Quyết định 57/QĐ-TTg về đầu tư Dự án Trung tâm truyền máu khu vực
Số hiệu: 57/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Gia Khiêm
Ngày ban hành: 15/01/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

ĐẦU TƯ DỰ ÁN "TRUNG TÂM TRUYỀN MÁU KHU VỰC" THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Theo đề nghị của Bộ Y tế tại tờ trình số 7717/TTr-BYT ngày 24 tháng 9 năm 2001 và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 8456 BKH/VPTĐ ngày 12 tháng 12 năm 2001,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Đầu tư Dự án “Trung tâm truyền máu khu vực”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Chủ Dự án: Bộ Y tế.

2. Chủ đầu tư các thành phần Dự án: Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế tỉnh Cần Thơ.

3. Mục tiêu Dự án:

a) Mục tiêu chung: từng bước cung cấp máu và các sản phẩm máu có chất lượng và an toàn cho nhu cầu cấp cứu, điều trị, dự phòng các thảm hoạ; có máu dự trữ cho nhu cầu an ninh, quốc phòng; sử dụng máu và chế phẩm máu hợp lý, hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh; tăng cường hợp tác và đầu tư quốc tế tại 4 Trung tâm truyền máu khu vực đã lựa chọn.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đáp ứng nhu cầu máu và các sản phẩm máu có chất lượng cho cấp cứu, điều trị bệnh, có máu dự trữ cho các thảm hoạ, an ninh và quốc phòng, mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển kỹ thuật cao. Đến năm 2006 đạt chỉ tiêu và số lượng máu như sau:

+ Trung tâm truyền máu Hà Nội: 90.000 đơn vị (đv) máu (từ 20.500 đv máu năm 2000).

+ Trung tâm truyền máu Huế: 50.000 đv máu (từ 5.500 đv máu năm 2000),

+ Trung tâm truyền máu bệnh viện Chợ Rẫy: 70.000 đv máu (từ 30.000 đv máu năm 2000).

+ Trung tâm truyền máu Cần Thơ: 50.000 đv máu (từ 5.000 đv máu năm 2000).

- Thay đổi cơ bản cơ cấu nguồn người cho máu: người cho máu tình nguyện không lấy tiền đạt 70% vào năm 2006 từ mức 50% hiện nay; loại trừ lấy máu ở nhóm người nguy cơ cao, khuyến khích cho máu nhắc lại đạt 50% vào năm 2006 từ mức 10% hiện nay, nâng cao sức khoẻ của người cho máu.

- Đảm bảo 100% đơn vị máu trước khi truyền được sàng lọc 5 bệnh nhiễm trùng: HIV, HBV, HCV, giang mai, sốt rét; đảm bảo định nhóm máu ABO, Rh, tìm kháng thể bất thường trước truyền máu ở 100% các bệnh viện thuộc phạm vi bao phủ của 4 Trung tâm truyền máu khu vực đã lựa chọn.

- Sản xuất được các sản phẩm máu, tiến hành truyền máu từng phần đạt 70% tổng số máu thu được vào năm 2006; chuẩn hóa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

- Tất cả các bệnh viện trong phạm vi phục vụ đều có Ban an toàn truyền máu bệnh viện với nhiệm vụ lập kế hoạch về nhu cầu máu hàng năm, hướng dẫn sử dụng hợp lý máu và các sản phẩm máu, kiểm tra các quy chế an toàn truyền máu bệnh viện.

4. Địa điểm xây dựng: Dự án sẽ đầu tư xây dựng và phát triển 4 Trung tâm truyền máu khu vực (TTTMKV) tại các địa điểm sau đây:

a) TTTMKV đồng bằng sông Hồng (TTTM Hà Nội): đầu tư xây dựng tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

b) TTTMKV duyên hải miền Trung (TTTM Huế): đầu tư xây dựng trong khuôn viên hiện có của bệnh viện Trung ương Huế.

c) TTTMKV miền Đông Nam Bộ (TTTM bệnh viện Chợ Rẫy): đầu tư xây dựng trong khuôn viên hiện có của bệnh viện Chợ Rẫy tại thành phố Hồ Chí Minh.

d) TTTMKV đồng bằng sông Cửu Long (TTTM Cần Thơ): đầu tư xây dựng tại Lộ 91B, cạnh bệnh viện đa khoa mới tỉnh Cần Thơ.

5. Nội dung đầu tư:

a) Đầu tư xây dựng 4 TTTMKV trở thành 4 ngân hàng máu lớn, cung cấp máu cho tất cả các bệnh viện trong khu vực được lựa chọn, gồm 188 bệnh viện, trong đó có 25 bệnh viện Trung ương, 26 bệnh viện cấp tỉnh, 137 bệnh viện huyện, thuộc 17 tỉnh và 2 thành phố lớn với trên 29 triệu dân. Tại mỗi TTTMKV, Dự án sẽ tập trung đầu tư cho 6 nhóm hoạt động chính sau:

- Vận động hiến máu nhân đạo.

- Hoạt động của ngân hàng máu.

- Sử dụng máu và sản phẩm máu hiệu quả trong lâm sàng (bệnh viện).

- Lập kế hoạch, giám sát và nghiên cứu.

- Chương trình phát triển nhân lực.

- Chương trình phát triển cơ sở vật chất.

b) Hỗ trợ và phát triển năng lực quốc gia (thành phần Trung ương): do Viện Huyết học Truyền máu Trung ương thực hiện, gồm các hoạt động:

- Hỗ trợ cho 4 Trung tâm truyền máu khu vực.

- Hỗ trợ hoạt động đào tạo cán bộ và các hỗ trợ khác cho 3 TTTMKV dự kiến sẽ đầu tư trong giai đoạn tiếp theo của Dự án, là Đắk Lắk, Sơn La và Thái Nguyên.

- Đào tạo cán bộ cho các trung tâm truyền máu khác.

- Hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách tài chính trong truyền máu.

- Quản lý toàn bộ Dự án.

6. Vốn đầu tư và nguồn vốn:

a) Tổng mức vốn đầu tư: 47,5 triệu USD (tương đương 713 tỷ đồng), trong đó:

- Vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB): 38,2 triệu USD (tương đương 573 tỷ đồng);

- Vốn đối ứng: 9,3 triệu USD (tương đương 140 tỷ đồng).

b) Cơ cấu sử dụng vốn vay WB 38,2 triệu USD: được ngân sách Trung ương cấp phát cho Dự án để đầu tư cho các hạng mục sau:

- Xây lắp: 5,7 triệu USD.

- Mua sắm trang thiết bị: 11,6 triệu USD.

Trong đó:

+ Trang thiết bị y tế: 7,2 triệu USD.

+ Trang thiết bị văn phòng: 2,1 triệu USD.

+ Thiết bị xây lắp: 1,2 triệu USD.

+ Trang thiết bị truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền vận động cho máu nhân đạo: 1,1 triệu USD.

- Phương tiện vận chuyển chuyên dụng (xe lấy máu lưu động, xe vận chuyển máu...): 2,5 triệu USD.

- Hoạt động và duy trì Dự án (kít sàng lọc, sinh phẩm chẩn đoán, hóa chất xét nghiệm các nhóm máu và miễn dịch, túi máu..): 4,5 triệu USD.

- Dịch vụ tư vấn: 1,3 triệu USD.

- Chi phí đào tạo: 3,1 triệu USD.

- Chi phí cho các hoạt động truyền thông: 2,9 triệu USD.

- Chi phí san lấp mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cấp điện cấp nước, sân đường nội bộ, dò mìn, phòng cháy, chữa cháy: 1,2 triệu USD.

- Chi phí dự phòng (vật chất, giá): 5,4 triệu USD.

c) Cơ cấu sử dụng vốn đối ứng 140 tỷ đồng của ngân sách nhà nước:

- Vốn được quy từ giá trị quyền sử dụng đất và đóng góp qua trả lương cho cán bộ y tế: 44 tỷ đồng.

- Các khoản thuế phải nộp theo quy định: 76 tỷ đồng, được Bộ Tài chính ghi thu, chi chi khi thực hiện Dự án.

- Chi xây dựng cơ bản theo kế hoạch hàng năm của Bộ Y tế: 20 tỷ đồng, gồm có:

+ Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng: 8 tỷ đồng, trong đó TTTM Hà Nội: 7 tỷ đồng; TTTM Cần Thơ: 1 tỷ đồng.

+ Hỗ trợ cho công tác quản lý và chi khác để tiếp nhận viện trợ: 7 tỷ đồng, trong đó TTTM Hà Nội: 2 tỷ đồng; TTTM Huế: 1,5 tỷ đồng; TTTM bệnh viện Chợ Rẫy: 1,5 tỷ đồng; TTTM Cần Thơ: 1,5 tỷ đồng; thành phần Trung ương: 0,5 tỷ đồng.

+ Chi phí vận hành và bảo dưỡng của 4 TTTM: 5 tỷ đồng, trong đó TTTM Hà Nội: 1,7 tỷ đồng; TTTM Huế: 1 tỷ đồng; TTTM bệnh viện Chợ Rẫy: 1,3 tỷ đồng; TTTM Cần Thơ: 1 tỷ đồng.

d) Phân bổ vốn đầu tư cho từng thành phần Dự án:

- Thành phần 1 - TTTM Hà Nội: 12,7 triệu USD.

- Thành phần 2 - TTTM Huế: 8 triệu USD.

- Thành phần 3 - TTTM bệnh viện Chợ Rẫy: 10 triệu USD.

- Thành phần 4 - TTTM Cần Thơ: 8,3 triệu USD.

- Thành phần 5 - thành phần Trung ương: triệu USD.

- Dự phòng: 5,4 triệu USD.

7. Tổ chức thực hiện Dự án: đấu thầu theo quy chế hiện hành phù hợp với các quy định của Hiệp định tín dụng vay vốn WB.

8. Thời gian thực hiện Dự án: trong 5 năm, kể từ ngày Hiệp định tín dụng vay vốn WB có hiệu lực.

Điều 2. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm:

- Chỉ đạo thực hiện Dự án “Trung tâm truyền máu khu vực”, phân công và phân cấp rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm cho các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện Dự án.

- Thống nhất với Bộ Tài chính xây dựng chính sách thu hồi một phần vốn đầu tư và cơ chế sử dụng nguồn vốn này cho công tác an toàn truyền máu.

- Phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan và WB để điều hành việc giám sát, đánh giá thực hiện mục tiêu và kỹ thuật của Dự án theo đúng quy định hiện hành.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, chủ Dự án và các chủ đầu tư cần lưu ý giải quyết những vấn đề tồn tại mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị tại văn bản số 8456 BKH/VPTĐ ngày 12 tháng 12 năm 2001.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cần Thơ, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Gia Khiêm