Chỉ thị 751/CT-TTg năm 2009 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015
Số hiệu: | 751/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 03/06/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 15/06/2009 | Số công báo: | Từ số 295 đến số 296 |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 751/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế nước ta, đặc biệt trong các năm 2009, 2010. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2011 – 2015 là rất nặng nề. Để khắc phục và giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu và thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 với những nội dung sau đây:
A. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 phải được xây dựng trên cơ sở tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 – 2010, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trên cơ sở dự báo tình hình thế giới, tình hình trong nước giai đoạn 2011 – 2015; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm phù hợp với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 – 2020 và với điều kiện thực tế của nước ta. Những nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 gồm:
I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 – 2010:
Trên cơ sở báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010, báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng của các ngành, các cấp về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 theo ngành, lĩnh vực và khung theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 đã được phê duyệt; … các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước ước thực hiện kế hoạch năm 2009, dự kiến kế hoạch năm 2010, đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các mặt; trong đó đặc biệt chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân các cấp về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:
1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010, trong đó đặc biệt chú trọng đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng trưởng bền vững đi đôi với việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
2. Các vấn đề đặt ra trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn; những kết quả thành tựu về tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành và nội bộ ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu vùng kinh tế). Cần có các đánh giá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư phát triển do tác động trực tiếp từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đánh giá tác động từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác.
3. Phân tích sâu về chất lượng tăng trưởng của từng ngành, địa phương; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản, dầu khí; chất lượng nguồn nhân lực; khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất – kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và đổi mới công nghệ.
4. Các nội dung trong lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng tới việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, lĩnh vực khoa học, giáo dục – đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên, môi trường,…
5. Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, nguồn vốn từ khu vực dân cư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các khoản viện trợ phi Chính phủ, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn tài chính doanh nghiệp. Tình hình, tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án lớn khác.
6. Trình độ công nghệ, năng lực sản xuất mới tăng thêm trong giai đoạn 2006 – 2010.
7. Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch; công tác cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…
Khi đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, phải làm rõ được kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các Nghị quyết khác của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; kết quả thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010.
Đồng thời, phải làm rõ những tồn tại, yếu kém so với mục tiêu đã đề ra; làm rõ nguyên nhân thành công và chưa thành công, nguyên nhân khách quan và chủ quan; trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, để từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển sắc tới của đất nước.
II. VỀ NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015.
Nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Những biến động của kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011 – 2015 được xây dựng trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những yếu tố không thuận, trong giai đoạn 2011 – 2015 nước ta cũng có nhiều thuận lợi từ việc phục hồi và phát triển kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; bên cạnh đó, việc tái cơ cấu trong nội bộ nền kinh tế nước ta cũng sẽ tạo ra những điều kiện mới cho phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả, tính bền vững. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng cao hơn trước. Sự ổn định về chính trị - xã hội của đất nước là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
1. Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 là phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; tăng cường tiềm lực phát triển của đất nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ; nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:
a) Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm 2011 – 2015 tăng 7 – 8%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân giảm 2 – 3%/năm.
b) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng…, tháo gỡ các khó khăn thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển.
c) Khai thác và phát huy lợi thế, thế mạnh của các ngành, lĩnh vực, các vùng, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển công nghiệp trên cơ sở đổi mới công nghệ; tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ giá trị cao, các ngành vận tải, thương mại, du lịch; mở rộng và nâng cao sức mua của thị trường nội địa.
d) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh hàm lượng công nghệ, giảm sức tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm.
đ) Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế đi đôi với tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước để làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người lao động.
e) Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước (vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý); xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ đầu tư nhiều hơn cho các vùng còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
g) Tăng nhanh tiềm lực và khả năng tài chính quốc gia, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; lành mạnh hóa hệ thống tài chính – tiền tệ; duy trì ổn định các cân đối vĩ mô; phát triển bền vững thị trường tài chính và thị trường bất động sản,…
h) Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn với khu vực và thế giới để tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển đất nước. Đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực. Mở rộng và nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế đối ngoại; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế. Phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào xây dựng đất nước.
i) Phát triển mạnh khoa học và công nghệ. Tăng cường nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ để phục vụ trực tiếp cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chú trọng phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao.
k) Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế tri thức. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề; đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn để thực hiện việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
l) Đẩy mạnh giải quyết việc làm, khuyến khích tạo động lực vươn lên làm giàu, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội; ưu tiên hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
m) Bảo tồn và phát huy mọi sắc thái và giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, giữ gìn sự thống nhất trong đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam, đi đôi với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc và sáng tạo nên những giá trị mới.
n) Phát triển thể dục thể thao cho mọi người để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân dân. Phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp để nâng cao vị thế của Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế và khu vực.
o) Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng; chính sách phát triển thanh niên Việt Nam.
p) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thể dục thể thao. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động sự nghiệp và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.
q) Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khắc phục và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường.
r) Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo bước chuyển mới về cải cách hành chính, trong đó tăng cường chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
s) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững hòa bình, ổn định và trật tự an toàn xã hội.
B. YÊU CẦU TRONG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015
I. VỀ TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 – 2010
Việc tổ chức đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 phải huy động, phát huy được sự phối hợp của cả bộ máy tổ chức của các Bộ, ngành và địa phương để bảo đảm nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tổng kết.
Về phương pháp đánh giá thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006 – 2010: để bảo đảm chất lượng công tác tổng kết đánh giá, cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu định hướng phát triển và các quy định về nội dung, phương pháp đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ban hành tại Quyết định số 555/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
II. VỀ XÂY DỰNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 phải xây dựng bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phải bảo đảm điều kiện để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ.
Kế hoạch xây dựng phải gắn kết với khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đồng thời, kế hoạch được xây dựng phải phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp và sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, các Bộ, ngành và địa phương cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi Chính phủ, cộng đồng dân cư, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các chuyên gia trong, ngoài nước.
C. PHÂN CÔNG VÀ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015
I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Căn cứ Đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm được Bộ Chính trị thông qua và các nội dung công việc nêu trên, các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương:
a) Xây dựng tính toán, xác định các phương án, các cân đối lớn là khung hướng dẫn cho các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.
b) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu và hướng dẫn cách thu thập các chỉ tiêu bảo đảm tính đồng bộ trên cả nước, phục vụ tốt công tác theo dõi và đánh giá kế hoạch.
c) Hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng khung theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.
d) Đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
đ) Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của các Bộ, ngành và địa phương.
e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức làm việc với các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015. Tổng hợp tình hình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và địa phương, báo cáo Chính phủ theo đúng quy định.
g) Tổng hợp và xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 trình Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ theo đúng tiến độ.
h) Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các dự án lớn thực hiện trong giai đoạn 2006 – 2010. Dự kiến các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án lớn thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
i) Đổi mới công tác thống kê về thu thập báo cáo số liệu phát triển kinh tế - xã hội từng bước phù hợp với chuẩn mực thống kê quốc tế.
2. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, bao gồm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 – 2010; dự báo khả năng cân đối tài chính quốc gia và ngân sách nhà nước, xây dựng kế hoạch động viên nguồn lực vào ngân sách nhà nước; kế hoạch dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia giai đoạn 2011 – 2015.
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các cân đối lớn về tài chính, ngân sách nhà nước.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí dự toán ngân sách hàng năm cho các Bộ, ngành và các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương bố trí dự toán ngân sách hàng năm để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 có chất lượng, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 và xây dựng các mục tiêu phù hợp trong giai đoạn 2011- 2015.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu trong lĩnh vực xã hội do Bộ phụ trách phục vụ cho việc lập, theo dõi và đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương cách thức, phương pháp thu thập, đánh giá các chỉ tiêu này.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường phục vụ cho việc lập, theo dõi và đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương cách thức, phương pháp thu thập, đánh giá các chỉ tiêu về đất đai, tài nguyên, môi trường nói trên.
5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước:
a) Hướng dẫn các ngành, các cấp xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, bao gồm đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2006 – 2010 và Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015.
b) Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương phù hợp với định hướng phát triển của đất nước và của ngành mình, cấp mình theo các nội dung và yêu cầu nói trên trình cấp có thẩm quyền; đồng thời, báo cáo các cơ quan cấp trên, các cơ quan Trung ương theo tiến độ quy định.
c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực phụ trách và của cơ quan, đơn vị mình.
d) Các Bộ, cơ quan quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, dự án 5 triệu ha rừng và các chương trình, dự án lớn khác,… chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan đánh giá tình hình triển khai các chương trình, lớn thuộc lĩnh vực mình phụ trách; đồng thời, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án lớn, … cho kế hoạch 5 năm 2011 – 2015.
đ) Xây dựng danh mục các công trình, dự án lớn triển khai trong giai đoạn 2011 – 2015, phân chia cụ thể theo nguồn vốn: ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, ODA, FDI…
e) Đồng thời với quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, nghiên cứu xây dựng khung theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch này.
g) Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan liên quan, bao gồm các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi Chính phủ, cộng đồng dân cư, nhất là các nhà đầu tư và doanh nghiệp và các nhà tài trợ, các chuyên gia trong và ngoài nước,… về dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, khung theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả, danh mục các công trình, dự án đầu tư giai đoạn 2011 – 2015,.. nhằm tạo sự đồng thuận cao, là cơ sở để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
h) Bố trí đủ kinh phí để thực hiện xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 bảo đảm yêu cầu đề ra.
II. TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng “Đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015”, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình xin ý kiến Bộ Chính trị trong tháng 6 năm 2009.
2. Căn cứ Đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 được Bộ Chính trị thông qua, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Bộ, ngành, địa phương mình; gửi dự thảo báo cáo kế hoạch 5 năm đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 7 năm 2009 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2009 và trình xin ý kiến Bộ Chính trị vào tháng 11 năm 2009. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ban Chấp hành Trung ương và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |