Quyết định 05/2009/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An
Số hiệu: | 05/2009/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Long An | Người ký: | Dương Quốc Xuân |
Ngày ban hành: | 19/01/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2008/QĐ-UBND |
Tân An, ngày 19 tháng 01 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 23/01/1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường;
Căn cứ Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13/3/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/CP ngày 23/01/1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường;
Căn cứ Thông tư số 09/2001/TT-BTM ngày 13/4/2001 của Bộ Thương mại hướng dẫn về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường ở địa phương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BCT-BNV ngày 28/5/2008 của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiện vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện;
Theo đề nghị tại tờ trình số 1068/TTr-SCT ngày 11/12/2008 của Sở Công Thương, và đề xuất tại văn bản số 17/SNV-TCCC ngày 09/01/2009 của Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Chi cục Quản lý thị trường trực thuộc Sở Công Thương, giúp Giám đốc Sở Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
2. Chi cục Quản lý thị trường có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và có các Đội Quản lý thị trường trực thuộc; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Sở Công Thương, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Cục Quản lý thị trường.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Kiểm tra việc tuân theo pháp luật các hoạt động thương mại, công nghiệp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thương mại. Đề xuất với Sở Công Thương và UBND tỉnh kế hoạch, biện pháp về tổ chức thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hoá theo pháp luật, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại cho các tổ chức và cá nhân hoạt động liên quan đến thương mại trên địa bàn tỉnh.
2. Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, chống sản xuất - buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác.
3. Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm qui định về thương nhân và hoạt động thương mại theo Luật Thương mại và các qui định khác của pháp luật như:
a) Kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
b) Hoạt động thương mại khi đã đình chỉ hoặc bị tước quyền.
c) Không có trụ sở hoặc cửa hàng, cửa hiệu thương mại; không có biển hiệu hoặc biển hiệu trái với nội dung được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
d) Đặt văn phòng đại diện, chi nhánh không có giấy phép hoặc văn phòng đại diện, chi nhánh hoạt động trái với nội dung được ghi trong giấy phép.
đ) Kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại mà pháp luật cấm kinh doanh.
e) Vi phạm về điều kiện kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo qui định của pháp luật.
g) Vi phạm các qui định của Nhà nước về thực hiện khung giá, mức giá, niêm yết giá hàng hóa, giá dịch vụ thương mại.
h) Không thông tin đầy đủ về tính năng và công dụng của hàng hóa, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
i) Vi phạm các qui định về ghi nhãn hàng hóa.
k) Vi phạm các qui định của nhà nước về khuyến mại, quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa, hội chợ, triển lãm thương mại.
l) Vi phạm các qui định về thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ trong mua- bán và lưu thông hàng hóa.
m) Các hành vi gian lận, lừa dối khách hàng trong mua-bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại.
n) Vi phạm các qui định của Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
o) Các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp.
p) Các hành vi khác vi phạm pháp luật về thương mại.
q) Các hành vi chống kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ.
4. Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường từng thời kỳ báo cáo Giám đốc Sở Công Thương quyết định; tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật thương mại, công nghiệp trên thị trường đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chi cục, các vụ việc do các Đội Quản lý thị trường chuyển lên, chịu trách nhiệm về các quyết định đó.
Đối với các vụ việc ngoài thẩm quyền thì Chi cục trưởng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Cục trưởng Cục Quản lý thị trường xử lý theo quy định.
5. Trực tiếp điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành quy chế công tác Quản lý thị trường của các Đội Quản lý thị trường và kiểm soát viên thị trường.
6. Tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến thương mại,công nghiệp; kiến nghị với UBND tỉnh các biện pháp đảm bảo việc thi hành pháp luật thương mại và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thị trường.
7. Làm chức năng thường trực giúp Giám đốc Sở Công Thương chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các ngành tỉnh và UBND các cấp ở địa phương về chống buôn lậu, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và các hoạt động kinh doanh trái phép khác diễn ra ở địa phương.
8. Tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các đơn thư khiếu nại, tố cáo về hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các Đội Quản lý thị trường và các hành vi vi phạm pháp luật của kiểm soát viên thị trường.
9. Tổng hợp tình hình thực thi pháp luật về thương mại trên thị trường và hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường tại địa phương và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định
10. Quản lý và thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức của Chi cục Quản lý thị trường theo sự phân cấp quản lý cán bộ; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm soát viên thị trường; quản lý tài chính, tài sản, ấn chỉ được giao theo qui định; xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết cho hoạt động của toàn Chi cục và quản lý quỹ để phục vụ công tác chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật của lực lượng quản lý thị trường.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh và Giám đốc Sở Công Thương giao theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường có Chi cục trưởng đồng thời là Phó Giám đốc Sở Công Thương và các Phó Chi cục trưởng giúp việc.
a) Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường là người đứng đầu Chi cục, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Công Thương và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục theo chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao.
b) Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường là người giúp Chi cục trưởng thực hiện một số mặt công tác do Chi cục trưởng phân công; chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và pháp luật về các nhiệm vụ được phân công; khi Chi cục trưởng vắng mặt, Phó Chi cục trưởng được Chi cục trưởng uỷ quyền điều hành các hoạt động của Chi cục.
c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Chi cục trưởng và Phó Chi cục trưởng theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.
2. Cơ cấu tổ chức của Chi cục Quản lý thị trường gồm:
a) Các Phòng tham mưu, có Trưởng phòng phụ trách và Phó trưởng phòng giúp việc:
- Phòng Tổ chức - Hành chính
- Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp.
Việc thành lập các Phòng tham mưu thực hiện theo phân cấp quản lý về tổ chức và cán bộ hiện hành, bảo đảm các yêu cầu nhiệm vụ công tác, quy mô tổ chức Quản lý thị trường được giao.
b) Các Đội Quản lý thị trường, có Đội trưởng phụ trách và Phó đội trưởng giúp việc:
- Đội Quản lý thị trường số 1: phụ trách kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại thuộc địa bàn 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ.
- Đội Quản lý thị trường số 2: phụ trách kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại thuộc địa bàn 3 huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng.
- Đội Quản lý thị trường số 3: phụ trách kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại thuộc địa bàn 2 huyện Châu Thành, Tân Trụ và thị xã Tân An.
- Đội Quản lý thị trường số 4: phụ trách kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại thuộc địa bàn 2 huyện Bến Lức, Thủ Thừa.
- Đội Quản lý thị trường số 5: phụ trách kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại thuộc địa bàn 2 huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa.
- Đội Quản lý thị trường số 6: phụ trách kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại thuộc địa bàn 2 huyện Cần Đước, Cần Giuộc.
- Đội Quản lý thị trường cơ động: phụ trách công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại với quy mô lớn trên địa bàn toàn tỉnh và tham gia các đoàn kiểm tra do UBND tỉnh quyết định thành lập.
Việc thành lập các Đội Quản lý thị trường theo nguyên tắc đảm bảo phạm vi quản lý nhà nước của Chi cục, do UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương.
Đội Quản lý thị trường có trụ sở làm việc, có con dấu, không phải là đơn vị dự toán nhưng được mở tài khoản giao dịch tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật.
c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động Đội trưởng, Phó đội trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và cán bộ, công chức của Chi cục Quản lý thị trường theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Chi cục trưởng quyết định.
3. Biên chế của Chi cục Quản lý thị trường là biên chế hành chính thuộc tổng biên chế hành chính của Sở Công Thương do UNND tỉnh giao.
Công chức Quản lý thị trường được hưởng lương theo ngạch công chức, các chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề; được trang bị đồng phục, phù hiệu, biển hiệu và cấp hiệu theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 4960/2005/QĐ-UBND ngày 21/12/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế làm việc của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An.
2. Chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm triển khai, quán triệt và chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quyết định này đến các Đội, Phòng trực thuộc.
3. Giám đốc Sở Công Thương ban hành quy chế làm việc, chế độ thông tin báo cáo; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Phòng trực thuộc Chi cục và chỉ đạo, quản lý, kiểm tra thực hiện các mặt công tác của Chi cục Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương và Giám đốc Sở Nội vụ.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, thủ trưởng các sở ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Thông tư liên tịch 07/2008/TTLT-BCT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện Ban hành: 28/05/2008 | Cập nhật: 30/05/2008
Nghị định 27/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/CP năm 1995 về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường Ban hành: 13/03/2008 | Cập nhật: 19/03/2008
Thông tư 09/2001/TT-BTM về việc tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng quản lý thị trường địa phương Ban hành: 13/04/2001 | Cập nhật: 16/12/2009