Quyết định 1506/QĐ-UBND năm 2012 về Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động của Ban Chỉ huy tìm kiếm Cứu nạn thành phố Hà Nội
Số hiệu: 1506/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thế Thảo
Ngày ban hành: 11/04/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1506/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ HUY TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương;

Căn cứ Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục quy định chi tiết các chủng loại trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn và danh mục các dự án đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn đến năm 2015; Quyết định số 118/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 về ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa;

Căn cứ Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương;

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-UB ngày 04/11/2009 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về việc Ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;

Căn cứ Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 18/7/2011 của UBND Thành phố Ban hành “Quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội”;

Căn cứ Quyết định số       /QĐ-UBND ngày     tháng    năm 2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn thành phố;

Xét đề nghị của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn thành phố) tại Tờ trình số 403/TTr-BTL ngày 27 tháng 3 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động của Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 4150/QĐ-UBND ngày 14/8/2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội về việc ban hành Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động của Ban Chỉ đạo Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thành viên Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBQG Tìm kiếm cứu nạn; (để b/c)
- TT: Thành ủy, HĐND TP; (để b/c)
- Chủ tịch UBND TP; (để b/c)
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Phó CVP/UBND TP;
- CVP, Phó CVP/BCH TKCN TP;
- Các phòng chuyên viên;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử TP;
- Lưu: VT, TH, NC ,60b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ HUY TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1506/QĐ-UBND ngày 11/4/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, cơ chế điều hành, chế độ thông tin báo cáo và phối hợp hoạt động, mối quan hệ giữa Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố với Ủy ban Quốc gia TKCN, Ban Chỉ đạo Tìm kiếm Cứu nạn các Bộ, ngành Trung ương; Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão Thành phố; Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng, chống cháy rừng Thành phố; các Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành và Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn các quận, huyện, thị xã.

2. Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố được kiện toàn theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Các thành viên Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố được sử dụng cán bộ, công chức của đơn vị để giúp việc nhằm hoàn thành nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

3. Quy chế này áp dụng đối với các thành viên Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố; Thành viên các Tiểu ban TKCN chuyên ngành Thành phố; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy TKCN Thành phố; Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn các quận, huyện, thị xã.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này quy định:

1. Thiên tai bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, xả lũ, mưa lớn, mưa đá, triều cường, giông sét, lốc xoáy, sạt lở, nước dâng, động đất, sóng thần.

2. Tai nạn, thảm họa bao gồm: tai nạn máy bay, tai nạn tàu, thuyền trên biển, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hầm, sập đổ nhà cao tầng, công trình xây dựng, sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, rò rỉ bức xạ hạt nhân…

3. Công tác tìm kiếm cứu nạn là hoạt động khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện, tài sản ngay khi sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra nhằm khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại.

4. Sự cố tai nạn hàng ngày bao gồm: cháy nổ, người bị điện giật, sét đánh; người tâm thần đang trong tình trạng nguy hiểm; người đang trong tình trạng nguy hiểm dưới ao, hồ, giếng, sông, kênh, rạch…; người đang trong tình trạng nguy hiểm ở trên cao, trên mái nhà, trên cây, trên cột điện…; người bị chết đuối, tự tử; người ốm, bị bệnh, bị thương, người khuyết tật, người thiểu năng trí tuệ mà không tự thoát khỏi khu vực nguy hiểm hoặc căn phòng, căn nhà, thang máy…; sụp đổ nhà, công trình không thuộc diện cao tầng; sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, triều cường, ngập lụt trong phạm vi hẹp, cục bộ.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động TKCN

1. Ban Chỉ huy TKCN Thành phố; quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trực thuộc UBND địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm của các thành viên, tuân thủ theo quy định của pháp luật và các quy định của Quy chế này.

2. Giải quyết công việc đúng phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, bảo đảm kịp thời hiệu quả.

3. Bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

Chương 2.

TỔ CHỨC HỆ THỐNG BAN CHỈ HUY TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Cấp thành phố:

Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố gồm các thành viên:

a) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Trưởng ban;

b) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội làm Phó Trưởng ban Thường trực;

c) Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội làm Phó Trưởng ban;

d) Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố Hà Nội làm Phó Trưởng ban;

đ) Các ủy viên là Giám đốc một số sở, ngành Thành phố gồm:

Giám đốc các sở, ngành: Nội vụ; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Công Thương; Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Chánh Văn phòng UBND Thành phố;

Mời tham gia Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn thành phố Hà Nội gồm: Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Đại diện lãnh đạo chỉ huy Bộ Tư lệnh Thông tin, Bộ Tư lệnh Công binh; Bộ Tư lệnh Hóa học; Cục Quân y/Bộ Quốc phòng; Cục Cứu hộ - Cứu nạn/Bộ Tổng Tham mưu;

e) Văn phòng Thường trực của Ban Chỉ huy TKCN Thành phố Hà Nội đặt tại cơ quan Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Địa chỉ: số 8, đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Văn phòng Thường trực của Ban Chỉ huy TKCN Thành phố Hà Nội có Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng và một số Ủy viên là Trưởng phòng Công binh, Trưởng phòng Thông tin, Trưởng phòng Hóa học; Trưởng phòng Quân y; Trưởng phòng Vận tải/Cục Hậu cần/Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Trợ lý Ban Cứu hộ cứu nạn/Bộ Tham mưu/Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Phó Chánh Văn phòng các sở; Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Giao thông vận tải thành phố Hà Nội;

Trung tâm điều hành và tổng hợp (Ban Cứu hộ cứu nạn/Bộ Tham mưu/Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội); Trực ban Cứu hộ cứu nạn/Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội kiêm Trực ban Cứu nạn của Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.

f) Các Tiểu ban TKCN chuyên ngành của Thành phố gồm:

- Tiểu ban TKCN khi có bão, áp thấp gây lũ, lụt lớn, lũ quét ở vùng rừng núi, vỡ đê, kè, hồ, đập;

- Tiểu ban TKCN khi có thảm họa cháy rừng;

- Tiểu ban TKCN khi có thảm họa cháy nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư;

- Tiểu ban TKCN khi có thảm họa động đất, sập đổ công trình;

- Tiểu ban TKCN khi có sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc, chất phóng xạ;

- Tiểu ban TKCN khi có sự cố cháy nổ, vỡ đường ống dẫn dầu, khí, các nhà máy điện, khí;

- Tiểu ban TKCN khi có tai nạn máy bay, tai nạn tàu, thuyền trên sông, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.

2. Cấp quận, huyện, thị xã:

- Ban Chỉ huy TKCN quận, huyện, thị xã;

- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy TKCN quận, huyện, thị xã;

- Các Tiểu ban TKCN chuyên ngành của quận, huyện, thị xã;

Do Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quyết định thành phần cho phù hợp điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn, nhưng phải bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

3. Cấp xã, phường, thị trấn:

- Chỉ thành lập Ban Chỉ huy TKCN xã, phường, thị trấn.

Chương 3.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ HUY TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố và trước pháp luật những công việc được Chủ tịch Thành phố ủy quyền về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn mà pháp luật quy định;

2. Chỉ đạo thực hiện việc xây dựng, quản lý, chỉ huy, điều hành chung mọi hoạt động và công tác của Ban Chỉ huy;

3. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy TKCN Thành phố. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, vì tính chất quan trọng, cấp bách của công việc. Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo xử lý một số công việc đã phân công cho thành viên Ban Chỉ huy.

4. Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa của Thành phố, các kế hoạch chung hàng năm, 5 năm, dài hạn và các dự án, đề án quan trọng về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn. Chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án sau khi được phê duyệt.

5. Chỉ đạo việc tổ chức, xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm tìm kiếm cứu nạn của các sở, ngành, địa phương.

6. Chủ trì các cuộc họp thường kỳ 6 tháng, 1 năm và các cuộc họp đột xuất của Ban chỉ huy;

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban Thường trực

1. Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố và trước pháp luật về công việc thuộc phạm vi lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn được phân công. Trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy đơn vị thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ Trưởng ban phân công;

2. Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, giải quyết công việc theo sự phân công của Trưởng ban; sử dụng quyền hạn của Trưởng ban khi giải quyết các công việc được phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và pháp luật về các quyết định của mình. Khi giải quyết công việc được phân công, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực do Phó Trưởng ban khác phụ trách thì chủ động phối hợp với Phó Trưởng ban đó để giải quyết. Trường hợp có ý kiến khác nhau, vượt quá phạm vi quyền hạn được giao thì phải báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định, trường hợp Trưởng ban vắng mặt thì phải báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định;

3. Giúp Trưởng ban điều hành giải quyết công việc của Ban Chỉ huy trong thời gian Trưởng ban vắng mặt;

4. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản thuộc lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật;

5. Giúp Trưởng ban, chỉ đạo các Tiểu ban TKCN chuyên ngành, Ban Chỉ đạo Tìm kiếm Cứu nạn địa phương xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn;

6. Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc xây dựng hệ thống tổ chức, đầu tư phát triển cho các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội;

7. Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn;

8. Giải quyết các vấn đề cụ thể nảy sinh thuộc thẩm quyền của Trưởng ban; các vấn đề liên ngành mà các cơ quan, đơn vị không thống nhất được ý kiến. Đối với những vấn đề mới nảy sinh chưa được Ban Chỉ huy quy định, thì chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu báo cáo Trưởng ban để xử lý. Không xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của chỉ huy các cơ quan, đơn vị;

9. Theo dõi, chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch công tác huấn luyện, hội thao, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa thuộc phạm vi Ban Chỉ huy quản lý, điều hành.

10. Hàng năm phê duyệt kế hoạch công tác, chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp cho hoạt động và duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ huy; quyết định cấp phát trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn cho các sở, ngành, địa phương; quyết định khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn;

11. Quyết định điều động lực lượng, phương tiện của các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm của các sở, ngành, địa phương, các tổ chức thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa trong trường hợp vượt quá khả năng và điều kiện của các sở, ngành, địa phương bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

12. Hàng quý chủ trì giao ban các Trưởng Tiểu ban TKCN chuyên ngành và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

13. Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Trưởng ban; ký thay Trưởng ban các văn bản thuộc thẩm quyền của Trưởng ban trong phạm vi, công việc được Trưởng ban phân công.

14. Theo dõi chỉ đạo, duy trì trực Tìm kiếm cứu nạn của các cấp, các ngành và lực lượng vũ trang thuộc quyền;

15. Đề xuất việc điều động lực lượng, phương tiện của các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trên địa bàn; lực lượng, phương tiện của các đơn vị quân đội trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ TKCN theo kế hoạch và ý định của Trưởng ban;

16. Trực tiếp chỉ đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn; ký các khoản chi bảo đảm mua sắm trang bị, phương tiện và hoạt động của Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn;

17. Là Trưởng Tiểu ban TKCN khi có bão, áp thấp gây lũ, lụt lớn, lũ quét ở các vùng rừng núi gây vỡ đê, kè, hồ, đập;

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban là Giám đốc Công an Thành phố

1. Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn thuộc Công an Thành phố, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng, khu vực xảy ra thảm họa;

2. Chỉ đạo các đơn vị thuộc Công an thành phố xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn;

3. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các sở, ngành cơ quan có liên quan và các địa phương tổ chức ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu; sự cố cháy nổ đường ống dẫn khí, khu công nghiệp; tổ chức cứu nạn các tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông đặc biệt nghiêm trọng; tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra động đất, sập đổ nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản.

4. Theo dõi, chỉ đạo, điều hành, trực tiếp huy động và chỉ huy các lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự; sơ tán dân; phân luồng giao thông trong thực hiện nhiệm vụ TKCN.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban là Giám đốc sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố.

1. Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực PC&CC, chỉ đạo các đơn vị thuộc sở Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng PC&CC và tìm kiếm cứu nạn;

2. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an Thành phố, các sở, ngành cơ quan có liên quan và các địa phương tổ chức ứng phó, xử lý sự cố cháy nổ đường ống dẫn khí, khu công nghiệp;

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương trực tiếp huy động và chỉ huy các lực lượng phòng cháy, chữa cháy tổ chức ứng phó khi xảy ra cháy lớn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; cháy rừng và các tình huống khác thuộc lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn;

4. Là Trưởng Tiểu ban TKCN khi có thảm họa cháy nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của các ủy viên

1. Các ủy viên chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và trước pháp luật về toàn bộ công việc thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn. Chỉ huy đơn vị thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2. Chủ động phối hợp với các sở, ngành địa phương để xử lý những vấn đề liên quan đến công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.

3. Ủy viên là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Giúp Trưởng ban chỉ đạo cân đối ngân sách đầu tư phát triển trong dự toán ngân sách hàng năm để bố trí vốn cho các sở, ngành, địa phương bảo đảm cho các dự án đầu tư phát triển thuộc lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện;

b) Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quận: Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.

4. Ủy viên là Giám đốc Sở Y tế

a) Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn thuộc sở Y tế; hướng dẫn các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng chuẩn bị lực lượng, phương tiện y tế, thuốc men sẵn sàng cơ động cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn;

b) Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các sở, ngành, các cơ quan có liên quan và các địa phương tổ chức tìm kiếm cứu nạn;

c) Xây dựng kế hoạch, trực tiếp huy động và chỉ huy điều hành các lực lượng, phương tiện y tế để cấp cứu nạn nhân, khắc phục hậu quả môi trường dịch bệnh thuộc lĩnh vực Tìm kiếm cứu nạn;

d) Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa;

5. Ủy viên là Giám đốc Sở Công thương

a) Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn thuộc sở Công thương, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, khai thác khoáng sản, hóa chất độc hại, vật liệu nổ công nghiệp;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương chỉ đạo và hướng dẫn việc xử lý các vụ nổ, sập hầm lò ở các cơ sở sản xuất khai thác khoáng sản, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; ứng phó sự cố cháy nổ đường ống dẫn khí…;

c) Chỉ đạo các cơ quan thuộc sở Công thương xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa;

d) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, trước mùa lũ, bão hàng năm có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho nhân dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt, vùng thường xuyên bị ngập sâu và kéo dài: chỉ đạo thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ.

e) Là Trưởng Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố cháy nổ, vỡ đường ống dẫn dầu, khí, nhà máy điện.

g) Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây;

6. Ủy viên là Giám đốc Sở Giao thông vận tải

a) Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn thuộc sở Giao thông vận tải; phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa;

b) Khi xảy ra thảm họa, chỉ đạo, phối hợp và hướng dẫn việc sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; Trực tiếp huy động và chỉ huy điều hành các lực lượng, phương tiện giao thông vận tải thực hiện tìm kiếm cứu nạn các tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không;

c) Là Trưởng Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn khi có tai nạn máy bay, tai nạn tàu, thuyền trên sông, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.

d) Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức;

7. Ủy viên là Giám đốc Sở Xây dựng

a) Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn thuộc sở Xây dựng; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện; chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng bảo đảm an toàn cho người, công trình;

b) Chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc quyền phối hợp với các địa phương trên địa bàn đứng chân chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa.

c) Là Trưởng Tiểu ban TKCN khi có thảm họa động đất, sập đổ công trình.

d) Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quận Cầu Giấy, Tây Hồ.

8. Ủy viên là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm nhẹ hậu quả thiên tai, thảm họa; phối hợp xây dựng kế hoạch và chỉ đạo việc tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an Thành phố, các sở, ngành, các cơ quan có liên quan và các địa phương tổ chức, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó tình huống bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt …; tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra động đất và các tình huống thuộc lĩnh vực Tìm kiếm cứu nạn;

c) Là Trưởng Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn khi có thảm họa cháy rừng.

d) Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh;

9. Ủy viên là Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường

a) Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường;

b) Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an Thành phố và các sở, ngành, các cơ quan có liên quan và các địa phương tổ chức tìm kiếm cứu nạn;

c) Là Trưởng Tiểu ban TKCN khi có sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc, chất phóng xạ.

d) Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Thường Tín, Phú Xuyên.

10. Ủy viên là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Giúp Trưởng ban, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành liên quan và địa phương thống nhất quy định các tần số tìm kiếm cứu nạn; phối hợp xây dựng mạng thông tin liên lạc thông báo giữa Ban Chỉ đạo với các Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành với các cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn các cấp;

b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc sở, các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông huy động lực lượng, phương tiện của ngành tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa thông suốt trong mọi tình huống.

11. Ủy viên là Giám đốc Sở Tài chính

a) Giúp Trưởng ban, chỉ đạo tổng hợp và bố trí dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để chi cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa; ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, định mức chi, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chi cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện;

b) Chỉ đạo thực hiện kế hoạch dự trữ các phương tiện, hàng hóa phục vụ tìm kiếm cứu nạn được Nhà nước giao; xuất cấp kịp thời, đầy đủ vật tư hàng hóa phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa khi có lệnh của cấp có thẩm quyền;

c) Chủ trì phối hợp xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách hàng năm chi cho hoạt động TKCN, báo cáo Ban Chỉ huy TKCN trình UBND Thành phố xem xét; quyết định;

d) Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm.

12. Ủy viên là Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các chính sách với người tham gia tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa khi bị tai nạn, bị thương hoặc chết.

b) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan soạn thảo kế hoạch cứu trợ và chính sách hỗ trợ người bị nạn khi có thiên tai, tai nạn, sự cố;

c) Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức.

13. Ủy viên là Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội

Giúp Trưởng ban, chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tăng cường công tác truyền tin, thông báo chính xác, kịp thời các tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, thảm họa; các chủ trương, mệnh lệnh, chỉ thị về việc phòng, chống và khắc phục thiên tai, thảm họa và các kinh nghiệm, các điển hình trong công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về công tác phòng, tránh và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa.

14. Ủy viên là Giám đốc sở Nội vụ: Theo dõi chỉ đạo công tác Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Từ Liêm, Thanh Oai.

15. Ủy viên là Chánh Văn phòng UBND Thành phố: Tham mưu kịp thời cho Trưởng Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn thành phố về công tác tổ chức, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ huy xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo chức năng đảm nhiệm.

16. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Theo dõi chỉ đạo công tác tuyên truyền về nhiệm vụ phòng, chống giảm nhẹ thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.

17. Đại diện lãnh đạo, chỉ huy Cục cứu hộ Cứu nạn/Bộ Tổng Tham mưu; Bộ Tư lệnh Thông tin, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Hóa học, Cục Quân y/Bộ Quốc phòng

a) Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu với Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng; huy động và trực tiếp chỉ huy điều hành lực lượng, trang bị, phương tiện thuộc quyền tham gia TKCN trên địa bàn thành phố Hà Nội.

b) Trực tiếp cùng Ban Chỉ huy TKCN Thành phố chỉ đạo các Tiểu ban TKCN chuyên ngành xử lý các tình huống TKCN trên địa bàn.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố

1. Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và trước pháp luật về toàn bộ công việc thuộc phạm vi trách nhiệm được giao. Trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giúp Trưởng Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo Văn phòng thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

2. Những việc phát sinh vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban Thường trực cho ý kiến chỉ đạo để giải quyết.

3. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác để xử lý những vấn đề có liên quan đến những công việc thuộc trách nhiệm của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy và thực hiện nhiệm vụ chung của Ban Chỉ huy.

4. Được ký thừa lệnh Trưởng ban các văn bản thuộc thẩm quyền của Trưởng ban trong phạm vi, công việc được Trưởng ban phân công.

Chương 4.

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA BAN CHỈ HUY TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ VỚI ỦY BAN QUỐC GIA TÌM KIẾM CỨU NẠN, BAN CHỈ ĐẠO TÌM KIẾM CỨU NẠN CÁC BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG; BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO THÀNH PHỐ; BAN CHỈ HUY CÁC VẤN ĐỀ CẤP BÁCH TRONG BẢO VỆ VÀ PHÒNG, CHỐNG CHÁY RỪNG THÀNH PHỐ; CÁC TIỂU BAN TÌM KIẾM CỨU NẠN CHUYÊN NGÀNH VÀ BAN CHỈ HUY TÌM KIẾM CỨU NẠN CÁC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ

Điều 11. Quan hệ công tác giữa Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn các Bộ, ngành Trung ương.

1. Chịu sự chỉ đạo trực tiếp về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn của ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, có trách nhiệm giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của mình có liên quan đến công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

2. Phối hợp với Ban Chỉ đạo Tìm kiếm Cứu nạn các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn được giao.

Điều 12. Quan hệ công tác giữa Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão Thành phố.

Phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ứng phó tình huống bão, áp thấp, lũ lụt, lũ ống, lũ quét; sự cố vỡ đê, kè, hồ, đập.

Điều 13. Quan hệ công tác giữa Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố với Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng, chống cháy rừng Thành phố

Phối hợp với Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng, chống cháy rừng Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ứng phó khi xảy ra cháy rừng.

Điều 14. Quan hệ công tác giữa Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố với các Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành Thành phố; Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn các quận, huyện, thị xã

Trực tiếp chỉ đạo các Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành Thành phố; Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật.

Chương 5.

CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH TÌM KIẾM CỨU NẠN

Điều 15. Nguyên tắc điều hành tìm kiếm cứu nạn

1. Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa phải đảm bảo nguyên tắc chỉ huy thống nhất, phân công cụ thể, chủ động kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế tình huống.

2. Khi có nhiều lực lượng cùng tham gia tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa trên một địa bàn, Trưởng Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố hoặc người được Trưởng ban ủy quyền là người chỉ huy.

Điều 16. Cơ chế xử lý tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa

1. Ban Chỉ huy cùng với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Ban Chỉ huy các quận, huyện, thị xã chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã việc thực hiện các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa.

2. Các sở, ngành chỉ đạo các cơ quan ngành dọc chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp việc thực hiện các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa trên lĩnh vực được phân công phụ trách.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã chỉ đạo, thực hiện các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa. Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, báo cáo Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

4. Giám đốc các sở, ngành Thành phố, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trực tiếp chỉ đạo, điều hành lực lượng thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa tại cơ quan, tổ chức mình và sẵn sàng làm nhiệm vụ ở nơi khác theo lệnh của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng ban Tìm kiếm cứu nạn Thành phố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được huy động lực lượng, phương tiện, vật tư của các cơ quan, tổ chức Thành phố đứng chân trên địa bàn sau khi thống nhất với sở, ngành chủ quản.

Chương 6.

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, HỌP, HỘI NGHỊ, THÔNG TIN, BÁO CÁO

Điều 17. Chế độ làm việc, họp, hội nghị của Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

1. Tập thể thành viên Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố 01 năm họp thường kỳ 02 lần vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả điều hành của các thành viên. Ban Chỉ huy và xác định chương trình, kế hoạch công tác cho thời gian tiếp theo. Trong trường hợp khẩn cấp có thể họp bất thường do Trưởng ban quyết định.

Trưởng Ban Chỉ huy chủ trì phiên họp của Ban Chỉ huy. Khi Trưởng ban vắng mặt, Phó Trưởng Ban thường trực chủ trì phiên họp.

2. Các cuộc họp giao ban quý

Hàng quý, Ban Chỉ huy tổ chức họp giao ban với các Trưởng Tiểu ban TKCN chuyên ngành Thành phố, các Trưởng Ban Chỉ huy TKCN các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Phó Trưởng ban Thường trực chủ trì phiên họp.

3. Văn phòng Thường trực chuẩn bị trình Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực quyết định chương trình, nội dung, thành phần, thời gian và địa điểm tổ chức họp (hội nghị) và tài liệu phục vụ cho các kỳ họp (hội nghị). Viết Thông báo kết luận của người chủ trì hội nghị gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan và theo dõi, đôn đốc thực hiện.

4. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chuẩn bị các báo cáo tại hội nghị.

5. Sau hội nghị, Trưởng các Tiểu ban Tìm kiếm Cứu nạn chuyên ngành; Trưởng Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các công việc liên quan theo kết luận của Trưởng ban hoặc của người chủ trì hội nghị.

Điều 18. Chế độ trực ban Cứu hộ cứu nạn

1. Các thành viên Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố trực và duy trì công tác trực ban Cứu hộ cứu nạn 24/24 giờ tại đơn vị mình khi có thiên tai, tai nạn, thảm họa. Lãnh đạo cơ quan Thường trực và các thành viên Ban Chỉ huy trực tiếp kiểm tra hiện trường nơi xảy ra thiên tai, tai nạn, thảm họa để chỉ đạo, điều hành, phối hợp, điều phối các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả theo quy định.

2. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố ban hành và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các Quy định về trực ban Cứu hộ cứu nạn. Từ ngày 01 tháng 6 đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm, tổ chức trực ban kể cả các ngày nghỉ, ngày lễ; riêng các đơn vị lực lượng vũ trang trực ban theo quy chế của đơn vị.

3. Khi xảy ra thiên tai, tai nạn, thảm họa các cơ quan, tổ chức, địa phương báo cáo cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn thành phố để tổng hợp, đồng thời báo cáo cho cơ quan cấp trên để xử lý.

Điều 19. Chế độ tài chính

Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố được cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về ngân sách Nhà nước đảm bảo cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương.

Điều 20. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Các thành viên Ban Chỉ huy báo cáo Trưởng ban theo các hình thức: báo cáo trực tiếp, báo cáo bằng văn bản, báo cáo thông qua các phiên họp thường kỳ và bất thường của Ban Chỉ huy. Nội dung báo cáo gồm những vấn đề sau:

a) Tình hình thực hiện những công việc thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;

b) Nội dung và kết quả các hội nghị, cuộc họp khi được Chủ tịch ủy quyền tham dự hoặc chỉ đạo các hội nghị đó;

c) Kết quả làm việc và những kiến nghị của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

2. Các Trưởng Tiểu ban TKCN chuyên ngành Thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy TKCN các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chế độ báo cáo và trực tiếp báo cáo những vấn đề thuộc sở, ngành, địa phương mình quản lý để Trưởng ban xem xét, báo cáo khi UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu

Báo cáo công tác tìm kiếm cứu nạn bao gồm: báo cáo định kỳ (Báo cáo tháng, quý, 6 tháng, năm), báo cáo đột xuất (Báo cáo nhanh)

a) Nội dung Báo cáo phải phân tích, đánh giá, tổng kết nguyên nhân khách quan, chủ quan; báo cáo phải trung thực, chính xác, phản ánh đầy đủ quá trình thực hiện nhiệm vụ và kết quả đạt được.

Báo cáo đột xuất: khi có tình huống đột xuất, các Trưởng Tiểu ban TKCN chuyên ngành Thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy TKCN các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo cơ quan, đơn vị báo cáo ngay về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố. Báo cáo đột xuất có thể gửi bằng một trong những phương thức thông tin liên lạc như: điện thoại, fax.

b) Thời gian báo cáo

- Báo cáo tháng: Ngày 20 hàng tháng;

- Báo cáo quý: Ngày 20 tháng cuối quý;

- Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm: ngày 20 tháng 6;

- Báo cáo tổng kết năm: ngày 15 tháng 12.

3. Ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều này, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy còn phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Thông tin hàng ngày cho Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực về các vấn đề đã được giải quyết;

b) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo;

c) Thực hiện nhiệm vụ phát ngôn của Ban Chỉ huy và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện để các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời về các sự kiện xảy ra trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn;

d) Đề xuất và báo cáo Phó Trưởng ban Thường trực những vấn đề cần xử lý qua phản ánh của báo chí, dư luận xã hội liên quan đến lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn.

4. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; gửi báo cáo đến các thành viên của Ban Chỉ huy TKCN Thành phố và Ban Chỉ huy TKCN các quận, huyện, thị xã và các cơ quan có liên quan.

Chương 7.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

Các thành viên Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy, Trưởng các Tiểu ban TKCN chuyên ngành Thành phố; Trưởng Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Trưởng các Tiểu ban TKCN chuyên ngành Thành phố; Trưởng Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn các quận, huyện, thị xã căn cứ Quy chế này để xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Tiểu ban, Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn ở quận, huyện, thị xã.

Trong quá trình thực hiện, có nội dung cần sửa đổi, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy tổng hợp báo cáo Trưởng Ban Chỉ huy TKCN Thành phố trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.