Quyết định 128/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
Số hiệu: 128/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Phạm Đình Cự
Ngày ban hành: 19/01/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 128/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 19 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1708/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương, dự toán kinh phí Quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2020;

Xét nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại các Báo cáo: số 293/BC- SKHĐT ngày 08/8/2011; số 02/BC-SKHĐT ngày 05/01/2012),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN DU LỊCH

- Huy động các nguồn lực để phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững. Phát triển du lịch gắn kết toàn diện với kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng, hội nhập với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa gắn với lợi ích cộng đồng dân cư, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, tôn tạo và bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

- Phát huy hiệu quả tổng hợp các tài nguyên du lịch và các lợi thế về vị trí địa lý, tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, các tỉnh trong khu vực duyên hải Miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng hợp tác với các tỉnh thuộc Nam Lào và Campuchia… để tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch, đảm bảo tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao trên cơ sở khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế và của cộng đồng.

- Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch để tạo đột phá theo hướng phát triển nhanh và bền vững; tránh đầu tư dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ. Tập trung đầu tư các tuyến, điểm du lịch phát huy được ưu thế của các di tích, danh thắng quốc gia, lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch biển, đảo, đầm, vịnh, rừng núi và nét văn hóa đặc trưng. Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có năng lực mạnh.

- Giữ gìn và tôn tạo các giá trị bản sắc văn hóa, tự nhiên để xây dựng nên các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù của Phú Yên và của cả vùng duyên hải Miền Trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời đảm bảo tôn tạo, phát huy văn hóa dân tộc, địa phương.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát: Xây dựng Phú Yên trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước. Phấn đấu đưa du lịch Phú Yên trở thành một điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung, là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp “sạch” mang màu sắc độc đáo riêng của Phú Yên và khu vực.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về kinh tế:

- Phát triển du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo;

- Nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ. Hình thành cơ bản cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, phát triển nhanh loại hình du lịch biển đảo; hình thành các tour du lịch chuyên đề: Tham quan, nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch khám phá, mạo hiểm… gắn với việc phục vụ khách tốt nhất, để từng bước hình thành những điểm du lịch văn minh, lịch sự, an toàn; sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc Phú Yên;

- Phấn đấu đến năm 2020, được công nhận 01 khu du lịch quốc gia tại khu vực vịnh Xuân Đài - đầm Cù Mông - bãi biển Từ Nham - gành Đá Đĩa và một số khu du lịch địa phương, điểm du lịch quốc gia; hình thành một số khu du lịch cao cấp;

- Tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển cao và bền vững, đến năm 2020 GDP du lịch chiếm 7,2% GDP toàn tỉnh.

b) Về văn hóa xã hội và môi trường: Phát triển du lịch góp phần nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan, di tích lịch sử và môi trường khu vực.

c) Về an ninh - quốc phòng: Phát triển du lịch kết hợp với tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển tình đoàn kết hữu nghị anh em giữa các dân tộc Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, góp phần giữ vững an ninh, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định về chính trị và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội khu vực.

III. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN

1. Khách du lịch: Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể:

- Năm 2015 đón 800.000 - 900.000 lượt khách lưu trú (trong đó 90.000 - 100.000 lượt khách quốc tế và 800.000 lượt khách nội địa).

- Năm 2020 đón 1.800.000 - 1.850.000 lượt khách (trong đó có 280.000 - 300.000 lượt khách quốc tế và 1.550.000 lượt khách nội địa).

2. Thu nhập từ du lịch: Nâng cao nguồn thu từ du lịch. Năm 2015 thu nhập du lịch đạt khoảng 81,01 triệu USD; đưa tổng giá trị GDP du lịch năm 2015 đạt 51 triệu USD (chiếm 5,7% GDP toàn tỉnh); năm 2020 đạt 220,2 triệu USD, GDP du lịch đạt 132,1 triệu USD (chiếm 7,2% GDP toàn tỉnh).

3. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo đến năm 2015 có khoảng 4.200 buồng lưu trú, trong đó có 1.500 buồng đủ tiêu chuẩn xếp hạng sao; năm 2020 khoảng 8.500 buồng, trong đó 3.000 buồng đủ tiêu chuẩn xếp hạng sao.

4. Lao động và việc làm: Tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo có khoảng 18.300 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó có 6.100 lao động trực tiếp); năm 2020 có 36.600 lao động (trong đó có 12.200 lao động trực tiếp).

IV. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC DU LỊCH ĐẾN NĂM 2020

1. Phát triển thị trường và sản phẩm du lịch

a) Thị trường khách du lịch:

- Thị trường trọng điểm:

+ Thị trường khách quốc tế gồm: Thị trường các nước Đông Bắc Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc; thị trường các nước Đông Nam Á trong đó chủ yếu là Campuchia, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan sẽ là thị trường trọng điểm hàng đầu; thị trường Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), thị trường Tây Âu (Đức, Anh, Pháp), thị trường du lịch Úc cần được quan tâm khai thác;

+ Thị trường khách nội địa: Chú trọng khai thác các nguồn khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long qua hệ thống đường không, đường bộ. Đặc biệt chú trọng phát triển thị trường khách từ các tỉnh Tây Nguyên; mở rộng thị trường khách từ Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung;

- Thị trường tiềm năng: Chủ yếu là thị trường khách quốc tế bao gồm các nước trong khối ASEAN, khối Bắc Âu, Nga và khối Đông Nam Âu, Niu Zi Lân, Trung Đông...; lưu ý các thị trường khách du lịch đến từ Hà Lan, Ý, Thụy Sĩ và Thụy Điển là những nước có khả năng phát triển dài hạn.

b) Các sản phẩm chủ yếu:

- Du lịch nghỉ dưỡng biển: Nghỉ dưỡng, tham quan khám phá các vùng cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo gắn với biển, đảo của tỉnh...;

- Du lịch gắn với sinh thái: tham quan, nghỉ dưỡng khu vực miền núi, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch gắn với các hệ sinh thái đầm, vịnh, hồ; các khu bản tồn thiên nhiên, khu rừng cấm quốc gia…;

- Du lịch gắn với văn hóa: tham quan di tích, nghiên cứu, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch lễ hội, làng nghề, du lịch tâm linh...

2. Tổ chức không gian du lịch

a) Các không gian du lịch:

- Không gian du lịch trung tâm thành phố Tuy Hòa và phụ cận: bao gồm thành phố Tuy Hòa và một số vùng phụ cận thuộc huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An. Các sản phẩm du lịch chủ yếu:

+ Sản phẩm du lịch gắn với các tài nguyên du lịch tự nhiên: Nghỉ dưỡng biển: các bãi biển Tuy Hòa, Long Thủy, Bãi Xép, Bãi Môn và các bãi tắm nhỏ trong vịnh Vũng Rô. Du lịch sinh thái gắn với thể thao biển, leo núi tại Đèo Cả - Vũng Rô - Đá Bia - Đập Hàn, Núi Chóp Chài, Mũi Điện;

+ Sản phẩm du lịch gắn với các tài nguyên du lịch nhân văn: Tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa: Tháp Nhạn, Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, Bảo tàng Phú Yên... Tham quan, tìm hiểu các làng nghề truyền thống: làng gốm xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), làng bó chổi đót Mỹ Thành (huyện Phú Hòa), làng đan đát Vinh Ba (huyện Tây Hòa), làng hoa Bình Ngọc, làng bánh tráng Đông Bình (thành phố Tuy Hòa), các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: ốc đá, vỏ gáo dừa, gỗ, đá cảnh...;

+ Sản phẩm du lịch gắn với đô thị: Tham quan, mua sắm, du lịch công vụ, du lịch quá cảnh… Du lịch vui chơi giải trí cuối tuần cho khách trong tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk. Đặc biệt là người dân Tuy Hòa và người lao động ở khu vực Kinh tế Nam Phú Yên trong tương lai;

+ Trung tâm du lịch: Thành phố Tuy Hòa đóng vai trò là trung tâm của không gian du lịch này đồng thời là trung tâm du lịch của tỉnh Phú Yên; Trung tâm thương mại dịch vụ Vũng Rô là trung tâm du lịch bổ trợ gắn với Khu kinh tế Nam Phú Yên.

- Không gian du lịch biển đảo thị xã Sông Cầu và phụ cận (Bắc Phú Yên) bao gồm thị xã Sông Cầu và phần lớn huyện Tuy An, các sản phẩm du lịch chủ yếu:

+ Gắn với nhân văn: Du lịch tham quan tìm hiểu các giá trị di tích như: Thành An Thổ - nơi sinh đồng chí Trần Phú, địa đạo Gò Thì Thùng, Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương, Chùa Đá Trắng, Nhà thờ Mằng Lăng, khu mộ cổ A Mang, Miếu Công Thần, Hành Cung Long Bình,...;

+ Gắn với tự nhiên: Tham quan các danh thắng: đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, Vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông. Du lịch nghỉ dưỡng biển: bãi Bàng, bãi Nồm, bãi Tràm, bãi Từ Nham, Bãi Ôm, bãi biển Xuân Hải, các bãi biển lớn ở khu vực trung tâm như bãi Bình Sa, bãi An Hải, bãi Phú Thường, bãi Súng. Ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp tại các bãi biển khép kín như bãi Tràm, Bãi Nồm, bãi Từ Nham, Bãi Ôm, bãi Bàng (gần gành Đá Đĩa) và các bãi tắm biệt lập nằm trong vịnh Xuân Đài. Du lịch thể thao trên biển, thể thao mạo hiểm như lặn biển, tại các dãy núi sát biển và các cù lao, đảo ven bờ trong vịnh Xuân Đài, hòn lao Mái Nhà, hòn Chùa, hòn Yến...;

+ Trung tâm du lịch: Trung tâm chính là là thị xã Sông Cầu với các Vịnh Xuân Đài - Bãi biển Từ Nham - Gành Đá Đĩa. Trung tâm du lịch hổ trợ là khu vực đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, hòn lao Mái Nhà, bãi biển Phú Thường, hòn Yến…

- Không gian du lịch Cao Nguyên Vân Hòa (miền núi phía Tây Bắc của tỉnh) nằm trọn trên địa bàn huyện Đồng Xuân, một phần huyện Sơn Hòa và Tuy An:

+ Gắn với nhân văn: Du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu các giá trị văn hóa dân tộc: tại buôn Xí Thoại và Ha Rai... Du lịch “về nguồn”: tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng và giáo dục truyền thống: Khu lưu niệm Nhà thờ Bác Hồ và các di tích gắn với khu căn cứ cách mạng và kháng chiến trên địa bàn tỉnh Phú Yên;

+ Gắn với tự nhiên: Du lịch nghỉ dưỡng núi tại cao nguyên Vân Hòa. Du lịch tham quan gắn với các vùng cảnh quan dọc sông Kỳ Lộ. Du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Triêm Đức, Trà Ô;

+ Trung tâm du lịch: Cao nguyên Vân Hòa, đây là điểm dừng chân, lưu trú chính, cũng như cung cấp hậu cần du lịch cho cả không gian. Trung tâm du lịch hổ trợ là thị trấn La Hai.

- Không gian du lịch Sông Hinh và phụ cận bao gồm toàn bộ các huyện Sông Hinh, Tây Hòa và một phần Sơn Hòa, Phú Hòa. Các sản phẩm du lịch chủ yếu:

+ Gắn với nhân văn: Phát triển du lịch gắn liền với văn hóa các dân tộc, hình thành các tuyến nối liền giữa miền biển và các tỉnh Tây Nguyên, phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch đồng quê, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa (tham quan các làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, làng nghề đan lát các vật dụng từ mây tre và các thực vật từ rừng khác...). Tham quan một số buôn làng văn hóa của đồng bào các dân tộc (các buôn khu vực huyện Sông Hinh, Sơn Hòa...) ; Lễ hội đập Đồng Cam ở Phú Hòa;

+ Gắn với tự nhiên: Du lịch sinh thái (là sản phẩm quan trọng của không gian này) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai và 2 hồ thủy điện lớn là Sông Hinh và sông Ba Hạ; kết hợp tham quan các danh thắng như: thác Hòa Nguyên, thác Mơ…

Du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh sử dụng các nguồn nước khoáng nóng Lạc Sanh (Tây Hòa), Phú Sen (Phú Hòa). Trước mắt, khu vực Phú Sen đã hội tụ tương đối đầy đủ các yếu tố thuận lợi cho đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng phục hồi sức khỏe.

+ Trung tâm du lịch: Trung tâm chính là thị trấn Hai Riêng gắn với hồ thủy điện Sông Hinh; Trung tâm phụ trợ là trung tâm thị trấn Củng Sơn, hồ Suối Bùn... gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, hồ thủy điện Sông Ba Hạ và thác Hòa Nguyên.

b) Tổ chức hệ thống các điểm, khu du lịch, tuyến du lịch:

- Hệ thống các khu du lịch có ý nghĩa quốc gia: Khu du lịch quốc gia tại khu vực Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, bãi biển Từ Nham (theo tiêu chí của Luật Du lịch):

+ Vịnh Xuân Đài: Tổ chức thành khu du lịch tổng hợp với các loại hình du lịch thể thao leo núi, lặn biển, đua thuyền, lướt sóng, gắn với các khu nghĩ dưỡng cao cấp tại các bãi tắm trong vịnh;

+ Bãi biển Từ Nham: Đầu tư các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, kết nối với vịnh Xuân Đài;

+ Gành Đá Đĩa: Đầu tư tôn tạo thắng cảnh, hình thành khu nghỉ dưỡng biển.

- Khu du lịch địa phương và là điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia:

+ Khu du lịch thành phố Tuy Hòa; Khu du lịch đầm Ô Loan; Khu du lịch sinh thái Vịnh Vũng Rô - Đèo Cả - Núi Đá Bia; Khu du lịch sinh thái Krông Trai; Khu du lịch cao nguyên Vân Hòa; Khu du lịch Long Thủy - Hòn Chùa; Khu du lịch Bãi Môn - Mũi Điện; Khu du lịch đầm Cù Mông; Khu du lịch Vũng Lắm…

- Các điểm du lịch có ý nghĩa vùng và địa phương: Núi Nhạn, núi Chóp Chài, Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, cụm di tích Nhà thờ Bác Hồ và khu căn cứ kháng chiến tỉnh Phú Yên, di tích Thành An Thổ, di tích Thành Hồ, địa đạo Gò Thì Thùng, di tích Đường số 5, đập Đồng Cam, Nhà thờ Mằng Lăng, Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng)…

c) Tổ chức tuyến du lịch:

- Tuyến du lịch nội tỉnh:

+ Tuyến du lịch đường bộ:

Tuyến du lịch tham quan thành phố Tuy Hòa (thời gian: 1 - 2 ngày): Các khu, điểm chính nằm trên tuyến du lịch này: Tháp Nhạn - sông Chùa - Bãi biển thành phố Tuy Hòa - bãi biển Long Thủy - các khu du lịch, khu vui chơi giải trí: Bãi Xép - Núi Thơm - Trung tâm giải trí và sinh thái Thuận Thảo - các làng rau, làng hoa Bình Kiến, Bình Ngọc - các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…;

Tuyến du lịch Tuy Hòa - Tuy An - thị xã Sông Cầu (thời gian: 1 - 2 ngày): Các khu, điểm chính: đầm Ô Loan - Gành Đá Đĩa - Nhà thờ Mằng Lăng – Thành An Thổ - Chùa Đá Trắng - Làng nghề nước mắm Gành Đỏ - Vịnh Xuân Đài - Dầm Cù Mông - các khu du lịch Bãi Tràm, Bãi Ôm, Bãi Nồm,… thưởng thức đặc sản từ đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan…;

Tuyến du lịch Tuy Hòa - Tuy An - Đồng Xuân (thời gian: 1 - 2 ngày): Các khu, điểm chính: Đền thờ Lê Thành Phương - Đầm Ô Loan - Gành Đá Đĩa – Nhà thờ Mằng Lăng - Thành An Thổ - Địa đạo Gò Thì Thùng - suối nước khoáng Triêm Đức, Trà Ô - làng văn hóa dân tộc Xí Thoại,...;

Tuyến Tuy Hòa - Vũng Rô - Đèo Cả - Núi Đá Bia (thời gian: 1-2 ngày): Các khu, điểm chính nằm trên tuyến du lịch này: chinh phục núi Đá Bia - khu du lịch Đá Bia - Khu di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô - Bãi Môn - Mũi Điện…;

Tuyến Tuy Hòa đi các huyện phía Tây của tỉnh (thời gian: 1- 2 ngày). Các khu, điểm chính: Mộ đền thờ Lương Văn Chánh - nước khoáng Phú Sen - di tích khảo cổ Thành Hồ - đập Đồng Cam - Hồ thủy điện Sông Hinh - sông Ba Hạ - Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai - thắng cảnh thác Kratang - Cao nguyên Vân Hòa, các làng nghề truyền thống, các làng văn hóa dân tộc Ba Na, Chăm H’roi, Ê đê…

- Tuyến du lịch theo chuyên đề:

+ Tuyến đường thủy: Tuyến du lịch trên vịnh Xuân Đài - đầm Cù Mông; tuyến du lịch trên đầm Ô Loan - Hòn Lao Mái Nhà - Hòn Chùa - Hòn Yến; tuyến du lịch trên Vũng Rô - Hòn Nưa - Bãi Môn - Mũi Điện; tuyến du lịch trên sông Chùa gắn với tổ chức các hoạt đông vui chơi, sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian của cư dân Phú Yên; Tuyến du lịch dọc hạ lưu sông Kỳ Lộ (sông Cái); Tuyến du lịch dọc hạ lưu sông Ba (sông Đà Rằng): Lộ trình bắt đầu từ thành phố Tuy Hòa với nhiều đối tượng tham quan phong phú dọc hai bên bờ sông ở thành phố Tuy Hòa qua huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Sông Hinh…;

+ Tuyến du lịch chuyên đề biển, đảo Phú Yên; tuyến du lịch tham quan các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể về đá; tuyến du lịch thể thao tổng hợp: leo núi, lặn biển, đua thuyền, thể thao mạo hiểm; tuyến du lịch đi xe đạp, xe ngựa tham quan, khám phá khung cảnh làng quê nông thôn Phú Yên....

- Tuyến du lịch liên tỉnh, khu vực nội địa:

+ Tuy Hòa - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình: Là một phần của tuyến du lịch xuyên Việt nối Phú Yên với các trung tâm du lịch vùng du lịch Bắc Trung Bộ; đồng thời, có thể kết nối với tuyến du lịch “con đường di sản Miền Trung”;

+ Tuy Hòa - Nha Trang - Ninh Chữ - Tuy Hòa: Là tuyến du lịch quan trọng, có ý nghĩa vùng, quốc tế. Trong đó, Nha Trang (Khánh Hòa) và Ninh Chữ (Ninh Thuận) là hai trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tuyến có thể nối với Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), hoặc mở rộng thêm về phía Nam nối với các tỉnh thuộc tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, hoặc mở rộng tiếp về phía Bắc như là một phần của hành trình xuyên Việt theo trục đường bộ 1A;

+ Tuy Hòa - Gia Lai - đi các tỉnh Tây Nguyên: Đưa khách du lịch từ Phú Yên lên Tây Nguyên nơi có nhiều điểm du lịch sinh thái - văn hóa hấp dẫn và ngược lại, đưa khách du lịch Tây Nguyên đến với vùng biển.

Ngoài các tuyến du lịch liên tỉnh trên, có thể khai thác thêm các tuyến du lịch: Tuy Hòa - Nha Trang - Phan Thiết - Vũng Tàu; Tuy Hòa - Nha Trang - Phan Thiết - Thành phố Hồ Chí Minh - các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Phú Yên.

- Tuyến du lịch quốc gia, quốc tế: Tuyến quốc lộ 1A, tuyến đường sắt quốc gia chạy qua Phú Yên; tuyến đường biển Hải Phòng - Đà Nẵng - Vịnh Xuân Đài - Vũng Rô - Nha Trang - Vũng Tàu; tuyến hàng không: Hà Nội - Phú Yên - TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - Đà Nẵng - Phú Yên - thành phố Hồ Chí Minh;….

4. Đầu tư phát triển du lịch

a) Các khu vực tập trung đầu tư:

- Đối với trung tâm thành phố Tuy Hòa và phụ cận:

+ Xây dựng trung tâm đón tiếp, điều hành, hướng dẫn du lịch của tỉnh tại thành phố Tuy Hòa;

+ Xây dựng trung tâm lưu trú cao cấp, khu vui chơi giải trí, thể thao, hội nghị, hội thảo để thu hút khách du lịch cao cấp. Trong đó, có khu vực Núi Thơm, Bãi Xép Long Thủy - Hòn Chùa;

+ Xây dựng trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; trung tâm quảng bá và xúc tiến du lịch của tỉnh;

+ Phát triển các trung tâm mua sắm, các khu thương mại dịch vụ cao cấp;

+ Tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc nghệ thuật;

+ Cải thiện môi trường du lịch Phú Yên, trong đó quy hoạch thành phố Tuy Hòa theo hướng phát triển một đô thị thương mại - dịch vụ - du lịch.

- Đối với Khu du lịch Vũng Rô - Bắc đèo Cả - núi Đá Bia: Ưu tiên phát triển thành một trọng điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao biển. Những hạng mục ưu tiên đầu tư bao gồm:

+ Các công trình dịch vụ du lịch (nhà hàng, bãi đỗ xe...);

+ Xây dựng bến tàu du lịch với quy mô vừa phải tại khu Di tích Tàu Không số Vũng Rô;

+ Đầu tư hạ tầng du lịch điểm du lịch bãi Môn - mũi Điện, bãi Gốc, Đập Hàn, Đá Bia…;

+ Xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp đảo Hòn Nưa gắn với các hoạt động thể thao mạo hiểm, lặn biển và nghỉ dưỡng chất lượng cao;

+ Đầu tư hạ tầng tuyến du lịch sinh thái Vũng Rô - núi Đá Bia - đập Hàn - Bắc Đèo Cả. Trong tương lai, khi hoàn thành đường hầm đường bộ đèo Cả đưa vào hoạt động thì tuyến đường đèo Cả sẽ trở thành tuyến đường du lịch ngắm cảnh, thể thao.

- Đối với Khu du lịch đầm Ô Loan: Ưu tiên đầu tư xây dựng thành một trung tâm du lịch ẩm thực của tỉnh với các loài đặc sản của miền biển Phú Yên. Những hạng mục ưu tiên đầu tư gồm:

+ Hạ tầng giao thông đến các khu vực dự án đầu tư, bến du thuyền trên đầm;

+ Khu đón tiếp và hướng dẫn khách du lịch tham quan, nghiên cứu; khu lưu trú và dịch vụ du lịch phục vụ khách du lịch;

+ Tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực;

+ Đầu tư xây dựng hoàn thiện khu ẩm thực đặc sản đầm Ô Loan và hạ tầng cơ sở khu du lịch rừng dương Thành Lầu.

- Đối với khu vực thị xã Sông Cầu: Khu vực này có mối quan hệ mật thiết với khu Đông Bắc sông Cầu và xa hơn nữa là khu kinh tế Nhơn Hội và cảng biển Quy Nhơn. Là cửa ngõ và điểm dừng chân của tuyến hành trình du lịch xuyên Việt từ Bắc vào Nam. Những hạng mục cần ưu tiên đầu tư phát triển du lịch bao gồm:

+ Quy hoạch chi tiết khu vực bãi biển Từ Nham - Vịnh Xuân Đài - Gành Đá Đĩa;

+ Xây dựng cảng tàu du lịch, các điểm vui chơi giải trí và khu dịch vụ nhà hàng ở khu vực đầm Cù Mông - Vịnh Xuân Đài;

+ Quy hoạch bãi biển gần gành Đá Đĩa gắn với gành Đá Đĩa - Hòn lao Mái Nhà - Vịnh Xuân Đài - Đầm Cù Mông - Bãi Từ Nham;

+ Xây cơ sở lưu trú và dịch vụ lưu trú “homestay” tại các xã Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Bình, Xuân Thọ... gắn với các làng nghề của cư dân ven biển;

+ Xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp ở Bãi Tràm, Bãi Nồm, Bãi Ôm...; các khu du lịch tổng hợp tại bãi Bàng, bãi Rạng, bãi Bình Sa...

- Đối với khu vực Cao nguyên Vân Hòa và phụ cận: Đây là cụm du lịch cửa ngõ phía Tây Bắc tỉnh (nối liền Đồng Xuân và Kông Chro - Gia lai), có nhiều giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với văn hóa lịch sử. Cao nguyên Vân Hoà và thị trấn La Hai được xác định là những trung tâm kinh tế - văn hóa đồng thời cũng là đầu mối về phát triển du lịch. Cần tập trung đầu tư đủ mạnh để tạo cú hích phát triển nhanh, kéo theo sự phát triển du lịch toàn vùng. Hướng đầu tư tập trung là xây dựng một số cơ sở lưu trú và các dịch vụ nhà hàng tại trung tâm du lịch, khu du lịch, các điểm tài nguyên:

+ Xây dựng cao nguyên Vân Hòa thành đô thị du lịch và trung tâm nghỉ mát của Tỉnh;

+ Nâng cấp hạ tầng một số buôn làng văn hóa - du lịch như buôn Xí Thoại, buôn Ha Rai; cơ sở các làng nghề của đồng bào các dân tộc;

+ Đầu tư hạ tầng tại một số điểm nước khoáng để hình thành các trung tâm dịch vụ nghỉ dưỡng và chữa bệnh (nước khoáng Triêm Đức, Trà Ô);

+ Nâng cấp một số lễ hội dân gian trong vùng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo.

- Đối với khu vực Sông Hinh và phụ cận: Khu vực thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) và Củng Sơn (Sơn Hòa), được xác định là những trung tâm kinh tế - văn hóa đồng thời cũng là đầu mối về phát triển du lịch. Hướng đầu tư tập trung là xây dựng một số cơ sở lưu trú và các dịch vụ nhà hàng tại trung tâm du lịch, khu du lịch, các điểm tài nguyên:

+ Xây dựng khu du lịch sinh thái Krông Trai, bao gồm rừng đặc dụng Krông Trai (hay rừng Tây Sơn), các di tích lịch sử, các làng văn hóa dân tộc Chăm, Banar, Êđê... thành khu du lịch sinh thái - văn hóa;

+ Nâng cấp hạ tầng tại các buôn làng văn hóa - du lịch (các buôn khu vực gần hồ Sông Hinh, buôn Hòa Ngãi - Sơn Hòa...);

+ Nâng cấp hạ tầng cơ sở các làng nghề của đồng bào các dân tộc;

+ Phát triển các sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch;

+ Xây dựng khu nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng Phú Sen (Phú Hòa).

b) Các chương trình và dự án đầu tư:

- Các trương trình đầu tư: Từ nay đến năm 2020, du lịch Phú Yên đầu tư phát triển theo 03 chương trình sau:

+ Phát triển các khu du lịch, loại hình và sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch;

+ Bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên, môi trường du lịch;

+ Xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực và một số chương trình khác.

- Các dự án ưu tiên đầu tư: Các dự án ưu tiên đầu tư và tiếp tục đầy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào hoạt động trước năm 2015, gồm:

+ Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên (Long Thủy - Hòn Chùa – Bãi Súng);

+ Các khu nghỉ dưỡng ven biển thành phố Tuy Hòa;

+ Khu du lịch Sao Việt, khu du lịch Bãi Xép;

+ Khu du lịch Bãi Tràm, Bãi Nồm, Bãi Ôm, Bãi Bàng, Bãi Bầu...;

+ Khu du lịch sinh thái Đá Bia, Đập Hàn...;

+ Khu du lịch dịch vụ đầm Ô Loan;

+ Khu du lịch đảo Hòn Nưa;

+ Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp tại hòn lao Mái Nhà.

- Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020:

+ Tổ hợp thể thao giải trí nghỉ dưỡng biển cao cấp Vịnh Xuân Đài - Từ Nham - Gành Đá Đĩa;

+ Cụm du lịch sinh thái Đông Hòa, trong đó, ưu tiên phát triển không gian vịnh Vũng Rô, đèo Cả, Đá Bia và khu vực Hòa Xuân Nam;

+ Cụm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa. Trong đó ưu tiên phát triển khu vực cao nguyên Vân Hòa. Khu du lịch sinh thái hồ Sông Hinh, Sông Ba Hạ;

+ Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối nước khoáng Phú Sen;

+ Các khu du lịch tắm khoáng bùn kết hợp nghỉ dưỡng, chữa bệnh Lạc Sanh.

- Các dự án khác:

+ Dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch;

+ Dự án xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên;

+ Đề án xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động du lịch;

+ Các dự án ưu tiên đầu tư và tiếp tục đầy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào hoạt động trước năm 2015: Khu du lịch liện hợp cáo cấp Phú Yên; Các khu nghỉ dưỡng ven biển thành phố Tuy Hòa; Khu du lịch Sao Việt, khu du lịch Bãi Xép; Khu du lịch Bãi Tràm, Bãi Nồm, Bãi Ôm, Bãi Bàng, Bãi Bầu...; Khu du lịch khu du lịch sinh thái Đá Bia, Đập Hàn...; Khu du lịch sinh thái rừng dương Thành Lầu và khu ẩm thực đầm Ô Loan; Khu du lịch đảo Hòn Nưa; Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp tại hòn lao Mái Nhà;

+ Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016 - 2020: Tổ hợp thể thao giải trí nghỉ dưỡng biển cao cấp Vịnh Xuân Đài - Từ Nham - Gành Đá Đĩa; Cụm du lịch sinh thái Đông Hòa: ưu tiên phát triển không gian vịnh Vũng Rô, đèo Cả, Đá Bia và khu vực Hòa Xuân Nam; Cụm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa trong đó ưu tiên phát triển khu vực cao nguyên Vân Hòa. Khu du lịch sinh thái hồ Sông Hinh, Sông Ba Hạ; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối nước khoáng Phú Sen; Khu du lịch tắm khoáng bùn kết hợp nghỉ dưỡng, chữa bệnh Lạc Sanh;

+ Các dự án khác: Dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Dự án xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên; Đề án xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động du lịch;

- Nhu cầu đầu tư và phân kỳ đầu tư: Tổng vốn đầu tư: 13.572 tỷ đồng (khoảng 650 triệu USD). Trong đó 4.802 tỷ đồng (230 triệu USD) đầu tư hạ tầng giao thông phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển du lịch:

+ Giai đoạn 2011-2015: khoảng 4.567 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư hạ tầng giao thông phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển du lịch 1.643 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2016-2020): khoảng 9.005 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư hạ tầng giao thông phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển du lịch 3.159 tỷ đồng.

V. TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐẾN NĂM 2025

1. Mục tiêu: Đến năm 2025, Phú Yên phấn đấu trở thành một trong những điểm đến quan trong các chương trình du lịch đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

2. Định hướng về sản phẩm du lịch: Sau năm 2020, hệ thống sản phẩm du lịch của Phú Yên sẽ định hình với các nhóm sản phẩm du lịch sau (xếp theo thứ tự ưu tiên):

Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển: Khai thác các giá trị tài nguyên du lịch biển ở hai không gian du lịch chính là không gian du lịch Tuy Hòa và phụ cận; không gian du lịch vịnh Xuân Đài - Gành Đá Đĩa - Từ Nham và vùng phụ cận.

b) Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái: Khai thác các giá trị tài nguyên du lịch sinh thái ở hai không gian du lịch phụ phía Tây tỉnh là không gian du lịch cao nguyên Vân Hòa và phụ cận; không gian du lịch Sông Hinh và phụ cận.

c) Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử với việc khai thác các giá trị di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng, đặc biệt các dân tộc thiểu số ở Phú Yên, các giá trị ẩm thực, lễ hội, tâm linh, làng nghề...

d) Nhóm du lịch MICE (tham quan mua sắm, du lịch công vụ), vui chơi giải trí: Đây là nhóm sản phẩm du lịch bổ sung quan trọng gắn với các trung tâm du lịch của Phú Yên, đặc biệt là gắn với thành phố Tuy Hòa nơi có điều kiện tốt về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch;

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch trên, Phú Yên cũng cần chú trọng đến việc tạo tiền đề cho việc hình thành sản phẩm du lịch đặc thù của Phú Yên là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp chuyên biệt (các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp ở những khu vực riêng biệt, ít bị tác động bởi các hoạt động kinh tế - xã hội, đề cao giá trị “riêng tư” và giá trị thiên nhiên) và du lịch thể thao biển tầm cỡ khu vực với việc hình thành trung tâm du thuyền gắn với tổ hợp du lịch hiện đại nơi tập trung nhiều khách sạn cao cấp 4-5 sao, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp hiện đại, đua thuyền,... Du lịch Phú Yên sẽ tạo sự khác biệt của với các tỉnh lân cận, mang lại hiệu quả đầu tư du lịch, đưa du lịch Phú Yên trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong các giai đoạn 2021- 2025 và 2026-2030.

c) Định hướng về thị trường và xúc tiến quảng bá:

- Giai đoạn 2021-2025, một số thị trường trọng điểm cần tập trung khai thác (xúc tiến quảng bá, đặt đại diện, thiết lập mạng lưới vận chuyển phù hợp...) bao gồm: Thị trường Châu Âu, đặc biệt là thị trường Đức, Hà Lan; Châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ và Canada; Bắc Á, đặc biệt là Úc. Đây là những thị trường có nhu cầu cao đối với những sản phẩm du lịch cao cấp có chất lượng;

- Để khai thác có hiệu quả các thị trường được định hướng trên, cần thiết phải có những khảo sát, đánh giá “cung” - “cầu” cụ thể. Các hoạt động khảo sát, đánh giá này cần được tiến hành song song với việc hình thành 02 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của Phú Yên.

d) Định hướng về tổ chức không gian du lịch:

Định hướng tổ chức không gian du lịch giai đoạn 2021-2025 sẽ không thay đổi nhiều so với định hướng không gian đã được đề xuất cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, vai trò của không gian du lịch khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận (Khu du lịch quốc gia) sẽ có sự thay đổi từ không gian quan trọng sang vai trò là không gian du lịch chủ đạo của Phú Yên trong giai đoạn này. Các khu vực quan trọng để phát triển du lịch trong không gian này bao gồm:

- Các bãi biển nhỏ, riêng biệt dọc bờ biển và trên các đảo/cù lao từ tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu trở vào đến khu vực Long Thủy - Hòn Chùa... là những địa điểm có thể hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chuyên biệt có giá trị cao;

- Bãi Từ Nham: là khu vực có điều kiện xây dựng tổ hợp du lịch hiện đại với trung tâm du thuyền tầm cỡ khu vực;

- Gành Đèn - Gành Đá Đĩa: là khu vực tập trung cảnh quan đẹp được tạo nên bởi hoạt động địa chất gắn với lịch sử hình thành lãnh thổ, thích hợp để xây dựng công viên tự nhiên chuyên đề hấp dẫn rất bổ sung cho hệ thống sản phẩm du lịch cao cấp của Phú Yên.

Trong giai đoạn 2021-2025, khu vực phía Tây Phú Yên, đặc biệt là cao nguyên Vân Hòa mới phát huy được vai trò với các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa. Đây là yếu tố quan trọng bổ sung hệ thống sản phẩm du lịch biển tạo sự đa dạng và hấp dẫn cho không gian du lịch chung của Phú Yên.

- Các nội dung cần chuẩn bị trong giai đoạn 2011-2020: Để có thể thực hiện được các định hướng quan trọng về du lịch giai đoạn 2021-2025, trong giai đoạn 2011-2020 cần:

+ Tiến hành khảo sát đánh giá chi tiết và lập quy hoạch chung cho các địa bàn trọng điểm để có kế hoạch khai thác, bảo tồn hợp lý các tài nguyên du lịch;

+ Triển khai dự án phát triển khu vực Xuân Đài - Từ Nham - Gành Đá Đĩa - Bãi Xép thành khu du lịch quốc gia, làm căn cứ đầu tư hạ tầng du lịch ở khu vực này;

+ Lập các kế hoạch xúc tiến đầu tư các tài nguyên du lịch đã xác định theo quy mô phù hợp;

+ Có kế hoạch nâng cấp sân bay Tuy Hòa để đến năm 2015 có thể đón được máy bay loại A320;

+ Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển các khu du lịch cao cấp giai đoạn sau những năm 2020.

- Các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025: Năm 2025 có khoảng 13.000 buồng khách sạn với 50% tổng số buồng đủ tiêu chuẩn xếp hạng sao, sử dụng khoảng 54.000 lao động (trong đó có 18.100 lao động trực tiếp); dự kiến đón được 3.000 ngàn lượt khách (trong đó 550 ngàn lượt khách quốc tế, 2.450 ngàn lượt khách du lịch nội địa); ngày lưu trú trung bình đạt từ 2,7 đến 3,2 ngày đối với khách du lịch quốc tế; 2-3 ngày đối với khách du lịch nội địa; doanh thu năm đạt 433,5 triệu USD, GDP du lịch đạt 260,1 triệu USD.

VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Huy động vốn đầu tư: Tổng nhu cầu vốn đầu tư gai đoạn 2011-2020 khoảng 13.572 tỷ đồng (650 triệu USD), dự kiến cơ cấu huy động vốn như sau:

- Từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương chiếm 40%, tương đương 5.428,8 tỷ đồng. Nội dung: hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch quốc gia và một số khu du lịch khác; bảo tồn tôn tạo tài nguyên và các di tích lịch sử văn hóa; xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

- Các nguồn vốn khác chiếm 60%, tương đương 8.143,2 tỷ đồng.

Nội dung: tập trung đầu tư phát triển các công trình cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ và xây dựng sản phẩm du lịch.

2. Hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định của pháp luật:

a) Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho đầu tư du lịch; khuyến khích đầu tư vào các khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo tồn tự nhiên và văn hoá, hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước, sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch.

c) Tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch trên các hành trình du lịch, đặc biệt là đến các điểm du lịch vùng sâu vùng xa.

3. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý:

- Nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đủ mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.

- Thành lập Hiệp hội du lịch tỉnh, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch để tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch... phục vụ công tác thực hiện quy hoạch.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng về phát triển du lịch; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân trong qua trình phát triển du lịch.

- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch. Nghiên cứu và tổng kết, trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên.

4. Tăng cường nguồn lực phát triển du lịch:

- Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển du lịch trực tiếp nước ngoài, các dự án phát triển hạ tầng nông thôn.

- Hỗ trợ kinh phí ngân sách phát triển hạ tầng các khu, điểm du lịch, ưu tiên vùng có hoàn cảnh đặc biệt, vùng miền núi và vùng các dân tộc thiểu số.

- Tiếp tục chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch.

- Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của các Bộ, ngành trên địa bàn gắn với phát triển du lịch.

- Phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ ngành du lịch ở cơ sở, đặc biệt chú trọng đồng bào các dân tộc thiểu số.

5. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn và có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên:

- Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch biển. Các “Bãi biển dài và nắng ấm” là tiền đề xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Phú Yên.

- Ưu tiên đầu tư phát triển du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, các di chỉ khảo cổ, các làng nghề, các lễ hội và các sinh hoạt văn hóa dân gian.

- Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo.

6. Tăng cường phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch:

- Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch.

- Nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

- Xây dựng hệ thống các công trình dịch vụ, cứu nạn, cứu hộ đảm bảo điểm đến an toàn, thân thiện.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển du lịch Phú Yên:

- Hợp tác trong khuôn khổ quốc gia và hợp tác trong liên kết vùng

- Mở rộng hợp tác du lịch với các nước trong khu vực.

8. Tổ chức thực hiện Quy hoạch:

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch, có trách nhiệm:

- Tổ chức công bố quy hoạch;

- Chủ trì phối hợp với các ngành thực hiện điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển du lịch; xây dựng đề án xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch thời kỳ đến 2030;

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa Quy hoạch du lịch đã được duyệt, đưa vào các kế hoạch 5 năm, hàng năm;

- Thực hiện lồng ghép mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao với du lịch;

- Xây dựng chương trình hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và hợp tác quốc tế về du lịch.

b) Các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh: theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện tốt các nội dung quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt.

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự