Quyết định 01/2018/QĐ-UBND quy định về đơn giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định
Số hiệu: 01/2018/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định Người ký: Ngô Gia Tự
Ngày ban hành: 15/01/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2018/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 15 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐƠN GIÁ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ THIỆT HẠI VỀ NHÀ, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013; Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện;

Căn cứ Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Theo đề nghị tại Tờ trình số 01/SXD-QLXD ngày 02/01/2018 của Sở Xây dựng, Báo cáo thẩm định số 255/BC-STP ngày 28/12/2017 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2018 và thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 của UBND tỉnh Nam Định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định; các tổ chức, cá nhân và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Website tỉnh, công báo tỉnh;
- Như Điều 3;
-
Lưu: Vp1, Vp5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Ngô Gia Tự

 

QUY ĐỊNH

ĐƠN GIÁ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ THIỆT HẠI VỀ NHÀ, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT KHI NHÀ NƯỚC THU ĐỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 15/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quy định tại Luật Đất đai năm 2013, áp dụng trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không theo quy định tại Điều 18, Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ.

2. Tài sản gắn liền với đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước, nếu không có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước thì được bồi thường theo giá trị còn lại thực tế của công trình đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Nam Định.

2. Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai năm 2013 khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định.

3. Chủ sở hữu nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.

4. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Điều 3. Quy định chung

1. Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương trong bảng đơn giá quy định tại biểu số 01 (kèm theo quy định này).

2. Việc bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này thì được bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó.

Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân (x) với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.

Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại;

G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương;

T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;

T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.

3. Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không còn sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình; trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, phần còn lại vẫn tồn tại và sử dụng được thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ.

4. Đối với nhà, công trình bị phá dỡ một phần, mà phần còn lại không sử dụng được do diện tích còn lại ≤ 15m2, hoặc chiều sâu < 3m, hoặc do không phù hợp với thực tế sử dụng thì được bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình.

5. Bồi thường nhà, công trình đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

a. Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ, thì người đang thuê nhà không được bồi thường đối với diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và diện tích cơi nới trái phép, nhưng được bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; trường hợp tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp được coi là hợp pháp khi được cơ quan ra quyết định phân nhà hoặc cơ quan quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại địa phương cho phép, được bồi thường 100% chi phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp theo quy định.

b. Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bị phá dỡ được thuê nhà ở tại nơi tái định cư; giá thuê nhà là giá thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; nhà thuê tại nơi tái định cư được Nhà nước bán cho người đang thuê theo quy định của Chính phủ về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê; trường hợp đặc biệt không có nhà tái định cư để bố trí thì được hỗ trợ bằng tiền để tự lo chỗ ở mới; mức hỗ trợ bằng 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà đang thuê.

6. Bồi thường về di chuyển mồ mả.

Đối với việc di chuyển mồ mả không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, thì người có mồ mả phải di chuyển được bố trí đất và được bồi thường chi phí xiên thăm dò, đào, bốc, di chuyển, xây dựng lại (nếu có) và chi phí hương hoa theo tục lệ có liên quan trực tiếp.

7. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai năm 2013 thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành; nếu công trình không còn sử dụng thì không được bồi thường.

8. Nhà, công trình khác xây dựng trên đất mà đất đó không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013, nhưng tại thời điểm xây dựng chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền công bố hoặc xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã cắm mốc thì được hỗ trợ tối đa bằng 80% mức bồi thường quy định.

9. Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất không được bồi thường trong các trường hợp sau:

a. Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i khoản 1 Điều 64 và điểm b, d khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai năm 2013.

b. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

c. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Cách xác định độ cao, diện tích xây dựng, diện tích sàn

1. Đơn giá trong bảng tính đã bao gồm toàn bộ mức chi phí bình quân để hoàn thiện 1m2 xây dựng (XD), 1m2 sàn (đối với nhà mái bằng bê tông cốt thép từ 1 tầng trở lên); đã bao gồm: móng, ít nhất là 4 bức tường xây 220 và các bức tường ngăn (nếu có), một lớp cửa (gỗ hoặc sắt), ô văng cửa, tường đè mái xây 220 cao 60cm (nếu cao hơn thì tính thêm theo khối lượng vật kiến trúc), lan can sắt hoặc ống sứ, con tiện xi măng... Đối với nhà từ 2 tầng trở lên đã bao gồm hình chiếu bằng của ô cầu thang trên diện tích sàn từng tầng và móng có xử lý đóng cọc tre. Đối với nhà có công trình phụ khép kín đã bao gồm bể phốt ngầm (chưa có bể nước trên mái).

2. Cách xác định độ cao và diện tích

a) Độ cao của nhà được tính như sau :

- Đối với nhà mái dốc: Chiều cao của nhà được tính từ mặt nền đến phần bắt đầu thu hồi của mái.

- Đối với nhà mái bằng: Độ cao được tính cho mỗi tầng là độ cao từ mặt nền hoặc sàn đến mái.

b) Diện tích xây dựng (DTXD) quy định cho nhà tạm và nhà cấp IV, được tính như sau: Toàn bộ diện tích mà công trình chiếm chỗ trên đất (hết cả mái hiên). Giới hạn chiều rộng nhô ra của mái trước, mái sau so với mép ngoài tường móng cột hiên và móng tường hậu tối đa là 0,3m.

c) Diện tích sàn (DTS) của 1 tầng: Là diện tích mặt bằng xây dựng của tầng đó, gồm cả tường bao (hoặc phần tường chung thuộc về công trình) và diện tích mặt bằng của lôgia, ban công.

Diện tích sàn của một ngôi nhà là tổng diện tích sàn của các tầng trong nhà đó.

Quy định cách đo m2 sàn:

Tầng 1: Đo từ mép ngoài tường cổ móng trước đến mép ngoài tường cổ móng sau và từ mép ngoài tường cổ móng bên đến mép ngoài tường cổ móng đối diện.

Tầng 2 trở lên: Đo từ mép ngoài tường trước đến mép ngoài tường sau, từ mép ngoài tường bên đến mép ngoài tường đối diện và cộng thêm diện tích ban công, lôgia (nếu có).

d) VKT bao gồm: Bể chứa nước, giếng khoan, giếng đào, sân, trần, gác xép, tường rào, chòi cầu thang, di chuyển mồ mả...

Điều 5. Bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác khi Nhà nước thu hồi đất

1. Đối với nhà ở, công trình xây dựng phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài gắn liền với đất quy định tại Điều 89 Luật Đất đai năm 2013 được bồi thường bằng giá trị xây mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương trong bảng đơn giá (chương III).

Mức bồi thường nhà, công trình xây dựng

=

Giá trị xây mới của nhà và công trình xây dựng

+ (-)

Một khoản tiền bằng tỷ lệ % trên giá trị xây mới của nhà và công trình xây dựng (nếu có)

2. Đối với nhà, công trình xây dựng khác với quy định tại khoản 1 Điều này được bồi thường theo mức sau:

Mức bồi thường nhà, công trình xây dựng

=

Giá trị hiện có của nhà và công trình xây dựng

+ (-)

Một khoản tiền bằng tỷ lệ % trên giá trị hiện có của nhà và công trình xây dựng (nếu có)

- Giá trị xây mới của nhà và công trình xây dựng = DTXD hoặc (DTS) x (nhân) đơn giá xây dựng mới tương ứng (áp dụng cho khoản 1 Điều này)

- Giá trị hiện có của nhà và công trình xây dựng = DTXD hoặc (DTS) x (nhân) đơn giá xây dựng mới tương ứng x (nhân) tỷ lệ % giá trị còn lại của nhà, công trình xây dựng (áp dụng cho Khoản 2 Điều này), tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà, công trình theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Khoản cộng, trừ tỷ lệ % trên giá trị xây mới hoặc giá trị hiện có của nhà, vật kiến trúc là khoản tăng, giảm khi áp dụng bảng giá nhà và công trình xây dựng có một số điểm khác so với bảng giá áp dụng. Đơn giá có thể tăng hoặc giảm từ 5% đến 10% so với mức giá quy định có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

- Tỷ lệ giá trị còn lại của nhà, công trình xây dựng và khoản tiền cộng thêm (nếu có) được tính tối đa không lớn hơn 100% giá trị xây mới của nhà, công trình xây dựng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại (áp dụng cho khoản 2 Điều này).

3. Công trình có điện và nước trong nhà phải di chuyển toàn bộ thì được cộng thêm 6% giá trị công trình. Nếu chỉ có điện thì được cộng thêm 3% giá trị công trình.

4. Nhà mái bằng gác panel thì đơn giá bồi thường được nhân hệ số = 1,1 tương ứng với kết cấu nhà tại mục (B) trong biểu số 01.

5. Đối với nhà mã hiệu A8, A9 trong bảng đơn giá có hiên mái bằng bê tông cốt thép thì đơn giá bồi thường được nhân hệ số 1,05 trên toàn bộ diện tích bồi thường.

6. Đối với nhà 1 tầng mái bằng bê tông cốt thép mà có cầu thang cố định bằng kết cấu bê tông cốt thép ở trong nhà thì đơn giá bồi thường được nhân hệ số bằng 1,1. Nếu cầu thang ngoài nhà bằng bê tông cốt thép có tay vịn hoàn chỉnh thì tính riêng diện tích cầu thang và đơn giá tính bằng 20% đơn giá nhà (tính diện tích theo độ dốc của cầu thang). Nếu là nhà khung bê tông cốt thép thì nhân hệ số = 1,1.

7. Đối với nhà mã hiệu A8, A9 trong bảng đơn giá hoặc nhà mái bằng có chiều cao của một tầng hoặc từng tầng nhỏ hơn hoặc bằng 2,5m thì đơn giá nhân hệ số 0,8 tương ứng với các tiêu chí của công trình trong bảng đơn giá.

8. Nhà, công trình tháo dỡ một phần do ảnh hưởng tháo dỡ được tính bồi thường, hỗ trợ chi phí sửa chữa hoàn thiện lại nhà, công trình đó. Chi phí này được tính bằng chiều sâu 2m liền kề sau chỉ giới GPMB nhân với chiều rộng công trình.

9. Những nhà, công trình khi chỉ giới GPMB chỉ vào phần hiên (hoặc sảnh) của nhà (phần mái đua), công trình thì không được áp dụng đơn giá theo m2 xây dựng hoặc m2 sàn mà phải tính chi tiết từng bộ phận công trình phải tháo dỡ.

10. Đối với nhà, công trình bị phá dỡ một phần:

a) Trường hợp phá dỡ một phần (dọc nhà hoặc ngang nhà) phần còn lại vẫn tồn tại và sử dụng được thì chỉ tính bồi thường phần giá trị nhà, công trình bị phá dỡ. Diện tích công trình phá dỡ được tính như sau:

+ Đối với nhà mái ngói, fibrôximăng: Nếu vào 1 phần gian thì tính hết cả gian nhà.

+ Đối với nhà mái bằng bê tông cốt thép:

- Nếu chỉ giới GPMB cắt chéo hết chiều ngang của nhà thì được tính đến dầm hoặc tường chịu lực gần nhất.

- Nếu chỉ giới GPMB cắt chéo không hết chiều ngang của nhà thì tuỳ từng trường hợp xem xét cụ thể.

b) Trường hợp phá dỡ dọc nhà vào toàn bộ kết cấu chịu lực chính của nhà, công trình (công trình không còn khả năng chịu lực) thì được bồi thường 100% diện tích nhà, công trình bị phá dỡ.

Đối với nhà, công trình mái dốc, kết cấu vì kèo thép, phá dỡ dọc nhà: Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xem xét hỗ trợ từ 60% đến 100% giá trị phần diện tích còn lại cho phù hợp với kết cấu của công trình.

c) Trường hợp đối với nhà, công trình sau khi phá dỡ mà công trình phụ, cầu thang, gác xép (cùng nằm trong ngôi nhà đó) ở ngay sau chỉ giới GPMB, nằm phía trước công trình bắt buộc phải quy hoạch lại, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể hỗ trợ từ 60% đến 100% giá trị xây mới có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với các công trình đó để sắp xếp lại mặt bằng công trình cho phù hợp.

Trường hợp các công trình phụ trợ nằm ngoài liền kề với công trình chính bị phá dỡ như: bể nước, bếp, nhà tắm, giếng khơi... không thể sử dụng được theo thiết kế, quy hoạch xây dựng ban đầu, bắt buộc phải quy hoạch lại thì được xem xét hỗ trợ 100% giá trị các công trình đó. Diện tích được xem xét hỗ trợ tối đa không vượt quá diện tích của công trình chính bị phá dỡ.

Những quy định nêu tại điểm b, c của khoản này chỉ được thanh toán nếu các hộ gia đình cam kết phá dỡ theo phương án và tiến độ GPMB được duyệt.

11. Đối với nhà, công trình có kết cấu và đặc điểm như mục B1 đến mục B4 tại biểu số 01 nhưng có công trình phụ khép kín liền kết cấu mái và ốp lát gạch men thường thì đơn giá cộng thêm 330.000đ/m2 sàn; Từ mục B5 đến mục B10 áp dụng đối với nhà các tầng đều có công trình phụ, nếu tầng không có công trình phụ trong nhà thì đơn giá trừ đi 330.000đ/m2 sàn. Đơn giá nhà chưa tính khuôn cửa, nếu có khuôn cửa thì đo thực tế, nếu nhà có 2 lớp cửa thì tính thêm 1 lớp và đơn giá được tính theo Công bố giá tháng của liên Sở Xây dựng - Sở Tài chính tại thời điểm bồi thường.

12. Đối với nhà công trình có kết cấu và đặc điểm như mục từ B1 đến B10 tại biểu số 01 nhưng tường xây 110mm thì đơn giá nhân hệ số = 0,9.

13. Dung tích bể được tính là m3 chứa nước của bể (kích thước trong lòng bể)

14. Nếu chiều cao nhà khác với quy định trong bảng giá thì có thể cộng hoặc trừ 27.000đ/m2 sàn hoặc m2 xây dựng tương ứng với độ cao 10cm.

15. Đối với trường hợp trong khuôn viên đất có nhiều loại công trình có kết cấu hoặc chiều cao khác nhau, khi tính diện tích phải tách riêng từng nhà và khi đó có những nhà sẽ không đủ 4 bức tường (nhà nọ dựa tường vào nhà kia) thì đơn giá nhà có 2¸3 bức tường phải giảm từ 25¸15% đơn giá nhà có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

16. Đối với khối lượng đào, đắp bờ kênh, mương, ao, đầm: Tính theo thực tế, chiều cao đào, đắp tính từ cốt tự nhiên (cốt đen) và có xác nhận của chính quyền địa phương. Khi thực hiện bồi thường phải xác định rõ nguồn gốc hình thành để chi trả theo đúng quy định.

17. Đối với di chuyển mồ mả:

a) Mộ có chủ: Chi phí bao gồm: Xiên thăm dò, đào, bốc rửa, mua tiểu sành, di chuyển đến nơi mới, chôn cất hoàn chỉnh, hương hoa theo tục lệ; được tính lệ phí đất (nếu có).

b) Đối với mộ đã xây: Phải tính đầy đủ các chi phí xây dựng lại ngôi mộ đó theo quy cách tương đương.

c) Mộ vô chủ: Từ 10 ngôi trở lên phải lập dự toán chi tiết cho công việc xiên thăm dò, đào, bốc rửa, di chuyển, chôn cất, cự ly di chuyển từ nơi cũ đến nơi mới, chi phí giải phóng mặt bằng (nếu có),...trình duyệt theo quy định.

d) Đối với mộ hung táng:

- Nếu đủ thời gian cải táng theo tục lệ thì được tính theo đơn giá quy định.

- Nếu chưa đủ thời gian cải táng thì Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng lập phương án cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

18. Đối với nhà ở, công trình xây dựng khác gắn liền với đất đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ về đất theo pháp luật đất đai nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thuộc các dự án lưới điện đến 220 KV quy định tại điều 13 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Mức hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đối với nhà ở, công trình xây dựng khác là 70% của quy định này.

19. Đối với nhà, công trình xây dựng, di chuyển mồ mả mà không có trong đơn giá hoặc đơn giá không phù hợp với quy mô của công trình cần phá dỡ thì Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng căn cứ vào đơn giá các hạng mục tương đương và điều kiện cụ thể để vận dụng đơn giá cho phù hợp. Trường hợp đặc thù riêng không thể vận dụng được thì tiến hành khảo sát, xác định khối lượng thực tế làm cơ sở lập dự toán theo quy định hiện hành để xác định giá trị bồi thường, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chương III

BẢNG ĐƠN GIÁ TÍNH BỒI THƯỜNG NHÀ, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 6. Đơn giá bồi thường nhà, công trình xây dựng

1. Bảng giá bồi thường nhà, công trình xây dựng tại tỉnh Nam Định được quy định cụ thể như sau: (Có bảng đơn giá kèm theo tại biểu số 01)

2. Đơn giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng để làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp thì căn cứ trên cơ sở hồ sơ xác nhận của cơ quan thuế:

+ Trường hợp tài sản đã kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào: Áp dụng đơn giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

+ Trường hợp tài sản không kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào: Áp dụng đơn giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Trong quá trình tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND các huyện, thành phố Nam Định gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh phối hợp cung cấp thông tin về việc kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng của tài sản hoặc hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ việc hình thành tài sản của các đối tượng này để áp dụng đơn giá làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ đúng quy định.

3. Quy định áp dụng đơn giá:

Bảng đơn giá này áp dụng cho các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ. Riêng thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc được nhân với hệ số 1,02.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với dự án, hạng mục dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Quyết định có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định này.

2. Đối với các dự án đang lập phương án, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác sau ngày Quyết định có hiệu lực thì thực hiện hoặc điều chỉnh theo quy định này.

Điều 8. Trách nhiệm của các cấp, các ngành

1. Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, phát sinh các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định, các tổ chức, cá nhân có liên phản ánh kịp thời với UBND tỉnh Nam Định (qua Sở Xây dựng) để xem xét quyết định.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN