Kế hoạch 114/KH-UBND năm 2014 thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: | 114/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa | Người ký: | Nguyễn Đình Xứng |
Ngày ban hành: | 06/09/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 114/KH-UBND |
Thanh Hóa, ngày 06 tháng 9 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/2014/NĐ-CP NGÀY 07/7/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA.
Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản; các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Thực hiện Công văn số 6021/BNN-TCTS ngày 29/7/2014, Công văn số 6049/BNN-TCTS ngày 30/7/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP .
- Phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP .
2. Yêu cầu
- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ hải sản xa bờ tại địa phương.
- Việc thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản phải đồng bộ, tuân thủ đúng quy định của Nhà nước; bám sát đúng quy hoạch phát triển ngành Thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020, định hướng năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
- Các tổ chức, cá nhân sau khi đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá để khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá phải phát huy được hiệu quả, đảm bảo chất lượng và có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả gốc, lãi đúng hạn cho ngân hàng thương mại theo hợp đồng tín dụng.
- Trong quá trình thực hiện phải có sự kiểm tra, đôn đốc của các cấp, các ngành; sự vào cuộc của chính quyền địa phương; tổ chức đánh giá việc thực hiện theo định kỳ để kịp thời rút kinh nghiệm, từ đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình cụ thể.
II. NỘI DUNG
1. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP
Tổ chức hội nghị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện, thị, xã, phường, các đơn vị có liên quan và ngư dân hoạt động khai thác thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá:
- Các cấp, các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thông qua nhiều hình thức như: trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, hệ thống phát thanh của huyện, hệ thống truyền thanh của xã, phường và tổ chức Hội nghị triển khai cho ngư dân nắm bắt, hiểu rõ chính sách về phát triển thủy sản của Nhà nước để ngư dân đăng ký vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo quy định. Nội dung tuyên truyền, phổ biến phải cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu.
- Hướng dẫn về thiết kế mẫu tàu vỏ thép, định mức kinh tế kỹ thuật duy tu sửa chữa định kỳ đối với tàu vỏ thép và cơ sở đóng sửa tàu có đủ điều kiện theo quy định, để cho các ngư dân biết và lựa chọn đăng ký.
- Thời gian thực hiện: Trong tháng 9 năm 2014.
2. Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện
2.1. Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Tổ chuyên viên giúp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh:
- Thành phần Ban chỉ đạo cấp tỉnh gồm:
+ Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trưởng ban;
+ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phó ban thường trực;
+ Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính: Phó ban;
+ Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa: Phó ban;
+ Đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia: Ủy viên;
+ Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Thư ký.
+ Thành phần Tổ chuyên viên giúp việc gồm:
+ Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tổ trưởng;
+ Đại diện lãnh đạo Phòng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa: Tổ phó;
+ Đại diện lãnh đạo Phòng thuộc Sở Tài chính: Tổ phó;
+ Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) các huyện, thị xã ven biển: Tổ viên.
2.2. Thành lập Ban chỉ đạo của các huyện, thị xã ven biển, thành phố Thanh Hóa, thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại các địa phương.
3. Các giai đoạn triển khai thực hiện
3.1. Giai đoạn 1:
Thời gian thực hiện: Từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015.
- Lựa chọn đối tượng và tổ chức làm thí điểm thực hiện chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu, gồm:
+ Đóng mới 32 tàu vỏ gỗ và vỏ thép: 30 tàu khai thác hải sản (tàu vỏ thép 10, vỏ gỗ 20), 02 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (vỏ thép);
+ Nâng cấp tàu: 40 tàu khai thác hải sản có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
- Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
3.2. Giai đoạn 2:
Thời gian thực hiện: Từ tháng 7/2015 đến hết năm 2016.
- Tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu ra diện rộng, bao gồm:
+ Đóng mới 62 tàu vỏ gỗ và vỏ thép: 60 tàu khai thác hải sản, 02 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ;
+ Nâng cấp tàu: Toàn bộ chủ tàu có nhu cầu nâng cấp tàu khai thác hải sản có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
- Tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP , báo cáo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
4. Tổ chức cho chủ tàu đăng ký vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá, lựa chọn đối tượng làm điểm để thực hiện chính sách và nhân rộng trên địa bàn tỉnh
- Các chủ tàu hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất khai thác hải sản, hoặc dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ cụ thể đăng ký vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu và chi phí chuyến biển với UBND xã, phường nơi thường trú.
- UBND các xã, phường nghề cá tổng hợp danh sách chủ tàu đăng ký vay vốn, xem xét các chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn xác nhận đối tượng được vay vốn theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 3 Điều 4; đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm theo quy định tại Điều 5; đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 67/2014/NĐ-CP gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện.
- UBND các huyện, thị xã ven biển:
+ Căn cứ số lượng tàu cá đóng mới, nâng cấp được UBND tỉnh phân bổ thẩm định, lựa chọn các chủ tàu có đủ điều kiện được hưởng chính sách tín dụng và lập danh sách chủ tàu đề nghị làm thí điểm.
+ Tổ chức sơ kết, đánh giá những mô hình đầu tư hiệu quả: về cách thức đầu tư, quản lý, sử dụng có hiệu quả tàu cá, trang thiết bị, ngư lưới cụ, các hạn chế trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện vào tháng 6/2015.
- Trên cơ sở việc sơ kết, đánh giá, tổ chức triển khai nhân rộng trên địa bàn. Thời gian thực hiện đến hết năm 2016.
- Tổ chức công tác tổng kết thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP vào Quý IV năm 2016.
5. Thẩm định và phê duyệt danh sách chủ tàu được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu làm khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ
- Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản tổ chức thẩm định danh sách chủ tàu đề nghị vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu làm khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Thời gian thực hiện:
+ Danh sách đối tượng làm thí điểm trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 9 năm 2014.
+ Danh sách chủ tàu được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu làm khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ còn lại tỉnh phê duyệt vào tháng 6/2015.
6. Tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm:
Sở Tài chính chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm triển khai thực hiện bảo hiểm theo quy tắc, điều khoản, biểu phí chung thống nhất đã đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận, gồm: Bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ trên tàu ngoại trừ những rủi ro mang tính chủ quan của người được bảo hiểm và các hành vi trục lợi bảo hiểm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản cấp tỉnh:
- Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản cấp tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phân bổ số lượng tàu cá đóng mới cho từng huyện, thị xã; tổ chức thẩm định và lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để đóng mới, nâng cấp tàu làm nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP .
- Tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm theo định kỳ; tổ chức tổng kết thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP vào Quý IV năm 2016.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản và Tổ chuyên viên giúp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, lập kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Thời gian trong tháng 9 năm 2014.
- Hướng dẫn các chủ tàu thực hiện đúng quy định pháp luật về đăng ký tàu cá, đăng ký thuyền viên, đăng kiểm, xin cấp phép khai thác thủy sản, quy định về bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên làm việc trên tàu và các quy định pháp luật khác có liên quan về khai thác hải sản.
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã ven biển hướng dẫn chủ tàu lựa chọn thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ phù hợp với nghề, vùng hoạt động, các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ đối với tàu vỏ thép, hướng dẫn tổ chức thực hiện duy tu, sửa chữa định kỳ; phổ biến danh sách các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá đáp ứng các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để ngư dân biết và lựa chọn khi đóng tàu.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá các quy định về nhà xưởng, trang thiết bị của các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 400 CV trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Tổng cục Thủy sản) danh sách các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá đáp ứng các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Tổng hợp danh sách đối tượng đủ điều kiện vay vốn đóng tàu, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản trình Ban chỉ đạo cấp tỉnh xem xét.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định hồ sơ hỗ trợ bảo hiểm khai thác hải sản trình UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ.
3. Sở Tài chính:
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn giá bán (nhiên liệu; xăng dầu, đá bảo quản hải sản; vật tư sửa chữa nhỏ tàu cá, ngư lưới cụ, nước ngọt, lương thực, thực phẩm thiết yếu) của tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ cho tàu khai thác hải sản xa bờ theo giá bán lẻ ở đất liền.
- Kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm khai thác hải sản; kiểm tra việc cấp kinh phí hỗ trợ.
- Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển thủy sản đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức tổng kết việc thực hiện chính sách bảo hiểm.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hoá:
- Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng theo quy định thực hiện việc cho vay đối với chủ tàu trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại tại Điều 4, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014, Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Hội sở chính, đảm bảo trình tự, thủ tục đơn giản, nhanh gọn và an toàn về nguồn vốn vay của Nhà nước.
- Theo dõi, kiểm tra việc triển khai cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại đối với chủ tàu trên địa bàn; là đầu mối phối hợp với các Sở, ngành liên quan nắm bắt kịp thời kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề có chức năng, tổ chức, đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
6. Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống:
- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình, hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con ngư dân biết và tham gia được hưởng chính sách.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống xây dựng các chuyên mục thông tin, phóng sự nêu gương như nhân tố điển hình tiên tiến, những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ ở cơ sở nhằm động viên, khích lệ kịp thời.
7. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển hỗ trợ, cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, chủ tàu các tài liệu liên quan đến việc xác định hoạt động của tàu, danh sách thuyền viên làm việc trên tàu và các tài liệu liên quan khác tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường được nhanh chóng, thuận lợi.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch này tại địa phương.
- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách; tổ chức, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đến các cấp ủy chính quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan và các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ khai thác xa bờ tại địa phương.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cho các chủ tàu tham gia Tổ đoàn kết trên biển, thực hiện nhanh chóng các thủ tục chứng thực thành lập các Tổ đoàn kết trên biển tạo điều kiện cho các chủ tàu có đủ điều kiện tham gia bảo hiểm khai thác hải sản.
- Chỉ đạo UBND cấp xã lựa chọn và xác nhận chủ tàu điển hình, đáp ứng đủ tiêu chí theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP để tiến hành thí điểm hỗ trợ đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.
- Giao Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối tượng được vay vốn theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 3 Điều 4; đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm theo quy định tại Điều 5; đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 67/2014/NĐ-CP gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh làm cơ sở thực hiện.
- Căn cứ nhiệm vụ được giao định kỳ 06 tháng, 01 năm tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) về tình hình hỗ trợ cho ngư dân theo từng loại chính sách và từng đối tượng trên địa bàn.
9. Các doanh nghiệp bảo hiểm
- Thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm khai thác hải sản.
- Tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm rủi ro đối với thân tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ cho ngư dân được hưởng chính sách quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP .
10. Hội Nghề cá tỉnh
- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đến bà con ngư dân.
- Hướng dẫn, vận động hội viên tuân thủ quy định pháp luật về thực hiện các chính sách phát triển thủy sản.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có phát sinh vướng mắc, các Sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa) để tổng hợp trình Ban chỉ đạo, UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch này; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Công văn 6049/BNN-TCTS năm 2014 thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản Ban hành: 30/07/2014 | Cập nhật: 20/08/2014
Thông tư 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản Ban hành: 15/08/2014 | Cập nhật: 19/08/2014
Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản Ban hành: 07/07/2014 | Cập nhật: 10/07/2014
Công văn 6021/BNN-TCTS năm 2014 tổ chức thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP phát triển thủy sản Ban hành: 29/07/2014 | Cập nhật: 15/11/2014