Quyết định 09/2011/QĐ-UBND Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu: 09/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Võ Kim Cự
Ngày ban hành: 30/05/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2011/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 30 tháng 05 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT, KINH DOANH HÀNG HÓA, DỊCH VỤ XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29/11/2005; Luật Thương mại ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010 - 2015; Nghị quyết số 04 NQ/TU ngày 29/10/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo phát triển xuất khẩu giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 23/01/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2007 - 2011;
Xét đề nghị của Sở Công Thương và Sở Tài chính tại Công văn liên ngành số 687/TTrLN-SCT-STC ngày 29/4/2011 (sau khi thống nhất với các sở, ngành liên quan); của Sở Tư pháp tại Văn bản số 375/BC-STP ngày 18/5/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn thực hiện quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 05/2009/QĐ-UBND ngày 06/3/2009 của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển xuất khẩu giai đoạn 2009 - 2015 tỉnh Hà Tĩnh;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTr.TU, TTr.HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Các thành viên BCĐXK tỉnh;
- Vụ Pháp chế các Bộ: CT, Tài chính (b/c);
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, TM, TH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Kim Cự

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, KINH DOANH HÀNG HÓA, DỊCH VỤ XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, thực hiện sản xuất, kinh doanh và có trụ sở tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (sau đây gọi chung là đơn vị);

2. Người lao động có hộ khẩu thường trú tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đi lao động ở nước ngoài.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

1. Hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu các mặt hàng thuộc Danh mục các mặt hàng khuyến khích xuất khẩu của tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định này);

2. Đào tạo định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

3. Các hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn… của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu tỉnh do UBND tỉnh hoặc Ban Chỉ đạo xuất khẩu tỉnh phân công hàng năm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ, từ viết tắt sau đây được hiểu như sau:

1. Xuất khẩu hàng hóa là việc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và nhận thanh toán theo quy định của pháp luật (không bao gồm xuất khẩu hàng hóa vào các khu kinh tế, khu chế xuất và các khu vực đặc biệt trong nước);

2. Ủy thác xuất khẩu là hoạt động dịch vụ thương mại dưới hình thức thuê và nhận làm dịch vụ xuất khẩu. Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở hợp đồng ủy thác xuất khẩu giữa các doanh nghiệp, phù hợp với những quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

Điều 4. Nguồn kinh phí

1. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hàng năm bao gồm:

a) Nguồn ngân sách tỉnh bố trí hàng năm để thực hiện chính sách xuất khẩu;

b) Lồng ghép các nguồn vốn khác: Nguồn bổ sung có mục tiêu, chương trình mục tiêu Quốc gia từ ngân sách Trung ương bổ sung hàng năm cho tỉnh; nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh; nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo và các nguồn vốn hợp pháp khác;

2. Nguồn kinh phí năm 2011 phân bổ để thực hiện chính sách xuất khẩu là 8 tỷ đồng; các năm tiếp theo có thể bố trí tăng từ 15% - 20% tùy theo khả năng tăng thu ngân sách tỉnh và bố trí lồng ghép các nguồn vốn khác nêu tại Điểm 1, Điều 4 Quy định này.

Chương 2.

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU HÀNG HÓA, DỊCH VỤ CỦA TỈNH

Điều 5. Hỗ trợ xúc tiến thương mại

1. Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư, khảo sát tìm kiếm thị trường xuất khẩu:

a) Đối với các đơn vị tham gia hội chợ quốc tế trong nước và ngoài nước theo chương trình xúc tiến xuất khẩu của tỉnh được hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng (tối đa 18m2) và 50% tiền vé phương tiện chiều đi và về tối đa 2 người, cho mỗi doanh nghiệp/1 lần tham gia;

b) Trong trường hợp đơn vị tự tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài (không thuộc chương trình xúc tiến xuất khẩu của tỉnh nhưng được UBND tỉnh đồng ý cho tham gia) được hỗ trợ 50% tiền thuê gian hàng (tối đa 18m2) và 50% tiền vé phương tiện đi và về cho tối đa 2 người, cho mỗi doanh nghiệp/1 lần tham gia;

c) Căn cứ tình hình thực tế cụ thể hàng năm, UBND tỉnh có thể tổ chức các đoàn công tác hoặc cử các đơn vị đi khảo sát, học tập mô hình sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu ở trong nước và nước ngoài: Thành viên là cán bộ công chức, viên chức được thanh toán theo chế độ; thành viên là các doanh nghiệp, HTX… được hỗ trợ 50% kinh phí chuyến đi theo quy định hiện hành;

2. Đơn vị xuất khẩu hàng hóa vào quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà chưa có đơn vị trong tỉnh xuất khẩu đến thị trường này hoặc xuất khẩu các mặt hàng mới (chưa có đơn vị trong tỉnh xuất khẩu) hoặc đảm bảo cả hai điều kiện này thì được hỗ trợ một lần kinh phí xúc tiến thương mại như sau:

a) Tổng giá trị các hợp đồng và thực hiện xuất khẩu đạt từ 100.000 USD đến dưới 300.000 USD/năm cho mỗi loại mặt hàng hoặc mỗi quốc gia được hỗ trợ 100 triệu đồng;

b) Tổng giá trị các hợp đồng và thực hiện xuất khẩu đạt từ 300.000 USD/năm trở lên cho mỗi loại mặt hàng hoặc mỗi quốc gia được hỗ trợ 200 triệu đồng;

Trường hợp đơn vị xuất khẩu nhiều loại mặt hàng mới hoặc xuất khẩu vào nhiều quốc gia mới, nhưng giá trị các hợp đồng xuất khẩu tính trên mỗi loại mặt hàng hoặc mỗi quốc gia nhỏ hơn 100.000 USD/năm, thì giá trị thực hiện hợp đồng xuất khẩu để xét hỗ trợ theo các nội dung Điểm a) hoặc Điểm b) Khoản này là tổng giá trị thực hiện các hợp đồng xuất khẩu của các loại mặt hàng mới hoặc các quốc gia mới;

3. Hỗ trợ tuyên truyền, quảng cáo:

a) Các đơn vị thực hiện quảng cáo hình ảnh, sản phẩm trên các ấn phẩm, các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các Website thương mại điện tử, xúc tiến thương mại có uy tín trong và ngoài nước phải trả phí thì được hỗ trợ 50% tổng chi phí thuê quảng cáo, đăng tải nhưng không quá 20 triệu đồng/đơn vị/năm;

b) Được ưu tiên đặt logo quảng cáo miễn phí; không hạn chế số lần, thời gian trên Trang tin, Cổng thông tin điện tử, Sàn giao dịch Thương mại điện tử của tỉnh;

c) Trang tin điện tử của đơn vị được liên kết miễn phí trên các trang thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành, địa phương;

d) Các đơn vị có nhu cầu xây dựng Website thông tin và sàn giao dịch thương mại điện tử riêng để giới thiệu, quảng bá, giao dịch được hỗ trợ xây dựng Website, mức hỗ trợ một lần bằng 50% tổng chi phí nhưng không quá 20 triệu đồng/đơn vị;

4. Hàng năm UBND tỉnh mở các lớp tập huấn miễn phí về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế; tư vấn xây dựng thương hiệu hàng hóa; tư vấn thủ tục hải quan; tổ chức cho một số doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động xuất khẩu đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước (do Ban chỉ đạo Đề án phát triển xuất khẩu của tỉnh chủ trì và hỗ trợ kinh phí thực hiện).

Điều 6. Hỗ trợ lãi suất đầu tư thực hiện dự án và thu mua dự trữ hàng hóa nguyên liệu phục vụ xuất khẩu

1. Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư thực hiện dự án sản xuất hàng xuất khẩu

Đơn vị thực hiện các dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thuộc danh mục mặt hàng khuyến khích xuất khẩu của tỉnh (đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng) chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, sau khi dự án đi vào hoạt động và có sản phẩm xuất khẩu thì được hỗ trợ lãi suất huy động vốn đầu tư thực hiện dự án mới với mức lãi suất tối đa bằng 7% tổng giá trị đầu tư/dự án, nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án (hỗ trợ một lần).

2. Hỗ trợ lãi suất thu mua dự trữ hàng hóa, nguyên liệu để chế biến xuất khẩu

Các đơn vị sản xuất và xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu trên các mặt hàng thuộc Danh mục các mặt hàng khuyến khích xuất khẩu của tỉnh nếu mua hàng hóa, nguyên liệu sản xuất kinh doanh dự trữ được hỗ trợ lãi suất bằng 1% tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu thực hiện trong năm, tính bằng VND theo tỷ giá quy đổi tại thời điểm xét hỗ trợ, nhưng không quá 500 triệu đồng/đơn vị/năm;

3. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hoặc phục vụ xuất khẩu được ưu tiên vay vốn của Quỹ hỗ trợ đầu tư Hà Tĩnh theo quy định hiện hành.

Điều 7. Hỗ trợ người lao động đi lao động ở nước ngoài

Người lao động là con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học, hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động bị thu hồi đất sản xuất được hỗ trợ một lần chi phí đào tạo, giáo dục định hướng và ngoại ngữ để đi lao động ở nước ngoài, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người;

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và Sở Tài chính xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đảm bảo lợi ích cho người lao động.

Điều 8. Các hỗ trợ khác

1. Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế

Các đơn vị đăng ký và được các tổ chức có thẩm quyền trong nước và ngoài nước đánh giá, cấp giấy chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến được hỗ trợ lần đầu 35 triệu đồng/đơn vị và được hỗ trợ 06 triệu đồng/đơn vị cho mỗi lần được các tổ chức có thẩm quyền trong và ngoài nước đánh giá, cấp lại giấy chứng nhận, nhưng tối đa không quá 3 lần.

2. Việc du nhập các công nghệ mới để tạo ra sản phẩm xuất khẩu hoặc nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu được cơ quan có thẩm quyền công nhận, được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án/đơn vị.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức phổ biến, hướng dẫn triển khai đến các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện;

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương liên quan ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Quy định này;

Hàng năm lập kế hoạch các nhiệm vụ và dự toán nhu cầu hỗ trợ kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển xuất khẩu; phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan để thống nhất lồng ghép các nguồn kinh phí thực hiện các chính sách theo Quy định này;

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan đề xuất, phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Quy chế này trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ dự toán của Sở Công Thương, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí và triển khai thực hiện chính sách theo quy định.

Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành.

3. Các Sở, ngành, địa phương: Kế hoạch - Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Liên minh HTX…; UBND huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện, lồng ghép bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện xuất khẩu hàng năm; kiểm tra, giám sát thực hiện và giải quyết kịp thời, đúng quy định những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nhằm mục đích đẩy mạnh xuất khẩu.

4. Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí có trách nhiệm thực hiện quy trình thủ tục, hồ sơ theo đúng văn bản hướng dẫn Quy định này. Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xuất khẩu tỉnh và các cơ quan liên quan quy định trong Quy định này.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Quy định này; phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan rà soát, tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện chính sách xuất khẩu, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Danh mục các mặt hàng khuyến khích xuất khẩu của tỉnh cho phù hợp với thực tế; định kỳ, đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Quy định này./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC MẶT HÀNG KHUYẾN KHÍCH XUẤT KHẨU CỦA TỈNH HÀ TĨNH
(Kèm theo Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)

STT

TÊN HÀNG

1

Hàng nông sản:

 

- Chè

- Lạc nhân

- Rau, củ, quả chế biến

- Thực phẩm chế biến

- Sắn (sắn lát, tinh bột sắn)

- Ngô, đậu

- Các loại gia súc, gia cầm chế biến

2

Thủy sản:

 

- Thủy sản chế biến đông lạnh

- Thủy sản khô

- Thủy sản chế biến, đóng hộp

3

Hàng may mặc, da giày các loại

4

Hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ

 

- Hàng thủ công mỹ nghệ

- Sản phẩm gỗ ván sàn; đồ gỗ gia dụng, trang trí nội ngoại thất

5

Các loại khoáng sản chế biến sâu

6

Hàng công nghiệp chế biến khác

 

- Bia, rượu, nước giải khát

- Mủ cao su và các sản phẩm từ mủ cao su

- Dược phẩm

- Lưới thép gai mạ kẽm

- Thiết bị điện tử, viễn thông, phần mềm

- Sản xuất, lắp ráp cơ khí

 





Quyết định 06/2008/QĐ-UBND hủy bỏ Quyết định 11/2005/QĐ-UB Ban hành: 12/02/2008 | Cập nhật: 06/07/2013