Quyết định 2415/QĐ-UBND về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015
Số hiệu: 2415/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Vương Bình Thạnh
Ngày ban hành: 30/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2415/QĐ-UBND

An Giang, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 
QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại tờ trình số 2105/TTr-SNV ngày 21 tháng 12 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả cao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TT. TU, HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố
- Lưu
: HCTC, TH, SNV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2415/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015; Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015, cụ thể như sau:

Phần I

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG  CÁN BỘ, CÔNG CHỨC GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một trong những khâu then chốt trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ. Vì vậy, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả, cụ thể:

1. Hệ thống cơ chế, chính sách được áp dụng để thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh:

- Chỉ thị số 32/1999/CT.UB.TC ngày 22/12/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện công tác đào tạo cán bộ, công chức tỉnh An Giang.

- Quyết định số 2119/2003/QĐ-UB ngày 24/10/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định tạm thời về chính sách ưu đãi cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên có trình độ cao về công tác ở các Trường đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề của tỉnh An Giang.

- Quyết định số 1356/QĐ-UB ngày 07/7/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh An Giang giai đoạn 2006-2010;

- Quyết định số 42/2008/QĐ-UBND ngày 17/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định chế độ trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chính sách thu hút, khuyết khích người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh An Giang (thay thế Chỉ thị 32/1999/CT.UB.TC).

- Quyết định số 660-QĐ/TU ngày 04/5/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, thẩm quyền cử cán bộ đào tạo sau đại học từ nguồn kinh phí nhà nước.

- Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND ngày 25/5/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định chế độ trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chính sách thu hút, khuyết khích người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh An Giang (thay thế Quyết định số 42/2008/QĐ-UBND).

2. Quy mô đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng; chuyên ngành đào tạo ngày càng phong phú; nội dung chương trình các khóa bồi dưỡng có bước cải tiến hướng về bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ:

Qua 5 năm, từ năm 2006 đến năm 2010, thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006-2010, các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm, kế hoạch, đề án đào tạo chuyên đề và cử đào tạo theo các chương trình, đề án do trung ương phân bổ, tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Tổng hợp số liệu báo cáo toàn tỉnh có 75.699 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đào tạo, bồi dưỡng trong nước (18.075 lượt cán bộ, công chức và 57.624 lượt viên chức) cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng nghiệp vụ, tiếng dân tộc Khmer …; hơn 464 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Tổng chi ngân sách là 63.900.219.000 đồng, trong đó ngân sách trung ương là 23.676.228.000 đồng (chiếm 37,1%), ngân sách địa phương là 37.204.991.000 đồng (chiếm 58,2%) và các nguồn cá nhân tự túc, học bổng là 3.019.000.000 đồng (chiếm 4,7%).

3. Một số tồn tại, vướng mắc:

- Việc thực hiện mục tiêu “phấn đấu đến năm 2010 có 100% công chức hành chính được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ và có khả năng hoàn thành có chất lượng nhiệm vụ được giao; trang bị kiến thức về văn hoá công sở; trách nhiệm và đạo đức công vụ cho công chức các ngạch” chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân: công tác đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu tập trung vào trang bị các kiến thức theo ngạch và theo chức danh như lý luận chính trị, quản lý nhà nước và trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ 61,24% trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý chỉ khoảng 38,76%.

Tồn tại này có hai nguyên nhân chính: Một là, động cơ học tập của cán bộ, công chức đối với các khóa huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ không mạnh bằng học tập chuẩn hóa theo chức danh, theo ngạch vì thực tế kết quả thực hiện tốt công vụ không phải bao giờ cũng đi kèm với lợi ích như được nâng lương, đề bạt bổ nhiệm vào vị trí cao hơn hoặc kết quả thực hiện công vụ không tốt không phải bao giờ cũng dẫn đến bị kỷ luật, bị buộc thôi việc (mặc dù đã có quy định). Hai là, chương trình, tài liệu giảng dạy kỹ năng lãnh đạo, quản lý đối với công chức lãnh đạo, quản lý chậm được ban hành.

- Công tác quy hoạch và tổ chức đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, có trình độ, năng lực tham mưu và đề xuất các chương trình, đề án tổng hợp về kinh tế - xã hội của địa phương chưa được chú trọng thực hiện một cách bài bản. Trong 5 năm qua, công tác đào tạo sau đại học vẫn tiếp tục tập trung vào đào tạo đội ngũ viên chức, chủ yếu là để chuẩn hóa viên chức thuộc các cơ sở đào tạo của ngành giáo dục và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức ngành y tế, chiếm hơn 80% tổng số người được đào tạo sau đại học và chỉ khoảng gần 20% còn lại là đào tạo cán bộ, công chức hành chính các cấp.

- Yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý nguồn nhân lực; xây dựng, hoạch định chính sách; tổ chức, điều hành nền hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ công chức hành chính ở nước ngoài hầu như chưa thực hiện được (ngoại trừ việc cử tham dự theo các đề án, dự án của Trung ương như Đề án 165, Dự án ADB - Bộ Nội vụ...).

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa cho cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã có trình độ trung cấp trở lên mặc dù được triển khai thực hiện rất quyết liệt nhưng mức độ đạt chuẩn chưa đạt yêu cầu chuẩn hóa 100%. Nguyên nhân là do quy hoạch đào tạo và bố trí sử dụng sau đào tạo chưa gắn liền với mục tiêu chuẩn hóa. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có chính sách chung đủ mạnh để thu hút người có trình độ chuyên môn về công tác ở xã. Ngoài ra, việc điều động, luân chuyển qua lại giữa các chức danh cán bộ chuyên trách và công chức với các chức danh cán bộ không chuyên trách đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu chuẩn hóa cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã theo quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được ngành giáo dục và bộ đội biên phòng thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, đối với cán bộ, công chức cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã chất lượng dạy và học còn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do trong công tác chỉ đạo tổ chức dạy và học ở các huyện, thị xã chưa được chú trọng đúng mức, học viên các lớp tiếng Khmer phải vừa học, vừa công tác, ý thức của một bộ phận học viên trong học tập chưa cao.

Phần II

KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. Đối tượng áp dụng:

1. Cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

3. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

II. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng:

1. Mục tiêu chung:

Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao hơn nữa năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, các cấp bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức giỏi, có chuyên môn sâu về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đủ khả năng hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tiếp tục đào tạo để chuẩn hóa về chuyên môn và lý luận chính trị trình độ trung cấp trở lên cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; từng bước đào tạo một tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo tiếng dân tộc Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đang công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer và vùng tiếp giáp Vương quốc Campuchia.

Thực hiện bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, ngạch công chức, kỹ năng kiến thức chuyên ngành; trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ thuộc diện quy hoạch, cán bộ, công chức trẻ, cán bộ nữ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, có đủ năng lực xây dựng hệ thống chính trị, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh An Giang.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:

a) Đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh-huyện

- 100 đến 150 cán bộ, công chức được cử đào tạo nâng cao sau đại học trên cơ sở quy hoạch cán bộ. Trong đó, có khoảng 25 đến 30 người được cử đào tạo ở nước ngoài.

- 95% được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch;

- 95% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 90% cán bộ quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm.

- 70 đến 80% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm.

b) Đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khóm ấp:

- Cán bộ cấp xã:

+ 100% đạt trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định.

+ 100% được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc.

+ 100 % đạt trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định.

- Công chức cấp xã:

+ 100% đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên theo theo tiêu chuẩn quy định.

+ 70 đến 80% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm.

- 100% những người hoạt động không chuyên trách được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

c) Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp:

- 100% được bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động chậm nhất đến nửa đầu năm 2012.

3. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng:

- Lý luận chính trị:

+ Trang bị trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định cho các chức danh cán bộ, ngạch công chức;

+ Tổ chức phổ biến các văn kiện, nghị quyết của Đảng; bồi dưỡng cập nhật, nâng cao trình độ lý luận theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

- Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước:

+ Trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo chương trình quy định cho công chức các ngạch và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý;

+ Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành và vị trí việc làm theo chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm;

+ Bồi dưỡng văn hóa công sở.

- Kiến thức hội nhập.

- Tin học, ngoại ngữ chuyên ngành, ngoại ngữ phục vụ cho việc cử đào tạo sau đại học ở nước ngoài theo Đề án của tỉnh; tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

- Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học cho cán bộ, công chức:

+ Đào tạo trình độ sau đại học cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện trên cơ sở quy hoạch cán bộ;

+ Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức cấp xã.

- Bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo chương trình quy định.

- Cử bồi dưỡng ở nước ngoài theo các chương trình, dự án, đề án của các bộ, cơ quan trung ương theo chỉ tiêu được phân bổ để cập nhật, nâng cao kiến thức về quản lý, điều hành các chương trình kinh tế - xã hội, quản lý hành chính công, quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực, xây dựng tổ chức và phát triển nguồn nhân lực; chính sách dịch vụ công; kiến thức hợi nhập quốc tế.

III. Các giải pháp thực hiện Kế hoạch:

1. Về cơ chế, chính sách:

Rà soát cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ cho cán bộ, công chức đi học và các chính sách có liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh.

2. Từng cơ quan, đơn vị xây dựng hệ thống bảng mô tả công việc ở từng vị trí việc làm để làm cơ sở xác định nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm theo nhu cầu công việc, theo quy hoạch phù hợp định hướng phát triển từng ngành, từng cấp.

3. Nâng cao nhận thức của từng cán bộ, công chức, viên chức về công tác đào tạo, bồi dưỡng để xác định động cơ học tập đúng đắn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, ứng dụng kết quả học tập vào thực tiễn công việc.

4. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh; chủ động tiếp cận phương pháp giảng dạy mới, tiên tiến phù hợp yêu cầu từng khóa học, đối tượng tham gia.

5. Tranh thủ và sử dụng hiệu quả các chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan trung ương.

6. Bảo đảm nguồn kinh phí giai đoạn và hàng năm:

Kinh phí dự toán bình quân hàng năm khoảng 15 tỷ đồng, được đảm bảo từ ngân sách nhà nước tỉnh; ngân sách nhà nước trung ương giao theo các chương trình, dự án, đề án; nguồn đóng góp của các tổ chức cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng; của bản thân cán bộ, công chức được cử đi học và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

a) Hàng năm phối hợp với các cơ quan có liên quan khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các địa phương, đơn vị;

c) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này; tổ chức sơ kết sau 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện.

2. Các sở, ban, ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức 5 năm và hàng năm của cơ quan đơn vị trình cấp thẩm quyền phê duyệt (thông qua Sở Nội vụ đối với khối nhà nước, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đối với khối Đảng, mặt trận, đoàn thể). Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, các cơ sở đào tạo triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo đã được phê duyệt.

b) Sắp xếp, bố trí thời gian và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Phân công, sử dụng, tạo môi trường làm việc phù hợp cho cán bộ, công chức có trình độ sau đại học để cán bộ, công chức có điều kiện phát huy năng lực sở trường, chuyên môn đã được đào tạo.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tổng hợp dự toán kinh phí hàng năm báo cáo UBND tỉnh trình HĐND nhân dân tỉnh phê duyệt;

b) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, quyết toán kinh phí theo đúng quy định./.