Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Số hiệu: 04/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Nguyễn Thanh Hùng
Ngày ban hành: 29/04/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Đng Tp, ngày 29 tng 4 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây đã làm cho các hiện tượng thời tiết nguy hiểm và lũ lụt diễn biến bất thường, ngày càng khốc liệt trên phạm vi cả nước nói chung và tại tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Trong năm 2013, có 15 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông; tại Đồng Tháp có 10 người chết (tăng 8 người so với năm 2012) do dông lốc, sấm sét và 14 trẻ em chết do lũ lụt (bằng với năm 2012); dông lốc gây làm sập 307 căn nhà và tốc mái 1.334 căn, 32 phòng học, 16 cơ sở sản xuất kinh doanh; sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra tại 34 xã, phường, thị trấn tại 9 huyện, thị xã, thành phố, chiều dài bị sạt lở là 38,74 km, có nơi sạt lở sâu vào bờ từ 10-40m, diện tích sạt lở 10,27 ha, di dời 424 hộ dân, hiện còn 1.540 hộ cần tiếp tục di dời, chưa kể số hộ phát sinh thêm trong thời gian tới. Dự báo tình hình thiên tai như hạn hán, mưa to, lốc xoáy, sấm sét, ATNĐ, bão, sạt lở bờ sông, lũ lụt sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời giảm thiểu các mặt thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục hiệu quả; chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngay tại cơ sở và địa bàn xung yếu.

2. Rà soát kết quả triển khai, đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (GNTT) tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định 1239/QĐ-UBND.HC ngày 30 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp); Kế hoạch số 39 ngày 07 tháng 05 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020; Kế hoạch 65/KH-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020; Kế hoạch số 03/KH-CLB ngày 07 tháng 02 năm 2014 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014. Xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó cụ thể tại địa phương, đơn vị mình.

3. Đổi tên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp thành Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo quy định tại Điều 44 của Luật phòng, chống thiên tai. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả. Phân công thành viên Ban Chỉ huy điều hành, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo lĩnh vực và địa bàn cụ thể

4. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các Sở, ban ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ sát với tình hình thực tế tại địa phương.

b) Phối hợp với Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương, Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Tháp ban hành và thông tin kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình thiên tai đến các ngành các cấp và nhân dân biết chủ động phòng tránh.

c) Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu cho cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại cơ sở.

d) Chủ trì triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu cho cán bộ, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và cộng đồng, đặc biệt chú trọng tới các đối tượng dễ bị tổn thương, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai.

đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở ngành có liên quan rà soát đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư các công trình phòng chống thiên tai theo hướng đa mục tiêu, sử dụng lâu dài.

e) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, thống kê các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện có và đề xuất đầu tư bổ sung theo nhu cầu của các ngành, các cấp. Tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (năm 2014 tổ chức 01 cuộc diễn tập cấp huyện tại huyện Tháp Mười và 11 cuộc diễn tập cấp xã tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại); nội dung diễn tập trung cho công tác nâng cao năng lực tổ chức thực hiện ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng chuyên trách và lực lượng xung kích tại cơ sở.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh thi công các công trình kênh, mương bị cạn kiệt, đảm bảo đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; hoàn thiện hệ thống đê bao bảo vệ lúa Thu đông các huyện, thị xã phía Bắc và đê bao bảo vệ bảo vệ vườn cây ăn trái các huyện phía Nam; xây dựng hệ thống đê bao đảm bảo theo hướng đa mục tiêu (bảo vệ sản xuất, bảo vệ dân cư và kết hợp lộ giao thông nông thôn).

b) Trên cơ sở dự báo tình hình thiên tai xây dựng lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, khuyến cáo người dân sử dụng các loại giống cây, con phù hợp để giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức khai thác lợi thế do mùa lũ mang lại tăng thu nhập cho người dân.

c) Phối hợp với các sở ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách tại vùng sạt lở, vùng sâu, biên giới di dời đến nơi an toàn và hộ bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

d) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, các ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ứng phó và khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra.

đ) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Đề án Phòng, chống sét đánh đến năm 2020; khảo sát và dự báo những đoạn sông Tiền, sông Hậu đang bị sạt lở nghiêm trọng hoặc có nguy cơ bị sạt lở trong thời gian tới.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các sở ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả khi xảy ra thiên tai. Huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ sơ tán, di dời dân khu vực xung yếu đến nơi ở an toàn; phân công lực lượng bảo vệ tài sản cho nhân dân và nhà nước.

b) Hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ sát với tình hình thực tế tại từng địa phương.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

a) Xây dựng và triển khai phương án bảo vệ an toàn khu vực biên giới. Huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, sơ tán, di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi ở an toàn; phân công lực lượng bảo vệ tài sản và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

b) Hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

8. Công an tỉnh:

a) Triển khai lực lượng và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể cùng nhân dân bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp; ngăn ngừa, trấn áp các đối tượng xấu lợi dụng khi xảy ra thiên tai để trộm cắp, cướp giật.

b) Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tham gia công tác sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ tài sản và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

9. Sở Xây dựng:

Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh thực hiện Chương trình cụm tuyến dân cư giai đoạn 2. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phòng, chống dông lốc, ATNĐ, bão gây ra đến năm 2020.

10. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, kiểm tra các trạm tiếp sóng viễn thông, bảo đảm cho mạng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, xử lý thông tin trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống.

11. Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp:

a) Đưa tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác các thông tin, cảnh báo, dự báo tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai. Tăng thời lượng phát sóng về kết quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai của các ngành, các cấp.

b) Tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, đặc biệt là các hoạt động về nâng cao nhận thức cộng đồng, kinh nghiệm ứng phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm để nhân dân biết và tự chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả.

12. Sở Y tế:

Chuẩn bị đủ lực lượng, cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị cần thiết đáp ứng nhu cầu cứu thương, phòng ngừa bệnh dịch và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang làm tốt công tác kết hợp quân - dân y trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

13. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các pa nô, biển quảng cáo, đảm bảo an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, gió mạnh xảy ra.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành tỉnh có liên quan, các tổ chức kinh tế - xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Chương trình phổ cập bơi cho trẻ em đến năm 2020 theo hướng xã hội hóa.

14. Sở Công Thương:

a) Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra đảm bảo an toàn các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu phục vụ người dân khi bão và lũ lụt lớn xảy ra.

b) Phối hợp Công ty Điện lực Đồng Tháp kiểm tra, gia cố, bảo vệ hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn; đồng thời khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng. Chuẩn bị máy phát điện dự phòng để đảm bảo nguồn điện tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai.

15. Các sở, ngành tỉnh khác:

a) Căn cứ kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chung của tỉnh, xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó cụ thể của ngành mình, đơn vị mình; lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào các chương trình, đề án, dự án được giao thực hiện.

b) Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia công tác ứng phó, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai khi có điều động của cấp có thẩm quyền.

16. Đề nghị Hội Chữ thập đỏ tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu cho lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.

b) Tổ chức cứu trợ kịp thời và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra.

17. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, các đoàn thể tỉnh:

a) Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kinh phí để chủ động tham gia phòng, chống, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai.

b) Vận động các hội viên, đoàn viên tích cực tham gia công tác thông tin tuyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.

18. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Rà soát, xây dựng hoàn chỉnh các phương án ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lớn cho các khu vực và công trình trọng điểm; trong đó cần chú trọng đến việc huy động lực lượng, vật tư, trang thiết bị tại chỗ sẵn sàng ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra.

b) Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai đã có chủ trương, quyết định đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh; đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

c) Tổ chức tuần tra canh gác bảo vệ đê bao, đê điều trong mùa lũ; phát huy vai trò, trách nhiệm cộng đồng dân cư trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

d) Triển khai các các hoạt động trong Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

đ) Tổ chức di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực sạt lở, vùng trũng thấp đến nơi định cư an toàn.

e) Kiểm tra, hướng dẫn việc quy hoạch, xây dựng các công trình công sở, trường học, y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra, đồng thời là nơi tránh trú bão, lũ lớn an toàn cho nhân dân.

g) Lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.

h) Kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng phương án ứng phó cụ thể với thiên tai tại đơn vị; chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của cấp có thẩm quyền.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương;
- BNông nghiệp và PTNT;
- Tng trc/TU, HĐND tnh;
- CT, các PCT/UBND tnh;
-y ban MTTQ Vit Nam tỉnh;
- Các S, ban ngành, Đoàn thể tỉnh;
- Các thành viên BCH PCLB và TKCN tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PTHT tỉnh, Báo Đng Tháp;
- Lãnh đạo VPUB tnh;
- Lưu:VT, KTN nth.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CH TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.