Nghị quyết 36/NQ-HĐND năm 1999 về đề án xây dựng gia đình văn hoá tỉnh Bến Tre giai đoạn 1999-2000-2010
Số hiệu: | 36/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bến Tre | Người ký: | Nguyễn Văn Thới |
Ngày ban hành: | 16/04/1999 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/NQ-HĐND |
Bến Tre, ngày 16 tháng 4 năm 1999 |
NGHỊ QUYẾT
“VỀ ĐỀ ÁN XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HOÁ TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 1999-2000-2010”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ vào Điều 120 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 18 tháng 4 năm 1992;
Căn cứ vào Điều 12 và Điều 31 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Sau khi nghe Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao được sự ủy nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày đề án xây dựng gia đình văn hoá tỉnh Bến Tre giai đoạn 1999-2000-2010;
Sau khi nghe báo cáo thẩm định của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
I. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí thông qua nội dung đề án xây dựng gia đình văn hoá tỉnh Bến tre giai đoạn 1999-2000-2010, thống nhất tiêu chuẩn gia đình văn hoá mục tiêu và số lượng gia đình văn hoá, ấp văn hoá, xã văn hoá và các giải pháp triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện đề án. Uỷ ban nhân dân tỉnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
Ngoài mục tiêu số lượng, cần phải quan tâm nhiều hơn về nâng cao chất lượng và hiệu quả xã hội của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, tránh chạy theo hình thức thành tích và đề phòng các tác động tiêu cực khi triển khai cuộc vận động.
Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá là cuộc vận động lớn, liên quan đến nhiều mặt trong đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng) đối tượng là toàn dân trong tỉnh. Do đó cần lấy 3 tiêu chuẩn gia đình văn hoá nêu trong đề án làm cơ sở cho cuộc vận động và 3 tiêu chuẩn cần có sự trao đổi thống nhất với MTTQ, Đoàn thể để lồng ghép với nội dung của MTTQ, Đoàn thể đang vận động để có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, tránh gây chồng chéo ở cơ sở.
Để thực hiện đề án, Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí sử dụng kinh phí từ ngân sách (vốn sự nghiệp văn hoá), giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, cân đối nguồn kinh phí và xây dựng định mức các nội dung chi cụ thể cho ấp văn hóa, xã văn hóa theo tinh thần tiết kiệm và đảm bảo thực hiện tốt cuộc vận động. Đồng thời cần có các giải pháp huy động các nguồn lực khác bằng nhiều hình thức thích hợp để tăng thêm nguồn lực cho việc triển khai cuộc vận động.
- Về tổ chức thực hiện: Thành lập Ban chỉ đạo “xây dựng gia đình văn hóa”. Có qui chế cụ thể phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các đoàn thể, làm rõ mối quan hệ và vị trí của phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới khu dân cư”.
II. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào ý kiến đóng góp của Ban Văn hoá - Xã hội và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh để chấn chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh đề án và phê duyệt chính thức để nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện đề án đạt hiệu quả cao nhất.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiệm vụ giúp Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá V, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 16 tháng 4 năm 1999./.
|
TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH |