riêng Monthong,… Tuy nhiên, vẫn còn diện tích Sầu riêng giống địa phương hạn chế về mặt năng suất và chất lượng.

Bên cạnh đó chế độ canh tác chưa khoa học, địa hình không bằng phẳng, nông dân thường sạ Lúa dày hơn với lượng giống sử dụng từ 18 - 20 kg/sào (mức khuyến cáo từ 10 - 12 kg/sào) cùng với tập quán sử dụng nhiều phân đạm, làm ruộng Lúa dễ bị sâu bệnh, lốp đổ; khó kiểm soát cỏ dại, gây cạnh tranh dinh dưỡng với cây Lúa; phân bón phân bố không đồng đều; ruộng được chia thành nhiều ô nhỏ làm giảm diện tích đất hữu hiệu do bờ ruộng nhiều; Lúa chín không đồng đều. Tất cả các yếu tố trên đều làm hạn chế năng suất và chất lượng Lúa ở địa phương.

Riêng đối với cây lâu năm khi giống chất lượng kém, gây tổn thất rất lớn. Nông dân không thể thay thế ngay bằng giống khác mà lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng giống mới xuống bên cạnh cây kém chất lượng để khi cây lớn thì thanh lý cây kém chất lượng.

Phần lớn diện tích nuôi cá trên địa bàn là tận dụng mặt nước các công trình thủy lợi. Diện tích các ao hồ trong dân chủ yếu kết hợp mô hình VAC. Do đó, các ao nuôi cá hầu hết chưa đảm bảo kỹ thuật, các hồ lớn khó kiểm soát, t lệ thất thoát giống cao. Việc thiết kế ao, hồ chưa hợp lý đồng thời việc sử dụng con giống chưa đảm bảo chất lượng cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản.

Đối với giống tôm: Hầu hết các hộ nuôi thủy sản ở Nhơn Trạch khi mua tôm giống được cơ sở bán giống hỗ trợ tổn thất giống 10%, nên nông dân không bị tổn thất trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên chất lượng con giống là nỗi lo của người nuôi tôm hiện nay và cũng là nguyên nhân gây tổn thất lớn trước thu hoạch đối với người nuôi thủy sản (hiện nay công tác kiểm dịch tôm giống gặp nhiều khó khăn và hạn chế).

+ Đánh giá thực trạng tổn thất trước thu hoạch đối với nông sản, thủy sản qua khâu làm đất: Từ 95 - 100% diện tích cây hàng năm đã được cơ giới hóa khâu làm đất. Tuy nhiên do diện tích đất còn manh mún, nhỏ lẻ, trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích có chế độ canh tác, chăm sóc khác nhau làm giảm sản lượng và chất lượng nông sản.

Đa số các vườn Tiêu đều không thiết kế hệ thống mương thoát nước, cộng với việc lạm dụng phân hóa học trong canh tác tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng Tiêu trên địa bàn.

+ Đánh giá thực trạng tổn thất trước thu hoạch đối với nông sản, thủy sản qua khâu chăm sóc:

Mặc dù đã được tiếp cận và chuyển giao những quy trình canh tác mới, tuy nhiên việc áp dụng vẫn còn hạn chế. Nông dân làm thủ công và thường tranh thủ thời gian để xuống giống nên xuống giống không đồng bộ (cây Lúa) làm cho đồng ruộng không đồng đều gây khó khăn cho quá trình chăm sóc, bảo vệ thực vật và thu hoạch, dễ gây dị dạng cho sản phẩm.

Trong giai đoạn ra hoa, việc cung cấp nước cho cây Cà phê không đủ hoặc xuất hiện những cơn mưa trái mùa làm Cà phê ra hoa nhiều đợt gây khó khăn khi thu hái, làm tăng tỷ lệ quả non và quả xanh. Ngoài ra, cây Cà phê có nhiều đối tượng sâu bệnh hại làm giảm năng suất như: Rỉ sắt, rệp sáp, khô cành khô quả,... ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư của nông dân làm năng suất kém ổn định. Trong quá trình chăm sóc cây con, nông dân thường gặp những yếu tố gây tổn thất làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản như các loài sinh vật (nấm mốc, vi khuẩn, sâu…) tạo thành dịch bệnh làm giảm năng suất và gây tổn thất về phẩm chất nông sản và thủy sản.

Đa phần diện tích rau trên địa bàn không được trồng trong nhà lưới mà trồng ngoài trời. Do đó vào mùa mưa, dễ bị dập nát, sâu bệnh nhiều gây thối hỏng. Ngoài ra, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đảm bảo thời gian cách ly gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều khó khăn, bất cập.

Trong quá trình canh tác, nông dân chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ đất như: Khả năng đầu tư phân hữu cơ kém, bón phân hóa học nhiều, chưa chú trọng việc trồng cây phủ đất, thiết kế hệ thống chống úng trong mùa mưa tạo điều kiện cho các loại bệnh dễ phát sinh. Đặc biệt là bệnh thối gốc chảy mủ trên Sầu riêng và bệnh thối rễ, vàng lá Mãng cầu xiêm. Đối với cây Mãng cầu xiêm tình trạng khai thác cây quá mức (thụ phấn bổ sung, thu hoạch số trái theo ý muốn) dẫn đến tuổi thọ và sức đề kháng cây giảm, năng suất cây không ổn định.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất điều hòa sinh trưởng trên cây ăn quả còn ảnh hưởng đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với thủy sản: Phần lớn thủy sản ở Tân Phú vẫn nuôi quảng canh, một phần diện tích bán thâm canh, rất ít diện tích nuôi thâm canh (chủ yếu là nuôi tôm Càng xanh) nên năng suất không cao. Đối tượng không có giá trị kinh tế cao, chủ yếu vẫn nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống: Cá Trắm cỏ, Rô phi… nên giá trị sản xuất không cao. Tình trạng ngập lụt vào mùa mưa cũng gây thiệt hại đáng kể về sản lượng.

Phần lớn tôm giống ở Nhơn Trạch đều chưa qua kiểm dịch nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng nông sản. Trong khâu chăm sóc, tùy điều kiện nuôi, môi trường nước, tỷ lệ tổn thất trong khâu chăm sóc từ 10 - 15%.

- Đánh giá thực trạng trong quá trình thu hoạch gây tổn thất về khối lượng và chất lượng nông sản, thủy sản.

Về thu hoạch: Đa số nông sản và thủy sản được thu hoạch bằng phương pháp thủ công, chưa có phân loại sơ bộ trong khi thu hoạch. Đối với cây lâu năm, thu hoạch chủ yếu bằng thủ công, nông sản để trực tiếp dưới mặt đất gây dập nát, nhiễm bẩn làm tổn thất về số lượng lẫn chất lượng. Đối với cây hàng năm, ngoại trừ một số ít diện tích Lúa tập trung, giao thông nội đồng có thể sử dụng cơ giới hóa trong thu hoạch nhưng phần lớn là thu hoạch thủ công theo phương pháp truyền thống đối với tất cả các khâu gây tổn thất nhiều; như trong vụ Hè Thu, do mưa, gió làm Lúa ướt thân cây, sẽ cuốn theo rơm rạ, hạt Lúa trên đồng ruộng, khâu thu gom Lúa, khuân vác về điểm tập trung. Hầu hết giống Lúa hiện nay đều dễ rụng hạt khi chín. Ngược lại, cũng có một số giống hạt Lúa lại bám quá dai, khi cho vào máy tuốt cũng không thể tách hạt ra khỏi rơm, tình trạng tổn thất sau thu hoạch vẫn xảy ra. Trong vụ Hè - Thu do thời tiết: Mưa, gió,… làm cây Lúa dễ đổ gây khó khăn trong thu hoạch.

Nhìn chung việc áp dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch còn hạn chế do diện tích canh tác manh mún, không tập trung. Nhưng khó khăn lớn nhất là thiếu vốn đầu tư mua máy móc, thiết bị: Việc tiếp cận vốn vay mua sắm thiết bị phục vụ nông nghiệp còn hạn chế do những yếu tố liên quan sau: Nhiều hộ dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nộp cho ngân hàng bởi theo quy định các đối tượng thuộc diện vay vốn không cần tài sản thế chấp khi vay vốn nhưng phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã là chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp. Ngoài ra, mức hỗ trợ về tín dụng và thời gian hỗ trợ tín dụng chưa thu hút được nông dân tiếp cận với nguồn vốn.

Thời điểm thu hoạch hiệu quả vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức, việc thu hoạch không đúng thời điểm do phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường và thời tiết do đó làm giảm năng suất và phẩm chất nông sản. Ví dụ khi thu hoạch Lúa muộn, lúc đó hạt Lúa quá chín, khô, dễ rơi rụng nhiều, bị rạn nứt hoặc gãy vỡ trong quá trình đập tuốt Lúa,... làm giảm khối lượng và chất lượng sau thu hoạch. Quá trình thu hoạch chưa được cơ giới hóa, thiếu cách thu hoạch thích hợp với từng loại nông sản khiến chúng bị tổn thương cơ học và độ thối rữa cao. Đặc biệt, việc phân loại, sơ chế và vận chuyển thường không đảm bảo, tỷ lệ thất thoát cao.

Đối với Bắp: Chưa có máy thu hoạch Bắp, chỉ có giai đoạn tách hạt sử dụng máy. Nông dân thường bẻ trái rồi gom đống để ủ, thời gian ủ đống từ 03 - 07 ngày rồi tách hạt nên xảy ra trường hợp hạt bị mốc hoặc nảy mầm, đặc biệt trong mùa mưa. Tỷ lệ tổn thất do bẻ sót, rơi trái, phóng sót hạt trên cùi và văng ra ngoài, bị mốc là khoảng 3 - 4%. Đối với Tiêu: Việc thu hoạch tốn khá nhiều công lao động. Tỷ lệ rụng, hái sót, rơi vãi và lẫn trái non gây tổn thất 1 - 2%. Đối với Điều: Trong quá trình hái, trái non bị rơi rụng nhiều. Tỷ lệ hái sót, rơi vãi và trái non gây tổn thất khoảng 3 - 5%. Đối với Cà phê: Nông dân có thói quen hái cả trái xanh để tiết kiệm công hái hoặc hái ồ ạt để bán lúc được giá, vào những đợt hái cuối tỷ lệ trái xanh có thể từ 30 - 40%. Lượng trái sau khi hái lẫn lộn nhiều loại: Trái chín đỏ, trái vừa chín, trái non, trái xanh già, trái chín nẫu, trái khô,…; điều này ảnh hưởng đến chất lượng Cà phê thương phẩm. Nhìn chung tỷ lệ tổn thất do rơi vãi, hái lẫn trái non khoảng 4 - 5%. Đối với rau, quả các loại: Việc thu hoạch rau, quả phụ thuộc nhiều vào thị trường, nên vấn đề năng suất và chất lượng tại thời điểm thu hoạch không ổn định. Ngoài ra, nông dân chưa sử dụng các phương tiện thu hoạch phù hợp. Tổn thất trong khâu thu hoạch chủ yếu do bị dập nát và thu hái không đảm bảo độ chín khoảng 5 - 10%.

- Đánh giá về thực trạng tổn thất về khối lượng và chất lượng nông sản, thủy sản sau thu hoạch.

Việc thu hoạch thường rộ mùa, tình trạng thiếu nhân công do lao động nông thôn ra các khu công nghiệp để làm việc làm cho thiếu lao động ở nông thôn khi vào mùa thu hoạch. Do đó thường có tình trạng Lúa chín lâu ngày mới gặt, nhất là vào mùa mưa hạt sẽ ngấm nước, nẩy mầm, tỷ lệ gạo vỡ, xỉn màu khi xay xát sẽ có tỷ lệ gạo bị nứt gãy cao.

Vận chuyển: Việc vận chuyển từ vườn, rẫy đến nơi tiêu thụ gặp khó khăn do đa số nông dân ở vùng sâu, đường giao thông nhỏ, không bằng phẳng, chất lượng mặt đường thấp (nhất là trong mùa mưa, những đường nhỏ trong thôn, ấp xuống cấp nghiêm trọng), gây rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Hiện nay nông dân chưa có xe chuyên dùng trong vận chuyển nông sản, thủy sản cũng là một yếu tố quan trọng gây tổn thất trong quá trình sản xuất.

Sau khi thu hoạch, có nơi áp dụng cách phơi truyền thống là phơi nhanh: Lúa được phơi dưới ánh nắng mặt trời trên nền sân xi măng, sân gạch và phơi liên tục từ 8 - 9 giờ sáng cho đến 4 - 5 giờ chiều trong 02 - 03 ngày nắng. Với cách phơi này, hạt gạo bị nứt khi xay xát, tỷ lệ gạo bị gãy cao (khoảng 20%). Ngoài ra phần lớn nông sản rất ít phơi trên sân xi măng do thiếu sân phơi mà sau thu hoạch được phơi trên bạt trải trên mặt đất hoặc tận dụng những khoảng đất trống có thể như sân, lề đường để phơi. Do đó bụi bẩn, đất đá do người đi qua lại đã để lại trên sản phẩm là nguyên nhân làm cho chất lượng nông sản giảm sút, đặc biệt là Cà phê và Tiêu. Đặc biệt, khi thu hoạch gặp mưa kéo dài không phơi sấy được, ngoài tổn thất về khối lượng còn ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nông sản.

Đối với Bắp, sau khi nẩy Bắp, nông dân thường bán hạt tươi để các nhà máy mua về sấy. Lượng Bắp phơi trong vụ Hè - Thu và mùa không đáng kể. Vụ Đông Xuân, nông dân phơi Bắp nhiều hơn để bán được giá. Lượng Bắp bảo quản trong dân không lớn, mục đích phục vụ chăn nuôi gia đình. Thời gian bảo quản tại các lò sấy chỉ tạm thời. Do đó thất thoát trong các khâu sau thu hoạch chủ yếu do khâu thu gom, vận chuyển với khối lượng lớn của các thương lái trên địa bàn; Bắp phơi trong mùa mưa bị ẩm mốc và lượng hạt rơi vãi trong quá trình phơi. Tỷ lệ thất thoát này được đánh giá khoảng 1 - 3%.

Nhìn chung trong khi các nhà máy sấy hiện đại trong các khu công nghiệp không đủ nguyên liệu để sấy thì các cơ sở sấy nông sản trên địa bàn các huyện chỉ giải quyết khoảng 30% nhu cầu, không đáp ứng được yêu cầu sản lượng Lúa, Bắp cần sấy trong mùa mưa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ (trong những năm gần đây số lượng lò sấy tăng chậm vì đặc thù của lò sấy là không hoạt động thường xuyên, mặt khác việc xây dựng lò sấy đòi hỏi phải có mặt bằng và vị trí thuận lợi cho việc vận chuyển).

Về bảo quản: Hiện nay chỉ có các kho bảo quản nông sản của các doanh nghiệp tư nhân, các kho này chỉ dự trữ nông sản trong một thời gian nhất định nhưng với việc thu mua nông sản không đạt ẩm độ đã gây tổn thất cao trong khâu bảo quản. Trong dân không có kho bảo quản nông sản đúng tiêu chuẩn, nông dân thường trữ lại lượng Lúa, Bắp đủ dùng đến giáp hạt, còn lại bán hết cho thương lái, nên không quan tâm đến vấn đề tổn thất trong bảo quản. Một số nông dân có điều kiện kinh tế khá hơn thì trữ nông sản với thời gian tối đa từ 03 - 04 tháng để chờ giá cao. Phần lớn nông dân tự bảo quản bằng phương tiện thủ công thô sơ như trong bồ, cót quây, thùng, chum... Nên nông sản bị nấm mốc, côn trùng và chuột tấn công dẫn đến tổn thất về chất lượng và sản lượng sau thu hoạch.

Đối với Tiêu: Khâu làm khô hoàn toàn dựa vào năng lượng mặt trời. Tổn thất trong quá trình phơi, suốt Tiêu khoảng 0,5 - 1%. Lượng Tiêu trữ trong dân ít, một phần sản lượng Tiêu được thương lái mua và trữ tại các điểm thu mua, kho nông sản. Đối với Điều: Nông dân thường bán hạt tươi cho các điểm thu mua hoặc các cơ sở chế biến để phơi. Do đó tổn thất sau thu hoạch của nông dân không đáng kể. Tổn thất chủ yếu xảy ra ở khâu chế biến do chất lượng hạt Điều nhân không đồng đều. Đối với Cà phê: Sau thu hoạch, do ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc thiếu diện tích sân phơi, nông dân ủ Cà phê lại trong bao. Điều này có thể làm Cà phê lên men, làm tăng tỷ lệ hạt đen và hạt nâu, đặc biệt nếu tỷ lệ quả non hoặc xanh nhiều. Đa số nông dân áp dụng phương pháp chà dập vỏ quả để rút ngắn thời gian phơi, nên khi gặp mưa chất lượng Cà phê dễ xuống cấp. Ngoài ra, việc phơi Cà phê bằng bạt trải trên nền đất cũng chính là nguyên nhân làm giảm chất lượng Cà phê thương phẩm (độ ẩm không đồng đều, lẫn tạp chất, dễ nhiễm mốc). Nông dân thường bảo quản trong thời gian ngắn rồi bán nên tổn thất sau thu hoạch chủ yếu trong quá trình phơi, xát vỏ được đánh giá khoảng 2 - 3%. Đối với rau, quả các loại: Một trong những lỗi phổ biến mà người dân mắc phải là thu hoạch quả quá sớm, khi quả chưa chín, chưa đạt được hương vị tốt nhất. Một số loại rau, nếu để sinh trưởng quá lứa sẽ bị nhiều xơ ăn không ngon làm ảnh hưởng chất lượng nông sản; trong quá trình vận chuyển do đường xấu làm sản phẩm bị dập, hỏng. Sau thu hoạch, một phần sản phẩm được tiêu thụ tại địa phương, còn lại phần lớn sản phẩm được chuyển đến điểm thu mua (quả) hoặc thương lái mang đi (rau, quả). Nhìn chung, sản lượng rau, quả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được thu hoạch bằng thủ công nhiều hơn bằng máy. Tuy nhiên việc thu hoạch bằng thủ công cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng rau, quả trong quá trình thu hoạch do người thu hoạch chưa được đào tạo cách thu hoạch phù hợp để giảm nhẹ các tổn thương và cách thu hoạch phù hợp, cách nhận biết độ chín của sản phẩm mà họ đang thu hoạch. Ngoài ra, vật dụng đựng nông sản cũng ảnh hưởng đến chất lượng nông sản (nếu đựng nông sản vào thùng lớn thì sẽ tránh được các vết dập, nát). Quy trình này chưa nâng cao được giá trị sản phẩm và kéo dài thời gian bảo quản. Tổn thất trong quá trình vận chuyển khoảng 1%.

Đối với thủy sản, tổn thất sau thu hoạch không lớn. Đối với thủy sản đánh bắt do sản lượng nhỏ, chủ yếu là thủy sản nước ngọt trên hồ Trị An nên được vận chuyển bằng xe đông lạnh tiêu thụ trong vùng, còn thủy sản nuôi phần lớn sản lượng cá được các thương lái thu mua và vận chuyển sống đến nơi tiêu thụ bằng các xe ôtô có trang bị máy sục khí hoặc đưa vào các bao chứa nước và sục khí oxy vào để tránh hiện tượng cá bị ngạt trong quá trình vận chuyển, sản lượng tôm nuôi được các đơn vị chế biến xuất khẩu mua tại ao. Do đó tổn thất sau thu hoạch không đáng kể.

Về chế biến: Các nhà máy xay xát nông sản, nhìn chung hoạt động xay xát còn tổn thất nhiều do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Các cơ sở xay xát Lúa trên địa bàn phần lớn trang bị máy chế biến Lúa theo kiểu hai giai đoạn. Một số theo kiểu nhiều giai đoạn nhưng công nghệ cũ, sử dụng đã lâu năm. Do đó tỷ lệ gạo thu hồi và chất lượng gạo không cao. Tuy nhiên, do chủ yếu phục vụ cho các gia đình tự túc lương thực nên vấn đề tổn thất trong xay xát ít được quan tâm. Tỷ lệ tổn thất trong xay xát thường cao.

- Đánh giá chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn cản trở việc áp dụng máy móc, thiết bị và công nghệ trước và sau thu hoạch.

+ Về quy mô đồng ruộng: Nhỏ và phân tán. Đối với cây hàng năm, số thửa có diện tích dưới 500m2 chiếm 30%; số thửa có diện tích 500 - 1.000m2 chiếm 27%, số thửa đất trồng cây công nghiệp có diện tích từ 500m2 đến 10.000m2 chiếm khoảng 16%. Hầu hết các diện tích sản xuất nông nghiệp đều có quy mô ô thửa ruộng nhỏ nên khó áp dụng cơ giới hóa trong khâu sản xuất. Riêng đối với một số vùng trồng Lúa ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch có diện tích rộng, nông dân mới mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bằng máy làm đất công suất lớn, máy gặt đập liên hợp. Do đặc điểm địa hình không bằng phẳng, có nhiều đá lộ đầu nên khó sử dụng cơ giới hóa và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật như lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa trong thu hoạch. Công tác quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng thực hiện còn kém do thói quen canh tác của người dân địa phương, trồng xen canh nhiều loại cây trồng khác nhau trên cùng một thửa đất.

+ Về điện khí hóa, thủy lợi hóa và giao thông nông thôn:

Hiện tại các tuyến đường điện trung và hạ thế dọc theo các trục đường chính và các khu dân cư đã khá hoàn chỉnh, nhưng từ khu dân cư hoặc trục đường chính vào các khu vực sản xuất tập trung còn thiếu, đặc biệt là các khu vực phát triển rau theo hướng an toàn, khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực sản xuất nông nghiệp bằng nước ngầm người dân phải kéo đường dây đi xa, tổn thất điện lớn. Điện phục vụ cho sản xuất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú nhất là trong giờ và mùa cao điểm, làm ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc. Vẫn còn một số vùng sử dụng động cơ máy nổ phục vụ cho sản xuất,… dẫn đến giá thành nông sản tăng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 trạm bơm điện, 15 hồ thủy lợi, 56 đập dâng phục vụ tưới cho khoảng 9.070 ha Lúa và 4.270 ha màu cả năm. Thủy lợi mới chỉ đáp ứng một phần tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cây lâu năm, cây hàng năm và một số cây màu được trồng trên đất Lúa. Một số vùng ở huyện Trảng Bom hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo, sản xuất phụ thuộc vào nước tự nhiên. Việc kiên cố hóa các kênh mương nội đồng còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân, làm hạn chế diện tích tưới vụ Đông Xuân cũng như việc kiểm soát nước trong ruộng. Các công trình thủy lợi phục vụ tưới cho các cây trồng lâu năm chưa được đầu tư nông dân phải sử dụng giếng khoan tràn lan, gây tụt mực nước ngầm hàng năm.

Về giao thông nông thôn, mặc dù tỷ lệ nhựa hóa đường huyện quản lý đạt 52%, đường xã quản lý đạt 24%, hệ thống đường giao thông nông thôn đã từng bước được nâng cấp nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển và hầu hết các đường giao thông nội đồng chưa được cứng hóa. Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh về cơ bản hệ thống giao thông đường bộ tuy có phát triển ở đường huyện, liên huyện nhưng hệ thống đường xã còn nhiều đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất, nhất là giao thông nội đồng còn thiếu và yếu, chưa được quan tâm đầu tư xây dựng gây khó khăn cho công tác cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng như vận chuyển nông sản thu hoạch và làm tăng tổn thất sau thu hoạch. Nhiều xã vẫn lầy lội vào mùa mưa xe vận chuyển, máy móc đi lại gặp nhiều khó khăn; đường giao thông trong các ấp chất lượng thấp, nhỏ và gồ ghề. Hệ thống giao thông phục vụ sản xuất nối từ các khu dân cư đến các vùng sản xuất tập trung nhìn chung còn thiếu, nhất là các khu vực nuôi trồng thủy sản, nên việc đi lại, vận chuyển vật tư, sản phẩm hàng hóa vào mùa mưa nhiều đoạn không thể đi được do bị xuống cấp nghiêm trọng.

+ Về sân phơi, kho dự trữ: Chỉ ở một số kho nông sản của các doanh nghiệp có đầu tư diện tích sân phơi khá lớn; còn đa số các hộ sản xuất nông nghiệp đều thiếu sân để phơi nông sản, hầu hết nông sản được phơi trên bạt trải trên nền đất, sỏi…, một số ít được phơi trên sân xi măng. Một số khu vực nông dân có điều kiện đầu tư sân phơi (Biên Hòa) nhưng chưa được tập huấn quy trình kỹ thuật phơi sấy nên ảnh hưởng đến chất lượng nông sản (hạt gạo bị rạn nứt khi xay xát, nông sản chưa đạt đến độ ẩm cần thiết để bảo quản được lâu).

Đa số nông sản sau khi thu hoạch phơi xong đều bán cho thương lái, chỉ để lại một số cần thiết phục vụ cho đời sống, chăn nuôi nên không có kho bảo quảnchủ yếu tận dụng diện tích có sẵn để cất giữ nông sản theo phương pháp truyền thống: Nông sản được đựng trong các bao bố, bao bì nhựa có khối lượng 40 - 50 kg. Vì vậy, phương pháp này gây ra nhiều tổn thất sau thu hoạch do sự xâm nhập và phá hoại của côn trùng và sự hút ẩm của hạt từ môi trường tự nhiên bên ngoài. Các lò sấy công suất thấp chưa đủ sức để đáp ứng nhu cầu của người dân nhất là trong mùa mưa.

Đối với bảo quản thủy sản, do thủy sản được bán ngay cho các thương lái sau khi thu hoạch nên các hộ nuôi trồng thủy sản không đầu tư kho lạnh dự trữ thủy sản.

+ Những khó khăn khác:

- Tích lũy của hộ trong nông nghiệp thường thấp, dẫn đến thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đa số hộ có nhu cầu vay vốn, nhưng không vay được do thủ tục vay khó khăn, thời gian vay chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất. Độ tuổi lao động nông nghiệp phần lớn trên 40 tuổi, trình độ học vấn hạn chế nên gặp khó khăn trong tiếp thu khoa học, công nghệ trong nông nghiệp. Ngoài ra một số vùng bị quy hoạch đô thị và quy hoạch công nghiệp làm cho đất nông nghiệp bị thu hẹp dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao.

- Đánh giá hiện trạng và tổ chức quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị ảnh hưởng đến tổn thất nông sản, thủy sản.

+ Đánh giá đối tượng áp dụng, chủng loại và quy mô công suất các loại máy móc thiết bị vào sản xuất nông nghiệp.

Nhìn chung, mức độ cơ giới hóa ở tại các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn ngày càng giảm dần theo sự gia tăng tốc độ đô thị hóa và chuyển hướng sang nền nông nghiệp đô thị chủ yếu là trồng rau và hoa kiểng trong khi nhu cầu ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất cây rau và hoa kiểng rất ít nhất là khâu làm đất và sơ chế chủ yếu làm bằng thủ công; mức độ cơ giới hóa ở tại các khu vực nông thôn ngày càng phát triển nhưng chưa đồng bộ, mới áp dụng ở một số khâu: Làm đất, tưới, phun thuốc, cắt cỏ, đập lúa, tẻ bắp, vận chuyển.

Khu vực sản xuất Lúa là mức đầu tư cơ giới hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Khâu làm đất 98%, tưới nước 70%; cắt, gặt có mức độ cơ giới hóa 65%. Còn lại các khâu như gieo trồng, bảo quản, chế biến thì mức cơ giới hóa rất thấp. Ở các loại cây trồng khác chỉ có khâu làm đất, khâu tưới tiêu được cơ giới hóa ở mức khoảng 80%; đặc biệt khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến đóng vai trò gần như quyết định chất lượng sản phẩm khi thu hoạch, thì việc cơ giới hóa gần như chưa có.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp phổ biến do nhân dân tự mua và chế tạo như máy động lực bao gồm động cơ nổ (chạy xăng và diesel), mô tơ điện; các loại máy công cụ: Máy gặt đập liên hợp, máy cày kéo, máy gặt, máy phun thuốc, máy phun thuốc trừ sâu và các loại xe vận chuyển nông sản (xe công nông, ô tô) do các nhà máy trong nước sản xuất hay nhập nội. Nông dân ở địa phương sáng tạo, tự chế, sửa chữa các loại máy móc phục vụ yêu cầu sản xuất như: Máy gặt Lúa, máy phóng Lúa, máy thái củ, máy bóc tách hạt Bắp, máy làm bồn, máy phát cỏ, suốt Tiêu, chà Cà phê và một số loại máy khác... Riêng máy cấy mạ thảm, máy thu hoạch Mía hầu như nông dân chưa hề biết tới… Hầu hết các loại máy có công suất nhỏ, năng suất thấp nhưng cũng đem lại hiệu quả tốt cho sản xuất, giảm công lao động nhưng do kỹ thuật, thô sơ nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và sản phẩm khi thu hoạch gây tổn thất... Chưa có nhiều các máy móc, thiết bị phù hợp với địa hình canh tác ở các huyện miền núi như Tân Phú, Định Quán.

Đối với cơ giới hóa ngành thủy sản: Hầu hết các hộ nuôi cá bè trên địa bàn tỉnh đều sử dụng máy sục khí trong quá trình nuôi trồng thủy sản.

+ Đánh giá thị trường máy nông nghiệp

Các dịch vụ cơ khí nông thôn có bước phát triển nhanh góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên một số nơi như địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán hệ thống cung ứng các sản phẩm máy móc để phục vụ cơ giới hóa chưa nhiều và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như không có nơi chuyên bảo hành, sửa chữa sản phẩm. Trên địa bàn nhiều huyện không có cơ sở bán máy nông nghiệp, hệ thống đại lý cách xa, nằm rải rác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nên rất khó trong việc tư vấn, hỗ trợ người dân áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn.

Nông dân sử dụng các loại máy cày, xới, máy cắt Lúa với công suất và chủng loại khác nhau do Việt Nam sản xuất như Vinappro, Vikyno có chất lượng ngày được đảm bảo nhờ không ngừng cải tiến mẫu mã, chủng loại và tính năng hoạt động.

+ Đánh giá hoạt động của các tổ chức, hộ nông dân dịch vụ cơ khí làm đất, thu hoạch, tuốt đập Lúa, sấy, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh phổ biến là các cửa hàng kinh doanh và sửa chữa máy móc với các loại như: Máy kéo, động cơ nổ, máy phát cỏ. Đa số có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật. Các hoạt động dịch vụ cơ khí làm đất, thu hoạch, tuốt đập Lúa, sấy, sơ chế nông sản đều do hộ gia đình đảm trách, mang tính nhỏ lẻ, tự phát, hiệu quả hoạt động chưa cao, chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu sản xuất. Hầu hết các hộ dân làm dịch vụ cơ khí đều chưa qua đào tạo kỹ thuật, trang bị máy có công suất nhỏ đến trung bình.

Chưa hình thành những tổ chức dịch vụ công hay những đơn vị chuyên nghiệp (tổ hợp tác, hợp tác xã) hoạt động dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp trước, trong và sau thu hoạch trong phạm vi toàn tỉnh.

II. NGUYÊN NHÂN TỔN THẤT SAU THU HOẠCH

1. Những tồn tại

Tỷ lệ tổn thất đối với các loại cây trồng, đặc biệt là các loại rau và cây ăn trái còn chiếm tỷ lệ cao, trong đó tập trung chủ yếu ở khâu thu hoạch, sơ chế, phơi sấy và bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, vấn đề về giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cũng làm giảm đáng kể năng suất và chất lượng sản phẩm từ đó làm giảm giá trị sản xuất. Cụ thể: Tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch đối với Lúa  12,37%, Bắp  6%, Tiêu 2,65%, Điều 4,75%, Cà phê 7%, rau 12 - 13%, trái cây 18,87%, thủy sản 2,85%. Những số liệu trên cho thấy trong khi nỗ lực nhằm tăng năng suất cây trồng lên một vài phần trăm hết sức khó khăn, thì tổn thất sau thu hoạch nhìn chung là khá lớn.

Ngoài sự tổn thất về khối lượng, chất lượng nông sản cũng bị sụt giảm đáng kể do quá trình sấy, bảo quản không tốt như tỷ lệ gạo gãy cao, nhiễm Aflatoxin đối với Bắp, nhiễm Ochratoxin A đối với Cà phê, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản nhìn chung chưa đảm bảo. Đối với thủy sản, tình trạng xây dựng ao nuôi không đúng kỹ thuật vẫn còn phổ biến làm cho thủy sản nuôi dễ dịch bệnh và hao hụt.

2. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân chủ quan

- Nguyên nhân về kỹ thuật:

* Diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung nên gây khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

* Hạ tầng giao thông từ đường huyện đến các khu vực sản xuất tập trung và giao thông nội đồng chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng máy móc thiết bị ở các khâu trong và sau thu hoạch.

* Hệ thống điện chưa được đầu tư đúng mức phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

* Về thủy lợi: Việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng triển khai chậm làm giảm diện tích tưới thực tế của các công trình thủy lợi.

* Tình trạng ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản.

* Cơ giới hóa nông nghiệp còn hạn chế nhiều mặt, đặc biệt là cơ giới hóa khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch của một số cây trồng như: Bắp, Lúa, Mía, đậu các loại, cây ăn trái. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn ít. Nhiều địa phương có đá lộ đầu trên bề mặt đất canh tác trong khi năng lực chế tạo, cung ứng máy móc, thiết bị còn nhiều hạn chế và bất cập và việc nhập khẩu máy móc thiết bị phù hợp với địa phương chưa được quan tâm đúng mức,… đã gây ra khó khăn cho việc cơ giới hóa nông nghiệp. Các cơ sở bảo hành, sửa chữa máy nông nghiệp còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu thay thế, sửa chữa máy móc, phục vụ cho người sử dụng.

* Về giống: Trong sản xuất nông nghiệp có quá nhiều các giống thương phẩm cho một chủng loại cây trồng, gây khó khăn cho công tác chăm sóc, thu hoạch sơ chế, bảo quản,… và chưa đáp ứng được nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến về số lượng và chất lượng nguyên liệu.

* Trong quá trình canh tác, việc bón phân không đủ hoặc không cân đối đã làm hạt, quả rất dễ bị rụng gây tổn thất; việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách hoặc không bảo đảm thời gian cách ly gây thiệt hại về chất lượng và mất an toàn VSTP.

* Thiếu sân phơi, kho bảo quản nên nông sản bị men, nấm mốc, côn trùng và chuột tấn công gây tổn thất về nông sản và số lượng và chất lượng. Bảo quản nông sản chủ yếu bằng thủ công và theo kinh nghiệm, gần như chưa được đầu tư máy móc cho việc bảo quản sau thu hoạch.

- Nguyên nhân về cơ chế, chính sách:

* Các chính sách khuyến khích các cơ sở chế biến nông, thủy sản đầu tư, nâng cấp cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng không đến với các nhà đầu tư nên chưa đáp ứng được yêu cầu giảm tổn thất sau thu hoạch. Sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô, có giá trị thấp, chất lượng không đồng đều.

* Kinh tế tập thể phát triển chậm và hoạt động còn kém hiệu quả.

* Mối liên kết 04 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng còn hạn chế.

* Việc quy hoạch các công trình đô thị tại các khu vực sản xuất nông nghiệp nhưng chưa triển khai thành khu công nghiệp hoặc có tình trạng sang nhượng đất Lúa nhưng bỏ hoang chờ quy hoạch đô thị (Nhơn Trạch) làm nơi trú ẩn của chuột, sâu bệnh làm ảnh hưởng đến sản xuất của những hộ xung quanh.

* Công tác tập huấn: Do chưa được tập huấn thường xuyên về tác hại của tổn thất sau thu hoạch nên nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của giảm tổn thất sau thu hoạch chưa cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng máy móc phục vụ quá trình cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng và chưa phù hợp với trình độ còn hạn chế của nông dân.

* Sự tiếp cận các chính sách tín dụng hỗ trợ đầu tư để giảm thất thoát nông sản, thủy sản của người dân còn bị hạn chế: Nông dân thiếu vốn và tiếp cận vốn vay mua sắm thiết bị phục vụ nông nghiệp còn hạn chế do nhiều hộ dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mức hỗ trợ về tín dụng chưa thu hút được nông dân tiếp cận với nguồn vốn.

* Chưa có chính sách khuyến khích thành lập các tổ chức hoạt động dịch vụ sau thu hoạch.

* Chưa có chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch: Giao thông nông thôn, sân phơi, kho bảo quản, lò sấy.

b) Nguyên nhân khách quan: Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

III. MỤC TIÊU GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH

1. Mục tiêu tổng quát:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả của sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của nông dân và chủ động ứng phó với những diễn biến của thị trường đối với các nông sản chủ yếu.

2. Mục tiêu cụ thể:

Hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, tập trung vào 09 đối tượng nông sản, thủy sản của tỉnh Đồng Nai: Lúa, Bắp, Cà phê, Điều, Tiêu, rau ăn lá, rau ăn quả, trái cây và thủy sản. Đảm bảo các mục tiêu theo Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ, cụ thể như sau:

- Đối với Lúa: Giảm mức tổn thất từ 12,37% hiện nay xuống 8% vào năm 2015 và 5 - 6% vào năm 2020, tập trung vào các khâu thu hoạch, phơi sấy.

- Đối với Bắp: Giảm mức tổn thất từ 6,003% hiện nay xuống 5,5% vào năm 2015 và dưới 5% vào năm 2020, tập trung vào các khâu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, phơi sấy. Hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố Aflatoxin để cải thiện giá bán thương phẩm.

- Đối với Cà phê: Giảm mức tổn thất từ 7,022% hiện nay xuống 5% vào năm 2015 và còn 4% vào năm 2020, tập trung vào các khâu thu hoạch, sơ chế,  phơi sấy; hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố Ochratoxin A để cải thiện giá bán Cà phê nhân.

- Đối với Điều: Giảm mức tổn thất từ 4,759% hiện nay xuống 4% vào năm 2015 và còn 3% vào năm 2020, tập trung vào các khâu thu hoạch, vận chuyển.

- Đối với Tiêu: Giảm mức tổn thất từ 2,65% hiện nay xuống 2,2% vào năm 2015 và còn dưới 2% vào năm 2020, tập trung vào các khâu thu hoạch, sơ chế,  phơi sấy.

- Đối với rau ăn lá: Giảm mức tổn thất từ  13,6% hiện nay xuống 11% vào năm 2015 và dưới 10% vào năm 2020, tập trung vào các khâu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế.

- Đối với rau ăn quả: Giảm mức độ tổn thất (cả về số lượng và chất lượng) từ  12,26% hiện nay xuống 11% vào năm 2015 và dưới 10% vào năm 2020, tập trung vào các khâu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế.

- Đối với trái cây: Giảm mức độ tổn thất từ 18,87% hiện nay xuống 12% vào năm 2015 và dưới 10% vào năm 2020 tập trung vào các khâu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế.

- Đối với thủy sản nuôi: Giảm mức độ tổn thất (cả về số lượng và chất lượng) từ 2,85% hiện nay xuống 2,2% vào năm 2015 và dưới 2% vào năm 2020, tập trung vào các khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản.

IV. CÁC GIẢI PHÁP GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH

1. Nhóm giải pháp kỹ thuật

a) Đối với lương thực, chủ yếu là Lúa, Bắp:

Công tác giống:

Hướng dẫn cho nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nhằm giảm thiệt hại do dùng giống kém chất lượng cho nông dân. Tổ chức thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu: Tỷ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương trong sản xuất đối với cây Lúa đạt 70% - 85% và chấm dứt tình trạng các hộ gia đình tự sử dụng thóc thịt làm giống; đối với các cây khác đạt trên 70%.

Khuyến cáo nông dân sử dụng giống Lúa xác nhận để gieo trồng. Đưa các giống mới (Lúa lai, Bắp lai…) Có năng suất cao, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, cứng cây, ít đổ ngã và ít bị rơi rụng vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng và giá trị sản xuất. Đảm bảo xuống giống tập trung; thực hiện tốt công tác BVTV giảm đến mức tối thiểu thiệt hại do sâu bệnh.

Thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản bằng việc hỗ trợ 100% giống, kỹ thuật cho các mô hình áp dụng thử nghiệm lần đầu các giống cây trồng tiến bộ kỹ thuật có năng suất chất lượng cao, ít đổ ngã, ít nhiễm sâu bệnh, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định chủng loại và quy mô áp dụng để chọn ra bộ giống phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, bổ sung vào cơ cấu giống Lúa của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu về giống trên địa bàn và có thể cung cấp giống cho các vùng lân cận.

Khâu chăm sóc:

Để tăng năng suất, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa, hạn chế rửa trôi dinh dưỡng của đất và giảm thiệt hại do sâu bệnh trên ruộng Lúa, vận động nông dân ứng dụng công nghệ san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng tia laser, gắn với việc điều tiết chế độ nước tưới trên đồng ruộng hợp lý.

Song song với việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, tổ chức thực hiện tốt các biện pháp 03 giảm trong khâu canh tác Lúa: Giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối N - P - K (sử dụng bảng so màu lá Lúa để không bón thừa phân đạm) áp dụng IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 04 đúng, nhằm giảm thiệt hại do sâu bệnh. Tăng cường áp dụng công cụ sạ hàng để giảm lượng giống gieo sạ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chăm sóc và bảo vệ thực vật, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh.

Khâu thu hoạch:

Tạo Điều kiện cho nông dân được vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg nhằm tăng cường thu hoạch Lúa bằng máy, phấn đấu thực hiện thu hoạch Lúa bằng máy đạt 80% vào năm 2020. Tùy điều kiện địa hình, phát triển việc sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch Lúa phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, hiện trạng đất (bùn lầy), có thể gặt được Lúa đổ và có tỷ lệ gặt sót dưới 1,5%.

Những vùng chưa đầu tư được máy gặt đập liên hợp do địa hình hoặc do các nguyên nhân khác: Để giảm tổn thất khi thu hoạch thủ công, hướng dẫn nông dân theo dõi thời tiết chọn ngày nắng ráo để thu hoạch sẽ rất thuận lợi cho các khâu suốt, vận chuyển, phơi sấy; khi gặt Lúa phải trải lưới trên đất lót khi gom Lúa bông… Nghiên cứu, lựa chọn máy suốt chất lượng cao Lúa ra sạch không lẫn rơm. Lúa thu hoạch xong cần suốt ngay và cần trải lưới trên nền máy suốt. Cải tiến những máy xếp dãy sao cho gọn, giá thành thấp, phù hợp mọi địa hình, dễ di chuyển, tháo lắp.

Khâu sơ chế:

Thực hiện Thông tư 62/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định danh mục các loại máy móc, thiết bị được hưởng chính sách theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, để khuyến khích các cơ sở sấy Lúa, Bắp đầu tư phát triển thêm các lò sấy phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, hạn chế tối đa tổn thất do nấm mốc, nhất là Bắp phải sấy khô kịp thời nhằm giảm nguy cơ nhiễm độc tố Aflatoxin, cải thiện giá bán thương phẩm. Đảm bảo sản lượng Lúa Hè Thu được chủ động làm khô kịp thời sau thu hoạch. Chú trọng việc đầu tư các hệ thống sấy tiên tiến, gắn với việc nâng cấp, cải tiến các cơ sở xay xát, dự trữ lương thực.

Khâu dự trữ, bảo quản:

Tăng cường hoạt động khuyến công trong việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản nhằm chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản Lúa, Bắp quy mô hộ gia đình hoặc phổ biến phương pháp bảo quản kín Lúa, Bắp bằng sử dụng bao bảo quản hạt giống do IRRI sản xuất.

Vận động và tạo điều kiện  để các doanh nghiệp được vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản để xây dựng kho silô giúp bảo quản Lúa đạt tiêu chuẩn để dễ dàng xông hơi sát trùng định kỳ và nâng cao khả năng kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản. Kết hợp các dịch vụ sấy, làm sạch để có thể thu mua nông sản ướt cho dân vào mùa mưa lũ.

Khâu xay xát:

Vận động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp được vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg nhằm cải thiện chất lượng chế biến gạo thành phẩm, phổ biến áp dụng các quy trình và thiết bị xay xát, đánh bóng, tuyển chọn để có gạo thành phẩm có tỷ lệ tấm phù hợp yêu cầu thị trường.

b) Đối với cây công nghiệp: Cà phê, Điều, Tiêu

- Khâu chọn giống, chăm sóc:

Tăng cường quản lý, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, giống đầu dòng cây lâu năm vì giống không đạt chất lượng thì bị thiệt hại rất lớn. Thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu tỷ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương đạt trên 70%.

Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông theo kịp yêu cầu của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, qua đó hướng dẫn nông dân bón phân cân đối NPK và theo quy trình kỹ thuật cho từng cây, cung cấp đầy đủ nguồn nước tưới và ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống cho cây trồng, phổ biến việc áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM: Integrated Pest Management) và ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý ra hoa trái vụ nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm ra thị trường quanh năm.

Khâu thu hái:

Vận động và khuyến khích người dân thu hái Điều, Tiêu, Cà phê đúng thời điểm nhằm giảm thất thoát do giảm phẩm cấp. Vận động các doanh nghiệp Vikyno, Vinapro và các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn cải tiến phương tiện thu hái, nghiên cứu ứng dụng việc thu hái Cà phê bằng máy để được hưởng cơ chế hỗ trợ theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015;

Khâu sơ chế:

Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân và các doanh nghiệp được vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg nhằm đầu tư sân phơi hoặc máy sấy Cà phê, hạt Điều và hồ Tiêu nhằm giảm thất thoát do rơi vãi, ẩm mốc,… hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố Ochratoxin A trên hạt Cà phê làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.

Khâu chế biến:

Nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm tổn thất về chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích các cơ sở áp dụng phương pháp chế biến ướt trong chế biến Cà phê để được hưởng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg .

Khâu bảo quản:

Áp dụng Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn Lúa, Bắp, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ Cà phê theo quy hoạch; hỗ trợ lãi suất tín dụng đầu tư phát triển theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống tạm trữ Cà phê.

Khuyến khích các doanh nghiệp mua nguyên liệu nông sản tại chỗ để giảm thiểu tổn thất nguồn nguyên liệu của địa phương để được hưởng chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường hoạt động khuyến nông, hướng dẫn cách thức bảo quản để người dân tạm trữ nông sản khi giá bán quá thấp.

c) Đối với rau, quả:

- Công tác giống: Tăng cường quản lý, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, giống đầu dòng cây ăn trái. Thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu tỷ lệ cây ăn trái dùng giống xác nhận hoặc tương đương đạt trên 70%. Cụ thể: Hướng dẫn cho nông dân lựa chọn giống rau và cây ăn trái của các đơn vị sản xuất giống có uy tín trên thị trường; sử dụng các giống được chọn lọc và công nhận, có năng suất, chất lượng cao.

- Khâu chăm sóc: Thực hiện Nghị quyết số 200/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 đến năm 2015, vận động nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong canh tác như trồng trong nhà lưới, nhà màng đối với rau; tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống đối với cây ăn quả; duy trì và mở rộng diện tích sản xuất rau, cây ăn quả đã được chứng nhận sản xuất theo quy trình GAP. Hướng dẫn cho nông dân sử dụng bao trái trên cây đối với một số quả để giảm sâu bệnh, giảm tổn thất và tăng giá trị sản phẩm; ứng dụng công nghệ tiên tiến, tổ chức sản xuất có kế hoạch theo hướng sinh học để kéo dài thời gian thu hoạch bảo đảm chất lượng rau quả sau thu hoạch.

- Khâu thu hoạch: Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông rau quả theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản: Hướng dẫn nông dân thu hoạch rau quả kịp thời đúng giai đoạn sinh trưởng để hạn chế rụng trái và sâu bệnh tấn công làm thiệt hại năng suất, chất lượng.

- Khâu bảo quản: Vận dụng Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và Quyết định 63/2010/QĐ-TTg , vận động các doanh nghiệp xây dựng kho ngoại quan đối với rau quả; thực hiện bảo quản rau quả tươi tại chỗ theo hướng bọc màng bán thấm (coating); ứng dụng công nghệ chiếu xạ, tiệt trùng bằng nước nóng đối với một số loại rau quả tươi xuất khẩu. Đầu tư phát triển hệ thống sơ chế rau quả (Packing House) tại các chợ đầu mối. Hỗ trợ xây dựng mô hình sơ chế và bảo quản trái cây cho các trang trại có quy mô lớn, các câu lạc bộ và hợp tác xã sản xuất và kinh doanh trái cây trên địa bàn.

- Khâu dự trữ - lưu thông: Khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng để được hưởng chính sách khuyến khích theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg; vận động các thành phần kinh tế xây dựng mô hình sơ chế, bảo quản và tiêu thụ trái cây thành một khâu hoàn chỉnh khép kín tại những vùng trái cây trọng điểm.

d) Đối với thủy sản

- Khâu giống: Thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu đảm bảo 75% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh, có chất lượng cao được sản xuất trong nước. Tập huấn hướng dẫn cho ngư dân cách lựa chọn con giống tốt khi mua để nuôi và giới thiệu các công ty, cơ sở bán giống có uy tín và chất lượng trên thị trường, khuyến cáo nông dân mua giống ở các đại lý bán giống có đăng ký kiểm dịch để không bị tổn thất do dịch bệnh. Tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản từ các cơ sở sản xuất kinh doanh con giống.

- Khâu chăm sóc: Thực hiện Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, tăng cường hoạt động khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người dân xây dựng các ao nuôi thủy sản theo quy trình kỹ thuật thâm canh để chủ động hạn chế các rủi ro do tác động của môi trường (thời tiết, dịch bệnh); tạo điều kiện  để người dân và các doanh nghiệp được vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg nhằm đầu tư trang bị thêm máy sục khí tạo ôxy, các máy móc thiết bị phù hợp với diện tích nuôi trồng.

- Khâu thu hoạch: Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng kho đông lạnh tại vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, cải tiến công nghệ bảo quản đông, công nghệ bảo quản sản phẩm tươi sống đối với những thủy sản thương phẩm có giá trị cao,... để được hỗ trợ lãi suất tín dụng đầu tư phát triển theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg .

2. Nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất

Trên cơ sở thực hiện xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo quy hoạch đã được duyệt theo Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 05/10/2007 về việc phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 11321/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 về việc phê duyệt bổ sung, rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và xây dựng quy hoạch vùng nuôi thủy sản..., các ngành, các địa phương thực hiện chức trách của mình tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó tăng cường công tác khuyến nông - bảo vệ thực vật, chuyển giao KHKT, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích bà con nuôi, trồng thích hợp phù hợp quy hoạch và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Những giải pháp về tổ chức sản xuất thực hiện như sau:

a) Tổ chức các loại hình dịch vụ hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản

Thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ hỗ trợ sản xuất: Các loại máy sấy nhỏ, máy thu hoạch liên hợp nhỏ phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của địa phương, các thiết bị chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản. Khuyến khích, tư vấn và hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất bằng nhiều hình thức như câu lạc bộ năng suất cao, tổ hợp tác, hợp tác xã để đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng cơ giới, nhằm giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch.

Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP miễn các loại thuế, lệ phí đối với các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch như: Dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất, bảo vệ thực vật, thu hoạch; sấy bảo quản nông sản.

b) Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, kết hợp nhập khẩu máy móc thiết bị tiên tiến, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc, cơ giới hóa nông nghiệp nhất là đầu tư cơ giới hóa vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trong các khâu sơ chế, chế biến và bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch,... được hưởng chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư thuộc Nghị định số 108/2006/NĐ-CP .

Áp mức thuế 0% theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg đối với các máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp trong nước chưa chế tạo được hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số: 74/2008/QĐ-UBND 31/10/2008 về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015 và Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 29/12/2008 của Tỉnh ủy về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn": Đầu tư hơn nữa cho phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn: Đẩy mạnh việc cứng hóa và nâng cấp đường giao thông xã, giao thông nội đồng nhằm giúp cho việc vận chuyển nông sản thuận lợi, tránh sản phẩm bị dập nát, rơi vãi và giảm tổn thất sau thu hoạch; cải tạo, tu bổ hệ thống kênh mương nội đồng, xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, phục vụ đa mục tiêu.

3. Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ và đào tạo

a) Khoa học công nghệ

Thực hiện chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ theo Quyết định 176/QĐ-TTg 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, đặc biệt là Quyết định 63/2010/QĐ-TTg, trong đó:

- Ưu tiên nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ cho nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ cơ giới hóa phục vụ giảm tổn thất sau thu hoạch.

- Khuyến khích hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức tư vấn đầu tư, dịch vụ chuyển giao công nghệ; khuyến khích hoạt động nghiên cứu sản xuất máy móc thiết bị công nghệ phục vụ chuỗi sản xuất nông nghiệp (sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm) phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra một số chế phẩm sinh học phục vụ chế biến bảo quản nông sản; khuyến khích các cơ sở chế biến áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và giảm tổn thất về chất lượng.

- Xây dựng các mô hình trình diễn chuyển giao công nghệ xử lý, bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí, ưu đãi tín dụng,... cho các hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, THT, các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; triển khai việc ứng dụng công nghệ điều khiển bằng tia lazer để xử lý mặt bằng đồng ruộng tương đối đồng đều nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; chuyển giao các mẫu kho bảo quản nông sản quy mô hộ gia đình.

- Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP, hỗ trợ 50% chi phí chuyển giao công nghệ từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia tổ chức cho những dự án ứng dụng khoa học công nghệ về giảm tổn thất sau thu hoạch.

b) Về đào tạo nguồn nhân lực

Tăng cường tuyên truyền cho nông dân tầm quan trọng của việc giảm tổn thất trong nông nghiệp và tập huấn cách thức, phương pháp để giảm tổn thất trong sản xuất nông sản, thủy sản. Không chỉ hướng dẫn giảm tổn thất sau thu hoạch mà cần hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hoạch để giảm cả tổn thất trước và trong thu hoạch, cụ thể như sau:

- Tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học tiên tiến gắn với tập huấn, hội thảo tham quan để chuyển giao những thành tựu khoa học mới cho nông dân, đặc biệt là các HTX, CLB năng suất cao và chủ các cơ sở sản xuất áp dụng vào sản xuất. Nâng cao kiến thức của cán bộ chủ chốt, nông dân về cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ thực vật và nhất là nhận thức về ý nghĩa của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất đối với tổn thất sau thu hoạch.

-  Hàng năm có kế hoạch phối hợp với các Công ty Vikyno, Vinapro tổ chức các buổi hội thảo trình diễn, giới thiệu các máy cắt Lúa xếp dãy, máy gặt đập liên hợp, máy sấy Lúa cho nông dân, thực hiện các dịch vụ sau bán hàng để kích thích nông dân mua và sử dụng máy nông nghiệp trong nước sản xuất.

- Tổ chức thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh trên cơ sở Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ lao động học nghề sửa chữa máy móc thiết bị nông nghiệp, đào tạo ngành nghề cơ khí ở nông thôn.

- Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật xử lý sau thu hoạch, sử dụng phương tiện thiết bị thu hoạch; khuyến cáo nông dân áp dụng cơ giới hóa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trên một đơn vị diện tích gieo trồng và thiệt hại do sâu bệnh; tập huấn cho ngư dân những tiến bộ mới về khoa học và công nghệ trong nuôi tôm, cá ao và cá lồng bè nhằm hạn chế rủi ro do tác động của môi trường (thời tiết, dịch bệnh).

4. Nhóm giải pháp về tài chính, tín dụng

Tăng kinh phí khuyến nông hàng năm cho lĩnh vực giảm tổn thất sau thu hoạch và huy động mọi nguồn đầu tư vào lĩnh vực giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp mở rộng các hình thức bán trả góp vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, nhằm giúp người dân có điều kiện thuận lợi để đầu tư cho mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch. Từng bước cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện để nông dân và các thành phần kinh tế tiếp cận được các nguồn vốn để phục vụ mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch như đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng sân phơi, kho bảo quản nông sản, thủy sản, phát triển dịch vụ nông thôn,… bằng việc triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Nhà nước như:

- Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 về cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

- Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Qua đó áp dụng việc hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn; lãi suất tín dụng đầu tư phát triển; miễn tiền thuê đất; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư, thuế suất thuế nhập khẩu và chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ  nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

- Quyết định 57/2010/QĐ-TTg ngày 17/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn Lúa, Bắp, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ Cà phê theo quy hoạch.

- Thông tư 03/2011/TT-NHNN ngày 08/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Qua đó thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất và cho vay áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển đối với  máy móc, thiết bị được đầu tư bằng vốn vay nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch có trong danh mục các loại máy móc, thiết bị ban hành kèm theo Thông tư số 62/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được hưởng chính sách theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg .

- Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ quy định chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư Nhà nước theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP .

a) Đối với các cá nhân, tổ chức đầu tư mua sắm máy móc nông nghiệp

- Hộ nông dân, nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX làm dịch vụ cơ giới nông nghiệp, bảo quản sau thu hoạch:

+ Áp dụng Thông tư 03/2011/TT-NHNN đối với tổ chức, hộ gia đình cá nhân mua sắm máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

+ Thực hiện miễn các loại thuế, lệ phí đối với các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, như: Dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; bảo vệ thực vật; thu hoạch; sấy bảo quản nông sản theo Nghị quyết số 48/NQ-CP .

+ Hỗ trợ 100% kinh phí cho tổ chức, cá nhân mua giống để áp dụng thử nghiệm lần đầu đối với các giống Lúa, Ngô tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao; đăng ký sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm sáng tạo của nông dân có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg .

- Các doanh nghiệp nông nghiệp, chế biến nông sản:

Áp dụng Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các cơ sở dịch vụ và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản hàng hóa.

Hỗ trợ 50% chi phí chuyển giao công nghệ từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia theo Nghị quyết số 48/NQ-CP cho những tổ chức, cá nhân thực hiện những dự án ứng dụng khoa học công nghệ về giảm tổn thất sau thu hoạch.

b) Đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư các dự án xây dựng kho dự trữ, bảo quản

Ngoài việc được vay vốn tín dụng đầu tư Nhà nước theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 và Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP , các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn Lúa, kho lạnh bảo quản rau quả, thủy sản kho tạm trữ Cà phê theo quy hoạch,… được miễn tiền thuê đất trong vòng 05 năm kể từ khi đi vào hoạt động theo Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 03 năm đầu đi vào hoạt động và giảm 50% trong 02 năm tiếp theo (theo Nghị quyết số 48/NQ-CP và Quyết định 63/2010/QĐ-TTg).

c) Đối với các cá nhân, tổ chức chế tạo, cung cấp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch

Các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được vay vốn tín dụng đầu tư theo Nghị định 151/2006/NĐ-CP và hưởng chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho tổ chức, cá nhân mua bằng sáng chế các loại máy móc, thiết bị có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt (theo Nghị quyết số 48/NQ-CP).

d) Đối với máy móc nhập khẩu

Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với các máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp trong nước chưa chế tạo được.

5. Các giải pháp khác

- Lồng ghép hoạt động giảm tổn thất trong các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới.

- Đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng trong vùng được quy hoạch sản xuất nông sản, thủy sản.

V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VÀ PHÂN KỲ THỰC HIỆN

TT

Địa phương

Chương trình /Dự án

Kinh phí

(Tỷ đồng)

Nguồn vốn

Tổng

Phân theo giai đoạn

Ngân sách

Dân và doanh nghiệp

2011 – 2015

2011 -2020

001

Biên Hòa

Dự án sản xuất cá Rô đồng theo hướng VietGAP

02

02

 

02

 

 

 

Dự án đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản thủy sản tại chợ cá đầu mối xã Hóa An

05

05

 

05

 

02

Vĩnh Cửu

Dự án bảo quản trái cây bằng phương pháp tạo màng sinh học

04

02

02

2,4

1,6

03

Trảng Bom

Dự án hỗ trợ sân phơi nông sản

04

02

02

2,4

1,6

04

Thống Nhất

Chương trình GAP trên cây rau

04

02

02

02

02

05

Xuân Lộc

Dự án sử dụng chất tạo màng để kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch đối với Xoài, Bưởi

1,5

1,5

0

1,5

0

 

 

Chương trình phát triển các kho bảo quản nông sản sau thu hoạch cho HTX, CLB năng suất cao

04

02

02

2,4

1,6

 

 

Chương trình GAP trên các loại cây: Tiêu, Chôm chôm, Sầu riêng, rau

10

05

05

06

04

06

Cẩm Mỹ

Dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ máy sấy tĩnh vĩ ngang đảo chiều không khí sấy nông sản (Lúa, Bắp, Cà phê)

04

02

02

2,4

1,6

 

 

Dự án hỗ trợ xây dựng sân phơi xi măng, quy mô hộ gia đình

04

02

02

2,4

1,6

07

Định Quán

Dự án sản xuất Xoài theo tiêu chuẩn VietGAP

04

02

02

2,4

1,6

 

 

Dự án sản xuất Quýt theo tiêu chuẩn Viet GAP

04

02

02

2,4

1,6

 

 

Dự án xây dựng mô hình sơ chế và bảo quản trái cây

04

02

02

2,4

1,6

08

Long Khánh

Dự án xây dựng mô hình sơ chế và bảo quản trái cây

04

02

02

2,4

1,6

 

 

Chương trình GAP trên cây Chôm chôm

04

02

02

2,4

1,6

 

 

Mô hình dùng năng lượng mặt trời làm nguồn nhiệt sấy Nấm

10

05

05

06

04

09

Tân Phú

Dự án sản xuất Mãng cầu na theo hướng VietGAP

04

02

02

2,4

1,6

 

 

Dự án sản xuất Tiêu theo hướng VietGAP

04

02

02

2,4

1,6

 

 

Dự án hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất Lúa giống xác nhận cho các xã có diện tích trồng Lúa lớn

04

02

02

2,4

1,6

 

 

Dự án hỗ trợ đầu tư máy gặt đập liên hợp để giảm tổn thất sau thu hoạch cho Lúa

10

05

05

06

04

10

Long Thành

Chương trình nâng cao chất lượng giống cây trồng

10

05

05

06

04

 

 

Chương trình cơ giới hóa nông nghiệp cho cây Lúa

10

05

05

06

04

11

Nhơn Trạch

Chương trình chuyển đổi cơ cấu giống Lúa

04

02

02

02

02

 

 

Chương trình hỗ trợ mua máy cắt Lúa xếp dãy, máy gặt đập liên hợp

10

05

05

06

04

 

 

Dự án nuôi tôm công nghiệp Phước An

10

05

05

06

04

Tổng

138,5

73,5

65

85,7

52,8

 

 

Tổng kinh phí đầu tư cho các chương trình, dự án của các địa phương phục vụ mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch là 138,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách đầu tư 85,7 tỷ đồng; dân và doanh nghiệp đầu tư 52,8 tỷ đồng.

Lộ trình thực hiện: Giai đoạn 2011 - 2015 đầu tư 85,7 tỷ đồng; Giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư 52,8 tỷ đồng.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

a) Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án phục vụ mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch trên địa bàn. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai đề án “Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, lồng ghép với việc triển khai thực hiện: Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 05/10/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định s11321/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt bổ sung, rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 29/12/2008 của Tỉnh ủy về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 02); Quyết định số 3719/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định 1572/QĐ-UBND ngày 24/6/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chương trình Phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 đến năm 2015; Quyết định 1572/QĐ-UBND ngày 24/6/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Chương trình “Phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 - 2015”; Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020; Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

b) Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Định hướng phát triển, xác định cơ cấu trang bị cơ điện nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm sản trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 2002 - 2010) theo Quyết định số 4018/QĐ-CT.UBT ngày 08/9/2004 của UBND tỉnh Đồng Nai trên địa bàn, làm cơ sở xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn 02 của Đề án, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch trên địa bàn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành hướng dẫn UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa xây dựng kế hoạch cụ thể, phân kỳ từng năm, sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên đầu tư để từng bước triển khai thực hiện Đề án “Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.  Hàng năm có tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh.

b) Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 4018/QĐ-CT.UBT ngày 08/9/2004 của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án “Định hướng phát triển, xác định cơ cấu trang bị cơ điện nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm sản trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 2002 - 2010) trên địa bàn huyện, xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện giai đoạn 02 của Đề án trên gắn với việc thực hiện Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015 và Thông tư 62/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định danh mục các loại máy móc, thiết bị được hưởng chính sách theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

c) Phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trực thuộc ngành hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phục vụ giảm tổn thất sau thu hoạch, bao gồm:

- Thực hiện các chủ trương lớn có tác động cơ bản đến việc giảm tổn thất sau thu hoạch như: Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn Lúa, Ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ Cà phê theo quy hoạch;

- Gắn việc thực hiện các chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đồng bộ với việc thực hiện các chủ trương lớn nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Quyết định 74/2008/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015; Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 29/12/2008 của Tỉnh ủy Đồng Nai về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; Quyết định 1572/QĐ-UBND ngày 24/6/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chương trình Phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 đến năm 2015; Chương trình Phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 02);

- Lồng ghép việc thực hiện các chủ trương trên với việc triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ: Thực hiện Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 05/10/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 11321/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt bổ sung, rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020; Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1845/-BNN-CB ngày 30/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Phát triển thương mại nông lâm thủy sản đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng;

- Đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý; tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản,... nhằm thực hiện mục tiêu giảm tổn thất trước, trong và sau thu hoạch;

- Tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch;

- Chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết Đề án.

3. Sở Công Thương

a) Chủ trì thực hiện các giải pháp của Đề án “Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành công thương như sau:

+ Thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

+ Đầu tư phát triển lưới điện các xã vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ngày 31/10/2008 về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015, trong đó tập trung hoàn thiện lưới điện phục vụ sinh hoạt và mở rộng lưới điện phục vụ sản xuất, nhất là tưới tiêu trong nông nghiệp;

+ Thực hiện Quyết định 69/2007/QĐ-TTg ngày 18/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đến 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó vận dụng các chính sách hỗ trợ của Chương trình Khuyến công để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, sấy nông sản;

+ Thực hiện Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015, gắn với việc thực hiện Quyết định 560/QĐ-BNN-CB ngày 24/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu.

b) Chủ trì, phối hợp ngành nông nghiệp & PTNT thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại cho nông sản, thủy sản theo Chương trình Xúc tiến thương mại hàng năm của tỉnh thực hiện Quyết định 123/2008/QĐ-TTg ngày 08/9/2008 về việc hỗ trợ thực hiện các Chương trình Quốc gia về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch.

c) Chủ trì, phối hợp các ngành, các địa phương thực hiện Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

4. Sở Khoa học - Công nghệ

Ưu tiên triển khai thực hiện các đề tài, dự án về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thu hoạch, chế biến, bảo quản nhằm thực hiện mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch gắn với việc triển khai Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 29/12/2008 của Tỉnh ủy về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

5. Sở Tài nguyên - Môi trường

Hướng dẫn thực hiện các ưu đãi về đất đai theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,... gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 29/12/2008 của Tỉnh ủy về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

6. Sở Y tế

Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai tuyên truyền, hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước về VSATTP đối với nông sản, góp phần nâng cao chất lượng VSATTP, cải thiện giá bán nông sản, thủy sản của nông dân.

7. Sở Kế hoạch - Đầu tư

Phối hợp với các sở, ngành liên quan phân bổ nguồn vốn để triển khai thực hiện. Đầu mối hướng dẫn thực hiện Thông tư 06/2011/TT-BKHĐT ngày 06/4/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành về việc hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp "Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ".

8. Sở Tài chính

Phối hợp với các sở, ngành liên quan phân bổ kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; trong đó tăng kinh phí khuyến nông hàng năm cho lĩnh vực giảm tổn thất sau thu hoạch.

Hướng dẫn các đơn vị quyết toán theo quy định hiện hành.

9. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Gắn hoạt động của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản với việc thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

10. Sở Giao thông Vận tải

Hướng dẫn các địa phương thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn theo Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015. Đối với đường xã và giao thông nội đồng, ngoài nguồn vốn ngân sách địa phương, chủ yếu huy động nguồn vốn bằng hình thức xã hội hóa giao thông.

11.  Sở Thông tin - Truyền thông

Phát triển đa dịch vụ đến các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng tại các điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 09/8/2007 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

12. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai, các tổ chức tín dụng, Quỹ Đầu tư Phát triển

Tập trung triển khai thực hiện:

- Thông tư 03/2011/TT-NHNN ngày 08/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và các chính sách tín dụng khác phục vụ đầu tư vào lĩnh vực tổn thất sau thu hoạch;

- Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

13. Các tổ chức đoàn thể

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, các đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện Đề án.

Đề nghị Hội Nông dân tỉnh thực hiện những nội dung:

- Tuyên truyền, phổ biến và phối hợp triển khai Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và các chính sách hỗ trợ có liên quan.

14. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai

- Tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh tế tập thể thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và các văn bản liên quan;

Phối hợp các địa phương và Hội Nông dân vận động thành lập các hình thức kinh tế tập thể, tham gia xây dựng và củng cố các hợp tác xã  nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn.

- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ về pháp lý, khoa học công nghệ, kinh tế phục vụ mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch.

15. Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai

Thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến VSATTP và các chính sách đã  ban hành về giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản./.

 

PHỤ LỤC 01 

CÁC VĂN BẢN PHÁP LÝ PHỤC VỤ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Công văn số 7860/UBND-CNN ngày 28/9/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ;

2. Công văn số 2391/SNN-CB ngày 18/11/2009 của Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai về việc đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án "Giảm tổn thất về sản lượng và chất lượng sản phẩm nông sản và thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng 2020";

3. Công văn số 10161/UBND-CNN ngày 11/12/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc chấp thuận chủ trương lập Đề án "Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản";

4. Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 13/4/2010 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt đề cương và kinh phí Đề án "Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020"./.

 

PHỤ LỤC 02

CÁC VĂN BẢN CHỦ YẾU PHỤC VỤ CHÍNH SÁCH GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH

1. Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

2. Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

3. Thông tư 62/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định danh mục các loại máy móc, thiết bị được hưởng chính sách theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

4. Thông tư số 03/2011/TT-NHNN ngày 08/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và các chính sách tín dụng khác phục vụ đầu tư vào lĩnh vực tổn thất sau thu hoạch;

5. Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn Lúa, Ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ Cà phê theo quy hoạch.

6. Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

7. Thông tư 06/2011/TT-BKHĐT ngày 06/4/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành về việc hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp "Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ"./.

 

PHỤ LỤC 03

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN

1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

2. Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

3. Quyết định 800/QĐ-TTg quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

4. Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 02/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

5. Quyết định số: 74/2008/QĐ-UBND 31/10/2008 về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015.

6. Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 29/12/2008 của Tỉnh ủy về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn";

7. Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 05/10/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

8. Quyết định số 11321/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt bổ sung, rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

9. Nghị quyết số 200/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 đến năm 2015.

10. Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 24/6/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Chương trình phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 - 2015.

11. Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020.

12. Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.

13. Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020.

14. Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

15. Quyết định số 242/2006/QĐ-TTg 25/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

16. Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

17. Quyết định số 1845/QĐ-BNN-CB ngày 30/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Phát triển thương mại nông lâm thủy sản đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

18. Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

19. Chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của tỉnh thực hiện Quyết định 123/2008/QĐ-TTg ngày 08/9/2008 về việc hỗ trợ thực hiện các Chương trình Quốc gia về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch.

20. Quyết định số 4018/QĐ-CT.UBT ngày 08/9/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án “Định hướng phát triển, xác định cơ cấu trang bị cơ điện nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm sản trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 2002 - 2010).

21. Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015.

22. Quyết định 69/2007/QĐ-TTg ngày 18/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đến 2010 và định hướng đến năm 2020.

23. Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

24. Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020.

25. Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; Đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tỉnh Đồng Nai.

26. Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 09/8/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020; STTTT.

27. Nghị định số 41/2010/NĐ-CP 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

28. Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

29. Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP 20/12/2006 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

30. Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung về ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP .

31. Thông tư 65/2011/TT-BTC ngày 16/5/2011 về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản của Bộ Tài chính ban hành.

32. Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

33. Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia.

34. Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020.

35. Quyết định số 3719/QĐ-UBND Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

36. Chỉ thị số 28/2007/CT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề.

37. Quyết định số 39/2007/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Điều đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

38. Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020.

39. Tờ trình 3696/TTr-BNN-CB ngày 10/11/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định về cơ chế, chính sách dự trữ, tiêu thụ Cà phê gắn với sản xuất.

40. Quyết định 560/QĐ-BNN-CB ngày 24/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy định tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

41. Quyết định 1379/QĐ-BNN-CB ngày 24/6/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc công bố các tổ chức, cá nhân sản xuất máy móc thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng chính sách theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

42. Thông tư 84/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011 hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ./.

 

PHỤ LỤC 04

CÁC ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU TỔN THẤT TRÊN ĐỊA BÀN CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Đối tượng khảo sát

Địa phương

Biên Hòa

Vĩnh Cửu

Trảng Bom

Thống Nhất

Long Khánh

Xuân Lộc

Cẩm Mỹ

Định Quán

Tân Phú

Long Thành

Nhơn Trạch

Lúa

 

(x)

 

 

 

 

 

 

 

(x)

(x)

Bắp

 

 

 

 

 

(x)

(x)

 

(x)

 

 

Cà phê

 

 

(x)

 

 

 

(x)

(x)

 

 

 

Điều

 

 

(x)

 

 

(x)

 

(x)

 

 

 

Tiêu

 

 

 

 

 

(x)

(x)

 

(x)

 

 

Rau ăn lá

(x)

 

 

(x)

 

 

 

(x)

 

 

 

Rau ăn quả

(x)

 

 

(x)

 

 

 

(x)

 

 

 

Quả các loại

 

 

 

(x)

(x)

 

 

 

(x)

 

 

DT thủy sản

 

(x)

(x)

 

 

 

 

 

 

 

(x)

Cộng

1

2

3

2

1

3

3

3

3

1

2

Số phiếu

120

120

180

180

60

180

180

240

180

60

120

 

PHỤ LỤC 05

TRÍCH KẾT QUẢ XỬ LÝ SỐ LIỆU CÁC ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT

4.1. CÂY LÚA

Kết quả thống kê về tổn thất sau thu hoạch đối với mẫu khảo sát:

Theo bảng điều tra, tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực trồng Lúa, bao gồm các thành phần sau:

- Tổn thất trong thu hoạch

- Tổn thất ở khâu vận chuyển

- Tổn thất ở khâu sơ chế

- Tổn thất trong khâu phơi sấy

- Tổn thất trong khâu chế biến

- Tổn thất ở khâu bảo quản

 

 

Tổn thất khâu thu hoạch (%)

Tổn thất khâu vận chuyển (%)

Tổn thất khâu sơ chế (%)

Tổn thất khâu phơi sấy (%)

Tổn thất khâu chế biến (%)

Tổn thất khâu bảo quản (%)

N

Valid

180

180

180

180

180

180

Missing

0

0

0

0

0

0

Mean

8,01

0,49

0,89

2,297

0,53

0,15

Median

6,00

0,50

0,00

2,000

0,00

0,00

Mode

6

0a

0

0,5

0

0

Std. Deviation

6,769

0,437

1,314

2,1854

0,945

0,331

Skewness

1,860

0,338

0,948

3,335

1,872

1,979

Std. Error of Skewness

0,181

0,181

0,181

0,181

0,181

0,181

Minimum

1

0

0

0,5

0

0

Maximum

40

2

4

20,0

4

1

Sum

1442

88

160

413,5

95

28

a. Multiple modes exist. The smallest value is shown

 

 

 

 

Theo số liệu khảo sát, ta có kết quả thống kê tổn thất ở từng khâu như sau:

- Khâu thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 8,01%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 40% và thấp nhất là 1%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 6% với 39 hộ.

- Khâu vận chuyển: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,49%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 2% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 58 hộ.

- Tổn thất ở khâu sơ chế: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,89%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 4% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 119 hộ.

- Tổn thất trong khâu phơi sấy: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 2,297%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 20% và thấp nhất là 0,5%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0,5% với 56 hộ.

- Tổn thất trong khâu chế biến: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,53%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 4% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 123 hộ.

- Tổn thất ở khâu bảo quản: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,15%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 1% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 138 hộ.

Tổn thất trung bình các khâu như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Thu hoạch

8,01%

Vận chuyển

0,49%

Sơ chế

0,89%

Phơi sấy

2,30%

Chế biến

0,53%

Bảo quản

0,15%

Tổng tổn thất sau thu hoạch trung bình của mẫu khảo sát là khoảng 12,366%. Kết quả thống kê về tổng tổn thất sau thu hoạch của mẫu khảo sát như sau:

Tổng tổn thất

 

N

Valid

180

Missing

0

Mean

12,366

Median

13,000

Mode

13,0

Std. Deviation

7,8850

Skewness

1,163

Std. Error of Skewness

0,181

Minimum

2,2

Maximum

45,0

Sum

2225,8

 

Tổng tổn thất

 

 

Frequency

Percent

Valid Percent

Cumulative Percent

Valid

2,2

1

0,6

0,6

0,6

2,3

1

0,6

0,6

1,1

2,8

1

0,6

0,6

1,7

3,2

2

1,1

1,1

2,8

3,3

1

0,6

0,6

3,3

3,4

1

0,6

0,6

3,9

3,5

3

1,7

1,7

5,6

3,7

1

0,6

0,6

6,1

3,8

2

1,1

1,1

7,2

3,95

1

0,6

0,6

7,8

4

21

11,7

11,7

19,4

4,2

1

0,6

0,6

20,0

4,2

2

1,1

1,1

21,1

4,3

2

1,1

1,1

22,2

5

20

11,1

11,1

33,3

9

1

0,6

0,6

33,9

11

3

1,7

1,7

35,6

12

19

10,6

10,6

46,1

12,5

3

1,7

1,7

47,8

13

39

21,7

21,7

69,4

14

9

5,0

5,0

74,4

15

3

1,7

1,7

76,1

16

10

5,6

5,6

81,7

17

1

0,6

0,6

82,2

18

7

3,9

3,9

86,1

19

2

1,1

1,1

87,2

20

4

2,2

2,2

89,4

23

1

0,6

0,6

90,0

25

5

2,8

2,8

92,8

30

9

5,0

5,0

97,8

35

3

1,7

1,7

99,4

45

1

0,6

0,6

100,0

Total

180

100,0

100,0

 

Nhận xét về các kết quả thống kê tổn thất sau thu hoạch:

Theo kết quả thống kê, tổn thất sau thu hoạch ở khâu thu hoạch là lớn nhất với tỷ trọng xấp xỉ là 65% trong tổng thu hoạch.

Tổn thất các khâu khác rất ít, không đáng kể. Thậm chí hơn 75% đối tượng được khảo sát ở các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản có tỷ lệ tổn thất là 0% (gần như toàn bộ các hộ ở huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch). Kết quả thống kê có thể giải thích theo 02 giả thuyết:

(1) Tổn thất ở các khâu: Vận chuyển, sơ chế, phơi sấy, chế biến và bảo quản thấp là do người nông dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và máy móc thiết bị vào bảo quản thành phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch.

(2) Rất ít hộ được khảo sát tiến hành các khâu trên, tức người nông dân đã bán Lúa cho thương lái ngay tại ruộng.

4.2. CÂY BẮP

Kết quả thống kê về tổn thất ở các khâu đối với mẫu khảo sát:

Theo bảng điều tra, tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực trồng bắp bao gồm các thành phần sau:

- Tổn thất trong thu hoạch

- Tổn thất ở khâu vận chuyển

- Tổn thất ở khâu sơ chế

- Tổn thất trong khâu phơi sấy

- Tổn thất trong khâu chế biến

- Tổn thất ở khâu bảo quản

Theo số liệu khảo sát, ta có kết quả thống kê tổn thất ở từng khâu như sau: 

Statistics

 

 

Tổn thất khâu thu hoạch (%)

Tổn thất khâu vận chuyển (%)

Tổn thất khâu sơ chế

(%)

Tổn thất khâu phơi sấy (%)

Tổn thất khâu chế biến

(%)

Tổn thất khâu bảo quản

(%)

Tổng tổn thất

N

Valid

182

182

182

181

182

182

182

Missing

0

0

0

1

0

0

0

Mean

2,79

1,093

0,66

0,97

0,02

0,47

5,995

Median

3,00

1,000

0,00

1,00

0,00

0,00

6,000

Mode

3

1,0

0

0

0

0

7,0

Std. Deviation

1,428

1,2004

1,403

1,013

0,165

0,750

2,7220

Kurtosis

0,167

3,000

4,472

-0,279

122,264

1,218

-0,293

Std. Error of Kurtosis

0,358

0,358

0,358

0,359

0,358

0,358

0,358

Sum

508

199,0

120

175

3

86

1091,1

- Khâu thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 2,79%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 7% và thấp nhất là 0,5%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 3% với 47 hộ.

- Khâu vận chuyển: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 1,093%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 7% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 1% với 44 hộ.

- Tổn thất ở khâu sơ chế: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,66%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 7% và thấp nhất là 0%. Có 140 hộ cho biết tỷ lệ tổn thất ở khâu này là 0%.

- Tổn thất trong khâu phơi sấy: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,97%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 4% và thấp nhất là 0%. Có 70 hộ cho biết tỷ lệ tổn thất ở khâu này là 0%.

- Tổn thất trong khâu chế biến: Gần như toàn bộ mẫu khảo sát (180/182) có tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

- Tổn thất ở khâu bảo quản: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,47%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 3% và thấp nhất là 0%. Có 119 hộ cho biết tỷ lệ tổn thất ở khâu này là 0%.

Nhận xét về các kết quả thống kê tổn thất sau thu hoạch:

Theo kết quả thống kê, tổn thất sau thu hoạch ở khâu thu hoạch là lớn nhất với tỷ trọng xấp xỉ là 46,53% trong tổng thu hoạch. Tỷ trọng tổn thất ở các khâu khác như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Tỷ trọng trong tổng tổn thất

Thu hoạch

2,79

46,53

Vận chuyển

1,093

18,23

Sơ chế

0,66

11,01

Phơi sấy

0,97

16,18

Chế biến

0,02

0,33

Bảo quản

0,47

7,84

Tổng

6,003

 

Tổng tổn thất sau thu hoạch trung bình của  mẫu khảo sát là khoảng 6,003%.

Tổn thất ở các khâu khác ít hơn nhiều. Chỉ có 02 hộ cho biết có hao hụt trong chế biến. Do đó có thể đưa ra kết luận hầu hết các hộ dân trồng Bắp ở Đồng Nai không có thực hiện công đoạn chế biến.

4.3. CÂY CÀ PHÊ

Kết quả thống kê về tổn thất ở các khâu đối với mẫu khảo sát:

Theo bảng điều tra, tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực trồng Cà phê, bao gồm các thành phần sau:

- Tổn thất trong thu hoạch

- Tổn thất ở khâu vận chuyển

- Tổn thất ở khâu sơ chế

- Tổn thất trong khâu phơi sấy

- Tổn thất trong khâu chế biến

- Tổn thất ở khâu bảo quản

Theo số liệu khảo sát, ta có kết quả thống kê tổn thất ở từng khâu như sau:

Statistics

 

 

Tổn thất khâu thu hoạch

(%)

Tổn thất khâu vận chuyển

(%)

Tổn thất khâu sơ chế

(%)

Tổn thất khâu phơi sấy

(%)

Tổn thất khâu chế biến

(%)

Tổn thất khâu bảo quản

(%)

Tổng tổn thất

N

Valid

180

180

180

180

180

180

180

Missing

0

0

0

0

0

0

0

Mean

4,96

0,067

1,30

0,61

0,00

0,085

7,013

Median

4,00

0,000

1,00

0,50

0,00

0,000

7,350

Mode

3

0,0

0

1

0

0,0

9,0

Std. Deviation

2,977

0,2052

1,147

0,666

0,000

0,2945

2,1994

Skewness

0,707

5,814

0,667

1,278

 

4,035

0,019

Std. Error of Skewness

0,181

0,181

0,181

0,181

0,181

0,181

0,181

Minimum

1

0,0

0

0

0

0,0

2,0

Maximum

13

2,0

5

3

0

2,0

13,0

Percentiles

2,50

0,000

0,12

0,03

0,00

0,000

5,500

4,00

0,000

1,00

0,50

0,00

0,000

7,350

7,00

0,000

2,00

1,00

0,00

0,000

8,400

- Khâu thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 4,96%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 13% và thấp nhất là 1%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 3% với 26 hộ.

- Khâu vận chuyển: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,067%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 2% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 145 hộ.

- Tổn thất ở khâu sơ chế: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 1%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 5% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 40 hộ.

- Tổn thất trong khâu phơi sấy: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,61%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 3% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 1% với 46 hộ.

- Tổn thất trong khâu chế biến: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

- Tổn thất ở khâu bảo quản: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,085%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 2% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 159 hộ.

Tổn thất trung bình các khâu như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Thu hoạch

4,96

Vận chuyển

0,067

Sơ chế

1,3

Phơi sấy

0,61

Chế biến

0,00

Bảo quản

0,085

Tổng tổn thất

6,945

Tổng tổn thất sau thu hoạch trung bình của mẫu khảo sát là khoảng 6,945%. Kết quả thống kê về tổng tổn thất sau thu hoạch của mẫu khảo sát như sau:

Chi-Square Tests

 

Value

df

Asymp. Sig. (2-sided)

Pearson Chi-Square

2,131E3a

2236

0,943

Likelihood Ratio

680,976

2236

1,000

Linear-by-Linear Association

0,541

1

0,462

N of Valid Cases

180

 

 

Nhận xét về các kết quả thống kê tổn thất sau thu hoạch:

1. Theo kết quả thống kê, tổn thất sau thu hoạch ở khâu thu hoạch là lớn nhất với tỷ trọng xấp xỉ là 71% trong tổng thu hoạch.

2. Tổn thất các khâu khác rất ít, không đáng kể. Thậm chí hơn 50% đối tượng được khảo sát ở các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản có tỷ lệ tổn thất là 0%. Tổn thất ở khâu chế biến là 0%. Ở khâu bảo quản là 0,085% và phơi sấy là 0,61%. Với các kết quả thống kê trên, có thể chắc chắn: Ở trong mẫu khảo sát không có hộ nào thực hiện công đoạn chế biến Cà phê. Bởi trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay chưa thể thực hiện chế biến sản phẩm mà không có tổn thất. Đối với khâu bảo quản chỉ có 21 hộ khảo sát báo cáo có tổn thất, như vậy có 159 hộ không bảo quản Cà phê sau khi thu hoạch.

Ở khâu vận chuyển, có 145 hộ cho biết không có tổn thất. Về kết quả này có thể giải thích theo 02 giả thuyết:

(1) Các hộ dân này bán Cà phê tại vườn nên không có tổn thất.

(2) Khoảng cách giữa địa điểm thu hoạch với nơi bảo quản rất ngắn nên tổn thất không có.

Ở khâu sơ chế và phơi sấy có 40 hộ cho biết không có tổn thất. Kết hợp các giả thuyết trên, chúng ta đưa ra nhận định:

- Trong mẫu khảo sát có 40 hộ (22,22%) bán sản phẩm ngay tại vườn nên không có tổn thất.

- Theo thống kê có 140 hộ (77,78%) cho biết có tổn thất trong các khâu sơ chế và phơi/sấy.

- Chỉ có 21 hộ (11,67%) có tổn thất trong khâu bảo quản. Đây là những hộ còn giữ sản phẩm sau khâu phơi/sấy.

Qua các số liệu thống kê trên, có thể nhận thấy, đối với các hộ trồng Cà phê được khảo sát, có 22,22% bán Cà phê ngay tại vườn. Khoảng 66,11% bán Cà phê sau khi được phơi sấy. Chỉ có 11,67% có tích trữ, bảo quản Cà phê.

4.4. CÂY ĐIỀU

1. Kết quả thống kê về tổn thất ở các khâu đối với mẫu khảo sát:

Theo bảng điều tra, tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực trồng Điều, bao gồm các thành phần sau:

- Tổn thất trong thu hoạch

- Tổn thất ở khâu vận chuyển

- Tổn thất ở khâu sơ chế

- Tổn thất trong khâu phơi sấy

- Tổn thất trong khâu chế biến

- Tổn thất ở khâu bảo quản

Theo số liệu khảo sát, ta có kết quả thống kê tổn thất ở từng khâu như sau:

Statistics

 

 

Tổn thất khâu thu hoạch (%)

Tổn thất  khâu vận chuyển (%)

Tổn thất khâu sơ chế

(%)

Tổn thất khâu phơi sấy (%)

Tổn thất khâu chế biến

(%)

Tổn thất khâu bảo quản

(%)

Tổng tổn thất

N

Valid

180

180

120

120

120

120

180

Missing

0

0

60

60

60

60

0

Mean

4,42

0,329

0,01

0,00

0,00

0,00

4,749

Median

3,50

0,000

0,00

0,00

0,00

0,00

4,000

Mode

3

0,0

0

0

0

0

1,0

Std. Deviation

3,467

0,4862

0,091

0,000

0,000

0,000

3,4645

Kurtosis

1,568

1,321

120,000

 

 

 

1,021

Std. Error of Kurtosis

0,360

0,360

0,438

0,438

0,438

0,438

0,360

Minimum

1

0,0

0

0

0

0

1,0

Sum

795

59,2

1

0

0

0

854,9

- Khâu thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 4,42%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 14% và thấp nhất là 1%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 3% với 36 hộ.

- Khâu vận chuyển: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,329%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 2% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 111 hộ.

- Tổn thất ở khâu sơ chế: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,01%. Có 179 hộ cho biết tỷ lệ tổn thất ở khâu này là 0% và 01 hộ có tổn thất là 1%.

- Tổn thất trong khâu phơi sấy: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

- Tổn thất trong khâu chế biến: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

- Tổn thất ở khâu bảo quản: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

Tổn thất trung bình các khâu như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Thu hoạch

4,42

Vận chuyển

0,329

Sơ chế

0,01

Phơi sấy

0

Chế biến

0

Bảo quản

0

Tổng tổn thất

4,759

Nhận xét về các kết quả thống kê tổn thất sau thu hoạch:

1. Theo kết quả thống kê, tổn thất sau thu hoạch ở khâu thu hoạch là lớn nhất với tỷ trọng xấp xỉ là 93% trong tổng thu hoạch.

2. Tổn thất các khâu khác rất ít, không đáng kể. Thậm chí 100% đối tượng được khảo sát ở các khâu sơ chế, phơi sấy, chế biến, bảo quản có tỷ lệ tổn thất là 0%. Ở khâu vận chuyển là 0,329%. Với các kết quả thống kê trên, có thể chắc chắn: Ở trong mẫu khảo sát không có hộ nào thực hiện công đoạn phơi sấy, chế biến và bảo quản Điều. Chỉ có 01 hộ thực hiện công đoạn sơ chế. Bởi trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay chưa thể thực hiện chế biến sản phẩm mà không có tổn thất.

Ở khâu vận chuyển, có 111 hộ cho biết không có tổn thất. Về kết quả này có thể giải thích theo 02 giả thuyết:

(1) Các hộ dân này bán Điều tại vườn nên không có tổn thất.

(2) Khoảng cách giữa địa điểm thu hoạch với nơi bảo quản rất ngắn nên tổn thất không có.

Chúng tôi nghiêng về giả thuyết (1). Nếu đúng vậy, có 111 hộ (61,67%) bán Điều tại vườn và 69 hộ (38,33%) thu hoạch và vận chuyển tới nơi bán.

4.5. CÂY TIÊU

Kết quả thống kê về tổn thất ở các khâu đối với mẫu khảo sát:

Theo bảng điều tra, tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực trồng Tiêu, bao gồm các thành phần sau:

- Tổn thất trong thu hoạch

- Tổn thất ở khâu vận chuyển

- Tổn thất ở khâu sơ chế

- Tổn thất trong khâu phơi sấy

- Tổn thất trong khâu chế biến

- Tổn thất ở khâu bảo quản

Theo số liệu khảo sát, ta có kết quả thống kê tổn thất ở từng khâu như sau:

Statistics

 

 

Tổn thất khâu thu hoạch (%)

Tổn thất  khâu vận chuyển (%)

Tổn thất khâu sơ chế (%)

Tổn thất khâu phơi sấy (%)

Tổn thất khâu chế biến (%)

Tổn thất khâu bảo quản (%)

Tổng tổn thất

N

Valid

180

180

180

180

180

180

180

Missing

0

0

0

0

0

0

0

Mean

1,88

0,06

0,46

0,21

0,00

0,04

2,41

Median

2,00

0,00

0,44

0,10

0,00

0,00

3,05

Mode

0

0

0

0

0

0

4

Std. Deviation

1,599

0,176

0,441

0,360

0,000

0,091

1,930

Skewness

0,184

3,553

0,634

2,636

 

2,804

-0,019

Std. Error of Skewness

0,181

0,181

0,181

0,181

0,181

0,181

0,181

Minimum

0

0

0

0

0

0

0

Maximum

5

1

2

2

0

0

7

Sum

338

10

83

38

0

7

433

Percentiles

25

0,02

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

0,04

50

2,00

0,00

0,44

0,10

0,00

0,00

3,05

75

3,00

0,01

0,93

0,20

0,00

0,01

4,00

- Khâu thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 1,88%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 5% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 3% với 36 hộ.

- Khâu vận chuyển: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,329%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 2% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 111 hộ.

- Tổn thất ở khâu sơ chế: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,01%. Có 179 hộ cho biết tỷ lệ tổn thất ở khâu này là 0% và 01 hộ có tổn thất là 1%.

- Tổn thất trong khâu phơi sấy: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

- Tổn thất trong khâu chế biến: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

- Tổn thất ở khâu bảo quản: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

Tổn thất trung bình các khâu như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Thu hoạch

1,88

Vận chuyển

0,06

Sơ chế

0,46

Phơi sấy

0,21

Chế biến

0

Bảo quản

0,04

Tổng tổn thất

2,65

Nhận xét về các kết quả thống kê tổn thất sau thu hoạch:

Theo kết quả thống kê, tổn thất sau thu hoạch ở khâu thu hoạch là lớn nhất với tỷ trọng xấp xỉ là 78% trong tổng thu hoạch.

Tổn thất các khâu khác rất ít, không đáng kể. Thậm chí 100% đối tượng được khảo sát ở các khâu chế biến có tỷ lệ tổn thất là 0%. Tỷ lệ tổn thất ở các khâu khác như sau: Khâu vận chuyển là 0,06%; khâu sơ chế là 0,46%, khâu phơi sấy là 0,21% và khâu bảo quản là 0,04%. Với các kết quả thống kê trên, có thể chắc chắn: Ở trong mẫu khảo sát không có hộ nào thực hiện công đoạn chế biến và bảo quản Tiêu. Bởi trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay chưa thể thực hiện chế biến sản phẩm mà không có tổn thất.

Ở khâu vận chuyển, có 116 hộ cho biết không có tổn thất. Về kết quả này có thể giải thích theo 02 giả thuyết:

(1) Các hộ dân này bán tiêu tại vườn nên không có tổn thất.

(2) Khoảng cách giữa địa điểm thu hoạch với nơi bảo quản rất ngắn nên tổn thất không có.

Chúng tôi nghiêng về giả thuyết (1). Nếu đúng vậy, có 116 hộ (64,44%) bán Tiêu tại vườn và 64 hộ (35,56%) thu hoạch và vận chuyển tới nơi bán.

4.6. CÂY RAU ĂN LÁ

Kết quả thống kê về tổn thất ở các khâu đối với mẫu khảo sát:

Theo bảng điều tra, tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực trồng rau ăn lá, bao gồm các thành phần sau:

- Tổn thất trong thu hoạch

- Tổn thất ở khâu vận chuyển

- Tổn thất ở khâu sơ chế

- Tổn thất trong khâu phơi sấy

- Tổn thất trong khâu chế biến

- Tổn thất ở khâu bảo quản

Theo số liệu khảo sát, ta có kết quả thống kê tổn thất ở từng khâu như sau:

Statistics

 

 

Tổn thất khâu thu hoạch (%)

Tổn thất  khâu vận chuyển (%)

Tổn thất khâu sơ chế (%)

Tổn thất khâu phơi sấy (%)

Tổn thất khâu chế biến (%)

Tổn thất khâu bảo quản (%)

Tổng tổn thất

N

Valid

181

181

180

180

180

180

181

Missing

2

2

3

3

3

3

2

Mean

7,25

2,04

4,29

0,02

0,00

0,00

13,53

Median

7,00

2,00

3,00

0,00

0,00

0,00

15,00

Mode

8

0

0

0

0

0

15

Std. Deviation

5,974

2,270

4,088

0,224

0,000

0,000

6,098

Kurtosis

9,233

0,642

-0,863

179,594

 

 

3,031

Std. Error of Kurtosis

0,359

0,359

0,360

0,360

0,360

0,360

0,359

Minimum

0

0

0

0

0

0

0

Maximum

40

10

15

3

0

0

40

Sum

1313

369

772

3

0

0

2448

Percentiles

25

3,00

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

10,00

50

7,00

2,00

3,00

0,00

0,00

0,00

15,00

75

9,75

3,00

8,00

0,00

0,00

0,00

17,00

- Khâu thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 7,25%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 40% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 8% với 31 hộ (chiếm 17,13%).

- Khâu vận chuyển: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 2,04%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 10% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 57 hộ.

- Tổn thất ở khâu sơ chế: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 4,29%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 15% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 61 hộ.

- Tổn thất trong khâu phơi sấy: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,02%.

- Tổn thất trong khâu chế biến: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

- Tổn thất ở khâu bảo quản: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

Tổn thất trung bình các khâu như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Thu hoạch

7,25

Vận chuyển

2,04

Sơ chế

4,29

Phơi sấy

0,02

Chế biến

0

Bảo quản

0

Tổng tổn thất

13,53

Nhận xét về các kết quả thống kê tổn thất sau thu hoạch:

Theo kết quả thống kê, tổn thất sau thu hoạch ở khâu thu hoạch là lớn nhất với tỷ trọng xấp xỉ là 53,58% trong tổng tổn thất. Tiếp theo là các khâu sơ chế (tỷ trọng 31,71%) và vận chuyển (tỷ trọng 15,14%)

Đặc biệt các mẫu khảo sát ở huyện Định Quán không có tổn thất trong khâu vận chuyển và sơ chế. Cần phải tìm hiểu thêm sự khác biệt này giữa huyện Định Quán với các huyện khác.

Tổn thất các khâu khác rất ít, không đáng kể. Thậm chí 100% đối tượng được khảo sát ở các khâu phơi sấy, chế biến, bảo quản có tỷ lệ tổn thất là 0%. Với các kết quả thống kê trên, có thể chắc chắn: Ở trong mẫu khảo sát không có hộ nào thực hiện công đoạn phơi sấy, chế biến và bảo quản.

4.7. CÂY RAU ĂN QUẢ

Kết quả thống kê về tổn thất sau thu hoạch đối với mẫu khảo sát:

Theo bảng điều tra, tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực trồng cây ăn quả, bao gồm các thành phần sau:

- Tổn thất trong thu hoạch

- Tổn thất ở khâu vận chuyển

- Tổn thất ở khâu sơ chế

- Tổn thất trong khâu phơi sấy

- Tổn thất trong khâu chế biến

- Tổn thất ở khâu bảo quản

Theo số liệu khảo sát, ta có kết quả thống kê tổn thất ở từng khâu như sau:

 

 

Tổn thất khâu thu hoạch (%)

Tổn thất  khâu vận chuyển (%)

Tổn thất khâu sơ chế (%)

Tổn thất khâu phơi sấy (%)

Tổn thất khâu chế biến (%)

Tổn thất khâu bảo quản (%)

Tổng tổn thất

N

Valid

179

179

179

179

179

178

178

Missing

1

1

1

1

1

2

2

Trung bình

7,44

2,21

2,61

0,00

0,00

0,00

12,26

Trung vị

5,00

2,00

2,00

0,00

0,00

0,00

11,00

Yếu vị

5

0

0

0

0

0

10

Độ lệch chuẩn

9,601

2,082

2,721

0,000

0,000

0,000

9,521

Kurtosis

13,758

-0,997

0,607

 

 

 

8,508

Std. Error of Kurtosis

0,361

0,361

0,361

0,361

0,361

0,362

0,362

Thấp nhất

0

0

0

0

0

0

0

Cao nhất

60

8

10

0

0

0

60

Sum

1331

395

468

0

0

0

2182

Percentiles

25

3,00

0,10

0,00

0,00

0,00

0,00

8,00

50

5,00

2,00

2,00

0,00

0,00

0,00

11,00

75

8,00

4,00

5,00

0,00

0,00

0,00

16,00

- Khâu thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 7,44%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 60% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 5% với 31 hộ.

- Khâu vận chuyển: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 2,21%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 8% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 39 hộ.

- Tổn thất ở khâu sơ chế: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 2,61%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 10% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 61 hộ.

- Tổn thất trong khâu phơi sấy, Tổn thất trong khâu chế biến, tổn thất ở khâu bảo quản: Tỷ lệ tổn thất là 0%.

Tổn thất trung bình các khâu như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Thu hoạch

7,44

Vận chuyển

2,21

Sơ chế

2,61

Phơi sấy

0

Chế biến

0

Bảo quản

0

Tổng tổn thất

12,26

4.8. TRÁI CÂY

Kết quả thống kê về tổn thất sau thu hoạch đối với mẫu khảo sát:

Theo bảng điều tra, tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực trồng quả các loại, bao gồm các thành phần sau:

- Tổn thất trong thu hoạch

- Tổn thất ở khâu vận chuyển

- Tổn thất ở khâu sơ chế

- Tổn thất trong khâu phơi sấy

- Tổn thất trong khâu chế biến

- Tổn thất ở khâu bảo quản

Theo số liệu khảo sát, ta có kết quả thống kê tổn thất ở từng khâu như sau:

Statistics

 

 

Tổn thất khâu thu hoạch (%)

Tổn thất khâu vận chuyển (%)

Tổn thất khâu sơ chế

(%)

Tổn thất khâu phơi sấy

(%)

Tổn thất khâu chế biến

(%)

Tổn thất khâu bảo quản (%)

N

Valid

179

179

179

119

119

119

Missing

0

0

0

60

60

60

Mean

12,25

2,94

3,68

0,00

0,00

0,00

Median

7,00

2,00

3,00

0,00

0,00

0,00

Mode

8

0

0

0

0

0

Std. Deviation

15,107

3,572

5,539

0,000

0,000

0,000

Skewness

2,004

3,338

4,335

 

 

 

Std. Error of Skewness

0,182

0,182

0,182

0,222

0,222

0,222

Minimum

1

0

0

0

0

0

Maximum

70

30

50

0

0

0

Sum

2193

527

658

0

0

0

Percentiles

25

3,30

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

50

7,00

2,00

3,00

0,00

0,00

0,00

75

10,00

4,00

5,00

0,00

0,00

0,00

- Khâu thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 12,25%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 70% và thấp nhất là 1%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 8% với 24 hộ.

- Khâu vận chuyển: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 2,94%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 30% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 48 hộ (toàn bộ ở huyện Thống Nhất).

- Tổn thất ở khâu sơ chế: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 3,68%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 0% và thấp nhất là 50%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 60 hộ (toàn bộ ở huyện Thống Nhất).

- Tổn thất trong khâu phơi sấy; khâu chế biến và khâu bảo quản: Không có tổn thất.

Tổn thất trung bình các khâu như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Thu hoạch

12,25

Vận chuyển

2,94

Sơ chế

3,68

Phơi sấy

0

Chế biến

0

Bảo quản

0

Tổng tổn thất sau thu hoạch trung bình của mẫu khảo sát là khoảng 18,87%. Kết quả thống kê về tổng tổn thất sau thu hoạch của mẫu khảo sát như sau:

N

Valid

179

Missing

0

Mean

18,87

Median

15,00

Mode

17

Std. Deviation

18,836

Skewness

1,850

Std. Error of Skewness

0,182

Minimum

1

Maximum

101

Sum

3378

Percentiles

25

4,60

50

15,00

75

20,00

Nhận xét về các kết quả thống kê tổn thất sau thu hoạch:

Theo kết quả thống kê, tổn thất sau thu hoạch ở khâu thu hoạch là lớn nhất với tỷ trọng xấp xỉ là 65% trong tổng thu hoạch.

Tổn thất các khâu khác rất ít, không đáng kể. Tổn thất trong khâu vận chuyển có tỷ trọng là 15,58% và của khâu sơ chế là 19,5%.

Tổn thất ở các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản có tỷ lệ tổn thất là 0%. Kết quả thống kê có thể giải thích theo 02 giả thuyết:

(1) Tổn thất ở các khâu: Vận chuyển, sơ chế, phơi sấy, chế biến và bảo quản thấp là do người nông dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và máy móc thiết bị vào bảo quản thành phẩm để giảm tốn thất sau thu hoạch.

(2) Rất ít hộ được khảo sát tiến hành các khâu trên, tức người nông dân đã bán quả các loại cho thương lái ngay tại vườn.

Giả thiết (1) xác suất xảy ra rất thấp vì các lý do sau:

- Trình độ học vấn của các lao động trong mẫu khảo sát rất thấp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm tổn thất là rất khó.

- Máy móc thiết bị của các hộ khảo sát rất ít, hầu như không có với số liệu sau:

Descriptive Statistics

 

N

Sum

Trang bi Máy làm đất

179

15

Trang bị máy gieo trồng

177

0

Trang bị máy bơm tưới

179

179

Trang bị máy phun thuốc

179

156

Trang bị máy bón phân

179

9

Trang bị máy chăm sóc

179

3

Trang bị máy thu hoạch

179

0

Trang bị phương tiện vận chuyển

179

101

Trang bị máy sấy

179

0

Trang bị kho bảo quản

179

21

Trang bị máy chế biến

179

0

Với số lượng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất như trên mà tổn thất hầu như không có là rất không thuyết phục.

Do đó, chúng tôi nghiêng về giả thuyết (2): Các hộ dân không thực hiện khâu vận chuyển, sơ chế, phơi sấy, chế biến, bảo quản mà bán tại vườn.

4.8. THỦY SẢN

Kết quả thống kê về tổn thất ở các khâu đối với mẫu khảo sát:

Theo bảng điều tra, tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bao gồm các thành phần sau:

- Tổn thất trong thu hoạch

- Tổn thất ở khâu vận chuyển

- Tổn thất ở khâu sơ chế/chế biến

- Tổn thất ở khâu bảo quản

Theo số liệu khảo sát, ta có kết quả thống kê tổn thất ở từng khâu như sau:

 

 

Tổn thất khâu thu hoạch (%)

Tổn thất khâu vận chuyển (%)

Tổn thất khâu sơ chế (%)

Tổn thất khâu bảo quản (%)

Tổng tổn thất

N

Valid

173

180

180

180

180

Missing

7

0

0

0

0

Mean

1,98

0,59

0,00

0,28

2,77

Median

2,00

0,00

0,00

0,00

3,00

Mode

2

0

0

0

3

Std. Deviation

1,577

0,917

0,000

0,432

1,864

Kurtosis

-0,823

1,143

 

0,233

-0,052

Std. Error of Kurtosis

0,367

0,360

0,360

0,360

0,360

Minimum

0

0

0

0

0

Maximum

6

4

0

2

9

Sum

342

107

0

50

499

Percentiles

25

0,35

0,00

0,00

0,00

1,00

50

2,00

0,00

0,00

0,00

3,00

75

3,00

1,00

0,00

0,60

4,00

- Khâu thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 1,98%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 6% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 2% với 42 hộ (chiếm 23,3%).

- Khâu vận chuyển: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,59%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 4% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 107 hộ.

- Tổn thất ở khâu sơ chế/chế biến: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0%.

- Tổn thất ở khâu bảo quản: Tỷ lệ tổn thất trung bình là 0,28%. Tỷ lệ tổn thất cao nhất ở người được khảo sát là 2% và thấp nhất là 0%. Tỷ lệ tổn thất các hộ gặp nhiều nhất là 0% với 121 hộ.

Tổn thất trung bình các khâu như sau:

Các khâu

Mức độ tổn thất (%)

Thu hoạch

1,98%

Vận chuyển

0,59%

Sơ chế/chế biến

0%

Bảo quản

0,28%

Tổng tổn thất

2,85%

Nhận xét về các kết quả thống kê tổn thất sau thu hoạch:

Theo kết quả thống kê, tổn thất sau thu hoạch ở khâu thu hoạch là lớn nhất với tỷ trọng xấp xỉ là 71,48% trong tổng tổn thất. Tiếp theo là các khâu vận chuyển (tỷ trọng 21,3%) và sơ chế (tỷ trọng 10,11%).

Toàn bộ các mẫu khảo sát không có tổn thất trong khâu sơ chế.

Tổn thất các khâu khác rất ít, không đáng kể./.





Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Ban hành: 05/08/2008 | Cập nhật: 20/08/2008

Nghị định 108/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư Ban hành: 22/09/2006 | Cập nhật: 20/12/2006