Quyết định 18/2016/QĐ-UBND Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng, bảo trì và giải quyết sự cố công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Số hiệu: 18/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Nguyễn Văn Phóng
Ngày ban hành: 15/09/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2016/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 15 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, BẢO TRÌ VÀ GIẢI QUYẾT SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 11/11/2007;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 81/TTr-SXD ngày 05/9/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng, bảo trì và giải quyết sự cố công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 9 năm 2016 và thay thế Quyết định số 10/2007/QĐ-UBND ngày 16/8/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Phóng

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, BẢO TRÌ VÀ GIẢI QUYẾT SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành theo Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 15/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng; bảo trì công trình xây dựng và giải quyết sự cố công trình xây dựng.

2. Trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng của các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và các nhà thầu khác có liên quan thực hiện theo quy định tại các Chương II, III và IV Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định 46/2015/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), chủ đầu tư, nhà đầu tư, các nhà thầu trong và ngoài nước, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác quản lý chất lượng, bảo trì công trình xây dựng và giải quyết sự cố công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính tỉnh Hưng Yên.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 3. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:

1. Tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, d và i, Khoản 1 Điều 55 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

2. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý chất lượng công trình dân dụng; công trình sản xuất vật liệu xây dựng; công trình công nghiệp nhẹ; công trình hạ tầng kỹ thuật quy định tại Mục I; Khoản 1, Mục II; Khoản 7, Mục II và Mục III tại Phụ lục I, Phân loại công trình xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; công trình giao thông trong đô thị (trừ công trình đường sắt, công trình cầu vượt sông và đường quốc lộ).

3. Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng chuyên ngành sau đây (trừ các công trình thuộc thẩm quyền kiểm tra của các cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và công trình thuộc trách nhiệm của phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện theo quy định tại Điểm c, Khoản 6, Điều 7 của Quy định này):

a) Công trình cấp II, III, IV sử dụng vốn ngân sách nhà nước; công trình cấp II, III sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư hoặc ủy quyền quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật, thuộc các loại công trình quy định tại Khoản 2, Điều này;

b) Công trình cấp II sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đầu tư, thuộc các loại công trình quy định tại Khoản 2 Điều này;

c) Công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng theo quy định tại Mục I; Khoản 1, Mục II; Khoản 7, Mục II và Mục III, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

4. Thẩm định thiết kế công trình xây dựng chuyên ngành do Sở quản lý theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi là Nghị định số 59/2015/NĐ-CP).

5. Kiểm tra thực hiện bảo trì công trình xây dựng thuộc trách nhiệm quản lý của Sở quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

6. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám định chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng chuyên ngành do Sở quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 của Quy định này; tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết sự cố quy định tại Khoản 2, Điều 11 của Quy định này.

7. Kiểm tra công tác đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác sử dụng, có trách nhiệm thông báo và xử lý theo thẩm quyền đối với công trình hết hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 10 Quy định này.

8. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ, đột xuất về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành và tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành do mình quản lý trên địa bàn.

9. Tham gia kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng trên địa bàn do Bộ Xây dựng, bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì; tham gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước đối với công trình xây dựng trên địa bàn khi có yêu cầu.

10. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp và báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) và đột xuất; báo cáo danh sách các nhà thầu vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình khi tham gia các hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Điều 4. Trách nhiệm của các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành và chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

2. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành, cụ thể:

- Sở Giao thông vận tải quản lý chất lượng công trình giao thông quy định tại Mục IV, Phụ lục I, Phân loại công trình xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP (trừ các công trình giao thông do Sở Xây dựng quản lý).

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất lượng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định tại Mục V, Phụ lục I, Phân loại công trình xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

- Sở Công Thương quản lý chất lượng công trình công nghiệp quy định tại Mục II, Phụ lục I, Phân loại công trình xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP (trừ các công trình công nghiệp do Sở Xây dựng quản lý).

3. Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng chuyên ngành sau đây (trừ các công trình thuộc thẩm quyền kiểm tra của các cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP , công trình do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Quy định này và công trình thuộc trách nhiệm kiểm tra của phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện theo quy định tại Điểm c, Khoản 6, Điều 7 của Quy định này):

a) Các công trình cấp II, III, IV sử dụng vốn ngân sách nhà nước; công trình cấp II, III sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật, thuộc các loại công trình quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Công trình cấp II sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đầu tư, thuộc các loại công trình quy định tại Khoản 2, Điều này;

c) Công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, cụ thể:

- Sở Giao thông vận tải kiểm tra công tác nghiệm thu công trình quy định tại Mục IV, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác nghiệm thu công trình quy định tại Mục V, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

- Sở Công Thương kiểm tra công tác nghiệm thu công trình quy định tại Mục II, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

4. Thẩm định thiết kế công trình xây dựng chuyên ngành do Sở quản lý theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Kiểm tra thực hiện bảo trì công trình xây dựng do Sở quản lý được quy định tại Khoản 2, Điều này.

6. Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức giám định công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng thuộc ngành mình quản lý.

7. Kiểm tra công tác đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác sử dụng, có trách nhiệm thông báo và xử lý theo thẩm quyền đối với công trình hết hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp được quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 10 của Quy định này.

8. Tham gia kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng trên địa bàn do Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì; tham gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước đối với công trình xây dựng trên địa bàn khi có yêu cầu.

9. Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Xây dựng định kỳ hàng năm vào ngày 05 tháng 12 hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

1. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng, bảo trì và giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình cấp III trong các khu công nghiệp thuộc loại công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng quy định tại Mục II, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

3. Tổng hợp báo cáo Sở Công Thương định kỳ hàng năm vào ngày 25 tháng 11 hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trong khu công nghiệp.

Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

2. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng do mình quản lý được quy định tại Điểm c, Khoản 6, Điều này.

3. Báo cáo sự cố và giải quyết sự cố theo quy định tại Điều 11 của Quy định này. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp liên quan đến những hư hỏng công trình lân cận do việc thi công xây dựng công trình mới gây ra.

4. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình xây dựng trên địa bàn khi được yêu cầu.

5. Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Xây dựng định kỳ hàng năm vào ngày 05 tháng 12 hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

6. Phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện có nhiệm vụ:

a) Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

b) Thẩm định thiết kế công trình xây dựng theo quy định phân cấp của cấp có thẩm quyền.

c) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, bao gồm: công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật (trừ công trình xử lý chất thải rắn) theo Phụ lục I Nghị định số 46/2015/NĐ-CP: Công trình cấp III, cấp IV sử dụng vốn ngân sách nhà nước và công trình cấp III sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đầu tư; Công trình nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên thuộc cấp III xây dựng trên địa bàn huyện.

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng cho các tổ chức và công dân trên địa bàn.

2. Tiếp nhận, xác nhận thông báo khởi công của chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 106 Luật Xây dựng; kiểm tra quá trình thi công công trình theo nội dung giấy phép xây dựng, biển báo công trường, các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường như: hàng rào thi công, màn che công trình, thoát nước thi công, giải pháp thu gom nước thải, phế thải xây dựng, nhà vệ sinh tạm thời, giấy phép sử dụng tạm thời hè, đường.

3. Tiếp nhận báo cáo sự cố của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình, đồng thời ngay sau khi nhận được thông tin phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân tỉnh về sự cố theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 của Quy định này.

4. Trường hợp phát hiện công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn cho việc khai thác sử dụng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và thực hiện ngay các biện pháp xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng theo quy định tại Khoản 2, Điều 44 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

5. Lập danh mục, theo dõi các công trình khởi công xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn (theo mẫu tại Phụ lục I); định kỳ 6 tháng/1 lần báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện thông qua phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra.

6. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện kiểm tra công trình xây dựng trên địa bàn khi được yêu cầu.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan quyết toán vốn đầu tư xây dựng

1. Hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Chỉ tổ chức quyết toán, phê duyệt quyết toán đối với các công trình được nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP .

Chương III

TRÁCH NHIỆM BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG, ĐÁNH GIÁ AN TOÀN CHỊU LỰC VÀ AN TOÀN VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG, XỬ LÝ CÔNG TRÌNH CÓ DẤU HIỆU NGUY HIỂM HOẶC HẾT HẠN SỬ DỤNG CÓ NHU CẦU SỬ DỤNG TIẾP

Điều 9. Trách nhiệm chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng trong công tác: Bảo trì công trình xây dựng; đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng; xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn khai thác sử dụng; xử lý công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp

1. Bảo trì công trình xây dựng:

a) Tổ chức thực hiện theo trình tự thực hiện bảo trì công trình xây dựng được quy định tại Điều 37 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

b) Đối với các công trình xây dựng đã đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng, có thể tổ chức kiểm định chất lượng công trình xây dựng làm cơ sở để lập quy trình bảo trì công trình xây dựng nếu thấy cần thiết. Trong quy trình bảo trì phải quy định rõ thời gian sử dụng còn lại của công trình.

c) Có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì, tổ chức thực hiện bảo trì, quản lý chất lượng công việc bảo trì, chi phí bảo trì công trình xây dựng được quy định tại các Điều 39, 40, 41 và 42 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

2. Tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình đối với các công trình và theo nội dung đánh giá được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 43 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và gửi kết quả đánh giá đến cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Khoản 1, Điều 10 của Quy định này.

3. Có trách nhiệm phối hợp với chính quyền cấp xã, cấp huyện xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn sử dụng được quy định tại các Khoản 1, 3 và 5 Điều 44 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

4. Thực hiện các công việc đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp theo quy định tại các Khoản 1, 4 và 5 Điều 45 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ; có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, kết quả sửa chữa công trình (nếu có) với cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2, Điều 10 của Quy định này để được xem xét, chấp thuận việc kéo dài thời hạn sử dụng đối với công trình quy định tại Phụ lục II Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

Điều 10. Thẩm quyền kiểm tra công tác đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng; trách nhiệm thông báo và thẩm quyền xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp

1. Thẩm quyền kiểm tra công tác đánh giá an toàn toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng:

Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công tác đánh giá an toàn chịu lực, an toàn vận hành trong quá trình khai thác, sử dụng công trình đối với công trình xây dựng chuyên ngành từ cấp II trở xuống theo chuyên ngành quản lý được quy định tại Khoản 2, Điều 3 và Khoản 2, Điều 4 của Quy định này;

2. Trách nhiệm thông báo và thẩm quyền xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với các công trình cấp I, cấp II.

Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trách nhiệm thông báo và xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp đối với công trình xây dựng chuyên ngành cấp I, II thuộc phạm vi quản lý của Sở được quy định tại Khoản 2 Điều 3, Khoản 2 Điều 4 của Quy định này.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xử lý đối với các công trình còn lại trên địa bàn.

Phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện trách nhiệm thông báo và xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp đối với các công trình thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

c) Riêng đối với nhà ở, thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM XỬ LÝ SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 11. Phân cấp sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình; báo cáo sự cố công trình xây dựng; giải quyết sự cố công trình xây dựng; hồ sơ sự cố công trình xây dựng

1. Phân cấp sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình:

a) Sự cố cấp I bao gồm:

- Sự cố công trình xây dựng làm chết từ 6 người trở lên;

- Sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp I trở lên hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp I trở lên.

b) Sự cố cấp II bao gồm:

- Sự cố công trình xây dựng làm chết từ 1 người đến 5 người;

- Sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp II, cấp III hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp II và cấp III.

c) Sự cố cấp III bao gồm các sự cố còn lại ngoài các sự cố công trình xây dựng quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều này.

2. Báo cáo sự cố công trình xây dựng thực hiện quy định tại Điều 47 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

3. Giải quyết sự cố, phân cấp trách nhiệm giải quyết sự cố công trình xây dựng.

a) Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng, nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quy định tại các Khoản 1, 3 và 4, Điều 48 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì giải quyết sự cố công trình cấp I, cấp II.

Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết sự cố cấp I, cấp II.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chủ trì giải quyết sự cố cấp III trên địa bàn huyện.

Phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết sự cố cấp III và thực hiện các công việc quy định tại Điểm a, b, c, và d Khoản 2, Điều 48 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

4. Hồ sơ sự cố công trình được quy định tại Điều 50 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

Điều 12. Thẩm quyền tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám định nguyên nhân sự cố cấp II, cấp III công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức giám định nguyên nhân sự cố cấp III đối với các công trình do UBND cấp huyện quản lý theo quy định tại Điểm c, Khoản 6, Điều 7 của Quy định này.

2. Thẩm quyền giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức giám định nguyên nhân sự cố cấp II, cấp III công trình xây dựng, quy định như sau:

a) Sở Xây dựng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình do Sở quản lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Quy định này;

b) Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng chuyên ngành do các Sở quản lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Quy định này.

c) Phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với sự cố công trình nhà ở riêng lẻ, công trình theo quy định tại Điểm c, Khoản 6, Điều 7 của Quy định này. Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể đề nghị Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp thực hiện trong việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố.

d) Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng hoặc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố các công trình chuyên ngành.

3. Nội dung thực hiện giám định nguyên nhân sự cố, chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, hồ sơ sự cố công trình được quy định tại Khoản 3, 4, Điều 49 và Điều 50 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Xử lý chuyển tiếp

1. Công trình khởi công trước ngày 01/7/2015 việc kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây.

2. Công trình khởi công sau ngày 01/7/2015 việc kiểm tra công tác nghiệm thu đối với chủ đầu tư trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình thực hiện theo quy định của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và Quy định này.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các sở, ngành: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; chủ đầu tư, nhà đầu tư, các nhà thầu trong nước và nước ngoài, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm củng cố tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Nhà nước và Quy định này.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp cơ quan nhà nước cấp trên ban hành các văn bản có quy định khác nội dung tại Quy định này thì thực hiện theo văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ban hành. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC 1

(Ban hành theo Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 15/9/2016 của UBND tỉnh Hưng Yên)

UBND cấp xã
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:.........../BC-UBND

..........., ngày.... tháng... năm 201...

 

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KHỞI CÔNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

(Định kỳ 6 tháng/lần, vào ngày 15/6 và 15/11 hàng năm)

Kính gửi: Phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện...

Thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 8 Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng, bảo trì và giải quyết sự cố công trình xây dựng ban hành theo Quyết định số ....../2016/QĐ-UBND ngày...../...../2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo tình hình khởi công công trình xây dựng trên địa bàn trong 6 tháng như sau:

TSTT

Tên công trình/Địa điểm xây dựng

Dự án thuộc nhóm/Tổng mức đầu tư

Tên Chủ đầu tư/Địa chỉ và điện thoại liên hệ/Cấp Quyết định đầu tư

Cấp công trình/Diện tích XD/ Tổng diện tích sàn/ Số tầng

Giấy phép xây dựng số

Tên nhà thầu khảo sát địa chất công trình

Tên nhà thầu tư vấn thiết kế

Tên nhà thầu TVGS

Tên nhà thầu thi công XD

Ngày/tháng /năm khởi công/ Dự kiến thời gian hoàn thành

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TM. UBND XÃ
CHỦ TỊCH

(Ký tên, đóng dấu)