Quyết định 4150/QĐ-UBND năm 2009 về Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động của Ban Chỉ đạo Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội
Số hiệu: 4150/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thế Thảo
Ngày ban hành: 14/08/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4150/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND & UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án  Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1711/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (Thường trực Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn thành phố) tại Tờ trình số 963/BTL-TTr ngày 15 tháng 7 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động của Ban Chỉ đạo Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thành viên Ban chỉ đạo TKCN thành phố, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- UBQG Tìm kiếm cứu nạn;
- Th. trực: Thành uỷ, HĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Thành viên BCĐ Tìm kiếm cứu nạn TP;
- Như Điều 3;
- C/PVP UBND TP;
- Các phòng chuyên viên;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử TP;
- Lưu: VT, Th.NC(2b).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4150/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2009 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) là hoạt động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai, tai nạn, sự cố, Ban chỉ đạo TKCN thành phố (quận, huyện, thị xã) là cơ quan tham mưu với UBND địa phương chỉ đạo mọi hoạt động thường xuyên và đột xuất của công tác TKCN trên địa bàn theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Quá trình tổ chức các hoạt động TKCN phải có sự chỉ đạo phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất giữa các lực lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu TKCN khi có tình huống xảy ra;

Trên cơ sở một số tình huống cơ bản trong Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực TKCN đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 để xác định cơ quan chỉ huy, lực lượng tham gia ứng cứu và nhu cầu về chủng loại trang thiết bị phục vụ TKCN.

Chương 2.

TỔ CHỨC HỆ THỐNG TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Cấp thành phố

- Ban chỉ đạo TKCN thành phố;

- Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo TKCN thành phố Hà Nội đặt tại cơ quan Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (số 8 đường Phạm Hùng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội).

- Trung tâm điều hành và tổng hợp (Phòng Tác chiến Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội); Trực ban Tác chiến Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội kiêm Trực ban tìm kiếm cứu nạn của Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.

- Các Tiểu ban TKCN chuyên ngành của thành phố gồm:

1. Tiểu ban TKCN khi có bão, áp thấp gây lũ, lụt lớn, lũ quét ở vùng rừng núi, vỡ đê, kè, hồ, đập.

2. Tiểu ban TKCN khi có thảm họa cháy rừng.

3. Tiểu ban TKCN khi có thảm họa cháy nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

4. Tiểu ban TKCN khi có thảm họa động đất, sập đổ công trình.

5. Tiểu ban TKCN khi có sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc, chất phóng xạ.

6. Tiểu ban TKCN khi có sự cố cháy nổ, vỡ đường ống dẫn dầu, khí, các nhà máy điện, khí.

7. Tiểu ban TKCN khi có tai nạn máy bay, tai nạn tàu, thuyền trên sông, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.

2. Cấp quận, huyện, thị xã

- Ban chỉ đạo TKCN quận, huyện, thị xã;

- Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TKCN quận, huyện, thị xã;

- Các Tiểu ban TKCN chuyên ngành của quận, huyện, thị xã do Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quyết định tùy điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.

3. Cấp xã, phường, thị trấn

- Chỉ thành lập Ban chỉ đạo TKCN xã, phường, thị trấn.

Điều 4. Nguyên tắc chỉ đạo, phối hợp hoạt động TKCN

- Ban chỉ đạo TKCN thành phố; quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn trực thuộc UBND địa phương, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Ủy ban TKCN cấp trên do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban là Phó chủ tịch UBND, Thủ trưởng các ngành Quân sự, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương là Phó Trưởng ban thường trực trực tiếp phụ trách Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TKCN, các Ủy viên Ban chỉ đạo TKCN là Thủ trưởng một số sở, ngành, cơ quan cấp thành phố; Trưởng phòng, ban cấp quận, huyện, thị xã;

- Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TKCN thành phố; quận, huyện, thị xã được đặt tại trụ sở cơ quan quân sự địa phương (riêng cấp xã,, phường, thị trấn không thành lập Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo (TKCN);

- Các Tiểu ban TKCN chuyên ngành thành phố; quận, huyện, thị xã được thành lập trên cơ sở các tình huống cơ bản đã được Ủy ban Quốc gia TKCN xác định trong Đề án qui hoạch tổng thể lĩnh vực TKCN đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020, do Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan thành phố (phòng, ban quận, huyện, thị xã) là thành viên Ban chỉ đạo TKCN thành phố (quận, huyện, thị xã) làm Trưởng tiểu ban. Quá trình thực hiện TKCN, các Tiểu ban TKCN chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo TKCN thành phố (quận, huyện, thị xã) và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với nhau khi thực hiện TKCN theo từng tình huống cụ thể.

Các thành viên Ban chỉ đạo TKCN, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TKCN và Tiểu ban TKCN chuyên ngành làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Chương 3.

HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP TÌM KIẾM CỨU NẠN

Điều 5. Hoạt động phối hợp, xác định cơ quan chỉ huy, lực lượng, trang bị và phương tiện ứng phó trong một số tình huống cơ bản:

1. Bão, áp thấp gây lũ, lụt lớn, lũ quét ở rừng núi, vỡ đê, kè, hồ, đập

a. Cơ quan chỉ huy

- Ban Chỉ đạo TKCN thành phố chỉ huy chung;

- Tiểu ban TKCN do đồng chí Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo TKCN thành phố làm Trưởng Tiểu ban, chỉ đạo các lực lượng của thành phố thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chỉ đạo của Tiểu ban này;

- Các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Công an thành phố, Giao thông vận tải, Y tế, các cơ quan liên quan khác tham gia, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sở tại làm thành viên.

b. Lực lượng tham gia ứng cứu

- Lực lượng quân sự, công an, giao thông vận tải, xây dựng, y tế và các lực lượng khác của địa phương;

- Các lực lượng do cấp trên tăng cường, lực lượng của Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn theo hiệp đồng.

c. Phương tiện

- Các loại tàu, xuồng máy, ca nô, thuyền, phương tiện vận tải, máy xúc, máy đào, xe công trình, xe cứu thương; thiết bị y tế, nhà bạt, áo phao, phao cứu sinh;

- Các phương tiện theo hiệp đồng và phương tiện chuyên dụng cấp trên tăng cường.

2. Thảm họa cháy rừng

a. Cơ quan chỉ huy

- Ban Chỉ đạo TKCN thành phố chỉ huy chung;

- Tiểu ban TKCN do đồng phí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng Tiểu ban; chỉ đạo các lực lượng của thành phố thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chỉ đạo của Tiểu ban này;

- Các Sở, ngành: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, các cơ quan liên quan khác tham gia, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sở tại làm thành viên.

b. Lực lượng tham gia ứng cứu

- Lực lượng Cảnh sát PCCC, lực lượng quận sự, nhân viên y tế và các lực lượng khác của địa phương;

- Các lực lượng do cấp trên tăng cường, lực lượng Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn theo hiệp đồng.

c. Phương tiện

- Xe chữa cháy, máy bơm nước, máy gạt, máy ủi, máy đào, xe cứu thương và thiết bị y tế;

- Các phương tiện theo hiệp đồng và phương tiện chuyên dụng cấp trên tăng cường.

3. Thảm họa cháy nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư

a. Cơ quan chỉ huy

- Ban chỉ đạo TKCN thành phố chỉ huy chung;

- Tiểu ban TKCN; do Giám đốc Công an thành phố làm Trưởng Tiểu ban; chỉ đạo của các lực lượng của thành phố thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chỉ đạo của Tiểu ban này;

- Các sở, ngành: Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công thương, Xây dựng, Giao thông và Vận tải, Y tế, các cơ quan liên quan khác tham gia, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sở tại làm thành viên.

b. Lực lượng tham gia ứng cứu

- Lực lượng Cảnh sát PCCC, lực lượng quân sự nhân viên y tế và các lực lượng khác của địa phương;

- Các lực lượng do cấp trên tăng cường, lực lượng Bộ ngành Trung ương đóng trên địa bàn theo hiệp đồng.

c. Phương tiện

- Xe chữa cháy, máy bơm nước, xe cẩu, xe thang cứu nạn, đệm hơi nhảy lầu, xe cứu thương và thiết bị y tế, máy gạt, máy ủi và các loại dụng cụ chữa cháy thông thường;

- Các phương tiện theo hiệp đồng và phương tiện chuyên dụng cấp trên tăng cường.

4. Thảm họa động đất, tai nạn sập đổ nhà cao tầng và các công trình khác

a. Cơ quan chỉ huy

- Ban Chỉ đạo TKCN thành phố chỉ huy chung;

- Tiểu ban TKCN; do đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng thành phố làm Trưởng Tiểu ban; chỉ huy các lực lượng của thành phố, hiệp đồng chặt chẽ với chỉ đạo các đơn vị cấp trên tăng cường thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chỉ đạo của Tiểu ban này;

- Các Sở, ngành: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố, Sở Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan khác tham gia, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã làm thành viên.

b. Lực lượng tham gia ứng cứu

- Lực lượng chuyên môn của sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, lực lượng quân sự, công an, nhân viên y tế và các lực lượng khác của địa phương;

- Các lực lượng cấp trên tăng cường, lực lượng Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn theo hiệp đồng.

c. Phương tiện

- Các loại xe cẩu, máy gạt, máy ủi, máy khoan, máy cắt bê tông, cưa máy, xe chữa cháy, máy bơm nước, xe cứu thương; thiết bị y tế, nhà bạt cứu sinh và các loại dụng cụ cầm tay thông thường;

- Các loại phương tiện theo hiệp đồng và phương tiện chuyên dụng cấp trên tăng cường.

5. Sự rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, chất phóng xạ

a. Cơ quan chỉ huy

- Ban Chỉ đạo TKCN thành phố chỉ huy chung;

- Tiểu ban TKCN do Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường làm Trưởng Tiểu ban; chỉ đạo các lực lượng của thành phố thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chỉ đạo của Tiểu ban này;

- Các Sở, ngành: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công thương, Y tế, các cơ quan liên quan khác tham gia, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sở tại làm thành viên.

b. Lực lượng tham gia ứng cứu

- Lực lượng chuyên môn xử lý hóa chất độc hại của các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ, lực lượng quân sự, công an, nhân viên y tế và các lực lượng khác của địa phương;

- Các lực lượng cấp trên tăng cường, lực lượng Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn theo hiệp đồng.

c. Phương tiện

- Các loại xe máy đặc chủng, quần áo, mũ phòng hóa, trang thiết bị chuyên dụng, xe cứu thương và thiết bị y tế;

- Các loại phương tiện theo hiệp đồng và phương tiện chuyên dụng cấp trên tăng cường.

6. Sự cố cháy nổ, vỡ đường ống dẫn dầu, khí, nhà máy điện, khí

a. Cơ quan chỉ huy:

- Ban Chỉ đạo TKCN thành phố chỉ huy chung;

- Tiểu ban TKCN do Giám đốc Sở Công thương làm Trưởng Tiểu ban; chỉ đạo các lực lượng của thành phố thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chỉ đạo của Tiêu ban này;

- Các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tự lệnh Thủ đô, Công an thành phố, Y tế, các cơ quan liện quan khác tham gia, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sở tại làm thành viên.

b. Lực lượng tham gia ứng cứu

- Lực lượng chuyên môn của các Sở: Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường; lực lượng Cảnh sát PCCC, lực lượng quân sự, khoa học công nghệ, nhân viên y tế và các lực lượng khác của địa phương;

- Các lực lượng cấp trên tăng cường, lực lượng Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn theo hiệp đồng.

c. Phương tiện

- Xe chữa cháy, máy gạt, máy ủi, xe cứu thương, thiết bị y tế và các dụng cụ cầm tay thông thường hiện có;

- Các loại phương tiện theo hiệp đồng và phương tiện chuyên dụng cấp trên tăng cường.

7. Tai nạn máy bay, tàu, thuyền trên sông, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt đặc biệt nghiêm trọng

a. Cơ quan chỉ huy:

- Ban Chỉ đạo TKCN thành phố chỉ huy chung;

- Tiểu ban TKCN do Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Trưởng Tiểu ban; chỉ đạo các lực lượng của thành phố thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chỉ đạo của Tiểu ban này;

- Các Sở, ngành: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố, Y tế và các cơ quan liên quan khác tham gia Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sở tại làm thành viên.

b. Lực lượng tham gia ứng cứu

- Lực lượng chuyên môn của Sở Giao thông vận tải; lực lượng công an, quân sự, y tế và các lực lượng khác của địa phương;

- Các lực lượng cấp trên tăng cường, lực lượng Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn theo hiệp đồng.

c. Phương tiện

- Xe chữa cháy, xe cẩu, máy khoan, máy cắt, tàu, xuồng, ca nô, xe nâng, máy hàn, phương tiện cứu kéo, xe cứu thương và thiết bị y tế, nhà bạt, phao cứu sinh và các dụng cụ cầm tay thông thường hiện có;

- Các loại phương tiện theo hiệp đồng và phương tiện chuyên dụng cấp trên tăng cường.

Điều 6. Hoạt động phối hợp TKCN trong trường hợp khẩn cấp.

- Ban Chỉ đạo TKCN thành phố có quyền huy động mọi khả năng về lực lượng, trang bị, phương tiện của tất cả các Sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương thuộc quyền và các đơn vị cấp trên tăng cường, phối thuộc theo hiệp đồng; trực tiếp chỉ huy các Tiểu ban TKCN chuyên ngành thực hiện công tác TKCN khi có thiên tai, tai nạn, sự cố.

- Trường hợp nhiều tình huống thiên tai, tai nạn, sự cố xảy ra cùng một thời gian: Các Tiểu ban TKCN chuyên ngành ngoài việc thực hiện chỉ đạo TKCN theo chức năng, phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ TKCN.

- UBND và Ban chỉ đạo TKCN các cấp phải chủ động thực hiện TKCN khi xảy ra thiên tai, tai nạn, sự cố. Các Sở, ban, ngành, các cơ quan, địa phương các cấp thuộc thành phố Hà Nội và các đơn vị đóng trên địa bàn phải nhanh chóng huy động lực lượng, trang bị, phương tiện thuộc quyền tham gia TKCN theo yêu cầu của Ban chỉ đạo TKCN các cấp.

Điều 7. Chế độ báo cáo, giao ban, hội họp:

1. Chế độ báo cáo

a. Đối với ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn thành phố

- Xây dựng và báo cáo kế hoạch TKCN hàng năm của thành phố với UBND thành phố vào ngày 15 tháng 12.

- Báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm với UBND thành phố, Ủy ban Quốc gia TKCN vào ngày 15 tháng 6 và tháng 12. Báo cáo sơ kết 6 tháng vào ngày 25 tháng 6, tổng kết năm vào ngày 25 tháng 12 hàng năm.

- Khi có vụ việc đột xuất báo cáo nhanh để xin ý kiến chỉ đạo; kết thúc vụ việc báo cáo bằng văn bản về UBND thành phố, Ủy ban Quốc gia TKCN.

b. Đối với các Tiểu ban TKCN chuyên ngành của thành phố

- Xây dựng kế hoạch TKCN hàng năm của cấp mình gửi về Văn phòng Ban chỉ đạo TKCN thành phố vào ngày 10 tháng 12.

- Thường xuyên nắm chắc tinh hình, báo cáo vụ việc đột xuất cho Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TKCN thành phố; báo cáo định kỳ 6 tháng, năm với Ban chỉ đạo TKCN thành phố vào ngày 10 tháng 6 và tháng 12. Báo cáo sơ kết 6 tháng vào ngày 20 tháng 6, tổng kết vào ngày 20 tháng 12 hàng năm với Ban chỉ đạo TKCN thành phố qua Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TKCN thành phố (Phòng Tác chiến Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội).

c. Ban chỉ đạo TKCN quận, huyện, thị xã

- Xây dựng kế hoạch TKCN hàng năm của cấp mình gửi về Văn phòng Ban chỉ đạo TKCN thành phố từ ngày 10 đến 15 tháng 12.

- Thường xuyên nắm chắc tình hình, báo cáo kịp thời các vụ việc đột xuất xảy ra trên địa bàn cho Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TKCN thành phố; báo cáo định kỳ, tháng, quý, 6 tháng, năm với ban chỉ đạo TKCN thành phố (tháng vào ngày 10; quý vào ngày 10 tháng cuối quý, 6 tháng vào ngày 10 tháng 6; năm vào ngày 10 tháng 12). Báo cáo sơ kết 6 tháng vào ngày 20 tháng 6, tổng kết vào ngày 20 tháng 12 hàng năm với Ban chỉ đạo TKCN thành phố qua Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TKCN thành phố (Phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội).

2. Chế độ giao ban, hội họp

- Ban Chỉ đạo TKCN thành phố

Họp thường kỳ 6 tháng một lần vào cuối quý 2 và quý 4 với sự tham gia của các thành viên trong Ban chỉ đạo TKCN thành phố, trường hợp họp bất thường do Trưởng ban quyết định thời gian.

- Tiểu ban TKCN chuyên ngành thành phố

Họp thường kỳ quý một lần vào tháng cuối quý với sự tham gia của các thành viên trong Tiểu ban TKCN; trường hợp họp bất thường do Trưởng Tiểu ban quyết định thời gian.

- Ban chỉ đạo TKCN quận, huyện, thị xã

Họp thường kỳ quý một lần vào tháng cuối quý với sự tham gia của các thành viên trong Ban chỉ đạo TKCN quận, huyện, thị xã; trường hợp họp bất thường do Trưởng ban quyết định thời gian.

Chương 4.

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 8. Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ TKCN được khen thưởng theo các quy định hiện hành.

- Mọi tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm, có hành vi cản trở việc TKCN gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Mọi sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định.

Điều 10. Các thành viên Ban chỉ đạo TKCN, Tiểu ban TKCN chuyên ngành thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.