Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐND về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017
Số hiệu: 01/2017/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang Người ký: Huỳnh Thanh Tạo
Ngày ban hành: 13/07/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2017/NQ-HĐND

Hậu Giang, ngày 13 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2017

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Sau khi nghe Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, với những nội dung chủ yếu sau:

Trong 6 tháng đầu năm được sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những kết quả quan trọng. Mặc dù lĩnh vực nông nghiệp tăng chậm do sản lượng lúa giảm, nhưng nhờ cây ăn trái và rau màu tăng mạnh, giá trị sản xuất khu vực II và khu vực III tăng khá, phát triển ổn định, bên cạnh đó tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá tích cực, GRDP bình quân đầu người đạt 30,3 triệu đồng, tăng trên 6,8% so với cùng kỳ.

Việc thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai tích cực, từ đó sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái đã có chuyển biến tốt, nông sản hàng hóa được giá, một bộ phận nông dân có lãi nhiều hơn. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được các địa phương tập trung thực hiện theo kế hoạch. Phát triển doanh nghiệp chuyển biến mạnh mẽ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng gấp 3 lần về quy mô nguồn vốn, cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; giá trị xuất khẩu, nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Đầu tư công tiếp tục được tái cơ cấu, nợ đọng xây dựng cơ bản được xử lý theo kế hoạch. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm và đạt những kết quả tốt hơn năm trước; việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chính quyền điện tử có tiến bộ. Hoạt động du lịch có dấu hiệu khởi sắc. An ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm, số vụ tội phạm giảm so với cùng kỳ; công tác cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chú trọng; số đơn thư khiếu nại giảm so cùng kỳ.

Bên cạnh những mặt đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số vấn đề tồn tại và khó khăn là: sản xuất nông nghiệp và thủy sản tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thời tiết không thuận lợi, mưa trái mùa; diện tích nuôi trồng thủy sản tăng không cao so cùng kỳ, nhất là cá tra; đời sống và thu nhập của nhiều hộ nông dân bị ảnh hưởng; Đề án về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thực hiện còn chậm; khu vực I tăng trưởng thấp, mức tiêu dùng trong dân cư có tăng nhưng thấp; chỉ số giá cả tăng so cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI giảm một bậc so với năm trước, sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhỏ còn thấp; chưa triển khai được đề án cơ chế thu hút đầu tư do còn vướng cơ chế tài chính.

Một số công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn chậm tiến độ, trong đó có một số công trình thiếu vốn. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn rất yếu. Một số đơn vị, địa phương chưa nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và doanh nghiệp còn ngại chia sẻ những khó khăn vướng mắc của mình. Công tác đào tạo lao động tại địa phương từng lúc chưa đáp ứng tốt theo nhu cầu của doanh nghiệp, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng kết quả vẫn còn hạn chế.

Công tác giải phóng mặt bằng từng lúc còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm. Chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện nhiều; bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, tăng so với cùng kỳ; tai nạn giao thông tăng cả 3 mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương). Đời sống của một số cán bộ bán chuyên trách ở một số xã, ấp còn khó khăn, một số trường hợp đã bỏ việc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành của chính quyền cấp cơ sở.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2017, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Triển khai thực hiện Chương trình số 05/CTr-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 35-KH/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo, trái cây và thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng nông - thủy sản hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của những sản phẩm chủ lực trong tỉnh; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhằm tiết giảm chi phí; rà soát điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập của nông dân. Tập trung chỉ đạo các chương trình, đề án, dự án trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng giống, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Tập trung huy động nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, cánh đồng lớn, khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống lụt bão, sạt lở, xâm nhập mặn.

2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Triển khai Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2017 của UBND tỉnh về “Kế hoạch Khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” và tập trung thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hậu Giang. Chương trình của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Các sở, ngành và địa phương chủ động giải quyết nhanh về các thủ tục liên quan đến dự án của các nhà đầu tư đã có phê duyệt chủ trương. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển chợ; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, liên kết hợp tác, tận dụng cơ hội thuận lợi, tranh thủ sự giúp đỡ đầu tư từ các nguồn vốn ODA, NGO, FDI để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa để có đủ nguồn lực thực hiện các dự án giao thông, xây dựng khu dân cư đô thị, nước sạch, điện nông thôn, xử lý rác, nhà ở cho người nghèo.

3. Tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ các kế hoạch điều chỉnh, bổ sung vốn. Hạn chế việc phát sinh danh mục mới ngoài kế hoạch phân bổ. Chủ động kêu gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư vào ngành, địa bàn mình quản lý để giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, công tác thanh toán khối lượng hoàn thành và chủ động phối hợp các đơn vị có liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn.

4. Thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách Nhà nước, tập trung khai thác hiệu quả các nguồn thu. Tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế, tập trung thu dứt điểm các khoản nợ thuế. Nâng cao công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo hướng đổi mới về nội dung và đa dạng về hình thức; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ các dự án có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn.

5. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học. Tiếp tục triển khai đề án trường đạt chuẩn Quốc gia và Kế hoạch xây dựng trường học đạt tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Ứng dụng và nhân rộng các mô hình khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, ưu tiên các dự án, đề tài phục vụ nông nghiệp. Tiếp tục đầu tư hoàn thành các dự án y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân, nhất là y tế ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ của bảo hiểm y tế, đẩy mạnh các hình thức bảo hiểm y tế toàn dân, nâng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế đạt 78%.

6. Tiếp tục củng cố, nâng chất và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, báo chí, phát thanh - truyền hình để tuyên truyền tốt hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

7. Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp và lao động nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nước sạch, chú trọng xử lý rác thải.

8. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai. Tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo; tổ chức tốt công tác đối thoại. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền; chấn chỉnh phong cách lề lối làm việc của cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng hội nghị, chất lượng ban hành văn bản, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng, chống tham nhũng.

9. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Tích cực tham gia thực hiện liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển kinh tế và chống xâm nhập mặn; tăng cường hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; mời gọi đầu tư từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

10. Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, trấn áp tội phạm, các tệ nạn xã hội, giảm số vụ tội phạm và kiềm chế tai nạn giao thông. Tổ chức huấn luyện cho lực lượng vũ trang, đảm bảo trang bị phương tiện kỹ thuật kịp thời, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa IX Kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 7 năm 2017./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH, VPQH, VPCP;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP. Tỉnh ủy và các Ban Đảng ;
- VP. Đoàn ĐBQH;
- VP. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND, UBMTTQ cấp huyện;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Huỳnh Thanh Tạo

 

 

 





Kế hoạch 50/KH-UBND về Dạy học trên truyền hình năm 2020 Ban hành: 03/04/2020 | Cập nhật: 17/04/2020

Kế hoạch 50/KH-UBND về Khuyến công thành phố Hà Nội năm 2018 Ban hành: 21/02/2018 | Cập nhật: 02/03/2018

Kế hoạch 50/KH-UBND về công tác thi đua, khen thưởng năm 2016 Ban hành: 13/01/2016 | Cập nhật: 12/05/2016