Nghị quyết 29/NQ-HĐND năm 2016 thông qua Đề án trồng, chăm sóc và bảo vệ cây phân tán trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2020
Số hiệu: 29/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Hoàng Văn Chất
Ngày ban hành: 14/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 14 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ CÂY PHÂN TÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 2241/QĐ-BNN ngày 03 tháng 8 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2006 - 2020;

Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 328/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2016; Báo cáo thẩm tra số 136/BC-KTNS ngày 10 tháng 12 năm 2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án trồng, chăm sóc và bảo vệ cây phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. UBND tỉnh xây dựng các chính sách cụ thể phù hợp với thực tế, trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; ban hành danh mục, tiêu chuẩn và đơn giá cây trồng; chỉ đạo các Sở, ngành xây dựng hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế; định kỳ hàng năm báo cáo tiến độ thực hiện với HĐND tỉnh theo quy định.

2. Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- VP Quốc Hội, VP Chính phủ, VP Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc, UBTCNS, UBKT của Quốc hội;
- Ủy ban dân tộc Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- TT. Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng H
ĐNĐ tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh;
- TT. Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn;
- Trung tâm Công báo, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Chất

 

ĐỀ ÁN

TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ CÂY PHÂN TÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2017 -2020
(Kèm theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2016 của HĐND tỉnh Sơn La)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 ; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ các Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị của chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2241/QĐ-BNN-LN ngày 03 tháng 8 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2006 - 2020;

Căn cứ các Nghị quyết số 117/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2014 về việc thông qua điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của HĐND tỉnh.

II. CƠ SỞ THỰC TIỄN

Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án trồng rừng, trồng cây phân tán theo kế hoạch và đạt được kết quả nhất định:

Bình quân hàng năm toàn tỉnh trồng được 200 nghìn đến 300 nghìn cây phân tán các loại; đã hình thành hệ thống cây xanh, cây bóng mát tạo môi trường cảnh quan và màu xanh tại các khu đô thị, cơ quan, trường học, doanh trại quân đội, đơn vị lực lượng vũ trang. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc về trồng cây gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt; tại nhiều địa phương cơ quan, đơn vị đã có nhiều mô hình hay, cách tổ chức sáng tạo trong công tác trồng cây phân tán như:

Mô hình trồng cây phân tán dọc tuyến quốc lộ 6 tại huyện Mộc Châu, mô hình hỗ trợ giống cây cho hộ trồng cây phân tán tại huyện Quỳnh Nhai, hoặc tại nhiều cơ quan, trường học hay nhiều hộ dân tại các khu đô thị đã tự tổ chức trồng chăm sóc quản lý bảo vệ cây trồng phân tán... Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần tạo môi trường cảnh quan màu xanh trên địa bàn tỉnh và nâng độ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2015 đạt 42,3%.

Tuy nhiên, công tác trồng cây, trồng rừng trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế; trồng rừng nói chung và trồng cây phân tán nói riêng chưa được đầu tư, quản lý một cách hiệu quả bền vững theo quy hoạch, kế hoạch; phong trào trồng cây phân tán còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được những hàng cây, dải rừng, khu rừng cảnh quan môi trường sinh thái, chưa gắn với phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế rừng; chưa có đánh giá tổng kết công tác trồng cây phân tán một cách đầy đủ có hệ thống từ trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ đến nghiệm thu, kiểm tra giám sát; chưa tạo được phong trào sâu rộng và tạo bước chuyển biến mới trong huy động toàn dân tham gia; thiếu các cơ chế về chính sách đất đai đối với từng đối tượng cụ thể, các quy định về cơ chế tài chính, cơ chế chuẩn bị vật tư, cây giống phân tán và chính sách hưởng lợi...

Để phát huy tốt những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại yếu kém và thực hiện có hiệu quả công tác trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020 việc xây dựng Đề án trồng, chăm sóc và bảo vệ cây phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 là thực sự cần thiết.

Phần II

THỰC TRẠNG TRỒNG CÂY PHÂN TÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ NĂM 2016

I. KẾT QUẢ TRỒNG CÂY PHÂN TÁN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ NĂM 2016

1. Tình hình trồng phát triển cây phân tán

1.1. Số lượng cây trồng

Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh giao chỉ tiêu trồng cây phân tán là 5,4 triệu cây, bình quân từ 1 đến 1,2 triệu cây/năm. Trong 5 năm toàn tỉnh đã phát động trồng được 1.225.316 cây phân tán các loại, bình quân mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh các huyện, thành phố đã phát động trồng được 245.060 cây phân tán các loại, trong đó:

Bắc Yên 17.027 cây, Mai Sơn 190.465 cây, Mộc Châu 116.000 cây, Mường La 30.829 cây, Phù Yên 43.483 cây, Quỳnh Nhai 47.841 cây, Sông Mã 46.904 cây, Sốp Cộp 90.559 cây, Thành phố 516.349 cây, Thuận Châu 37.946 cây, Vân Hồ 83.400 cây và Yên Châu 4.513 cây (số lượng cây do các trường học trồng). Riêng trong năm 2016, thực hiện Thông báo số 120-TB/TU ngày 30 tháng 11 năm 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh nhân dịp tết trồng cây hàng năm, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã trồng được 130.055 cây phân tán.

1.2. Vị trí, địa điểm đất đai trồng cây phân tán

Hầu hết các địa phương, cơ quan đơn vị chưa có quy hoạch xác định rõ địa điểm, đất đai dành riêng cho trồng cây phân tán gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các ngành, lĩnh vực tại địa phương (ngoài trừ các khu đô thị và các cơ quan, đơn vị, trường học được xây dựng mới có quy hoạch, thiết kế tổng thể công trình gắn với không gian cây xanh). Do đó việc trồng cây phân tán trong thời gian qua chưa theo quy hoạch, kế hoạch và chưa đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Về đất đai trồng cây phân tán trong thời gian qua sử dụng trên nhiều loại đất khác nhau chưa có quy định cụ thể như: Nhóm đất phi nông nghiệp (khuôn viên các cơ quan, đơn vị trường học, bệnh viện, trạm y tế, lực lượng vũ trang; đất hành lang các tuyến giao thông; đất các khu đô thị, các công trình công cộng.....); nhóm đất nông nghiệp (đất vườn nhà, đất trống đồi trọc quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp,....) gắn với nhiều chủ thể quản lý sử dụng như giao cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng.

1.3. Danh mục và cơ cấu cây trồng

Theo số liệu thống kê, danh mục cây trồng phân tán trên địa bàn tỉnh khá đa dạng và phong phú trong đó danh mục cây trồng lâm nghiệp (40 loài cây) và cây trồng tại các đô thị (76 loài), với các nhóm cây trồng chủ yếu sau:

- Nhóm cây bóng mát lục hóa gồm: Phượng vĩ, Bàng, Xà cừ, Bằng lăng, Bông gòn, Keo, Sao đen, Hoa sữa, Thông mã vĩ, Tếch, Keo, Bạch đàn, Nhội, Dâu da xoan,....

- Nhóm cây cảnh quan: Ngọc Lan, Tếch, Bàng, Ban, Cau vua, Osaca, Muồng Hoa vàng, Liễu, Móng bò tím, Bàng đài loan,...

- Nhóm cây cây ăn quả gồm: Sấu, Bơ, Cam, Nhãn, Xoài, Đào....

Qua thực tế một số cây trồng không phù hợp điều kiện lập địa, việc bố trí loài cây chưa phù hợp với địa điểm trồng theo chức năng (hành lang giao thông, trường học, khuôn viên các cơ quan, đơn vị...) nên cây trồng chưa phát huy được đặc tính ưu việt sẵn có về mặt cảnh quan, môi trường sinh thái và kết hợp việc cho khai thác, sử dụng quả...

1.4. Tiêu chuẩn chất lượng cây trồng

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có tiêu chuẩn, đơn giá giống cây trồng rừng áp dụng đối với các chương trình, dự án trồng rừng (với 53 loài cây dưới 6 tháng tuổi và 24 loài cây trên 18 tháng tuổi). Đối với cây phân tán chưa có quy định riêng do đó nhiều địa phương sử dụng tiêu chuẩn, đơn giá cây trồng rừng áp dụng đối với việc trồng, phát triển cây phân tán (chủ yếu giống cây trồng từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi được gieo ươm tại vườn ươm giống cây trồng rừng tại các huyện, thành phố).

- Hầu hết về tiêu chuẩn chất lượng cây giống trước khi trồng hiện chưa được kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt đối với các loài cây mới được đưa về trồng tại địa phương.

1.5. Nguồn và cung cấp cây trồng

- Về nguồn giống cây trồng phân tán khá đa dạng phong phú, gồm: nguồn giống gieo ươm tại địa phương (chủ yếu giống cây trồng từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi được gieo ươm tại vườn ươm giống cây trồng rừng tại các huyện, thành phố); nguồn giống cây trồng được các địa phương, cơ quan, đơn vị hợp đồng với các đơn vị cung ứng ngoài tỉnh (cây trồng trên 2 năm tuổi).

- Hiện nay, do thiếu các quy định và cơ chế, chính sách nên nguồn cung cấp giống trồng cây phân tán trên địa bàn thường rất bị động, nhiều địa phương, đơn vị phải nhập từ ngoài các tỉnh (chi phí giá thành cây rất cao). Với đặc thù giống cây trồng phân tán có thời gian gieo ươm từ 2 đến 5 năm cây giống mới đạt tiêu chuẩn xuất trồng.

2. Tình hình sinh trưởng, phát triển và cơ chế chăm sóc, quản lý bảo vệ và hưởng lợi từ cây trồng phân tán

2.1. Tình hình sinh trưởng, phát triển cây trồng phân tán

Thực tế việc trồng, phát triển cây phân tán trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cho thấy nhiều loài cây được các địa phương, cơ quan đơn vị đưa vào trồng đến nay cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, phát huy giá trị kinh tế - môi trường sinh thái, được nhân dân phát triển mạnh, đặc biệt các loài cây đa tác dụng như: Sấu, Trám, Bơ,….

Bên cạnh đó thực tế cũng cho thấy nhiều loài cây được các cơ quan đơn vị và nhân dân đưa vào trồng chưa phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương, cây trồng sinh trưởng phát triển kém hoặc nhiều loài cây không đáp ứng yêu cầu về giá trị cảnh quan môi trường sinh thái.

2.2. Cơ chế chăm sóc, quản lý bảo vệ và hưởng lợi từ cây trồng phân tán

Cây trồng phân tán được gây trồng trên nhiều nhóm đất thuộc các chủ quản lý sử dụng đất khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh mới có Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La (Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2012 của UBND tỉnh), trong đó quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố; các tổ dân phố, tiểu khu, tổ bản và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao chăm sóc, quản lý bảo vệ cây xanh đô thị.

Còn lại đối với cây trồng phân tán ngoài các khu đô thị hiện chưa có các quy định về chăm sóc, quản lý bảo vệ và hưởng lợi từ cây trồng phân tán, đặc biệt là sau khi trồng cây chưa lập hồ sơ bàn giao xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm chăm sóc quản lý bảo vệ và hưởng lợi cho các chủ quản lý cụ thể dẫn đến tình trạng: Nhận thức của một số người dân và cộng đồng chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, lợi ích của công tác trồng cây, trồng rừng nhất là ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao; công tác chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng còn nhiều bất cập do tình trạng thả dông gia súc và một số người thiếu ý thức bảo vệ dẫn đến cây không được chăm sóc bảo vệ, tỷ lệ cây sống sau khi trồng đạt ở mức thấp, do đó cần có các quy định, cơ chế quản lý phù hợp đối với từng loại đất, từng chủ thể quản lý để nâng cao hiệu quả công tác trồng cây phân tán.

3. Bố trí nguồn kinh phí cho trồng cây phân tán

3.1. Kinh phí thực hiện trồng cây phân tán

Tổng kinh phí thực hiện trồng cây phân tán giai đoạn 2011 - 2015 là: 10.631.945.500 đồng, trong đó:

- Nguồn ngân sách tỉnh: 52.400.000 đồng (chiếm 0,49%).

- Nguồn sự nghiệp kinh tế huyện: 7.324.718.000 đồng (chiếm 68,89%).

- Nguồn Chương trình 30a: 226.590.000 đồng (chiếm 2,13%).

- Nguồn kinh phí tự chủ của các cơ quan, đơn vị: 787.988.000 đồng (chiếm 7,41%).

- Nguồn huy động từ các doanh nghiệp, cá nhân và xã hội hóa: 1.729.739.500 đồng (chiếm 16,27%).

- Nguồn vốn khác: 510.510.000 đồng (chiếm 4,81%).

3.2. Cơ chế quản lý, cấp phát thanh toán kinh phí trồng cây phân tán

Hiện nay các quy định về quản lý, cấp phát thanh toán kinh phí trồng rừng nói chung được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với cơ chế quản lý, cấp phát thanh toán kinh phí trồng cây phân tán từ sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế cấp tỉnh, huyện và nguồn Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ phát triển rừng hiện chưa có quy định cụ thể.

II. TỒN TẠI HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Tồn tại, hạn chế

- Công tác trồng rừng nói chung và trồng, phát triển cây phân tán nói riêng trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư, quản lý một cách hiệu quả bền vững theo quy hoạch, kế hoạch;

- Phong trào trồng cây phân tán còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được những hàng cây, dải rừng, khu rừng cảnh quan môi trường sinh thái mang đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh, chưa gắn với phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế rừng;

- Thiếu đánh giá tổng kết công tác trồng cây phân tán một cách đầy đủ có hệ thống từ trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ đến nghiệm thu, kiểm tra giám sát;

- Chưa tạo được phong trào sâu rộng và tạo bước chuyển biến mới trong huy động toàn dân tham gia; cây sau khi trồng thiếu chủ thể quản lý, không rõ trách nhiệm dẫn tới hiệu quả chưa cao, tỷ lệ cây sống thấp.

2. Nguyên nhân

- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị các cấp chưa thực sự quyết liệt vào cuộc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng nói chung và công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện trồng cây phân tán nói riêng; chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Một số nơi trong tổ chức triển khai thực hiện công tác trng cây phân tán vẫn còn mang nặng tính hình thức, phong trào, chưa có sự thay đổi về phương thức, cách thức tổ chức thực hiện có hiệu quả, bền vững đó.

- Chưa xây dựng và ban hành Đề án triển khai trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn đến năm 2020 nên một số mục tiêu, nhiệm vụ và cơ chế chính sách được định hướng tại Quyết định số 2241/QĐ-BNN-LN ngày 03 tháng 8 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được triển khai thực hiện có hiệu quả.

- Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chưa kịp thời ban hành được các quy định và cơ chế chính sách hỗ trợ phong trào trồng cây phân tán phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, như:

+ Các cơ chế, chính sách về đất đai; về giao chăm sóc quản lý bảo vệ và hưởng lợi từ trồng cây phân tán;

+ Các quy định về danh mục, tiêu chuẩn đơn giá cây trồng và các quy định về sản xuất cung ứng cây giống, nghiệm thu quản lý tiêu chuẩn chất lượng cây giống trước khi xuất trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Cơ chế tài chính hiện chưa có quy định cụ thể để bố trí ổn định cho việc hỗ trợ trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh gắn với việc lựa chọn tiêu chuẩn cây trồng.

- Công tác tuyên truyền, vận động đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn kinh phí đóng góp từ các tổ chức, công ty, doanh nghiệp và nguồn lực nhân dân trong việc tổ chức thực hiện chương trình trồng cây phân tán còn hạn chế.

- Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương trồng cây phân tán tại địa phương, cơ quan, đơn vị của cấp ủy, chính quyền các cấp chưa được thường xuyên, liên tục. Sự phối kết hợp giữa các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác chỉ đạo trồng cây phân tán chưa thực sự chặt chẽ.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ CÂY PHÂN TÁN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Tạo thành phong trào sâu rộng, thường xuyên, nét đẹp văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc của tỉnh; việc tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; đẩy mạnh xã hội hóa để từng bước giảm dần việc sử dụng kinh phí nhà nước trong tổ chức trồng cây phân tán. Gắn việc tổ chức phát động và trồng cây phân tán nhân dịp Tết trồng cây và Ngày sinh của Bác 19 tháng 5 hàng năm với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị các cấp và huy động sự tham gia vào cuộc của các đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tổ chức thực hiện.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng được những hàng cây (loại cây), dải rừng, khu rừng cảnh quan môi trường sinh thái mang đậm bản sắc nhân dân các dân tộc Sơn La trong khu vực đô thị, trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, trạm y tế, dọc các tuyến đường giao thông, các điểm du lịch, đầu các nguồn nước gắn với phát triển du lịch. Giai đoạn 2017 - 2020, tập trung trồng mới 671.300 cây phân tán các loại, trung bình 167.825 cây/năm.

- Đẩy mạnh tổ chức trồng cây phân tán là cây đa mục tiêu, cây ăn quả để tăng cường đảm bảo môi trường sinh thái, tạo nguồn thu nhập, cung cấp gỗ gia dụng trong cộng đồng. 100% cây trồng đảm bảo về cơ cấu, loài cây và được kiểm soát về tiêu chuẩn, chất lượng trước khi trồng.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và tổ chức nghiêm túc kế hoạch trồng cây phân tán hàng năm.

- 100% cây phân tán sau khi trồng được bàn giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, quản lý bảo vệ và hưởng hưởng lợi từ cây được giao quản lý.

- Phấn đấu đến năm 2020 thành phố Sơn La cơ bản đạt tiêu chuẩn cây xanh đô thị loại II. Có khoảng 50% thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn cây xanh đô thị theo quy định.

2. Nhiệm vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ cân phân tán đến năm 2020

2.1. Trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phân tán dọc hành lang các tuyến giao thông (quốc lộ, đường tỉnh, đường liên xã, đường nội tổ bản): 225.000 cây/891 km (bình quân trồng 253 cây/1km). Trong đó:

- Trồng cây dọc đường quốc lộ, tỉnh lộ: 76.924 cây/304,6 km.

- Trồng cây dọc đường huyện, đường liên xã, đường nội tổ bản: 148.076 cây/586,4 km.

2.2. Trồng, chăm sóc và bảo vệ cây phân tán tại khuôn viên các trường học: 75.000 cây/gần 400 điểm trường, bình quân trồng 190 cây/01 điểm trường.

2.3. Tập trung chỉ đạo trồng cây phân tán tại khuôn viên các đơn vị, doanh trại quân đội, công an, các điểm di tích lịch sử và các điểm du lịch: 371.300 cây, trong đó:

- Khuôn viên cơ quan đơn vị: 320.940 cây/824 cơ quan đơn vị.

- Các điểm di tích lịch sử và các điểm du lịch: 50.360 cây/50 điểm di tích lịch sử, điểm du lịch.

2.4. Trồng cây phân tán tại các khu đô thị thành phố Sơn La và thị trấn tại các huyện đến năm 2020 thực hiện theo quy hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm:

- Trồng mới cây xanh đô thị tại khu vực quy hoạch quảng trường Tây Bắc; khuôn viên trung tâm thương mại thành phố Sơn La; trồng cây xanh thuộc dự án kè suối Nậm La thành phố Sơn La và một số khuôn viên thuộc các thị trấn trên địa bàn.

- Tu bổ cải tạo trồng lại cây xanh tại một số tuyến đường trục chính trung tâm tạo điểm nhấn cho thành phố Sơn La (đô thị trung tâm) vùng Tây Bắc.

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện đề án giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến là 229.168,3 triệu đồng. Trong đó:

1. Dự toán kinh phí phân theo địa điểm trồng

- Trồng cây tại các tuyến hành lanh giao thông: 76.818,5 triệu đồng, chiếm 34% (trong đó: Hỗ trợ cây trồng từ ngân sách tỉnh là 22.500 triệu đồng; nguồn huy động đóng góp bằng công lao động trồng, chăm sóc bảo vệ của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng là 53.318,5 triệu đồng);

- Trồng cây tại khuôn viên các trường học: 25.603,5 triệu đồng, chiếm 11% (trong đó: Hỗ trợ cây trồng từ ngân sách tỉnh là 7.500 triệu đồng; nguồn huy động đóng góp bằng công lao động trồng, chăm sóc bảo vệ từ các trường học là 18.103,5 triệu đồng);

- Trồng cây tại khuôn viên các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, bệnh viện, trạm y tế: 109.562,497 triệu đồng, chiếm 48%

- Trồng cây tại các điểm di tích lịch sử, khu đô thị: 17.069 triệu đồng, chiếm 7%).

2. Dự toán kinh phí phân theo nguồn vốn

a) Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ là: 30.000 triệu đồng (chiếm 13 %). Trong đó: Hỗ trợ cây giống trồng tại các tuyến hành lanh giao thông: 22.500 triệu đồng; Hỗ trợ cây giống trồng tại khuôn viên các trường học: 7.500 triệu đồng.

b) Nguồn huy động từ xã hội hóa: 199.168,394 triệu đồng (chiếm 87 %), trong đó: Nguồn kinh phí tự huy động từ các nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp là 37.130 triệu đồng; Huy động công trồng và chăm sóc, bảo vệ là 162.838,394 triệu đồng.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị xã hội, sức mạnh đoàn kết trong nhân dân tại cơ sở xã, bản. Tăng cường cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương trồng cây phân tán tại địa phương.

- Quán triệt thực hiện chủ trương trồng cây phân tán việc tổ chức trồng cây phân tán phải theo kế hoạch, công tác chăm sóc, bảo vệ sau tổ chức trồng cây phải đặc biệt được quan tâm và gắn trách nhiệm cụ thể của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân.

2. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân

- Đẩy mạnh tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tích cực tham gia phong trào trồng cây phân tán nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, tác dụng của trồng cây phân tán gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị; chương trình xây dựng nông thôn gắn với phát triển kinh tế - xã hội và chương trình bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Tổ chức tuyên truyền về chủ trương, kế hoạch, phát hiện, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến về phong trào trồng cây phân tán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác tổ chức phát động và trồng cây phân tán hàng năm tạo thành phong trào sâu rộng, thường xuyên, trở thành nét đẹp văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc.

3. Rà soát quy hoạch xác định địa điểm ưu tiên trồng cây phân tán

- Tổ chức rà soát, bố trí quy hoạch địa điểm và số lượng cây trồng phân tán hàng năm (năm 2017 và các năm tiếp theo). Địa điểm bố trí trồng cây phân tán tập trung tại các điểm theo chủ trương chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 120-TB/TU ngày 30 tháng 11 năm 2015, đó là: Hành lang trục lộ các tuyến giao thông (quốc lộ, đường tỉnh, đường liên xã, đường nội tổ bản); khuôn viên cơ quan, đơn vị, doanh trại quân đội, công an, trường học và các điểm di tích lịch sử, các điểm du lịch;

- Tăng cường công tác quản lý trồng phát triển cây xanh tại các khu đô thị theo các quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị. Phát triển cây xanh đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch, cây trồng đảm bảo đúng danh mục cơ cấu cây trồng được tỉnh ban hành và có sự kiểm soát của cơ quan Lâm nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân;

- Tổ chức rà soát xác định rõ những tuyến đường đủ điều kiện và đúng quy định để trồng cây hành lang ven các trục đường giao thông; xác định rõ khuôn viên, khu đô thị, xây dựng kế hoạch và lựa chọn loại cây trồng phù hợp theo từng địa bàn;

- Nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình dân dụng và xây dựng các tuyến đường giao thông cần bố trí quy hoạch không gian cây xanh.

4. Rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển trồng cây phân tán

Trong đó, tập trung vào cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng tại hành lang các tuyến giao thông và khuôn viên các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; cơ chế chính sách về hưởng lợi các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, hưởng lợi từ cây trồng phân tán đối với từng chủ quản lý cụ thể để khuyến khích nhân dân tham gia trồng cây phân tán.

5. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng phân tán

- Tập trung chỉ đạo ban hành danh mục cây trồng phân tán trên địa bàn tỉnh (trong đó có danh mục loài cây cho từng địa bàn cụ thể), theo hướng ưu tiên lựa chọn các loài cây trồng đa mục tiêu vừa tạo bóng mát kết hợp với cho quả, lâm sản phụ, cây ăn quả gắn với chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc.

- Ban hành tiêu chuẩn, đơn giá giống cây trồng phân tán áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh và làm cơ sở đặt hàng với các đơn vị sản xuất giống cây trồng trên địa bàn tỉnh gieo ươm giống cây trồng hàng năm.

- Tăng cường công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất giống cây trồng phân tán. Ưu tiên sử dụng giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong lựa chọn giống cây trồng phân tán, đặc biệt đối với các loài cây cho lâm sản phụ, cây cho quả để nhân dân có nguồn hưởng lợi từ trồng cây phân tán.

6. Tăng cường công tác quản lý trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phân tán

- Rà soát, điều chỉnh bổ sung ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phân tán cho phù hợp với từng địa điểm và địa bàn cụ thể, trong đó đặc biệt hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao quản lý cây sau khi trồng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để cây trồng thực sự có chủ quản lý cụ thể; các khu du lịch, các di tích lịch sử văn hóa.

- Ban hành văn bản hướng dẫn xác định địa điểm trồng cây phân tán dọc các tuyến giao thông; các khu đô thị, khuôn viên các cơ quan, đơn vị; khuôn viên của trường học, bệnh viện và các trạm y tế để đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện chủ trương trồng cây phân tán theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 120-TB/TU ngày 30 tháng 11 năm 2015;

- Tăng cường công tác quản lý cây sau khi trồng thông qua công tác lập hồ sơ quản lý, bàn giao cây trồng phân tán cho các chủ quản lý và nghiệm thu chất lượng cây trồng phân tán hàng năm của cơ quan có thẩm quyền./.

 





Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị Ban hành: 11/06/2010 | Cập nhật: 15/06/2010