Quyết định 630/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 huyện Lạng Giang do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
Số hiệu: 630/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang Người ký: Lại Thanh Sơn
Ngày ban hành: 18/05/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 630/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 18 tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 HUYỆN LẠNG GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng; Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 49/QĐ-UBND ngày 29/6/2009 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2009-2020;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang tại Tờ trình số 09/TTr- UBND ngày 28/02/2012; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 346/SNN-LN ngày 25/4/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 huyện Lạng Giang, với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu, nhiệm vụ

1.1. Mục tiêu

Đến năm 2015, toàn huyện không còn diện tích đất trống, đồi núi trọc, nên tập trung nâng cao chất lượng rừng để nâng cao độ che phủ hữu hiệu của rừng. Đến năm 2020, khoảng 30% diện tích đất có rừng đạt chứng chỉ rừng phát triển theo cơ chế sạch (CDM).

- Về kinh tế: Xây dựng được vùng sản xuất hàng hoá tập trung ở xã Hương Sơn, phục vụ một phần công nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất đồ mộc, phát triển dịch vụ lâm nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm và sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao giá trị chế biến và dịch vụ thay cho giá trị lâm sinh đơn thuần.

- Về xã hội: Tăng việc làm, ổn định đời sống nhân dân, giúp người làm nghề rừng có thể sống gắn bó với rừng.

Đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, gắn sản xuất lâm nghiệp kết hợp với các ngành nghề khác. Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó ổn định, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh môi trường.

- Về môi trường, an ninh quốc phòng: Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trồng hết diện tích đất trống còn lại, nâng cao chất lượng rừng, từ đó nâng cao độ che phủ hữu hiệu của rừng. Đồng thời tiếp tục trồng cây phân tán tại các khu dân cư, nghĩa trang, các khu du lịch sinh thái... tạo môi trường xanh - sạch - đẹp.

1.2. Nhiệm vụ

a) Bảo vệ rừng: Rừng hiện có, rừng tạo mới 8.471,6 lượt ha. Trong đó, diện tích rừng trồng cần đầu tư bảo vệ đến năm 2020 là 790,2 ha.

b) Phát triển rừng:

- Trồng rừng: 997,6 ha

+ Trồng trên đất trống: 3,6 ha

+ Trồng lại rừng sau khai thác: 914,0 ha

+ Trồng rừng thay thế vải chất lượng kém: 80,0 ha

- Trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng: 65,0 ha

c) Khai thác rừng trồng sản xuất: 73.120 m3, bình quân 7.312 m3/năm.

d) Trồng cây phân tán: 4.000,0 ha.

e) Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lâm sinh.

2. Nội dung Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng

2.1. Bảo vệ rừng

- Đối tượng: Bao gồm diện tích rừng hiện có và diện tích rừng trồng mới khi hết thời gian đầu tư cơ bản

- Khối lượng: Tổng cả giai đoạn là 8.471,6 lượt ha, trong đó giai đoạn 2011- 2015 là 4.433,1 lượt ha, giai đoạn 2016-2020 là 4.038,5 lượt ha.

2.2. Xây dựng và phát triển rừng

- Trồng rừng mới: Đối tượng: Đất trống trạng thái IA, IB là 3,6 ha, được trồng giai đoạn 2011-2015

- Trồng lại rừng sau khai thác:

+ Đối tượng: Rừng trồng đạt tuổi thành thục công nghệ, khai thác xong cần tiến hành trồng lại rừng.

+ Diện tích: 914 ha, trong đó giai đoạn 2011-2015 là 400,0 ha; giai đoạn 2016-2020 là 514,0 ha.

- Trồng rừng thay thế cây vải:

+ Đối tượng: Là những diện tích vải trên cao, sinh trưởng kém, năng suất chất lượng thấp.

+ Diện tích: 80,0 ha, trong đó giai đoạn 2011-2015 là 80,0 ha.

- Trồng cây phân tán:

+ Đối tượng: Vườn hộ gia đình, đất công cộng, công sở, trường học, các khu công nghiệp, đất xen kẽ khu dân cư, đường giao thông nông thôn, kênh, mương…

+ Diện tích: 4000,0 ha, trong đó giai đoạn 2011-2015 là 2.494 ha; giai đoạn 2016-2020 là 1.506,0 ha

- Trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng:

+ Đối tượng: Là các diện tích rừng có khả năng trồng các mô hình xen canh, nông lâm kết hợp, các khu vực rừng vùng đệm quanh khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Hố Cao. Loài cây trồng dự kiến là Ba kích…

+ Diện tích: 65,0 ha, trong đó giai đoạn 2011-2015 là 35,0 ha; giai đoạn 2016-2020 là 30,0 ha.

2.3. Khai thác rừng

- Khai thác rừng trồng sản xuất

+ Đối tượng: Rừng trồng sản xuất đạt tuổi thành thục công nghệ. Diện tích đưa vào khai thác chính đến năm 2020 là 914,0 ha.

+ Tổng trữ lượng khai thác đến năm 2020 là 73.120 m3, trong đó giai đoạn 2011-2015 là 32.000 m3; giai đoạn 2016-2020 là 41.120 m3, sản lượng bình quân dự kiến khoảng 6.400-8.224 m3/năm

- Khai thác lâm sản ngoài gỗ

+ Đối tượng: Tre, Nứa, Vầu và một số loài cây trồng dưới tán rừng như Ba kích…

+ Sản lượng khai thác LSNG: hàng năm sẽ khai thác Tre, Nứa, Vầu khoảng 40 ngàn cây/năm và một số lâm sản khác.

2.4. Chế biến lâm sản, tiêu thụ sản phẩm Rà soát, đánh giá lại các cơ sở chế biến hiện có, theo hướng đầu tư cải tạo nâng cấp 10 nhà xưởng, thay thế các dây chuyền công nghệ hiện đại tiên tiến tại thị trấn Vôi và thị trấn Kép, công suất dự kiến 5000 m3/năm, tổng vốn dự kiến khoảng 2 tỷ đồng.

Về thị trường tiêu thụ lâm sản: Đồ mộc dân dụng tiêu thụ trong nội tỉnh; Lan và Ván bóc cung cấp thị trường Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… và thị trường Trung Quốc.

2.5. Xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh

- Nâng cấp 1 vườn ươm với diện tích 1 ha/vườn, công suất 1 triệu cây con/vườn/năm

- Xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy:

+ Xây dựng 21 bảng nội quy, tuyên truyền tại các xã Hương Sơn, Tân Hưng, Tân Thanh

+ Xây dựng, nâng cấp, bảo dưỡng đường băng cản lửa: 14 km (tuyến giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn và giáp ranh với huyện Lục Nam)

+ Mua sắm các trang thiết bị phục vụ PCCCR

3. Tổng hợp vốn đầu tư và phân kỳ vốn đầu tư

3.1. Tổng vốn đầu tư khoảng: 93.849,1 triệu đồng (Chín mươi ba tỷ, tám trăm bốn mươi chín triệu, một trăm ngàn đồng chẵn), trong đó:

- Bảo vệ rừng: 1.694,3 triệu đồng.

- Phát triển rừng: 88.108,0 triệu đồng.

- Hoạt động khác: 3.002 triệu đồng.

- Quản lý: 1.044,8 triệu đồng.

3.2. Phân theo giai đoạn:

- Giai đoạn 2011-2015: 56.477,0 triệu đồng.

- Giai đoạn 2016-2020: 37.372,1 triệu đồng.

3.3. Phân theo nguồn vốn:

- Vốn ngân sách nhà nước: 11.492,6 triệu đồng; chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư.

- Vốn vay+vốn tự có+vốn khác: 82.356,5 triệu đồng; chiếm 87,6% tổng vốn đầu tư.

4. Giải pháp thực hiện quy hoạch

4.1. Giải pháp hệ thống chính sách

- Chính sách quản lý rừng và đất lâm nghiệp: Tạo hành lang thông thoáng và cơ chế chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các công ty thuê đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh; khuyến khích các hộ gia đình, các doanh nghiệp liên kết với nhau để tạo ra các vùng trồng nguyên liệu tập trung...

- Chính sách tài chính tín dụng:

+ Kết hợp hiệu quả nguồn vốn ngân sách trung ương với ngân sách địa phương và vốn từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện, đặc biệt là ở xã Hương Sơn. Từ việc thu phí dịch vụ môi trường, thành lập quỹ bảo vệ và phát triển rừng nhằm tái tạo lại vốn rừng ngày càng bền vững…

- Chính sách hưởng lợi: Thực hiện theo Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; Thông tư liên tịch số 80/2003/TTLT/BNN-BTC giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp&PTNT ngày 03/9/2003 hướng dẫn thực hiện Quyết định trên.

4.2. Giải pháp về tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp

- Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống quản lý Nhà nước về lâm nghiệp từ huyện đến xã theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở.

- Tổ chức giao chỉ tiêu và hướng dẫn cho các chủ rừng thực hiện quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng… đúng kỹ thuật

- Giao đất và khoán rừng:

+ Đối với diện tích đất lâm nghiệp giao cho các hộ dân quá nhỏ tiến hành vận động các hộ dân "Dồn điền đổi thửa" phù hợp với sản xuất quy mô lớn.

+ Rà soát lại những diện tích rừng và đất rừng đã giao cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình quản lý nhưng sử dụng không có hiệu quả, không đúng mục đích cần phải thu hồi và giao cho các hộ gia đình khác hoặc doanh nghiệp quản lý sử dụng.

4.3. Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch và giám sát

- Sau khi quy hoạch cấp huyện được phê duyệt, tiến hành quy hoạch cấp xã.

- Công khai Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng để nhân dân được biết và thực hiện có hiệu quả.

- Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn…

4.4. Giải pháp về khoa học công nghệ, đào tạo khuyến lâm

- Khoa học công nghệ

+ Tăng cường quản lý chất lượng về giống song song với việc đầu tư có chiều sâu cho nghiên cứu thử nghiệm giống mới, giống tốt sinh trưởng nhanh đáp ứng được mục tiêu trồng rừng. Xây dựng chương trình chọn giống có định hướng cho các loài cây chủ yếu, có giá trị kinh tế cao phục vụ cho chương trình trồng rừng nguyên liệu giấy tập trung.

+ Xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình canh tác trên đất dốc để chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững tới các hộ tham gia sản xuất lâm nghiệp…

4.5. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Tăng cường cán bộ khuyến lâm cho huyện, xã thực hiện các chức năng chuyển giao kỹ thuật lâm nghiệp và phổ biến các kiến thức về quản lý bảo vệ rừng tới từng hộ gia đình và các công ty lâm nghiệp.

- Hàng năm tổ chức các chương trình đào tạo nông dân làm nghề rừng, công nhân lâm nghiệp và thợ thủ công trong các làng nghề…

4.6. Giải pháp về vốn đầu tư

- Vốn ngân sách:

+ Hỗ trợ trồng rừng sản xuất đối với đối tượng trồng rừng mới trên đất trống (Vải kém chất lượng) và hỗ trợ trong công tác khuyến lâm, trồng cây phân tán.

+ Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lâm sinh.

+ Hỗ trợ khảo sát thiết kế.

- Vốn vay (theo lãi suất ưu đãi): Chủ yếu đầu tư cho phát triển các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, các hộ gia đình dân tộc thiểu số.

- Vốn liên doanh: Liên doanh giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp hoặc với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có vốn đầu tư.

- Vốn tự có: Bao gồm sức lao động, tiền thu lâm sản được khai thác và tài sản tích lũy. Nguồn vốn này được đầu tư trở lại cho trồng rừng thay thế vườn quả, trồng rừng sau khai thác...

4.7. Hỗ trợ của các ngành và hợp tác quốc tế

- Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn: Hàng năm, chính quyền cơ sở sẽ tuyên truyền, vận động các chủ trương của Nhà nước đến tận hộ gia đình, nhận phản hồi từ người dân đến Dự án.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho huyện làm tốt công tác hoàn tất các thủ tục hồ sơ giao đất.

- Hạt Kiểm lâm huyện: Thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức các đợt tuyên truyền về Luật bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu hành chính nơi có rừng.

- Ngân hàng chính sách xã hội: Cần tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn phục vụ phát triển nghề rừng.

- Tranh thủ hỗ trợ quốc tế trong các lĩnh vực phát triển lâm nghiệp, bảo vệ môi trường.

- Tăng cường vận động thu hút các nguồn vốn ODA cho các dự án trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ khuyến lâm.

- Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài, liên doanh trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến lâm sản quy mô vừa và lớn.

4.8. Giải pháp về thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng

+ Trao quyền tự chủ rộng rãi cho các chủ rừng như lâm trường, công ty lâm nghiệp… bao gồm tự chủ về kế hoạch quản lý rừng, tài chính, khai thác, tiêu thụ sản phẩm, tái đầu tư…

+ Có chính sách khuyến khích chủ rừng phấn đấu đạt tiêu chuẩn Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng như cho phép khai thác bền vững, kế hoạch khai thác được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng của rừng, bỏ chế độ cấp phép khai thác.

+ Có chính sách miễn trừ thuế, khen thưởng vật chất, thu mua giá cao, tạo điều kiện thâm nhập thị trường đối với các chủ rừng được cấp chứng chỉ hoặc cam kết thực hiện chứng chỉ rừng theo giai đoạn.

+ Cho phép và tạo điều kiện cho các chủ rừng tham gia các chương trình Chứng chỉ rừng theo giai đoạn do các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức thương mại gỗ như TFT, GFTN…

5. Các dự án ưu tiên

- Dự án lập Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp xã

- Dự án Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Hồ Hố Cao – Xã Hương Sơn

- Dự án phát triển các mô hình nông lâm kết hợp

- Dự án nâng cao năng lực bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng

- Các dự án khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Uỷ ban nhân dân huyện Lạng Giang có trách nhiệm:

1. Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định của pháp luật.

2. Thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy hoạch được duyệt.

3. Tổ chức kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Thanh Sơn