Quyết định 971/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt “Đề án Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng – xã Bình Ngọc”
Số hiệu: 971/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Trần Quang Nhất
Ngày ban hành: 05/06/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 971/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 05 tháng 6 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI LÀNG RAU NGỌC LÃNG – XÃ BÌNH NGỌC”

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Kết luận số 78-KL/TU, ngày 15/12/2011 của Tỉnh ủy (Khóa XV), Nghị quyết số 36/NQ-HĐND , ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh (Khóa VI) về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 128/QĐ-UBND , ngày 19/01/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Kế hoạch số 47/KH-UBND, ngày 29/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (tại Tờ trình số 543/TTr-SVHTTDL, ngày 18/3/2015 về việc đề nghị phê duyệt Đề án: Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng – xã Bình Ngọc”),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng – xã Bình Ngọc” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục đích:

- Nhằm từng bước hình thành điểm đến, khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch và đa dạng các sản phẩm du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú tại Phú Yên; Thu hút sự quan tâm hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm du lịch từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

- Tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia làm du lịch và nâng cao thu nhập từ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

- Hình thành mô hình mẫu để phát triển những sản phẩm du lịch cộng đồng tương tự tại những địa phương khác trong tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố; sự hưởng ứng tích cực của tổ chức, doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành và cộng đồng dân cư.

- Phát triển loại hình du lịch cộng đồng phải chú ý giữ gìn, tôn tạo những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo vệ sinh môi trường; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng này.

3. Nội dung:

3.1. Hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng:

- Tour tham quan làng rau Ngọc Lãng (thời gian ½ ngày, có hoặc không có ăn trưa tại làng rau).

- Tour tham quan và trải nghiệm “Một ngày làm nông dân làng rau” (thời gian 1 ngày).

- Tour du lịch “Homestay tại làng rau Ngọc Lãng” (Thời gian 2 ngày, 1 đêm. Nghỉ đêm tại nhà dân thôn Ngọc Lãng):

3.2. Các dịch vụ du lịch cung cấp cho khách:

- Thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch.

- Hướng dẫn cho khách du lịch kỹ năng canh tác rau sạch; kỹ thuật chế biến món ăn.

- Dịch vụ ăn uống, lưu trú.

- Dịch vụ vận chuyển (cho thuê xe đạp)…

- Bán đồ uống và sản phẩm lưu niệm, đặc sản, quà tặng địa phương…

4. Các dự án, chương trình đầu tư phát triển sản phẩm du lịch:

4.1. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong thôn:

a) Nội dung: Cải tạo, làm mới đường bê tông xi măng các lối đi tham quan du khách trên cánh đồng rau, hoa; lối đi vào một số hộ gia đình được chọn làm điểm; chỉnh trang đường đi vào khu vực làng rau, phát quan cây cối thông thoáng lối đi; vận động người dân làm vệ sinh, cảnh quan khu vực xung quanh xanh sạch đẹp; Từng bước cải tạo hệ thống nước sạch; xây dựng nhà vệ sinh công cộng; quy hoạch xây dựng khu vực bãi đậu xe công cộng.

b) Đơn vị thực hiện: UBND TP. Tuy Hòa chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan.

c) Kinh phí: Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng trong chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, thành phố Tuy Hòa.

4.2. Hỗ trợ hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất rau sạch - một phần giống, vật tư phân bón theo quy trình - hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

a) Nội dung: Hỗ trợ kỹ thuật, quy trình để phát triển các giống rau, hoa tại làng rau Ngọc Lãng phục vụ phát triển kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, phục vụ nhu cầu du lịch thông qua các Chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP; Tập huấn quy trình, kỹ thuật sản xuất rau sạch, giống, phân bón.

b) Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, UBND thành phố Tuy Hòa, Hội Nông dân, Liên minh các hợp tác xã và các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện.

c) Kinh phí: Nguồn kinh phí Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4.3. Hỗ trợ kinh phí cho một số hộ gia đình chọn làm mẫu đầu tư hình thành sản phẩm du lịch:

a) Nội dung: Các hộ gia đình phải bố trí, cải tạo lại không gian sinh hoạt, có chỗ đón tiếp khách, phục vụ khách ăn, uống, có chỗ trưng bày vật dụng, dụng cụ lao động liên quan đến cuộc sống của cư dân nông nghiệp; Cải tạo và bố trí lại diện tích đất trồng rau/hoa để thực hành qui trình canh tác như: Làm đất, gieo hạt, trồng cây con, chăm sóc vườn rau/hoa và thu hoạch. Bố trí diện tích đất trồng để có thể hướng dẫn khách du lịch thực hành một số công việc trong qui trình canh tác; Trang bị dụng cụ nhà bếp và một số vật dụng khác phục vụ khách du lịch ăn, uống tại gia đình.

b) Đơn vị thực hiện: UBND thành phố Tuy Hòa chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan thực hiện.

c) Kinh phí:

- Ngân sách Nhà nước: Trước mắt trong 02 năm 2015, 2016, nguồn kinh phí ngân sách của Tỉnh hỗ trợ 4 hộ gia đình là: 120 triệu đồng/năm; mỗi hộ là 30 triệu đồng: Cải tạo tường rào, nhà vệ sinh, sân vườn, mái che…

- Hộ gia đình được chọn phải có vốn đối ứng 20 triệu đồng: Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bàn ghế, dụng cụ nhà bếp, ăn uống và một số vật dụng khác đảm bảo đủ điều kiện để phục vụ khách ăn uống với số lượng nhiều; dụng cụ canh tác…

Tùy theo tình hình thực tế từng hộ gia đình để quyết định nội dung hỗ trợ cho phù hợp theo hình thức: Ngân sách nhà nước 60%, hộ gia đình tham gia 40%.

4.4. Chương trình xúc tiến, quảng bá:

a) Nội dung: Xây dựng các ấn phẩm quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng. Tổ chức tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông như: VTV Phú Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên, Báo Du lịch, các website của tỉnh, các ngành, thành phố Tuy Hòa và các đơn vị lữ hành du lịch. Tổ chức Famtrip cho các doanh nghiệp lữ hành để khảo sát sản phẩm du lịch tại làng rau; Bảng biển thông tin về làng rau; Bảng chỉ dẫn đường đến đến các hộ được chọn làm điểm, chỉ dẫn tham quan trong làng…

b) Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp UBND thành phố Tuy Hòa, Hiệp hội du lịch, cơ quan báo chí….

c) Kinh phí: Ngân sách Tỉnh bố trí trong Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch Phú Yên hàng năm.

4.5. Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch:

a) Nội dung: Tổ chức học tập kinh nghiệm mô hình tại một số địa phương đang phát triển mạnh sản phẩm du lịch cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, bồi dưỡng nghiệp vụ đón tiếp khách, hướng dẫn, thuyết minh, chế biến món ăn… cho các hộ dân tại Ngọc Lãng.

b) Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, UBND thành phố Tuy Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp.

c) Kinh phí: Nguồn kinh phí đào tạo nguồn nhân lực du lịch và huy động hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án EU của Tổng cục Du lịch.

4.6. Đầu tư nhân rộng mô hình và hình thành Điểm du lịch địa phương tại làng rau Ngọc Lãng

a) Nội dung: Phát triển thêm các dịch vụ hỗ trợ cho điểm du lịch tại Ngọc Lãng như: quà lưu niệm, ăn uống, giải trí… Đồng thời, nhân rộng mô hình tại các địa phương trong tỉnh.

b) Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, UBND thành phố Tuy Hòa, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Hiệp hội du lịch và các cơ quan chức năng khác phối hợp.

c) Kinh phí: Nguồn kinh phí được lồng ghép các hoạt động, các nhiệm vụ thường xuyên của các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Tuy Hòa, xã Bình Ngọc được bố trí hàng năm. Huy động thêm các nguồn kinh phí xã hội hóa từ các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, vốn huy động của hộ gia đình trực tiếp tham gia thực hiện; các đơn vị lữ hành… Các nguồn vốn hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương.

4.7. Một số nội dung khác:

- Khuyến khích các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động dã ngoại, ngoại khoá tại làng rau Ngọc Lãng.

- Vận động các khách sạn, nhà hàng, chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể thu mua và sử dụng sản phẩm rau sạch tại làng rau Ngọc Lãng, nhằm ổn định thu nhập cho người dân và quảng bá sản phẩm làng rau.

5. Tổ chức thực hiện:

- Giao UBND thành phố Tuy Hòa chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Đề án này.

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực phối hợp với UBND thành phố Tuy Hòa tổ chức thực hiện tốt Đề án.

- Các doanh nghiệp du lịch, các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động phối hợp thực hiện Đề án để thu hút khách du lịch về Phú Yên.

Điều 2. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TT.Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- CT và các PCT UBND Tỉnh;
- Chánh, Phó VPUBND tỉnh;
- Các phòng: TH, KT, VX, TTCB;
- Lưu VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quang Nhất