Quyết định 90/2008/QĐ-UBND về tổ chức và hoạt động của Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: 90/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Đinh Quốc Thái
Ngày ban hành: 22/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/2008/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 22 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 10/CP ngày 23/01/1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường;

Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13/3/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/CP ngày 23/01/1995;

Căn cứ Quyết định số 1301/QĐ-UBND ngày 23/4/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc chuyển Chi cục Quản lý Thị trường, trước đây thuộc Sở Thương mại - Du lịch sang Sở Công thương Đồng Nai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1196/TTr-SCT ngày 13/11/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức và hoạt động của Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1707/QĐ.CT.UBT ngày 27/5/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành bản Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức hoạt động của Chi cục Quản lý Thị trường.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 90/2008/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí - Chức năng

Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Đồng Nai (sau đây viết tắt là QLTT) là tổ chức trực thuộc Sở Công thương, thực hiện chức năng nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát (sau đây viết tắt KTKS) việc thi hành pháp luật và các chính sách, chế độ, thể lệ trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thương mại theo Luật Thương mại.

Điều 2. Hoạt động và trụ sở làm việc

Chi cục QLTT chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Công thương về tổ chức, hoạt động và biên chế, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục QLTT - Bộ Công thương.

Chi cục QLTT có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, dự toán cấp I.

Trụ sở làm việc: 201/8 đường Phan Trung - phường Tân Tiến - thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: (061) 3822242- 3827889; Fax: (061) 3817358

Website: http://www.qlttdn.gov.vn

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Nhiệm vụ

1. Chi cục QLTT có nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thương mại.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường từng thời kỳ, tổ chức thực hiện kiểm tra kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp đối với các tổ chức và cá nhân. Kiểm tra và dự báo tình hình giá cả có ảnh hưởng trực tiếp vào nền kinh tế trên địa bàn tỉnh.

3. Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thương mại, kiến nghị UBND tỉnh các biện pháp bảo đảm việc thi hành pháp luật thương mại và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác QLTT.

4. Thường trực giúp Giám đốc Sở chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp ở địa phương đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, kém chất lượng và các hoạt động kinh doanh trái phép khác.

5. Tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các đơn thư, khiếu nại tố cáo về hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các Đội và các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ công chức QLTT.

6. Tổng hợp tình hình thực thi pháp luật trên thị trường và hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường tại địa phương, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

7. Quản lý và thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức của Chi cục theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Kiểm soát viên; quản lý tài chính, tài sản, ấn chỉ, biên lai được giao theo quy định; xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết cho hoạt động của toàn Chi cục và quản lý quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật của lực lượng QLTT tại địa phương.

Điều 4. Quyền hạn

1. Chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát thị trường theo kế hoạch, phát hiện hàng nhập lậu, hàng cấm, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác.

2. Chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về thương nhân và hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại.

3. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chi cục, các vụ việc do Đội QLTT chuyển lên. Phối hợp với các ngành chức năng xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc vượt thẩm quyền thì Chi cục Trưởng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công thương xử lý.

4. Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành quy chế công tác của công chức QLTT và chống các hành vi tiêu cực của công chức QLTT đang thi hành công vụ.

5. Được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện chuyên dùng khác theo quy định của pháp luật (kể cả ô tô, xe mô tô phân khối lớn, thiết bị thông tin liên lạc) để làm nhiệm vụ kiểm tra.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

Điều 5. Lãnh đạo Chi cục

1. Chi cục QLTT do Chi cục Trưởng - Phó Giám đốc Sở Công thương phụ trách và các Phó Chi cục Trưởng giúp việc:

a) Chi cục Trưởng là người đứng đầu Chi cục. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục;

b) Phó Chi cục Trưởng là người giúp Chi cục Trưởng, chịu trách nhiệm trước Chi cục Trưởng và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công; thay mặt Chi cục Trưởng điều hành các hoạt động của Chi cục khi Chi cục Trưởng vắng mặt hoặc ủy quyền.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục Trưởng do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương;

3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chi cục Trưởng do Giám đốc Sở Công thương quyết định theo đề nghị của Chi cục Trưởng.

4. Việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo của Chi cục QLTT phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Cơ cấu tổ chức

1. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Phòng Tổ chức hành chính;

b) Phòng Nghiệp vụ tổng hợp.

2. Đơn vị trực thuộc: Các Đội QLTT gồm: Đội QLTT cơ động, Đội QLTT số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12.

3. Các phòng và Đội có: Trưởng, Phó phòng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động các chức danh: Trưởng, Phó phòng;

Đội trưởng, Phó Đội trưởng (sau khi báo cáo Giám đốc Sở Công thương) và điều động cán bộ công chức của Chi cục QLTT do Chi cục Trưởng quyết định theo thẩm quyền.

Điều 7. Biên chế

Biên chế của Chi cục QLTT thuộc biên chế quản lý hành chính được UBND tỉnh giao trong tổng biên chế hành chính của Sở Công thương.

Chương IV

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHI CỤC TRƯỞNG

Điều 8. Chế độ làm việc và trách nhiệm của Chi cục Trưởng

1. Chi cục Trưởng làm việc theo chế độ Thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo định kỳ và đột xuất.

2. Chi cục Trưởng chủ trì giải quyết các vấn đề có liên quan như sau:

a) Những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục QLTT;

b) Chương trình công tác, kế hoạch thanh kiểm tra theo chuyên đề của Chi cục QLTT trên địa bàn toàn tỉnh;

c) Chương trình, kế hoạch và các biện pháp thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cục QLTT - Bộ Công thương và Giám đốc Sở Công thương;

d) Những vấn đề có liên quan đến các ngành đã được Thủ trưởng các Sở, ban, ngành đề nghị phối hợp xử lý;

e) Những vấn đề đột xuất liên quan đến hoạt động của ngành và những vấn đề mà Chi cục Trưởng thấy cần thiết phải bàn bạc thêm.

3. Chịu trách nhiệm về công việc do Chi cục trực tiếp quản lý; chịu trách nhiệm liên đới do không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra để xảy ra sự cố, thất thoát, thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước.

4. Chịu trách nhiệm về quản lý và việc để xảy ra tham nhũng, quan liêu, gây thiệt hại nghiêm trọng trong cơ quan thuộc quyền quản lý của Chi cục Trưởng.

5. Phân công hoặc ủy quyền cho Phó Chi cục Trưởng làm việc và giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Chi cục QLTT trong, ngoài tỉnh. Chi cục Trưởng phải chịu trách nhiệm về những quyết định của Phó Chi cục Trưởng được phân công hoặc ủy quyền.

Điều 9. Nhiệm vụ của Chi cục Trưởng với cấp trên

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch (khi được yêu cầu) trình Giám đốc Sở Công thương ban hành theo thẩm quyền.

2. Tham gia đầy đủ các phiên họp của Sở, của UBND tỉnh và của các Sở, ban, ngành (khi được mời dự), nếu Chi cục Trưởng không tham dự được các cuộc họp có liên quan đến nhiệm vụ của Chi cục, có thể cử Phó Chi cục Trưởng hoặc các phòng chức năng của Chi cục tham dự (trường hợp cử đối tượng khác tham dự thì Chi cục Trưởng phải báo cáo lý do và phải được chủ trì cuộc họp chấp thuận).

3. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở, UBND tỉnh về thực hiện chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Chi cục Trưởng.

4. Không chuyển các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục lên Sở hay UBND tỉnh; không ban hành những văn bản trái với quy định của pháp luật; những vấn đề vượt thẩm quyền được giao phải xin ý kiến Giám đốc Sở.

Điều 10. Nhiệm vụ của Chi cục Trưởng với tổ chức và cá nhân

1. Tổ chức chỉ đạo và kiểm tra các đơn vị trực thuộc việc niêm yết công khai những vấn đề có liên quan trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và cá nhân.

2. Chỉ đạo và kiểm tra cán bộ, công chức thuộc Chi cục trong việc giải quyết các công việc của tổ chức và cá nhân; kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, công vụ, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc giải quyết các công việc của tổ chức và cá nhân. Không được tiếp nhận và giải quyết công việc của tổ chức và cá nhân tại nhà riêng.

3. Đối với những chương trình, dự án do cơ quan xây dựng hoặc tổ chức thực hiện có liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì Chi cục Trưởng có trách nhiệm thông báo để tổ chức, cá nhân của địa phương đó biết và tham gia đóng góp ý kiến.

Điều 11. Nhiệm vụ của Chi cục Trưởng với các đơn vị trực thuộc

1. Chi cục Trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra hoạt động của các phòng chức năng và các Đội QLTT trực thuộc Chi cục và chịu trách nhiệm về những khuyết điểm của cấp dưới có liên quan đến nguyên nhân từ sự chỉ đạo hướng dẫn của mình.

2. Triển khai những chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động và phạm vi trách nhiệm của các phòng, các đội.

3. Định kỳ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các phòng và các đội về chế độ, chỉ tiêu, hoạt động chuyên môn và kiểm tra kiểm soát thị trường.

Điều 12. Quyền hạn của Chi cục Trưởng

1. Chỉ đạo các đội thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch, phát hiện và xử lý các vi phạm đối với các hành vi trong sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hành vi kinh doanh trái phép khác và các hành vi vi phạm quy định về thương nhân và hoạt động thương mại theo Luật Thương mại.

2. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chi cục. Đối với những vụ việc vượt thẩm quyền thì Chi cục Trưởng báo cáo Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công thương xử lý.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc chấp hành quy chế công tác của công chức QLTT.

4. Quản lý biên chế, đề xuất tuyển dụng; tiếp nhận, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ công chức thuộc phạm vi quản lý của Chi cục.

5. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực QLTT cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác QLTT.

6. Quyết định các công việc thuộc phạm vi giải quyết của Chi cục và chịu trách nhiệm về các quyết định đó.

7. Phân công hoặc ủy quyền cho các Phó Chi cục Trưởng giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chi cục.

8. Thực hiện các quyền hạn của Chi cục và các quyền hạn khác theo ủy quyền của Giám đốc Sở và Cục QLTT - Bộ Công thương.

Chương V

MỐI QUAN HỆ LÀM VIỆC

Điều 13. Mối quan hệ giữa Chi cục QLTT với UBND tỉnh

1. Chi cục QLTT chịu sự quản lý, chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý thị trường; thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức QLTT.

2. Đề xuất với UBND tỉnh về kế hoạch, biện pháp ổn định thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa theo pháp luật, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

3. Đề nghị UBND tỉnh xem xét và ra quyết định xử lý các vi phạm hành chính vượt thẩm quyền của Chi cục Trưởng.

Điều 14. Mối quan hệ giữa Chi cục QLTT với Cục QLTT - Bộ Công thương.

1. Chi cục QLTT chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cục QLTT - Bộ Công thương về nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm, tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, phương hướng hoạt động của lực lượng QLTT trong từng thời kỳ. Có trách nhiệm liên hệ thường xuyên trong mối quan hệ phối hợp để nhận thông tin nhanh từ Cục QLTT.

2. Hướng dẫn xây dựng tổ chức lực lượng, chế độ chính sách, tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, cấp phát ấn chỉ QLTT, thẻ kiểm tra, biển hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, trang phục, đồng phục QLTT và các trang bị khác.

Điều 15. Mối quan hệ giữa Chi cục QLTT với Giám đốc Sở Công thương.

1. Giám đốc Sở Công thương quản lý trực tiếp Chi cục QLTT về chương trình hoạt động, tổ chức biên chế, thực hiện chế độ chính sách đối với công chức QLTT.

2. Chi cục QLTT có trách nhiệm đề xuất Giám đốc Sở Công thương về kế hoạch, biện pháp tổ chức quản lý thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa theo pháp luật, ngăn ngừa và xử lý vi phạm kịp thời trong hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn.

Điều 16. Mối quan hệ giữa Chi cục QLTT với UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa

Chi cục QLTT thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, giám sát và chỉ đạo hoạt động của các đội đóng trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện để các Đội QLTT thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát thị trường.

Điều 17. Mối quan hệ giữa Chi cục QLTT với các ngành có liên quan

1. Phối hợp trao đổi, cung cấp các thông tin có liên quan đến hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa và những vi phạm khác.

2. Thông tin về các vụ việc vi phạm điển hình trên địa bàn đã phát hiện, điều tra, xử lý, để các ngành và quần chúng nhân dân nắm bắt được các phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại; loại mặt hàng thường xuyên vi phạm, nguồn gốc, xuất xứ hàng nhập lậu, hàng giả, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và đề ra kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

3. Ngoài phạm vi địa bàn tỉnh, nếu phát hiện hàng hóa có dấu hiệu buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, có trách nhiệm cung cấp thông tin để các ngành, các cấp có liên quan xác minh, xử lý kịp thời.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Chi cục Trưởng Chi cục QLTT chịu trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện Quy định về tổ chức và hoạt động của Chi cục QLTT. Chi cục Trưởng có nhiệm vụ xây dựng quy chế làm việc của Chi cục trên cơ sở bản Quy định này.

Điều 19. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này do UBND tỉnh xem xét, quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương sau khi thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan./.