Nghị quyết 73/NQ-HĐND năm 2020 về kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025
Số hiệu: 73/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Nguyễn Đức Thanh
Ngày ban hành: 10/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 5 NĂM TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23/3/2017 của Chính phủ Ban hành quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm;

Căn cứ Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 7/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Căn cứ Thông tư số 38/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2020-2022; kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025;

Thực hiện Nghị quyết số 33/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết 58/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành định mức phân bổ và định mức chi các khoản chi thường xuyên thuộc ngân sách tỉnh, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết 59/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán thu, chi ngân sách địa phương; mức bổ sung cho ngân sách huyện, cấp xã và phương án phân bổ dự toán ngân sách năm 2017; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định thời gian gửi báo cáo và biểu mẫu báo cáo kế hoạch tài hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán, phân bổ ngân sách địa phương, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách địa phương; thời hạn phê chuẩn và gửi báo cáo quyết toán ngân sách các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Thực hiện Chương trình hành động số 113-CTr/TU ngày 17/3/2017 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững;

Thực hiện Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 21/02/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện Chương trình số 181-CTr/TU hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Xét Báo cáo số 362/BC-UBND ngày 27/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn Kế hoạch Tài chính 5 năm tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, cụ thể:

I. Mục tiêu:

1. Chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế:

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 10-11%/năm.

- GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 113 - 115 triệu đồng/người (dự kiến cả nước 5.000 USD/người, tương đương 110 triệu đồng/người).

- Cơ cấu kinh tế: Nông lâm thủy sản chiếm 18-19%; công nghiệp - xây dựng chiếm 42-43%; dịch vụ 39-40%.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025: 100-105 ngàn tỷ đồng.

- Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025: 6.500 - 7.000 tỷ đồng

a) Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2025: 26.900 tỷ đồng

- Thu nội địa thực hiện giai đoạn 2021-2025: 18.900 tỷ đồng (trong đó, thu tiền sử dụng đất: 1.050 tỷ đồng tăng, thu tiền xổ số kiến thiết: 370 tỷ đồng).

- Thu hải quan giai đoạn 2021-2025: 8.000 tỷ đồng.

b) Tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025: 39.350 tỷ đồng, trong đó:

- Thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là 17.400 tỷ đồng.

- Thu bổ sung ngân sách cấp trên giai đoạn 2021-2025: 21.950 tỷ đồng, (trong đó, thu bổ sung cân đối: 9.700 tỷ đồng, thu bổ sung có mục tiêu: 12.250 tỷ đồng).

c) Chi ngân sách giai đoạn năm 2021-2025: 39.864 tỷ đồng, trong đó:

- Chi đầu tư phát triển: 16.500 tỷ đồng.

- Chi thường xuyên: 22.350 tỷ đồng.

- Chi trả nợ gốc, lãi các khoản vay: 50,7 tỷ đồng (trong đó, chi trả nợ gốc nguồn Chính phủ vay về cho vay lại: 43 tỷ đồng, chi trả nợ lãi: 7,7 tỷ đồng).

- Các khoản chi khác và cải cách tiền lương: 963 tỷ đồng.

(Đính kèm phụ lục số 01 và 02)

2. Hoàn thiện quy định pháp luật về tài chính - ngân sách:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước; thực hiện kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách.

- Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tài chính - ngân sách, nợ công giai đoạn 2021- 2025 đã đặt ra tại các Nghị quyết; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), bội chi, nợ công; đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá, trốn lậu thuế; xử lý thu hồi nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; thực hiện nghiêm quy định về việc giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công và quyền khai thác tài sản công theo hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật.

- Điều hành, kiểm soát và giám sát chặt chẽ các khoản chi ngân sách địa phương, mức vay nợ, quản lý và sử dụng nguồn vốn theo quy định pháp luật.

II. Phương hướng và giải pháp thực hiện giai đoạn 2021-2025:

1. Phương hướng: Tập trung công tác thu ngân sách, quản lý, điều hành chi ngân sách địa phương đảm bảo đúng Luật ngân sách. Thực hiện hoàn thành chỉ tiêu về thu ngân sách đã đề ra. Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần thu nội địa, chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, đảm bảo chi phúc lợi xã hội và quốc phòng an ninh theo Chương trình hành động 113-CTr/TU ngày 17/3/2017 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công đảm bảo nền tảng tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

2. Giải pháp:

- Điều hành hoàn thành dự toán ngân sách các năm 2021-2025; tăng cường công tác quản lý đối với các khoản chi ngân sách nhà nước.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung Đề án tăng thu từ lĩnh vực đất đai đến năm 2020 để triển khai áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

- Tăng cường rà soát nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu từ các dự án điện gió, điện mặt trời, từ các dự án quan trọng của tỉnh, nhằm mở rộng cơ sở tính thuế, mở rộng nguồn thu trên địa bàn.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra, kiểm tra về thuế; có biện pháp thu hồi kịp thời; kiên quyết xử lý doanh nghiệp không nộp hoặc chậm nộp thuế.

- Rà soát các quy định của Trung ương để tham mưu thực hiện phân cấp theo Luật ngân sách nhà nước. Trong đó chú trọng việc tham mưu sửa đổi, bổ sung mức bổ sung ngân sách cho huyện, thành phố (kể cả xã, phường, thị trấn); định mức phân bổ và định mức chi các khoản chi thường xuyên thuộc ngân sách tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện ổn định trong thời kỳ 2022 - 2025; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng, triển khai các quy định về cơ chế tài chính đối với một số hoạt động dịch vụ công, cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội, cơ quan đơn vị sự nghiệp được quyết định biên chế và trả lương theo quy định có gắn với hiệu quả công việc.

- Tích cực triển khai các giải pháp về tiết kiệm chi tiêu công, định mức cơ cấu chi ngân sách, sử dụng có hiệu quả ngân sách cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội.

- Ban hành cơ chế khuyến khích các đơn vị chủ động tạo ra các nguồn thu hợp pháp và có cơ chế quản lý, phân phối sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước.

- Xây dựng kịp thời kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đúng quy trình, quy định; bố trí kế hoạch vốn có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vốn thanh toán các công trình hoàn thành, hạn chế tối đa các dự án mới khi chưa cân đối được nguồn vốn. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án bảo đảm phù hợp với quy hoạch, Chương trình đề án của Trung ương và của tỉnh;

- Khẩn trương rà soát và hoàn chỉnh phương án xử lý, sắp xếp nhà đất của đơn vị, địa phương đã được phê duyệt; định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện, các vướng mắc phát sinh, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo để kịp thời xử lý nhằm đẩy mạnh việc sắp xếp nhà đất.

- Có giải pháp phù hợp nhằm tăng thu ngân sách hàng năm, nhất là thu tiền sử dụng đất, triển khai có hiệu quả trong công tác đấu giá bán các tài sản công, các Dự án Đầu tư khu Dân cư đô thị, khu Đô thị và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư nhằm bổ sung nguồn thu ngân sách, hạn chế mức thấp nhất hụt thu, tác động đến cân đối chi ngân sách địa phương trong trường hợp xảy ra rủi ro về thiên tai bệnh dịch.

- Tăng cường rà soát các nhiệm vụ chi ngân sách, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; tăng cường quản lý đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đưa các quỹ vào hoạt động thực sự, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; tập trung rà soát và sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước, gắn với tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý quỹ bảo đảm hiệu quả, giảm sự chồng chéo, trùng lặp với NSNN.

Điều 2: Tổ chức thực hiện:

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

2. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa X Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH t
nh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa X;
- Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể tỉnh;
- VP. Tỉnh ủy, HĐND, UBND;
-TT. HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm CNTT và TT tỉnh;
- Trang tin điện tử HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh