Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2018 truyền thông về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu: 137/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Nguyễn Long Hải
Ngày ban hành: 05/10/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 05 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (gọi tắt là Chương trình), UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch truyền thông về Chương trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về Chương trình; gắn kết nội dung về phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Tuyên truyền kịp thời các chủ trương, giải pháp và kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo mỗi giai đoạn phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng.

2. Yêu cầu

Truyền thông về phát triển bền vững cần gắn với thực tiễn của đất nước và địa phương, cập nhật theo từng thời kỳ, giai đoạn phát triển, xây dựng của tỉnh và đất nước, bám sát các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Lồng ghép nội dung truyền thông với các nhiệm vụ tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, công tác thông tin đối ngoại, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới… nhằm tận dụng tối đa mọi nguồn lực, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong công tác truyền thông về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG

1. Truyền thông về chủ trương, chính sách phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

1.1. Nội dung truyền thông

a) Truyền thông sâu rộng về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các chương trình nghị sự và sự kiện quốc tế về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Việt Nam tổ chức, tham gia.

b) Truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, quá trình thực hiện và những kết quả đạt được qua các năm[1].

c) Truyền thông về các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, thi đua xây dựng đất nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng, các điển hình tiên tiến và các việc làm thiết thực góp phần thực hiện phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

1.2. Hình thức truyền thông

Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các Trang thông tin điện tử thành viên, phát huy vai trò của internet cung cấp thông tin về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tới các tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh phù hợp đối với từng nhóm đối tượng trong xã hội; đồng thời phát huy vai trò của hoạt động thông tin cơ sở trong việc thông tin về các chính sách phát triển cho các nhóm dân cư trên địa bàn, hình thức cụ thể như tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở...

1.3. Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

2. Truyền thông các nội dung về lĩnh vực kinh tế

2.1. Nội dung

Truyền thông về các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; tăng cường nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

2.2. Hình thức

Tập trung tuyên truyền trên phương các tiện truyền thông như báo, đài phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở bằng các hình thức như: Triển lãm giới thiệu; tọa đàm, hội thảo, chuyên đề; bản tin, quảng cáo, cổ động trực quan…

2.3. Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm và theo từng sự kiện.

3. Truyền thông các nội dung về lĩnh vực văn hóa - xã hội

3.1. Nội dung

Truyền thông về các mục tiêu phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội.

3.2. Hình thức

Thông tin bằng các thể tài, thể loại báo chí như tin tức, phóng sự, phim tài liệu, tọa đàm, phỏng vấn, trailer ngắn... bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, bảo đảm phủ sóng thông tin từ các loại hình truyền thông đến được với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, nhằm phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung vào ba nhóm mục tiêu lớn: Phát triển kinh tế, gìn giữ môi trường sinh thái, và tiến bộ văn hóa - xã hội. Trong đó, con người là đối tượng trọng tâm, xuyên suốt.

3.3.Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng tháng.

4. Truyền thông các nội dung về lĩnh vực môi trường

4.1. Nội dung

Truyền thông về các nội dung khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia; cách sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

4.2. Hình thức

Đa dạng hóa các loại hình truyền thông, phát huy vai trò truyền thông qua cổ động trực quan, viễn thông và internet, biên tập các pa nô áp phích, băng rôn; chuyên mục, đoạn phim, phóng sự về quá trình thực hiện, những kết quả đạt được về các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và địa phương.

4.3. Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch, giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

b) Đôn đốc, định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí của tỉnh, các đơn vị liên quan triển khai công tác truyền thông về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng lợi thế của hình thức truyền thông qua mạng viễn thông, internet.

2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Phối hợp, định hướng nội dung thông tin tuyên truyền về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các chương trình, đề án, dự án, chính sách của tỉnh cho các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành có liên quan biên tập, xây dựng các tài liệu về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phối hợp với các cơ quan báo chí cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông, phục vụ công tác tuyên truyền những nội dung liên quan tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

Bố trí kinh phí hàng năm cho việc triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh theo quy định của luật Ngân sách nhà nước.

4. Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Hội Văn học và Nghệ thuật; Cổng thông tin điện tử tỉnh; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện

Xây dựng kế hoạch truyền thông, xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, chuyên trang về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố để thực hiện tuyên truyền, phản ánh kịp thời về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh.

5. Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn tại địa phương chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch.

6. Chế độ báo cáo

Các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình triển khai thực hiện thông qua Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo với UBND tỉnh để kịp thời xử lý, giải quyết.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông; (Báo cáo)
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Lạng Sơn, Đài PTTH, Cổng TTĐT tỉnh;
- Hội Văn học nghệ thuật;
- C, PVP, các phòng CM, TH-CB;
- Lưu: VT, KGVX(LHH).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Hải

 



[1] Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/42012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 14/6/2018 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 14/8/2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 - 2020…