Quyết định 242/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển xuất khẩu thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 242/2006/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 25/10/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 10/11/2006 Số công báo: Từ số 11 đến số 12
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 242/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU THUỶ SẢN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển xuất khẩu thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Trên cơ sở công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành thuỷ sản, nâng cao khả năng cạnh tranh, đưa xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng một cách hiệu quả, bền vững, có vị thế cao trên thị trường quốc tế. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Xuất khẩu thuỷ sản vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa cỏc ngành trong khối nông nghiệp, thúc đẩy nuôi trồng thuỷ sản và khai thác hải sản phát triển có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống và làm giàu cho nhân dân vùng nông thôn ven biển và hải đảo.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản bình quân trên 9%/năm;

- Đến năm 2010, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4 - 4,5 tỷ USD.

3. Định hướng đến năm 2020

Phát triển ngành thuỷ sản tiếp tục là ngành đi đầu trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 trình độ công nghệ chế biến thuỷ sản tương đương với các nước phát triển, đưa thuỷ sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.

II. NHIỆM VỤ

1. Sản xuất sản phẩm thuỷ sản cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu

Phấn đấu đến năm 2010 đạt trên 900.000 tấn sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm chính là: 225.000 tấn sản phẩm từ tôm, 230.000 tấn sản phẩm từ cá tra, ba sa, 75.000 tấn sản phẩm từ mực, bạch tuộc, 160.000 tấn sản phẩm từ cá biển, 40.000 tấn sản phẩm từ nhuyễn thể 2 vỏ….

2. Về thị trường

- Tiếp tục giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản. Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng; đồng thời, chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu để kịp thời điều tiết khi có biến động về thị trường;

- Phấn đấu để ổn định thị phần xuất khẩu tại các thị trường chính: Nhật Bản 25%, Mỹ khoảng 23 - 25% trong những năm trước mắt và trên 30% những năm cuối của giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo, EU từ 20 - 22%, Trung Quốc + Hồng Kông 7 - 9%, Hàn Quốc khoảng 8%.

3. Tiếp tục đổi mới và tăng cường năng lực chế biến theo hướng công nghiệp hoỏ, hiện đại hoá và đầu tư chiều sâu để gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu

- Phấn đấu đến năm 2010, 100% doanh nghiệp chế biến thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn ngành về an tòan vệ sinh thực phẩm thủy sản; đồng thời, tăng thêm năng lực cấp đông khoảng 250 tấn/ngày để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu;

- Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm phối chế với hàm lượng công nghệ cao, để đến năm 2010 đạt 65 - 70% trong tổng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp về thị trường

a) Tập trung xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm, gắn với việc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia cho các nhóm sản phẩm chủ lực: tôm, cá tra, cá ba sa, cá ngừ…;

b) Từng bước tiến hành xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm thủy sản Việt Nam tại nước ngoài để chủ động điều phối hàng hoá tại các thị trường lớn. Xây dựng mối quan hệ liên kết, hợp tác kinh doanh với nhà phân phối lớn, các hệ thống siêu thị và tổ chức dịch vụ thực phẩm lớn ở các thị trường;

c) Đổi mới phương thức công tác phát triển thị trường theo hướng chuyên nghiệp hoá, đa dạng hóa và mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại;

d) Nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế của đội ngũ cán bộ làm công tác thương mại và của các doanh nghiệp để hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động đối phó và đấu tranh với những tranh chấp, rào cản thương mại do chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu.

2. Nhóm giải pháp về nguyên liệu

a) Chú trọng việc tổ chức lại sản xuất, nhất là tổ chức lại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng liên kết sản xuất với các nhà khoa học, nhà quản lý, tạo ra sản lượng hàng hoá lớn và kiểm soát được chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Trong khai thác thủy sản, tổ chức lại sản xuất trên biển theo tổ đội, hợp tác, gắn với sử dụng tàu hậu cần dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm khai thác đưa vào chế biến xuất khẩu;

b) Xây dựng và thực hiện tốt các chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm mới có tiềm năng về thị trường;

c) Áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến cùng với việc hình thành hệ thống cảng cá, chợ cá để giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch; đồng thời, tổ chức lại hệ thống nậu vựa, phát huy vai trò tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực của hệ thống này nhằm từng bước quản lý tốt thị trường nguyên liệu;

d) Tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đa dạng, với cơ cấu thích hợp phục vụ chế biến tái xuất đáp ứng yêu cầu cơ cấu sản phẩm của thị trường, khắc phục tình trạng cung cấp nguyên liệu theo mùa vụ của sản xuất trong nước.

3. Giải pháp về chế biến thuỷ sản

a) Tiếp tục nâng cấp điều kiện sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo HACCP, GMP, SSOP…, đảm bảo 100% doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm;

b) Tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hoá và tự động hoá dây chuyền chế biến. Thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến để tiếp cận nền công nghiệp chế biến hiện đại của thế giới;

c) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển và đổi mới sản phẩm tại các doanh nghiệp. Mở rộng chủng loại và khối lượng các mặt hàng thuỷ sản chế biến có giá trị gia tăng, hàng phối chế, hàng ăn liền, đạt tỷ trọng 60 - 65% sản phẩm giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị xuất khẩu thuỷ sản.

4. An toàn vệ sinh thực phẩm

a) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cộng đồng, trong đó đặc biệt chú trọng đến cộng đồng những người sản xuất và cung ứng nguyên liệu;

b) Hoàn thiện và tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, huy động sự tham gia của tất cả cộng đồng. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm;

c) Xây dựng và thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trước mắt, sớm triển khai thực hiện mã hoá các vùng nuôi, tạo tiền đề để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến tăng cường năng lực kiểm soát và phát hiện dư lượng kháng sinh, hoá chất trong nguyên liệu, áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

d) Tăng cường hoạt động liên ngành trong công tác bảo đảm vệ sinh an tòan thực phẩm. Duy trì hoạt động kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản nuôi và hoạt động kiểm soát vệ sinh an toàn vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Tăng cường hoạt động phòng, chống đưa tạp chất vào nguyên liệu thuỷ sản.

5. Khoa học công nghệ, khuyến ngư và đào tạo

a) Xây dựng và tuân thủ hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng từ ao nuôi đến chế biến sản phẩm xuất khẩu. Hoàn thiện mô hình nuôi an toàn, nuôi thuỷ sản thân thiện môi trường theo GAP, CoC. Phổ biến kiến thức và tổ chức áp dụng trong cả nước, phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 50% các vùng nuôi thủy sản tập trung thực hiện hệ thống quản lý theo GAP hoặc các hệ thống quản lý đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;

b) Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất giống chất lượng cao, kháng bệnh. Ưu tiên nhập công nghệ sản xuất giống thuỷ sản các loài có giá trị cao, tăng đối tượng phục vụ cho xuất khẩu. Tăng cường nghiên cứu và hướng dẫn để ứng dụng công nghệ mới trong chế biến thuỷ sản;

c) Thông qua các hình thức khuyến ngư, đa dạng hoá các hình thức chuyển tải thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về công nghệ nuôi, khai thác, bảo quản và chế biến thuỷ sản, các kỹ thuật cơ bản về xử lý, bảo quản thủy sản cho các chủ tàu, ngư dân trực tiếp khai thác trên biển và các chủ nậu vựa thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;       

d) Tăng cường các hình thức đào tạo trong và ngoài nước cho cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu và cán bộ về marketing, giỏi về nghiệp vụ và am hiểu về luật lệ và các chính sách kinh tế, thương mại của các nước và quốc tế để tăng cường và bổ sung đội ngũ các nhà doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản giỏi trên thương trường quốc tế. Đồng thời chú ý đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật, hướng dẫn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của ngành.

6. Giải pháp về cơ chế, chính sách

a) Nhà nước có chính sách khuyến khích và huy động các thành phần kinh tế trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tập trung vốn đầu tư xây dựng hình thành các trung tâm nghề cá lớn, trong đó có các trung tâm chế biến thuỷ sản ở các tỉnh trọng điểm; đầu tư hệ thống chợ thuỷ sản tại các vùng và địa phương trọng điểm nghề cá, các chợ biên giới Việt - Trung, hiện đại hóa hệ thống thông tin nghề cá;

b) Ngân sách nhà nước hàng năm hỗ trợ kinh phí để thực hiện: các công việc liên quan đến kiểm soát an toàn vệ sinh thuỷ sản vì mục tiêu sức khoẻ của ngườì tiêu dùng; các hoạt động xúc tiến thương mại chung cho sản phẩm thuỷ sản Việt Nam (xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ, quảng bá thương hiệu chung cho các sản phẩm thuỷ sản chủ lực, đào tạo về marketting); hỗ trợ hình thành và hoạt động của các tổ chức xúc tiến đầu mối tại các thị trường trọng điểm; thực hiện các chiến dịch truyền thông và quảng bá sản phẩm thuỷ sản Việt Nam và các hoạt động khác về xúc tiến thương mại phục vụ cho lợi ích chung của ngành;

c) Khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nguyên liệu, chế biến thủy sản;

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, ngành liên quan

a) Bộ Thủy sản có trách nhiệm:

- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các hội, hiệp hội để thống nhất triển khai thực hiện Chương trình;

- Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương phát triển sản xuất trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến theo đúng quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đã được phê duyệt, các quy hoạch trong từng lĩnh vực cụ thể;

- Tổ chức cung cấp thông tin, dự báo, theo dõi, cập nhật, đánh giá tình hình thực hiện nội dung Chương trình; tổng hợp, báo cáo và đề xuất các chính sách, cơ chế cần thiết để thúc đẩy thực hiện Chương trình;

- Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản.

b) Các Bộ, ngành liên quan:

- Các Bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cân đối, bố trí ngân sách nhà nước và nghiên cứu các cơ chế, chính sách tạo điều kiện Bộ Thủy sản, các địa phương thực hiện các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính - tín dụng và đầu tư, đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình thuận lợi và hiệu quả;

- Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thuỷ sản trong việc thực hiện các nhóm giải pháp khác liên quan của Chương trình.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương xây dựng và thực hiện Chương trình của địa phương mình, trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình này;

- Tổ chức, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất trên các lĩnh vực ngành thủy sản theo đúng quy hoạch của ngành và của địa phương;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức việc hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và đối với thủy sản nói riêng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương     chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:  
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
 cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,                         
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.