Nghị quyết 11/2011/NQ-HĐND quy định mức chi đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 11/2011/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
Ngày ban hành: 09/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2011/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC CHI ĐỐI VỚI CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VI - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5210/TTr-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết quy định mức chi đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua mức chi đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nội dung chính như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1.1. Phạm vi điều chỉnh:

Nghị quyết này quy định mức chi đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp được ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

1.2. Đối tượng áp dụng:

Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung chi:

Nội dung chi thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

3. Mức chi:

3.1. Chi cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

a) Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 245/2008/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tạm thời về quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp và Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã.

b) Áp dụng mức chi của các mục chi tương tự trong Nghị quyết quy định mức chi đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đối với các nội dung dưới đây:

- Chi biên tập, nhuận bút tin, bài về pháp luật đăng tải trên trang thông tin điện tử để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Chi biên soạn sách, tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hướng dẫn nghiệp vụ.

c) Chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 14n/2010/NQ-HĐND ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và chi tiêu tiếp khách trong nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

d) Chi tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chi bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; chi tập huấn bồi dưỡng giảng viên, báo cáo viên, cộng tác viên tham gia mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

đ) Chi thuê chuyên gia giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp: 300.000 đồng/lần (ý kiến tham gia bằng văn bản).

Việc thuê chuyên gia giải đáp pháp luật không áp dụng đối với những trường hợp giải đáp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

e) Chi tổ chức diễn đàn, hội thảo, đối thoại với doanh nghiệp; chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác pháp chế doanh nghiệp; chi các buổi hội thảo, sinh hoạt nhóm của mạng lưới tư vấn pháp luật; chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước để triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (bao gồm cả luật gia, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật) thực hiện theo Nghị quyết số 151/2010/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

g) Các khoản chi khác thực hiện theo mức chi của những ngành có công việc tương tự hoặc thanh toán theo thực tế và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.

3.2. Các khoản chi có tính đặc thù để triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

a) Xây dựng đề cương chương trình:

- Xây dựng đề cương chi tiết của chương trình: tối đa 800.000 đồng/đề cương.

- Tổng hợp hoàn chỉnh đề cương của chương trình: tối đa 1.300.000 đồng/đề cương.

b) Chi các cuộc họp góp ý, tổ chức xét duyệt kế hoạch, báo cáo, đề cương, chuyên đề:

+ Chủ trì cuộc họp: tối đa 150.000 đồng/người/buổi;

+ Đại biểu được mời tham dự: tối đa 70.000 đồng/người/buổi;

+ Bài tham luận: tối đa 300.000 đồng/bài viết.

+ Bài nhận xét góp ý chỉnh sửa: tối đa 200.000 đồng/người/bản.

c) Chi xây dựng các chuyên đề của chương trình: tối đa 300.000 đồng/chuyên đề. d) Lấy ý kiến thẩm định chương trình: tối đa 300.000 đồng/bài viết.

đ) Xây dựng các báo cáo chương trình: tối đa 400.000 đồng/báo cáo.

e) Chi họp, góp ý nội dung Đề án xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật; họp góp ý, thẩm định Quy chế hoạt động của mạng lưới tư vấn pháp luật; chi các cuộc họp của Ban chỉ đạo, Tổ thư ký chương trình: thực hiện theo mức chi quy định tại điểm b khoản 3.2 trên đây.

h) Chi bồi dưỡng cho luật gia, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia tư vấn pháp luật: 30.000 đồng/giờ tư vấn.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phổ biến, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI, kỳ họp thứ 3 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện