Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2020 về tăng cường giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp do tỉnh Lào Cai ban hành
Số hiệu: 04/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Đặng Xuân Phong
Ngày ban hành: 04/03/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Lào Cai, ngày 04 tháng 3 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP NHẰM THÚC ĐẨY SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Năm 2019, hoạt động sản xuất công nghiệp tỉnh Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn song vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 đạt 32.921 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Năm 2020 là năm cuối toàn Tỉnh phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đề ra, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo chỉ tiêu kế hoạch đã được phê duyệt năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 36.180 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2019 và bằng 108% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề trong bối cảnh sản xuất công nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu và dịch viêm phổi cấp (COVID - 19). Để chủ động ứng phó với tình hình mới, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai yêu cầu:

1. Sở Công Thương

- Tham mưu thực hiện tốt Kế hoạch số 157-KH/TU ngày 24/7/2018 của Tỉnh ủy Lào Cai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ trì triển khai có hiệu quả Đề án số 2 về phát triển khu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh ủy.

- Chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị sản xuất công nghiệp; tổ chức gặp mặt các đơn vị sản xuất công nghiệp, giải quyết hoặc đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

- Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, tính toán cân đối nguồn nguyên liệu các loại quặng trên địa bàn sử dụng trong các ngành công nghiệp để tổ chức khai thác hp lý, hiệu quả, ưu tiên cung ứng nguyên liêu cho sản xuất tại địa phương.

- Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để nhanh chóng đi vào hoạt động tạo ra giá trị gia tăng. Trong đó đối với dự án luyện đồng Bản Qua và các nhà máy thủy điện, đề xuất giải pháp nhập khẩu được máy móc thiết bị, nhập cảnh được chuyên gia kỹ thuật để lắp giáp thiết bị trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Nhà máy tuyển graphit Nậm Thi, Bảo Hà khẩn trương hoàn thiện công nghệ để sản xuất ra sản phẩm đủ điều kiện tiêu thụ; hỗ trợ nhà máy sản xuất dây cáp điện thỏa thuận được vói tập đoàn than khoáng sản Việt Nam về cung ứng nguyên liệu đồng kim loại.

- Định hướng hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ khai thác, tuyển, luyện, sản xuất sản phẩm; sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản; hài hòa trong hoạt động cũng như lợi ích giữa các khâu của quá trình sản xuất không để xảy ra các tình trạng chèn ép trong việc bán hoặc mua nguyên liệu ở các khâu.

- Tham mưu lập Đề án khu công nghiệp thay thế khu công nghiệp phía tây thành phố để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

- Điều chỉnh hoạt động xúc tiến thương mại sang các thị trường mới nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp địa phương và hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung các loại nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, đa dạng hóa nguồn cung cấp.

- Tham mưu triển khai tốt công tác quy hoạch điện lực để đảm bảo mua hết điện năng của các nhà máy thủy điện trên địa bàn và cung ứng kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chất lượng năng lượng điện cho các nhà máy công nghiệp.

- Chủ trì phối hợp với các ngành và địa phương triển khai có hiệu quả Chính sách khuyến công năm 2020 và xây dựng Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và xã hội hóa để hỗ trợ sản xuất công nghiệp của địa phương.

2. Ban Quản lý khu kinh tế

- Rà soát đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đặc biệt là khu công nghiệp Bắc Duyên Hải và Đông Phố Mới đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp.

- Theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sản xuất trong khu kinh tế, khu công nghiệp, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp đã được giao chủ đầu tư, đề xuất các dự án mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất công nghiệp hoạt động.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để các đơn vị sản xuất, các chủ đầu tư có đủ điều kiện, sớm triển khai thực hiện.

- Đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai trong thời gian bệnh dịch COVID - 19.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp và tại các dự án sản xuất công nghiệp.

- Tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hoạt động khoáng sản. Quản lý chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép.

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian trong việc cấp, giao đất cho các dự án công nghiệp.

- Hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để các dự án công nghiệp nhanh chóng đi vào hoạt động.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Thẩm định chặt chẽ thiết bị, máy móc và công nghệ ngăn chặn tuyệt đối đầu tư mới có công nghệ lạc hậu góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm mới và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

- Thực hiện Kế hoạch đánh giá trình độ công nghệ và xây dựng lộ trình thay thế máy móc thiết bị công nghệ của các nhà máy đang hoạt động trên địa bàn.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Rà soát, đôn đốc đẩy nhanh thủ tục, tiến độ triển khai các dự án công nghiệp, kiên quyết xử lý đối với các dự án chậm tiến độ.

- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối ngân sách, bố trí đủ kinh phí cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, khu công nghiệp... phục vụ phát triển công nghiệp.

- Nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

6. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách, bố trí đủ kinh phí cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, khu công nghiệp... phục vụ phát triển công nghiệp.

- Đảm bảo nguồn lực triển khai các chính sách liên quan và hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư.

- Phi hợp hướng dẫn và tổ chức triển khai có hiệu quả Chính sách khuyến công năm 2020 và xây dựng Chương trình khuyến công giai đoạn 2021- 2025 làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp.

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trong công tác quản lý, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phát triển công nghiệp

8. Các sở, ban, ngành có liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối họp với Sở Công Thương, các đơn vị liên quan và các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn phát triển.

9. Đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

- Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, chú trọng đầu tư chế biến sâu, dây chuyền công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm phong phú với giá trị gia tăng cao.

- Tích cực làm chủ công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất giảm thiểu lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, tối ưu công nghệ, tổ chức sắp xếp lại lao động, tiết giảm chi phí…để hạ giá thành sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh nhất là đối với 2 nhóm sản phẩm là thép và phân bón khi hết thời hạn nhà nước áp dụng biện pháp tự vệ (thép hết thời hạn vào ngày 21/3/2020, phân bón DAP, MAP hết hạn vào ngày 06/3/2020).

- Chủ động nguồn nguyên, nhiên, vật liệu, có phương án phù hợp đối với nguồn phải nhập khẩu từ Trung Quốc trước tình hình dịch bệnh COVID-19 (than cốc, lưu huỳnh, amoniac, điện cực,...) đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, thường xuyên và sẵn sàng nắm bắt cơ hội đẩy mạnh sản xuất.

- Trong thời gian sản xuất gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, dịch bệnh... chủ động triển khai công tác bảo trì bảo dưỡng máy móc thiết bị, đào tạo tập huấn cho lao động, triển khai diễn tập ứng phó sự cố hóa chất (đối với doanh nghiệp sản xuất hóa chất)... để sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất khi khó khăn qua đi.

- Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong đó chú trọng thị trường trong nước, thị trường truyền thống và đồng thời phát triển thêm thị trường mới tiềm năng.

Trên đây là Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để xem xét giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành thuộc tỉnh;
- Các đơn vị TW trên địa bàn;
- CVP, CPVP1;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH3, KT1.

CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Phong

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.