Kế hoạch 3349/KH-UBND năm 2016 phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020
Số hiệu: 3349/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Nguyễn Hữu Lập
Ngày ban hành: 29/06/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3349/KH-UBND

Bến Tre, ngày 29 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp; Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công Thương về việc quy định một số nội dung của Quy chế quản lý cụm công nghiệp; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2015 của UBND tỉnh Bến Tre về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến 2020; Quyết định số 932/QĐ-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2016 của UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020,

Để cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ X của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh với những nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

- Nhằm đề xuất phương án khả thi về đầu tư, sử dụng đất có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh sớm đi vào hoạt động, góp phần thu ngân sách, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh;

- Phát triển các CCN trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các lợi thế về tài nguyên, lao động của địa phương, gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển công nghiệp hợp lý, phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư và ưu tiên phát triển các CCN đã thành lập.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Tình hình các cụm công nghiệp (CCN)

Đã thực hiện rà soát và điều chỉnh Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 sẽ phát triển 11 CCN với diện tích 358,3 ha. Hiện tại, có 05 CCN đã được thành lập, tổng diện tích 128,271ha, có 04 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 109,271ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 79,466ha, đã cho thuê 26,3ha, tỷ lệ lấp đầy chiếm 33% diện tích đất công nghiệp. Các CCN còn lại đang thực hiện các thủ tục để thành lập và quy hoạch chi tiết.

Danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre (theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2015):

STT

Tên huyện

Tên CCN

Diện tích (ha)

Ghi chú

1

Bình Đại

CCN Bình Thới

17,4

Đã thành lập và có QH chi tiết

2

Ba Tri

CCN Thị trấn - An Đức

35,6

Đã thành lập và có QH chi tiết

CCN An Hòa Tây

50

Đang xin thành lập CCN

3

Giồng Trôm

CCN Phong Nẫm

40,3

Đã thành lập và có QH chi tiết

4

Thạnh Phú

CCN Cảng An Nhơn

17

Đang xin thành lập CCN

CCN Thị trấn Thạnh Phú

10

 

5

Chợ Lách

CCN Sơn Quy

20

 

6

Mỏ Cày Nam

CCN An Thạnh

35

Đã rút khỏi quy hoạch và bổ sung CCN Thành Thới B

7

Mỏ Cày Bắc

CCN Khánh Thạnh Tân

50

 

CCN Tân Thành Bình

33

 

8

Thành phố Bến Tre

CCN Phú Hưng

50

Đã thành lập và có QH chi tiết. Đang xin điều chỉnh vị trí

Tổng cộng

358,3

 

2. Việc huy động các nguồn lực đầu tư vào cụm công nghiệp

Đến nay, tổng vốn đầu tư cho các CCN: 1.078,534 tỷ đồng. Trong đó:

+ Vốn ngân sách nhà nước: 154,2 tỷ đồng (đầu tư hạ tầng CCN và đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ CCN);

+ Vốn huy động từ doanh nghiệp: 924,334 tỷ đồng (để bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng nhà xưởng).

Do quy mô các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhỏ rất khó kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng nên hầu hết các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh. Hình thức đầu tư chủ yếu của các cụm công nghiệp hiện nay là vận động nhà đầu tư ứng vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng sau đó nhà nước trừ dần vào tiền thuê đất hàng năm, nhà đầu tư tự san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng trong khu vực đúng quy định.

3. Đánh giá chung

Đến nay, việc triển khai thực hiện quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh rất chậm. Cụ thể:

+ Đã thành lập được 05 CCN (theo danh mục quy hoạch phát triển các CCN đến năm 2020 của tỉnh Bến Tre đã được công bố, đến năm 2015 tiến hành quy hoạch chi tiết, thành lập và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư hạ tầng 07 CCN, tổng diện tích khoảng 131,9 ha);

+ Bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 20% chi phí giải toả, đền bù, hỗ trợ xây dựng hạ tầng và lập quy hoạch chi tiết đến nay chỉ cân đối phân bổ cho CCN Thị trấn - An Đức, Phú Hưng và Phong Nẫm;

+ Mặc dù đã cố gắng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đưa thông tin trên các website để xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa huy động được nguồn lực hay kêu gọi được nhà đầu tư nào để đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào CCN;

Việc triển khai thực hiện quy hoạch chậm là do:

+ Thực hiện Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, CCN. Theo đó, sẽ tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập và mở rộng cụm công nghiệp trên địa bàn cho đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành rà soát quy hoạch, thành lập và hoạt động của các CCN trên địa bàn;

+ Địa phương (huyện) chưa chủ động triển khai thực hiện do không có vốn để lập các quy hoạch chi tiết, báo cáo đầu tư, dự án đầu tư… đảm bảo các thủ tục cần thiết theo đúng quy định để thực hiện xin thành lập CCN và thực hiện các bước tiếp theo;

+ Không có vốn đền bù giải phóng mặt bằng toàn bộ để tạo quỹ đất sạch, hiện tại chỉ tiến hành thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu là có doanh nghiệp cần đầu tư thì thỏa thuận tạm ứng vốn trước để đền bù trong phần diện tích được thuê; do đó một số cụm hình thành đã có cơ sở sản xuất tập trung như các làng nghề nhưng trong đó có các gia đình sinh hoạt đan xen sản xuất, nên việc giải toả cũng gặp rất nhiều khó khăn sau này do giá đền bù tăng theo thời gian. Bên cạnh đó, các CCN trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục cần thiết để xin hỗ trợ vốn Trung ương;

+ Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư thiếu chuyên nghiệp và nền địa chất yếu, chi phí giải phóng đền bù, xây dựng hạ tầng cao hơn so với khu vực khác dẫn đến giá thành khá cao. Ngoài ra, do khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu tác động lớn đến sản xuất và tiêu thụ trong và ngoài nước.

III. PHƯƠNG HƯỚNG GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Công tác rà soát điều chỉnh các CCN:

Tiếp tục thực hiện rà soát quy hoạch để điều chỉnh, phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với nội dung Chỉ thị số 07/CT-TTg , ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Theo đó, các cụm công nghiệp cần điều chỉnh gồm:

- CCN An Thạnh: Đã được Bộ Công Thương chấp thuận rút khỏi quy hoạch và bổ sung CCN Thành Thới B vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 phục vụ nhu cầu đầu tư của Công ty Cổ phần xi măng FICO Tây Ninh;

- CCN Phú Hưng: Đang xem xét thay đổi vị trí CCN để đảm bảo tính khả thi về thu hút đầu tư và hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước. Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre và các ngành đang rà soát để đề xuất vị trí cụ thể.

- CCN Tân Thành Bình: UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư đến làm việc với lãnh đạo công ty, qua đó lãnh đạo công ty thông báo tạm thời sẽ chưa triển khai xây dựng CCN do công ty chưa tìm được đối tác phối hợp, nhu cầu sản xuất của công ty đáp ứng đủ các đơn hàng và đang hoàn chỉnh hệ thống nhà xưởng giai đoạn 2 các vệ tinh của công ty. Vì vậy, Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn UBND huyện báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét rút lại hợp đồng ghi nhớ với Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến để kêu gọi nhà đầu tư khác.

- CCN Sơn Quy: Đề xuất giữ lại CCN trong quy hoạch để tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

2. Về thành lập CCN

Tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ thành lập mới 05 CCN: CCN Thành Thới B (thay thế CCN An Thạnh), CCN Cảng An Nhơn, CCN Tân Thành Bình, CCN An Hòa Tây và CCN Khánh Thạnh Tân để kêu gọi đầu tư thứ cấp.

STT

Tên huyện

Tên CCN

Diện tích (ha)

1

Ba Tri

CCN An Hòa Tây

50

2

Thạnh Phú

CCN Cảng An Nhơn

17

3

Mỏ Cày Nam

CCN Thành Thới B

35

4

Mỏ Cày Bắc

CCN Tân Thành Bình

33

CCN Khánh Thạnh Tân

50

Tổng cộng

185

3. Chính sách hỗ trợ CCN

Hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để xin hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN cho 05 CCN chuẩn bị thành lập: CCN Thành Thới B, CCN Cảng An Nhơn, CCN Tân Thành Bình, CCN An Hòa Tây và CCN Khánh Thạnh Tân. Cụ thể:

- Chi hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết CCN. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 500 triệu đồng/CCN;

- Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, bao gồm: San lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước tại các CCN. Mức hỗ trợ không quá 3.000 triệu đồng/CCN.

Do đó, mức hỗ trợ cho các CCN tạm tính như sau:

 ĐVT: Triệu đồng

STT

Tên CCN

Hỗ trợ lập QH chi tiết

Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

1

CCN An Hòa Tây

500

3.000

2

CCN Cảng An Nhơn

500

3.000

3

CCN Thành Thới B

500

3.000

4

CCN Tân Thành Bình

500

3.000

CCN Khánh Thạnh Tân

500

3.000

Tổng cộng

2.500

15.000

4. Đầu tư phát triển các CCN

Tập trung kêu gọi đầu tư thứ cấp, lấp đầy diện tích CCN Phong Nẫm (Giồng Trôm), nếu đủ điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích CCN lên đến 70ha; CCN Thị trấn - An Đức (Ba Tri). Và cần quan tâm cân đối vốn hàng năm để hỗ trợ đầu tư phát triển 02 CCN này.

5. Giải pháp thực hiện

5.1. Giải pháp về vốn

- Đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN: Vốn hỗ trợ của Trung ương (Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương), chủ động bố trí một phần vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách các huyện, thành phố và vận động vốn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến tranh thủ vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 05 CCN chuẩn bị thành lập: CCN Thành Thới B, CCN Cảng An Nhơn, CCN Tân Thành Bình, CCN An Hòa Tây và CCN Khánh Thạnh Tân khoảng 17,5 tỷ đồng;

- Chính sách hỗ trợ: Hàng năm xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách đủ để thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các chủ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các CCN, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng theo tiến độ của dự án.

5.2. Giải pháp về thu hút đầu tư

- Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và các ngành có liên quan tiếp tục vận động, mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở hạ tầng các CCN để thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư thông qua các trang web của tỉnh, các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh kể cả ngoài nước;

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đồng thời tiếp tục cập nhật chính sách mới của Trung ương để rà soát, điều chỉnh, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, nhất là chính sách đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, CCN một cách tốt nhất, phù hợp với pháp luật và khả năng của địa phương để có thể huy động được các nguồn vốn ngoài nhà nước vào phát triển các CCN;

 - Các thủ tục hành chính sau đăng ký, chứng nhận đầu tư cần được hoàn thiện theo hướng đơn giản, công khai minh bạch, tăng cường tính phục vụ, hỗ trợ và giảm phiền hà, rút ngắn được thời gian cho doanh nghiệp bao gồm các thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xây dựng,…;

- Hỗ trợ nhà đầu tư sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm: Giải quyết thủ tục giao nhận mặt bằng, giấy phép xây dựng, ưu đãi đầu tư, công tác tuyển dụng lao động, thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị nguyên vật liệu, các thủ tục hải quan,... Hỗ trợ tiếp cận các tổ chức tín dụng, các thông tin kinh tế xã hội liên quan... nhằm tạo niềm tin để thu hút thêm những nhà đầu tư mới, cũng như củng cố niềm tin của nhà đầu tư hiện hữu;

- Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ ngoài hàng rào, nhằm tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

5.3. Về giải phóng mặt bằng và tái định cư

- Toàn bộ công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB thuộc địa phương nào thì UBND huyện, thành phố nơi đó chịu trách nhiệm thực hiện trên cơ sở chính sách, quy định chung của nhà nước và của tỉnh; đảm bảo nhanh, gọn, ổn định kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, phải có cơ chế, chính sách riêng về việc bố trí đất ở cho các hộ phải tái định cư, các hộ bị thu hồi đất với tỷ lệ lớn;

- Thực hiện đồng bộ và nhất quán cơ chế Nhà nước đứng ra thu hồi đất theo đúng các quy định của pháp luật để thành lập các CCN, sau đó giao lại đất sạch cho đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng đầu tư, quản lý, khai thác;

- Công khai hóa dự án, phương án tổng thể xây dựng CCN và phương án bồi thường, hỗ trợ, giải quyết hài hòa quyền lợi của người bị thu hồi đất. Đảm bảo được sự đồng bộ về cơ chế, chính sách sát với thực tiễn;

- Xây dựng hoàn thiện và áp dụng ổn định trong một thời gian dài bảng giá đất và cơ chế chính sách về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất trong CCN, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng có điều kiện hạ giá thành cho thuê lại đất và hạ tầng trong CCN.

5.4. Giải pháp bảo vệ môi trường

- Ưu tiên các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng;

- Xây dựng hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải tập trung cho toàn cụm một cách hợp lý đảm bảo sử dụng tiết kiệm và tăng cường khả năng tái sử dụng nước. Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng Luật Môi trường;

- Xây dựng và ban hành quy chế bảo vệ môi trường đối với các hoạt động của CCN. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến áp dụng công nghệ xử lý môi trường trong sản xuất.

5.5. Giải pháp về đào tạo, sử dụng lao động trong CCN

- Khuyến khích các tổ chức, đơn vị đào tạo nghề mở các lớp đào tạo nghề để trực tiếp đào tạo nghề cho những lao động nông nghiệp có đất được chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp CCN và tạo điều kiện ổn định đời sống, việc làm cho người dân địa phương;

- Liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong CCN với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp về ngành nghề, số lượng, chất lượng;

- Tăng cường công tác dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực nhằm khơi thông thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận được với nhau khi có nhu cầu.

5.6. Giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn sớm lập hồ sơ xin thành lập và hoàn thiện bộ máy Trung tâm phát triển cụm công nghiệp tại địa phương theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thường xuyên tiến hành khảo sát thực tế để nắm tình hình quản lý, triển khai hoạt động của các CCN trên địa bàn các huyện, thành phố làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh cho phép tiếp tục, thay đổi vị trí phù hợp hoặc tạm ngừng triển khai đối với các CCN không có tính khả thi cao.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố, tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này; thẩm định hồ sơ thành lập, mở rộng, bổ sung CCN và thành lập trung tâm phát triển CCN trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng CCN và các dự án đầu tư xây dựng công trình trong CCN theo thẩm quyền; tranh thủ sự hướng dẫn và hỗ trợ của Trung ương để tìm thêm nguồn vốn cho phát triển CCN; đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách quy định liên quan đến phát triển CCN.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng và cân đối nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng CCN.

3. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các CCN.

4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, phân bổ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các CCN. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh, các huyện, thành phố xác định giá cho thuê đất, phí hạ tầng.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố: Tổ chức quản lý, hướng dẫn và tổ chức giám sát công tác bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thẩm định giá đất, thực hiện việc bồi thường khi thu hồi đất, thu tiền sử dụng đất, giao đất và quyết định giá cho thuê đất đối với các doanh nghiệp và chủ đầu tư xây dựng trong CCN.

6. Sở Xây dựng: Phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định đồ án quy hoạch các CCN theo thẩm quyền phân cấp, cung cấp thông tin quy hoạch về CCN khi có yêu cầu.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với các ngành lập kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động và hỗ trợ cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong các CCN; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong CCN.

8. Sở Giao thông vận tải: Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh hạ tầng CCN thực hiện đấu nối với các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, cấp phép đấu nối với các tuyến đường do Sở quản lý.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Phối hợp các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này. Chỉ đạo Phòng chuyên môn trong việc thực hiện chức năng cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về CCN; lập hồ sơ thành lập, mở rộng, bổ sung quy hoạch CCN, thành lập Trung tâm phát triển CCN trên địa bàn; lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng và tổ chức triển khai đầu tư xây dựng các CCN sau khi được phê duyệt; hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư... để nhanh chóng triển khai thực hiện xây dựng CCN. Hàng năm, cân đối từ nguồn ngân sách của địa phương để đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào CCN nhằm thu hút đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh trong các CCN.

Hàng năm các sở, ngành, các huyện, thành phố báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Sở Công Thương có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, các huyện, thành phố trong việc thực hiện Kế hoạch này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Lập

 





Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt dự toán công trình Ban hành: 06/05/2016 | Cập nhật: 18/05/2016