Quyết định 90/2008/QĐ-UBND về quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Số hiệu: 90/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Phùng Ngọc Mỹ
Ngày ban hành: 23/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/2008/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 23 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CHẤT THẢI RẮN ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn; Thông tư 39/2008/TT-BTC ngày 19/5/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn;

Căn cứ Nghị quyết số 38/2008/NQ-HĐND ngày 11/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa kỳ họp thứ 17 (từ ngày 09 đến ngày 11/12/2008) về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn như sau:

a/ Đối với chất thải rắn thông thường phát thải từ hoạt động của cơ quan, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề: 30.000 đồng/tấn.

b/Đối với chất thải rắn nguy hại: Chất thải rắn nguy hại được phân loại theo các nhóm nguồn hoặc dòng thải chính theo quy định tại mục II, mục III Danh mục chất thải nguy hại ban hành kèm theo Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.

b.1/ Các chất thải rắn có ngưỡng nguy hại “**” áp dụng mức thu như sau:

TT

Danh mục

Mức thu
(đồng/tấn)

1

Chất thải từ ngành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí và than.

5.000.000

2

Chất thải từ ngành sản xuất hóa chất vô cơ.

5.000.000

3

Chất thải từ ngành sản xuất hóa chất hữu cơ.

5.000.000

4

Chất thải từ ngành nhiệt điện và các quá trình nhiệt khác.

5.000.000

5

Chất thải từ ngành luyện kim.

5.000.000

6

Chất thải từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng và thủy tinh.

5.000.000

7

Chất thải từ quá trình xử lý, che phủ bề mặt, tạo hình kim loại và các vật liệu khác.

5.000.000

8

Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng, sử dụng các sản phẩm che phủ (sơn, véc ni, men thủy tinh), chất kết dính, chất bịt kín và mực in.

4.500.000

9

Chất thải từ ngành chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm gỗ, giấy và bột giấy.

4.000.000

10

Chất thải từ ngành chế biến da, lông và dệt nhuộm.

4.000.000

11

Chất thải xây dựng và phá dỡ (kể cả đất đào từ các khu vực bị ô nhiễm).

3.500.000

12

Chất thải từ các cơ sở tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải, xử lý nước cấp sinh hoạt và công nghiệp.

3.000.000

13

Chất thải từ ngành y tế và thú y (trừ chất thải sinh hoạt từ ngành này).

5.000.000

14

Chất thải từ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

2.000.000

15

Thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã hết hạn sử dụng và chất thải từ hoạt động phá dỡ, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện giao thông vận tải.

4.000.000

16

Chất thải hộ gia đình và chất thải sinh hoạt từ các nguồn khác.

2.000.000

17

Dầu thải, chất thải từ nhiên liệu lỏng, chất thải dung môi hữu cơ, môi chất lạnh và chất đẩy (propellant).

5.000.000

18

Các loại chất thải bao bì, chất hấp thụ, giẻ lau, vật liệu lọc và vải bảo vệ.

3.000.000

19

Các loại chất thải khác.

2.000.000

b.2/ Đối với chất thải rắn có ngưỡng nguy hại “*” thì mức thu tính bằng 50% mức thu phí áp dụng đối với ngưỡng nguy hại “**” theo quy định tại điểm b.1 nêu trên.

Điều 2. Đối tượng thu, nộp phí:

1/ Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn theo quy định tại Nghị định 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ là: chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoặc các hoạt động khác (trừ chất thải thông thường phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình).

2/ Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là các tổ chức, cá nhân có thải chất thải rắn thuộc đối tượng chịu phí nêu trên, trừ những đối tượng tự xử lý hoặc ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật.

3/ Đối tượng không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn bao gồm:

- Cá nhân, hộ gia đình thải chất thải rắn thông thường phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình;

- Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí nhưng tự xử lý hoặc ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật, cụ thể:

+ Đối với trường hợp tự xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường phải có thuyết minh rõ giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn; giải pháp công nghệ xử lý nước rác và nước thải từ hoạt động xử lý chất thải rắn; hiệu quả của công nghệ xử lý chất thải rắn; các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành; giải pháp xử lý các tình huống sự cố môi trường và các nội dung khác về xử lý chất thải rắn theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn.

+ Đối với trường hợp ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường phải có hợp đồng dịch vụ xử lý (hoặc hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý) chất thải rắn với chủ xử lý chất thải rắn được phép hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn.

Điều 3. Chế độ thu, nộp, quản lý:

1/ Đối tượng thu phí: là cơ quan vệ sinh môi trường (hoặc đơn vị được ủy quyền) có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

2/ Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

Cơ quan, đơn vị trực tiếp thu phí (hoặc đơn vị được ủy quyền) được trích để lại 25% số phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí theo chế độ quy định; phần còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước địa phương, là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% (một trăm phần trăm) để chi dùng cho các trường hợp sau:

- Chi phí cho việc xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, như: đốt, khử khuẩn, trung hóa, trơ hóa, chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, đảm bảo có sự kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình xử lý chất thải;

- Chi hỗ trợ cho việc phân loại chất thải rắn, bao gồm cả hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc phân loại chất thải rắn ngay tại nguồn;

- Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp, công trình xử lý chất thải rắn, sử dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn.

Điều 4. Các nội dung khác liên quan đến việc tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không đề cập tại Quyết định này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC .

Điều 5. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phùng Ngọc Mỹ