Quyết định 128/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt “Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020”
Số hiệu: 128/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Xuân Việt
Ngày ban hành: 08/01/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG HUYỆN BA VÌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2012 - 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 6/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”;

Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020”;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn lập Quy hoạch, Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 9/7/2012 của UBND Thành phố về việc phê duyệt “Quy hoạch Phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 2501/SNN-KH ngày 27/12/2012 về việc phê duyệt “Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng Ba Vì, thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng Ba Vì, thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020”, với nội dung như sau:

1. Quan điểm phát triển:

1.1. Phát triển lâm nghiệp toàn diện, ổn định và bền vững theo hướng tổ chức sản xuất hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng. Đa dạng hóa các sản phẩm lâm sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Áp dụng công nghệ chế biến mới, tạo giống cây rừng chất lượng cao, cải tạo rừng trồng kém chất lượng. Tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân trong vùng, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng.

1.2. Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ cho các hồ đập nước, phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp với du lịch sinh thái.

1.3. Đầu tư thâm canh trồng rừng sản xuất, trồng rừng nguyên liệu. Phát triển trồng cây xanh bảo vệ môi trường (cây phân tán).

2. Mục tiêu phát triển:

2.1. Mục tiêu chung:

Bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, bảo tồn các nguồn gen động thực vật rừng quý hiếm. Cải tạo, nâng cấp rừng trồng thuần loại, có giá trị kinh tế thấp tạo thành rừng có giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Tăng thu nhập, tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, quốc phòng. Nâng độ che phủ rừng lên 25% vào năm 2020.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Bảo vệ rừng: Bảo vệ rừng hiện có và trồng rừng mới từ 5.657 ha – 6.861 ha. Xác định ranh giới vườn quốc gia Ba Vì 150 km. Đóng mốc giới 3 loại rừng 1.010 mốc. Xây dựng đường băng cản lửa 146 km. Xây dựng 10 Trạm bảo vệ rừng. Cải tạo, xây dựng 10 hồ nước nhỏ, 62 bồn chứa nước phòng cháy, chữa cháy rừng. Xây dựng 144 km đường lâm nghiệp. Kết hợp bảo vệ rừng với phát triển du lịch sinh thái.

- Phát triển rừng: Khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung phục hồi rừng 165 ha. Làm giàu rừng tự nhiên 525,4 ha. Trồng rừng mới 3.049 ha. Xây dựng trang trại rừng 100 ha. Trồng cây cảnh quan phân tán 200.000 cây. Cải tạo, nâng cấp 01 vườn ươm cây giống.

3. Quy hoạch phát triển rừng đến năm 2020:

3.1. Quy hoạch đất lâm nghiệp:

- Giai đoạn 2012 – 2015: Tổng diện tích đất lâm nghiệp hiện tại (năm 2010) là 10.838,7 ha, thuộc địa bàn 19 xã. Quy hoạch đến năm 2015, diện tích lâm nghiệp còn 10.693,0 ha, thuộc địa bàn 13 xã (6 xã có diện tích đất lâm nghiệp phân tán, sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng) trong đó: diện tích rừng đặc dụng không thay đổi, diện tích rừng phòng hộ 315 ha (giảm 159 ha), do một số xã diện tích đất lâm nghiệp phân tán, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất; diện tích rừng sản xuất 4.049,5 ha, đến năm 2015 4.062 ha (12,7 ha).

- Giai đoạn 2016 – 2020: Quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích lâm nghiệp huyện Ba Vì là 10.624 ha, (so với năm 2015 giảm 68,0 ha), trong đó: diện tích rừng, đặc dụng, rừng phòng hộ không thay đổi; diện tích rừng sản xuất 3.994 ha (giảm 68,0 ha), do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

3.2. Quy hoạch 3 loại rừng:

- Rừng đặc dụng: diện tích 6.315,3 ha, chiếm 59,4% diện tích đất lâm nghiệp, trong đó: vườn quốc gia Ba Vì 5.957,2 ha, huyện Ba Vì 358,1 ha (thuộc 3 xã: Ba Trại, Vật Lại và Thuần Mỹ). Quy hoạch đến năm 2020, diện tích rừng đặc dụng đạt 6.315 ha. Nâng tỷ lệ che phủ của rừng đặc dụng từ 90,1% (2012), lên 98% (năm 2020).

- Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường: diện tích 315 ha, chiếm 2,9% diện tích đất lâm nghiệp (thuộc 3 xã: Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Yên Bái).

- Rừng sản xuất: diện tích 3.994 ha, chiếm 37,5% đất lâm nghiệp (thuộc 6 xã: Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Khánh Thượng, Phú Sơn, Tản Lĩnh, Thụy An).

Bảng 1: Quy hoạch đất lâm nghiệp theo 3 loại rừng.

Đơn vị tính: ha

Hạng mục

Hiện trạng 2011

Giai đoạn

 

 

2011 – 2015

2016 - 2020

Tổng đất lâm nghiệp

10.838,7

10.693,0

10.624,0

- Đất có rừng

10.045,8

10.693,0

10.624,0

- Đất chưa có rừng

792,9

 

 

1. Rừng đặc dụng

6.315,2

6.315,0

6.315,0

- Đất có rừng

5.692,9

6.315,0

6.315,0

- Đất chưa có rừng

622,3

 

 

2. Rừng phòng hộ

474,0

315,0

315,0

- Đất có rừng

456,9

315,0

315,0

- Đất chưa có rừng

17,1

 

 

3. Rừng sản xuất

4.049,3

4.063,0

3.994,0

- Đất có rừng

3.896,0

4.063,0

3.994,0

- Đất chưa có rừng

153,3

 

 

3.3. Quy hoạch các phân khu rừng chức năng kết hợp với du lịch sinh thái:

Ngoài các khu rừng đã được phê duyệt như: vườn quốc gia Ba Vì, khu di tích lịch sử Vật Lại, khu di tích lịch sử K9. Diện tích rừng còn lại được Quy hoạch phân khu như sau:

1. Khu rừng du lịch sinh thái Đá Chông: 42,3 ha.

2. Khu rừng du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên: 1.204,0 ha.

3. Khu rừng du lịch sinh thái hồ Cẩm Quỳ: 58,3 ha.

4. Khu rừng du lịch sinh thái sườn Tây núi Ba Vì: 569,0 ha.

Với chức năng, nhiệm vụ của 04 khu rừng trên, thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, kết hợp phục vụ tốt nhất du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần.

4. Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng:

4.1. Bảo vệ rừng:

Hạng mục

Đơn vị tính

Khối lượng

Tổng

Huyện quản lý

VQG Ba Vì

1. Bảo vệ rừng hiện có

 

 

 

 

- Giai đoạn 1 (2011 - 2015)

ha

6.638,0

207,5

6.107,5

- Giai đoạn 2 (2016 - 2020)

ha

6.630,0

522,5

6.107,5

2. Xây dựng đường bao vườn quốc gia Ba Vì

km

150,0

 

150,0

3. Đóng mốc 3 loại rừng

Mốc

1.010

1.010

 

4. Xây dựng đường băng cản lửa xanh

km

146

146

 

5. Xây dựng trạm bảo vệ rừng

Trạm

10

10

 

6. Xây dựng hồ chứa nhỏ

Hồ

10

10

 

7. Bể nước di động có bộ thu hút nước tự nhiên

Bể

62

62

 

8. Xây dựng và cải tạo đường LN

km

144

144

 

9. Thành lập Ban bảo vệ, phát triển rừng xã

Ban

13

13

 

10. Thành lập Ban bảo vệ, phát triển rừng huyện

ban

1

1

 

4.2. Phát triển rừng:

Hạng mục

Đơn vị tính

Khối lượng

Tổng

Huyện Ba Vì

VQG Ba Vì

1. Khoanh nuôi, trồng bổ sung

ha

247,9

82,0

165,8

2. Làm giầu rừng

ha

525,4

25,4

500,0

- Rừng đặc dụng

ha

500,0

 

 

- Rừng phòng hộ

Ha

18,6

18,6

 

- Rừng sản xuất

Ha

6,8

6,8

 

3. Trồng rừng

 

3.076,4

2.620,0

456,4

- Trồng rừng Đặc dụng

Ha

456,4

 

456,4

- Trồng rừng sản xuất

Ha

2.620,0

2.620,0

 

+ Trồng rừng mới trên đất trống

Ha

70,0

70,0

 

+ Trống rừng sau khai thác

Ha

2.550,0

2.550,0

 

4. Xây dựng trang trại

ha

100,0

100,0

 

5. Trồng rừng cảnh quan

cây

7.200

 

7.200

6. Trồng cây phân tán

cây

200.000

200.000

 

7. Cải tạo, nâng cấp vườn ươm

Vườn

1

1

 

4.3. Khai thác, chế biến rừng trồng:

- Giai đoạn 2012 – 2015: diện tích 1.636,8 ha (khai thác, trồng lại rừng 1.530 ha, chuyển đổi: 106,8 ha), khai thác bình quân 327,4ha/năm, sản lượng đạt bình quân 13.096 m3 gỗ và 6.548 ster củi.

- Giai đoạn 2016 – 2020: diện tích 1.065,3 ha (khai thác, trồng lại rừng 1.020 ha, chuyển đổi: 45,3 ha), khai thác bình quân 213 ha/năm, sản lượng đạt bình quân 8.520 m3 gỗ và 4.260 ster củi. Diện tích cây ăn quả hiện có khoảng 180 ha, sản lượng từ 50-55 tấn quả các loại/năm. Sản lượng các đặc sản khác như măng, dược liệu từ 5 – 10 tấn sản phẩm/năm.

4.4. Chế biến và tiêu thụ sản phẩm:

Trên địa bàn huyện Ba Vì có nhiều cơ sở chế biến gỗ và lâm sản quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của nhân dân địa phương.

4.5. Thực hiện đề tài nghiên cứu và tuyên truyền giáo dục:

- Thực hiện một số Đề tài nguyên cứu một số cây thuốc nam, sưu tầm một số bài thuốc chữa bệnh quý cổ truyền của đồng bào Dao làm cơ sở để khôi phục phát triển nghề thuốc Nam chữa bệnh.

- Tổ chức tập huấn, nhằm nâng cao ý thức người dân về việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng cháy, chữa cháy rừng.

5. Vốn đầu tư và hiệu quả:

5.1. Tổng vốn đầu tư 370.576,2 triệu đồng, trong đó:

5.1.1. Phân theo hạng mục đầu tư:

- Vốn đầu tư bảo vệ rừng: 178.581,2 triệu đồng, chiếm 48,2%

- Vốn đầu tư phát triển rừng: 189.731,5 triệu đồng, chiếm 51,2%

- Vốn đầu tư giao đất giao rừng: 2.254,5 triệu đồng, chiếm 0,6.

5.1.2. Phân theo giai đoạn:

- Giai đoạn 2012 – 2015: 183.152,2 triệu đồng, chiếm 49%.

- Giai đoạn 2016 – 2020: 187.415,0 triệu đồng, chiếm 51%.

5.2. Nguồn vốn đầu tư:

- Ngân sách Nhà nước (Thành phố, huyện).

- Huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình (kể cả nguồn vốn đầu tư nước ngoài).

5.3. Hiệu quả:

- Về môi trường: bảo vệ diện tích rừng hiện còn, phát triển rừng theo hướng cải tạo, nâng cấp rừng với nhiều loại cây, đa mục đích, có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao; bảo tồn nguồn gen các loại động – thực vật đặc hữu, quý hiếm; phát huy chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái.

- Về kinh tế: Phát triển dịch vụ phục vụ du khách thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Góp phần điều hòa nguồn nước, tăng lượng nước dự trữ trong các hồ chứa, đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân địa phương.

- Về xã hội và an ninh quốc phòng: bảo vệ và phát triển rừng, ổn định, bền vững, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, đời sống kinh tế, xã hội ngày càng được ổn định và phát triển. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội địa phương.

6. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Quy hoạch:

6.1. Rà soát, hoàn thiện giao đất, giao rừng: rà soát 4.509 ha rừng và đất lâm nghiệp do huyện quản lý, tổ chức bảo vệ rừng và giao đất giao rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Thực hiện 2012 – 2015.

6.2. Phân cấp tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển rừng:

- Phòng Kinh tế huyện: tham mưu cho UBND huyện thực hiện quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn huyện, chỉ đạo thực hiện các nội dung của Quy hoạch sau khi được phê duyệt.

- Hạt Kiểm lâm huyện: quản lý bảo vệ và theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn huyện; phối hợp với Phòng Tài nguyên, Môi trường huyện rà soát, hoàn thiện giao đất, giao rừng, thuê rừng cho các chủ rừng hiện có trên địa bàn; tổ chức các lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Vườn quốc gia Ba Vì: quản lý, bảo tồn và phát triển diện tích rừng được giao, phối hợp với địa phương, làm tốt công tác bảo vệ rừng.

- UBND các xã có rừng: quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Các chủ rừng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng được giao theo Quy hoạch được phê duyệt và quy định của Nhà nước và thành phố.

6.3. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

- Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý rừng kiểm lâm xã, huyện, cán bộ quản lý lâm nghiệp xã, ưu tiên đào tạo cho người dân địa phương.

- Tập huấn, giáo dục nhằm nâng cao ý thức người dân về việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng cháy, chữa cháy rừng.

6.4. Ứng dụng khoa học và công nghệ: chọn lọc, bổ sung cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái. Xây dựng các mô hình trồng rừng đặc dụng, trồng rừng phòng bảo vệ môi trường và công tác phòng chống sâu bệnh, phòng cháy, chữa cháy rừng.

6.5. Xây dựng hạ tầng cơ sở: ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết phục vụ công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy.

6.6. Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng: thu hút chương trình đầu tư của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, nhằm tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

UBND huyện Ba Vì chủ động phối hợp với các Sở ngành liên quan: chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc, UBND các xã, các chủ rừng, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn tổ chức thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được phê duyệt theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Quy hoạch Kiến trúc; Xây dựng; Tư pháp; Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Việt