Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước tại tỉnh Quảng Ngãi
Số hiệu: 08/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Trần Ngọc Căng
Ngày ban hành: 03/04/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 03 tháng 4 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỂ HỖ TRỢ NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NGOÀI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tác động lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, từng bước khẳng định được năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực đầu tư của tỉnh, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong thu hút đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính và quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư và Doanh nghiệp.

Để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều Nhà đầu tư có tiềm năng; tiếp tục duy trì, nâng cao điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, rà soát, nắm chắc tình hình triển khai thực hiện các dự án để có biện pháp xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, kéo dài và dự án không có khả năng thực hiện đầu tư, UBND tỉnh chỉ thị các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, biện pháp trọng tâm như sau:

1. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 22/02/2018 của UBND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; tuyệt đối không tùy tiện đặt ra các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành về nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung kiện toàn tổ chức, xác định rõ tinh thần trách nhiệm trong hành động của đội ngũ cán bộ, công chức để hỗ trợ doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; trong đó phải thường xuyên rà soát, rút ngắn quy trình xử lý, cắt giảm trung bình 20 - 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), tất cả TTHC phải được công khai, minh bạch, thống nhất cách hướng dẫn trong cùng một vấn đề giữa các cơ quan nhà nước; theo chức năng nhiệm vụ được giao, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước như: đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực,... đảm bảo sự bình đẳng, không có sự thiên vị hay phân biệt loại hình, thành phần kinh tế giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa doanh nghiệp nhà nước với các loại hình doanh nghiệp khác

- Nắm chắc cơ sở dữ liệu về Doanh nghiệp, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh hằng tháng, quý, 6 tháng, năm (Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo chung toàn tỉnh). Trong đó, lưu ý các dữ liệu về:

+ Tiến độ thực hiện dự án;

+ Những vướng mắc của các Nhà đầu tư xuất phát từ quá trình giải quyết các thủ tục hành chính;

+ Vướng mắc của nhà đầu tư từ nội tại của nhà đầu tư;

+ Về lao động, môi trường, phòng cháy chữa cháy,...

+ Về đóng góp nguồn thu ngân sách trên địa bàn, các khoản thuế theo quy định của nhà nước.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương:

- Thẩm định chặt chẽ hồ sơ dự án đầu tư, đánh giá đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật Đầu tư; ưu tiên thu hút các dự án sản xuất có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường và giải quyết nhiều lao động; không thu hút dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng máy móc thiết bị cũ, nguy cơ ô nhiễm môi trường.

- Khi Nhà đầu tư ngoài tỉnh, nước ngoài có đề xuất thực hiện dự án tại tỉnh Quảng Ngãi, khuyến khích Nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp hoặc mở chi nhánh tại tỉnh đăng ký hạch toán độc lập để thực hiện kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với việc sử dụng tài nguyên đất, lao động và các nguồn lực khác đã đầu tư của địa phương.

- Hướng dẫn Nhà đầu tư khảo sát, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ, cập nhật thông tin kịp thời các cơ chế chính sách của Nhà nước và của tỉnh ban hành.

3. UBND các huyện, thành phố tích cực hỗ trợ Nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, quy hoạch có liên quan đến dự án,... sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, thường xuyên và kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép để chờ bồi thường của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi có dự án chuẩn bị thực hiện đầu tư tại địa bàn. Tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân trong khu vực dự án đầu tư thỏa thuận bồi thường, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Nhà đầu tư, sớm phê duyệt phương án bồi thường và GPMB để Nhà đầu tư có quỹ đất sạch đảm bảo điều kiện thi công dự án theo tiến độ. Đồng thời, lập phương án để bố trí tái định cư, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư có phương án giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất để ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

4. Đẩy mạnh giải quyết khó khăn, vướng mắc của Nhà đầu tư: Khi nhà đầu tư có những đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm trả lời và giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp các sở, ngành, địa phương phải báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền thì phải nêu rõ quan điểm phương án giải quyết cụ thể các vướng mắc, khó khăn của Nhà đầu tư và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Đối với các dự án chậm tiến độ và chậm tiến độ kéo dài qua nhiều năm so với thời gian được quy định tại quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh và quy định của Luật Đầu tư:

a) Giao Sở Xây dựng tiến hành rà soát đối với các dự án liên quan về Khu dân cư, Khu đô thị kết hợp thương mại và chỉnh trang đô thị.

b) Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi rà soát các dự án do Ban quản lý cấp chủ trương đầu tư.

c) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án còn lại ngoài Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

Trên cơ sở báo cáo của Sở Xây dựng và Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp chung về tình hình dự án đầu tư chậm tiến độ toàn tỉnh, định kỳ 03 tháng/1lần báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với dự án được tỉnh thống nhất để Nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án nhưng sau thời gian 06 tháng mà nhà đầu tư không có kết quả triển khai thì xem như văn bản giới thiệu nghiên cứu, khảo sát hết hiệu lực.

Yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan, Nhà đầu tư nghiêm túc triển khai, thực hiện; thường xuyên báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 





Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2019 về trích nộp kinh phí công đoàn Ban hành: 22/01/2019 | Cập nhật: 18/02/2019

Chỉ thị 04/CT-UBND về điều hành đầu tư công năm 2018 Ban hành: 05/03/2018 | Cập nhật: 24/04/2018