Kế hoạch 180/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu
Số hiệu: 180/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Văn Phương
Ngày ban hành: 17/10/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 180/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 17 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 25/CT-TTG NGÀY 31/8/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU ĐỐI VỚI SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU

1. Sản xuất gắn với nhu cầu và tín hiệu thị trường; cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Tỉnh tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

2. Xác định các sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; trên cơ sở đó thực hiện cơ cấu lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

3. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, hướng tới phát triển xuất khẩu bền vững, khắc phục đầu tư tràn lan, theo phong trào, làm giảm hiệu quả của các sản phẩm xuất khẩu.

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với xuất khẩu

Các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Kế hoạch hành động số 108/KH-UBND ngày 31/5/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ; Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 29/7/2016 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các nút thắt đối với hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tạo thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu.

Các cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế rà soát lại các loại phí và mức phí thu vào hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là hàng xuất khẩu, để đề xuất giảm phí cho doanh nghiệp.

2. Tăng cường công tác thông tin giúp định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Công Thương

Nội dung nhiệm vụ:

- Tăng cường sự chủ động trong tiếp nhận, nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; kịp thời thông tin để UBND tỉnh, các Sở, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin định kỳ để doanh nghiệp và người dân có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

3. Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nội dung nhiệm vụ:

- Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường, triển khai các biện pháp tăng cường liên kết sản xuất trong nông nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh để phục vụ xuất khẩu.

- Triển khai các biện pháp để từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm:

+ Áp dụng các giải pháp đồng bộ để chấm dứt hiện tượng có tạp chất và dư lượng kháng sinh cấm trong sản xuất tôm và thủy sản.

+ Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thủy sản xuất khẩu để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về chống đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU)

+ Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông, thủy sản thông qua các biện pháp quản lý theo hệ thống từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu như áp dụng GAP, CoC, HACCP; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

+ Áp dụng các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm soát tốt việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất công nghiệp và chất cấm trong chăn nuôi; tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

4. Phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

a) Sở Công Thương: tổ chức nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt đối với mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn xây dựng trang thông tin điện tử, giao dịch trực tuyến các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may; kết nối doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và các ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các dự án thân thiện với môi trường, có công nghệ tiên tiến, tạo ra phương thức sản xuất kinh doanh mới mang lại giá trị gia tăng và có cam kết chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện.

c) Sở Khoa học và Công nghệ: phối hợp với các sở ngành, Hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tham mưu chính sách hỗ trợ công tác đào tạo nghề, tạo nguồn lao động phù hợp cho các ngành đang có nhu cầu chuyển sang áp dụng công nghệ 4.0 như chế biến gỗ, dệt may,...

- Đề xuất triển khai các giải pháp, chính sách để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong các ngành như thiết kế kiểu dáng, bao bì công nghiệp, thiết kế thời trang, marketing...

5. Tăng cường công tác đàm phán, hội nhập để phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới

a) Sở Công Thương:

- Tiếp nhận thông tin từ Bộ Công Thương để tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA, hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu rõ và nắm được quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu; tổ chức việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng hiện đại hóa, điện tử hóa, tăng cường triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của tỉnh.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm.

6. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu:

a) Sở Tài chính: phối hợp với Sở Công Thương xem xét việc bổ sung kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại để tương xứng với kim ngạch xuất khẩu cũng như tiềm năng xuất khẩu của tỉnh.

b) Sở Công Thương:

- Nghiên cứu đổi mới công tác xúc tiến thương mại theo hướng đào tạo kỹ năng; chú trọng đào tạo, phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các FTA; ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh.

- Đẩy mạnh hoạt động phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như dệt may, thủy sản,...

7. Đẩy mạnh các biện pháp về thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn phục vụ xuất khẩu

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối doanh nghiệp tại địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

8. Phát triển dịch vụ phục vụ xuất khẩu hàng hóa

a) Sở Giao thông Vận tải:

Phối hợp với Cảng Chân Mây đề xuất Bộ Giao thông vận tải chấp nhận tuyến container qua Cảng Chân Mây khi điều kiện cho phép.

b) Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh:

Lập quy hoạch trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư trung tâm logistics tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, các dự án đầu tư bến cảng container và các dự án sản xuất phục vụ xuất khẩu.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở những nội dung chủ yếu trong Kế hoạch này, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động của ngành, địa phương mình và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm, bố trí đủ nguồn nhân lực và các điều kiện đảm bảo hoàn thành những công việc được giao chủ trì thực hiện; định kỳ 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Công Thương để tổng hợp).

2. Giao Sở Công Thương chủ trì đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện Kế hoạch này; định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh, đảm bảo Kế hoạch được thực hiện đồng bộ và hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Công Thương (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan thực hiện;
- UBND các huyện, TX, TP Huế;
- VP: CVP và các PCVP;
- Lưu: VT, CT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 





Kế hoạch 114/KH-UBND về Xúc tiến đầu tư năm 2020 Ban hành: 06/05/2020 | Cập nhật: 05/06/2020

Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ Ban hành: 03/11/2015 | Cập nhật: 05/11/2015