Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2010 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
Số hiệu: | 04/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Long An | Người ký: | Dương Quốc Xuân |
Ngày ban hành: | 26/02/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND |
Tân An, ngày 26 tháng 02 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, trong thời gian qua các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ cuối năm 2008 đến nay tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động phức tạp, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế trong nước, trong đó có Long An, nhất là trong các năm 2009, 2010. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2011-2015 là rất nặng nề.
Thực hiện Chỉ thị số 751/CT-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, để khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội và phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Tân An triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015 với những nội dung sau:
A. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 phải được xây dựng trên cơ sở tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và trên cơ sở dự báo tình hình trong và ngoài nước giai đoạn 2011-2015, từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm phù hợp với mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và với điều kiện thực tế của tỉnh. Những nội dung chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 gồm:
I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2006-2010
Trên cơ sở đánh giá tình hình giữa kỳ và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh bộ lần thứ VIII, báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng của các ngành, các địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 theo ngành, lĩnh vực; các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Tân An đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2006 - 2009, dự kiến kế hoạch năm 2010, đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội trên tất cả các mặt; trong đó đặc biệt chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:
1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, trong đó chú trọng đánh giá thêm tình hình thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng trưởng bền vững đi đôi với việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
2. Đánh giá những kết quả thành tựu về tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành và nội bộ ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lao động). Cần có đánh giá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư phát triển do tác động trực tiếp từ việc hội nhập kinh tế quốc tế.
3. Phân tích sâu về chất lượng tăng trưởng của từng ngành, địa phương; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, nguồn nước; chất lượng nguồn nhân lực; khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất - kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và đổi mới công nghệ.
4. Các nội dung trong lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng tới việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, lĩnh vực khoa học, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên, môi trường,…
5. Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, nguồn vốn từ khu vực dân cư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các khoản viện trợ phi chính phủ, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn tài chính doanh nghiệp. Tình hình, tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án lớn khác trên địa bàn tỉnh.
6. Trình độ công nghệ, năng lực sản xuất mới tăng thêm trong giai đoạn 2006-2010.
7. Việc quản lý, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch; công tác cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Khi đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch năm 2006-2010, phải làm rõ được kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, nghị quyết của Tỉnh ủy, kết quả thực hiện chương trình trọng điểm của tỉnh; chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế; về phát triển kinh tế vùng hạ; về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa…; kết quả thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.
Đồng thời, phải làm rõ những tồn tại, yếu kém so với mục tiêu đã đề ra; làm rõ nguyên nhân thành công và chưa thành công, nguyên nhân khách quan và chủ quan; trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từ đó rút ra được những bài học, kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển sắp tới của tỉnh.
II. VỀ NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015
Kinh tế của nước ta nói chung, của tỉnh ta nói riêng đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, những biến động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 được xây dựng trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nhất là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011 - 2015 nước ta - cũng như tỉnh Long An có khả năng thuận lợi từ việc phục hồi và phát triển kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng sẽ tạo cơ hội trong việc thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; bên cạnh đó việc tái cơ cấu nền kinh tế nước ta sẽ tạo điều kiện mới cho tỉnh phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả, tính bền vững. Sự ổn định về chính trị - xã hội là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
1. Mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 là phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững, đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao gắn với giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội luôn bảo đảm.
2. Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:
a) Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm 2011-2015 đạt 13-13,5%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 là 41 triệu đồng/người/năm; sản lượng lương thực bình quân 2,1 triệu tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu gấp 2 lần năm 2010; tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách:10-10,5%; tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 46% GDP; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% (tiêu chí Trung ương); 50% trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 60% (trong đó đào tạo nghề đạt 40%); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 12 ‰, 100% trạm y tế có bác sĩ; trên 95% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người có bảo hiểm y tế đạt 90%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 16%; 60-70% ấp, khu phố văn hóa; hoàn thành việc xây dựng huyện Cần Đước thành huyện điểm điển hình về văn hóa trong tỉnh; diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người 15m2; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt 90%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý trên 80%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị 90%; tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại 85%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý trên 90%; tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 20%.
b) Tập trung thực hiện các chương trình tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội để chuyển sang nền sản xuất công nghiệp và dịch vụ là chủ yếu: chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; chương trình phát triển nguồn nhân lực; chương trình xây dựng nông thôn mới.
c) Khai thác và phát huy lợi thế, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, của từng địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Từng bước gắn phát triển ngành với qui hoạch phát triển vùng để tạo sự ổn định, bền vững, nhất là lưu vực sông Cần Giuộc, Vàm cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, chuyên canh ở vùng Tháp Mười; ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, mô hình nông nghiệp ven đô tại thành phố Tân An và các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hoà; chú trọng tăng giá trị và sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản nhằm để đáp ứng yêu cầu của thị trường và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích nuôi trồng; tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp gắn với hệ thống tiêu thụ và chế biến sản phẩm.
Phát triển công nghiệp chủ yếu tập trung ở các huyện phía đông Vàm Cỏ Đông trên cơ sở tạo môi trường đầu tư thuận lợi; khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đồng thời chú trọng các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế về tiềm năng và vị trí địa lý kinh tế như công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp tàu thủy, công nghiệp điện, điện tử cùng các ngành công nghiệp phụ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển các khu dân cư, đô thị gắn với các khu, cụm công nghiệp tập trung thuộc các huyện Đức Hoà, Bến Lức, Cần Giuộc, thành phố Tân An và một phần Thủ Thừa, Đức Huệ, Mộc Hoá, Cần Đước.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tác dụng thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ khác như bến cảng, vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế... Tập trung khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ có ưu thế, mở rộng và nâng cao sức mua của thị trường nội địa.
d) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, dịch vụ, phát triển mạnh những ngành sản xuất và dịch vụ có lợi thế, gắn với phát triển những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao.
đ) Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người lao động.
e) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế - xã hội, thu hút tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là vốn, công nghệ, lao động có tay nghề kỹ thuật cao, thực hiện nhất quán, lâu dài các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Chọn khâu đột phá là xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội, nhất là công tác tái định cư vùng qui hoạch, đào tạo nghề khu vực nông thôn, nhà ở xã hội và bảo vệ môi trường bền vững.
g) Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển. Tập trung mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại hướng vào các mục tiêu chính: tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự với tỉnh Pray Veng và Svay Rieng; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư (chủ yếu là nguồn ODA, FDI, phát huy mối quan hệ hợp tác với một số địa phương trong khu vực Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...) để phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành nhất là các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trọng tâm là thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
h) Tăng cường nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ để phục vụ trực tiếp cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trước mắt xây dựng và triển khai chương trình để thu hút nguồn lực và chất xám vào các dự án nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, làm hạt nhân cho việc mở rộng nghiên cứu, ứng dụng, nhất là trên lĩnh vực công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tự động hóa.
i) Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên hàng đầu là công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ cao để tạo nguồn nhân lực lâu dài; đồng thời đặc biệt quan tâm thu hút, khai thác có hiệu quả sự đóng góp của các chuyên gia, tầng lớp trí thức bên ngoài tỉnh vào thực hiện các chương trình, đề án, dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là người Long An đang công tác, sinh sống ở ngoài tỉnh.
k) Đẩy mạnh giải quyết việc làm, khuyến khích tạo động lực vươn lên làm giàu, thực hiện giảm nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội; ưu tiên hỗ trợ các vùng, địa phương khó khăn; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tập trung cho các xã thuộc Chương trình 135, các xã thuộc Chương trình 160, các địa phương thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp theo quy hoạch
l) Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng, giữ gìn sự thống nhất trong đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam, đi đôi với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân, phấn đấu hoàn thành các công trình văn hoá cấp xã, phường, thị trấn vào năm 2015.
m) Phát triển thể dục thể thao cho mọi người để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân dân. Phát triển thể thao thành tích cao, phát triển những môn thể thao mà tỉnh có thế mạnh.
n) Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Thực hiện chiến lược phát triển thanh niên trong thời kỳ mới; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thanh thiếu nhi, phấn đấu đến năm 2015 xây dựng Nhà thiếu nhi tỉnh và 14 huyện, thành phố đủ điều kiện sinh hoạt.
o) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thể dục thể thao. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động sự nghiệp và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.
p) Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khắc phục và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường.
q) Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước các cấp, tạo bước chuyển mới về cải cách hành chính; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng. Tập trung vào đổi mới cách nghĩ, cách làm để tạo sự đổi mới trong quản lý, điều hành ngày càng phù hợp hơn với trình độ phát triển chung của đất nước cũng như của tỉnh.
r) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, ổn định và trật tự an toàn xã hội.
B. YÊU CẦU TRONG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015.
I. VỀ TỔ CHỨC, ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2006-2010
Việc tổ chức đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 phải huy động, phát huy được sự phối hợp của cả bộ máy tổ chức của các sở, ngành tỉnh và địa phương để bảo đảm nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tổng kết.
Về phương pháp đánh giá thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010: để bảo đảm chất lượng công tác tổng kết đánh giá, cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu định hướng phát triển và các quy định về nội dung, phương pháp đánh giá thực hiện theo khung đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ban hành theo Quyết định 555/2007/QĐ-BKH ngày 30/5/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và mục tiêu thiên niên kỷ.
II. VỀ XÂY DỰNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 phải xây dựng bám sát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của các ngành, lĩnh vực và các địa phương phải phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố Tân An đã được phê duyệt.
Kế hoạch xây dựng phải gắn kết với khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đồng thời, kế hoạch được xây dựng phải phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp và sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, các sở, ngành và địa phương trong điều kiện có thể, cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp...
C. PHÂN CÔNG VÀ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015.
I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương:
- Xây dựng, tính toán, xác định các phương án là khung hướng dẫn cho các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
- Xây dựng khung theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 dựa theo khung theo dõi và đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Xây dựng tiêu chí đánh giá theo mục tiêu thiên niên kỷ.
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng khung số liệu đánh giá đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cụ thể hoá các tiêu chí nông thôn mới do Trung ương ban hành.
- Xây dựng kế hoạch trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
- Tổ chức làm việc với các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Tân An về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Tổng hợp và xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 gửi UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm cả vốn ngân sách, ODA, FDI, các thành phần kinh tế), nhất là cân đối vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.
2. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, bao gồm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006-2010 và kế hoạch thu, chi ngân sách giai đoạn 2011-2015.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, bố trí dự toán ngân sách hàng năm cho các sở, ngành và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 có chất lượng.
3. Cục Thống kê: phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành và địa phương liên quan, công bố các số liệu thống kê giai đoạn 2006-2010 và nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu phục vụ cho việc lập, theo dõi, đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
4. Các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Tân An phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và của ngành mình, cấp mình theo các nội dung và yêu cầu ở phần trên và bảo đảm theo tiến độ quy định.
- Xây dựng danh mục các công trình, dự án đầu tư triển khai trong giai đoạn 2011-2015, phân chia cụ thể theo nguồn vốn: ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, ODA, FDI...
- Đồng thời với quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, nghiên cứu xây dựng khung theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch này.
Các sở, ngành, các địa phương có thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án lớn khác chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính làm việc với các bộ, ngành liên quan đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án lớn thuộc lĩnh vực mình phụ trách; đồng thời, nghiên cứu đề xuất với tỉnh, Trung ương việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án lớn... cho kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
II. TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và tổ chức hướng dẫn xây dựng kế hoạch cho các sở, ngành và địa phương vào tháng 3/2010; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, gửi dự thảo báo cáo cho Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, trước ngày 30/3/2010. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong quí 2 năm 2010.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Tân An tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, xử lý./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Chỉ thị 751/CT-TTg năm 2009 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 Ban hành: 03/06/2009 | Cập nhật: 06/06/2009
Chỉ thị 751/CT-TTg năm 2008 về sơ kết công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo Ban hành: 16/06/2008 | Cập nhật: 19/06/2008
Quyết định 555/2007/QĐ-BKH ban hành khung theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 do Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư ban hành Ban hành: 30/05/2007 | Cập nhật: 18/06/2007