Quyết định 37/2020/QĐ-UBND quy định về nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Số hiệu: 37/2020/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên Người ký: Lê Thành Đô
Ngày ban hành: 31/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2020/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH NỘI DUNG, MỨC CHI CHO CÔNG TÁC HỖ TRỢ NẠN NHÂN VÀ CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ NẠN NHÂN CỦA TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người ngày 29 tháng 3 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân, nội dung và mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 28/2020/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên Quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2021 và thay thế Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Ban hành Quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân; chế độ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Thành Đô

 

QUY ĐỊNH

NỘI DUNG, MỨC CHI CHO CÔNG TÁC HỖ TRỢ NẠN NHÂN VÀ CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ NẠN NHÂN CỦA TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 37/2020/QĐ-UBND, ngày 31 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Điện Biên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

2. Đối tượng áp dụng

a) Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam.

b) Người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Luật Phòng, chống mua bán người.

c) Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.

d) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức (công lập và ngoài công lập), cá nhân sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân và chi các chế độ hỗ trợ nạn nhân.

e) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Kinh phí chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân được sử dụng từ ngân sách địa phương, bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm cho các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan theo phân cấp hiện hành.

2. Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

NỘI DUNG, MỨC CHI CHO CÔNG TÁC HỖ TRỢ NẠN NHÂN VÀ CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ NẠN NHÂN

Điều 3. Nội dung và mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân

1. Chi công tác phí cho cán bộ phục vụ hoạt động xác minh, tiếp nhận, giải cứu, bảo vệ, vận chuyển nạn nhân; tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn nghiệp vụ; kiểm tra công tác hỗ trợ nạn nhân: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

2. Chi chế độ làm đêm, làm thêm giờ: Thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

3. Chi xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin về nạn nhân: Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của liên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Chi thông tin liên lạc, in ấn tài liệu, văn phòng phẩm, chi khác có liên quan đến công tác hỗ trợ nạn nhân. Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

5. Chi lập hồ sơ nạn nhân, mức chi 100.000 đồng/01 hồ sơ (bao gồm cả ảnh, biên bản xác minh, biên bản bàn giao nạn nhân).

6. Chi hỗ trợ người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nạn nhân: 200.000 đồng/người/ngày.

7. Chi hỗ trợ cho cán bộ được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho nạn nhân. Mức chi thù lao là 10.000 đồng/người được tư vấn/lần tư vấn nhưng không quá 500.000 đồng/cán bộ/tháng.

8. Chi thuê, mua sắm trang thiết bị đặc thù phục vụ xác minh, tiếp nhận, giải cứu, bảo vệ nạn nhân thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu.

Điều 4. Nội dung và mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân

1. Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại

a) Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, Trung tâm bảo trợ xã hội (gọi chung là cơ sở): 40.000 đồng/người/ngày; thời gian hỗ trợ không quá 03 tháng.

b) Trong thời gian lưu trú tại cơ sở nạn nhân được hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết: chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, xà phòng, băng vệ sinh cá nhân hàng tháng (đối với nạn nhân là nữ). Mức chi được tính trên cơ sở giá mua thực tế tại địa phương nhưng không quá 400.000 đồng/người.

c) Chi tiền tàu xe, tiền ăn cho nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả:

Chi tiền tàu xe: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông. Trường hợp nạn nhân là người chưa thành niên, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bố trí cán bộ đưa nạn nhân về nơi cư trú bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu thực tế; trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận và phù hợp với giá cả trên địa bàn cùng thời điểm.

Chi tiền ăn: Mức chi tiền ăn trong những ngày đi đường là 70.000 đồng/người/ngày (bao gồm cả tiền nước uống đi đường).

2. Chi hỗ trợ y tế

a) Đối với nạn nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế: trong thời gian lưu trú tại cơ sở được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

b) Hỗ trợ tiền thuốc thông thường: Trong thời gian nạn nhân lưu trú tại cơ sở không ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được hỗ trợ tiền thuốc thông thường theo thực tế phát sinh.

c) Trường hợp nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế.

d) Trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lưu trú tại Cơ sở hỗ trợ, Trung tâm Bảo trợ xã hội, sau 24 giờ (hai mươi bốn giờ), kể từ khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì Cơ sở có trách nhiệm tổ chức mai táng. Chi phí giám định pháp y, chi phí mai táng thực hiện theo quy định đối với các đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

3. Hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu

a) Hỗ trợ học văn hóa, học nghề:

Được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Nạn nhân có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề ngắn hạn tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng.

b) Hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú (áp dụng đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập): 1.000.000 đồng/người.

4. Trường hợp nạn nhân có người chưa thành niên đi cùng, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể. Mức chi không vượt quá mức chi quy định tại Điều này.

Điều 5. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân

1. Việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân của các cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

2. Hàng năm, cùng thời gian quy định lập dự toán ngân sách nhà nước Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan căn cứ nội dung và mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Quy định này lập dự toán và tổng hợp chung trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chi hỗ trợ kinh phí cho cơ sở các chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Điều 4 Quy định này. Trường hợp không giải quyết hỗ trợ, trong thời gian tối đa 15 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tại Quy định này trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan vận động, huy động các nguồn vốn khác để hỗ trợ cho nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cho từng trường hợp cụ thể đối với nạn nhân có người chưa thành niên đi cùng.

d) Hướng dẫn các cơ sở hỗ trợ nạn nhân và chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân, chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân của tội phạm mua bán người theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 3 và khoản 1, khoản 2 Điều 4 Quy định này.

2. Sở Tài chính

Tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện Quy định này.

3. Sở Y tế

Phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khám, chữa bệnh, điều trị cho nạn nhân bị ốm nặng và phối hợp với các cơ sở thực hiện hỗ trợ nạn nhân theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Quy định này.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thực hiện miễn, giảm học phí cho các đối tượng học văn hóa trên địa bàn thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Quy định này.

5. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan chỉ đạo đơn vị trực thuộc quản lý thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân của tội phạm mua bán người và trẻ em đi cùng nạn nhân.

b) Chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 8 Điều 3 và chi hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân bằng mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã theo dõi và quản lý nạn nhân trở về nơi cư trú. Chi hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bằng mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này trong trường hợp UBND cấp xã đã tiếp nhận nạn nhân từ cơ quan Công an hoặc cơ quan Bộ đội Biên phòng nhưng chưa được cơ quan Công an hoặc cơ quan Bộ đội Biên phòng hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.

b) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thẩm định hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp huyện ra Quyết định chi hỗ trợ nạn nhân học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu theo quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 4 và hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân trong trường hợp họ tự trở về nơi cư trú bằng mức quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Quy định này

Điều 7. Chế độ báo cáo

Thực hiện chế độ báo cáo việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thời điểm áp dụng: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2. Khi các văn bản dẫn chiếu tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.