Quyết định 12/2016/QĐ-UBND về mức thu và quản lý, sử dụng lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: 12/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
Ngày ban hành: 05/05/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Hành chính tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2016/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 05 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỨC THU VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG LỆ PHÍ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hộ tịch ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính Phủ;

Căn cứ Thông tư số 179/2015/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 70/2014/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Danh mục và khung mức thu, mức thu tối đa các loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

Thực hiện ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Công văn số 330/HĐND-KTXH ngày 25 tháng 4 năm 2016;

Theo đề nghị của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức thu và quản lý, sử dụng lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 90/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu và quản lý, sử dụng lệ phí hộ tịch; Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 90/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỨC THU VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG LỆ PHÍ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 5 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này áp dụng mức thu, quản lý, sử dụng lệ phí hộ tịch tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã); Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc về hộ tịch theo quy định của pháp luật;

b) Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tổ chức thu lệ phí hộ tịch gồm: Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Các trường hợp miễn thu

1. Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:

a) Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;

b) Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

2. Lệ phí hộ tịch đối với việc đăng ký nuôi con nuôi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn khác (nếu có).

Chương II

MỨC THU VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN LỆ PHÍ

Điều 3. Mức thu

Lệ phí hộ tịch là khoản thu đối với người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc về hộ tịch theo quy định của pháp luật. Mức thu áp dụng đối với việc đăng ký hộ tịch tại từng cấp quản lý, như sau:

1. Mức thu áp dụng đối với việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Khai sinh: 8.000 đồng;

- Khai tử: 8.000 đồng;

- Kết hôn: 30.000 đồng;

- Nhận cha, mẹ, con: 15.000 đồng;

- Cấp bản sao trích lục hộ tịch: 3.000 đồng/1 bản sao;

- Thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch: 15.000 đồng;

- Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: 15.000 đồng;

- Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: 8.000 đồng;

- Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác hoặc đăng ký hộ tịch khác: 8.000 đồng.

2. Mức thu áp dụng đối với việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Khai sinh: 75.000 đồng;

- Khai tử: 75.000 đồng;

- Kết hôn: 1.500.000 đồng;

- Giám hộ: 75.000 đồng;

- Nhận cha, mẹ, con: 1.500.000 đồng;

- Cấp bản sao trích lục hộ tịch: 8.000 đ/1 bản sao;

- Thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc: 28.000 đồng;

- Ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài: 75.000 đồng;

- Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác hoặc đăng ký hộ tịch khác: 75.000 đồng.

Điều 4. Quản lý và sử dụng tiền thu lệ phí

1. Tùy theo tình hình thu lệ phí (số tiền thu được nhiều hay ít, đơn vị thu xa hay gần Kho bạc Nhà nước) mà hàng ngày hoặc chậm nhất trong vòng 01 tuần lễ, đơn vị thu phải nộp toàn bộ số tiền thu được vào “Tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí” mở tại Kho bạc Nhà nước. Việc quản lý số thu lệ phí bằng tiền mặt tại đơn vị thu trong thời gian chưa nộp vào “Tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí” thực hiện theo chế độ kế toán quy định hiện hành.

2. Mọi khoản lệ phí thu được đều là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, nên khoản lệ phí hộ tịch thu được phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được điều tiết cho ngân sách cấp xã, cấp huyện theo quy định hiện hành.

Về các khoản chi phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các đơn vị (Văn phòng UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị có liên quan).

3. Đơn vị thu lệ phí lập dự toán thu, chi gửi cơ quan tài chính để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Chương III

CHỨNG TỪ THU LỆ PHÍ, TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ THU LỆ PHÍ VÀ CƠ QUAN THUẾ

Điều 5. Biên lai thu lệ phí

Biên lai thu lệ phí do cơ quan thuế thống nhất phát hành. Đơn vị thu lệ phí phải lập và cung cấp biên lai cho đối tượng nộp theo đúng quy định hiện hành về chế độ phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ.

Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị thu lệ phí

1. Thực hiện việc công khai và trả lời chất vấn về chế độ thu lệ phí. Hình thức công khai:

- Niêm yết ở những vị trí thuận lợi để đối tượng nộp dễ nhận biết. Nội dung niêm yết: Đối tượng thuộc diện nộp, mức thu, chứng từ thu, thủ tục thu, nộp.

- Thông báo công khai văn bản quy định thu lệ phí.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc trước khi bắt đầu thu lệ phí theo Quy định này phải đăng ký với cơ quan thuế về loại lệ phí, địa điểm thu, chứng từ thu. Đơn vị thu phải thực hiện việc kê khai đầy đủ các nội dung theo biểu mẫu quy định.

3. Thực hiện việc thu lệ phí theo đúng đối tượng và mức thu tại Quy định này.

4. Mở tài khoản tạm giữ tiền lệ phí tại Kho bạc Nhà nước nơi thu để theo dõi, quản lý tiền lệ phí. Định kỳ, đơn vị thu phải gửi toàn bộ số tiền đã thu trong ngày vào tài khoản tạm giữ và theo dõi, hạch toán khoản thu theo chế độ kế toán hiện hành.

5. Thực hiện chế độ kế toán và quyết toán số thu theo quy định hiện hành của Nhà nước:

- Mở sổ kế toán theo dõi đầy đủ số thu, số trích, nộp;

- Quản lý, sử dụng biên lai thu và các chứng từ kế toán có liên quan theo đúng quy định về chế độ quản lý ấn chỉ, chứng từ;

- Thực hiện quyết toán lệ phí theo năm dương lịch và đúng biểu mẫu quy định;

Đơn vị thu lệ phí chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu quyết toán, nếu đơn vị cố tình báo cáo sai để trốn nộp, gian lận tiền của ngân sách Nhà nước, thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp đầy đủ tài liệu, sổ sách, hóa đơn, chứng từ kế toán liên quan đến việc quản lý lệ phí theo yêu cầu của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan thuế

1. Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thu thực hiện việc kê khai, thu, nộp, mở sổ sách, chứng từ kế toán và quyết toán lệ phí theo đúng pháp luật về phí, lệ phí và các quy định cụ thể tại Quy định này.

2. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, thu, nộp và quyết toán lệ phí; xử lý vi phạm hành chính về thực hiện chế độ đăng ký, kê khai, nộp lệ phí vào ngân sách Nhà nước, chế độ mở sổ kế toán, quản lý sử dụng và lưu giữ chứng từ thu.

3. Cục Thuế tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức in ấn, phát hành, quản lý chứng từ thu lệ phí theo chế độ quản lý ấn chỉ do Bộ Tài chính quy định. Bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ chứng từ phục vụ cho công tác thu của đơn vị thu.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ LỆ PHÍ

Điều 8. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân không nộp hoặc nộp không đủ tiền lệ phí thì không được phục vụ công việc đăng ký hộ tịch hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định về lệ phí mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Đơn vị, cá nhân thu lệ phí vi phạm quy định về đăng ký, kê khai thu, nộp lệ phí, về mức thu, chứng từ thu, quản lý sử dụng tiền lệ phí, về chế độ kế toán, về công khai chế độ thu lệ phí, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật về lệ phí.

2. Trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo; thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc cần điều chỉnh, đơn vị thu lệ phí kịp thời phản ánh với Sở Tư pháp để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.





Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi Ban hành: 21/03/2011 | Cập nhật: 24/03/2011

Nghị định 57/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh phí và lệ phí Ban hành: 03/06/2002 | Cập nhật: 17/11/2012