Kế hoạch 143/KH-UBND năm 2020 về triển khai Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030
Số hiệu: | 143/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Nguyễn Văn Phương |
Ngày ban hành: | 05/06/2020 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 143/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 6 năm 2020 |
Thực hiện Quyết định số 718/QĐ-BYT ngày 25 tháng 2 năm 2019 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung
Tăng cường khả năng tiếp cận phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhóm dân cư có nhu cầu và có khả năng chi trả; chú trọng dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Các chỉ báo cần đạt được đến năm 2025 tại địa bàn triển khai Đề án
- Ít nhất 90% người dân có nhu cầu hiểu biết về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
- 100% Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu, được tư vấn và sử dụng biện pháp tránh thai, sản phẩm và dịch vụ phòng ngừa, phát hiện, xử lý nhiễm khuẩn đường sinh sản.
- Ít nhất 90% người dân có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tình dục.
- Ít nhất 30% phụ nữ từ 30-54 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư cổ tử cung.
- Ít nhất 30% số phụ nữ trên 40 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư vú.
- Đạt ít nhất 40% thị phần trong thị trường tổng thể phương tiện tránh thai được cung ứng thông qua Đề án.
- Tăng thêm ít nhất 05 sản phẩm phương tiện tránh thai, 10 sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản theo mục tiêu đề án của Trung ương.
- 90% Cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, tổ dân phố, cán bộ quản lý, người tham gia cung ứng sản phẩm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về các nội dung Đề án và trực tiếp tham gia phân phối sản phẩm và một số hoạt động cung cấp dịch vụ đã được quy định của Đề án.
- 100% cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia Đề án được bổ sung, hỗ trợ trang thiết bị đạt chuẩn để triển khai dịch vụ kỹ thuật.
-100% người cung cấp dịch vụ, cán bộ quản lý của cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia Đề án được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và tổ chức phân phối sản phẩm và cung cấp dịch vụ của Đề án.
b) Các chỉ báo đến năm 2030: Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những hoạt động, nội dung, kết quả thực hiện đến năm 2025 để xác định mục tiêu cụ thể và các chỉ báo của Đề án đến năm 2030.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Phạm vi: Địa bàn được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Đối tượng
- Đối tượng thụ hưởng:
Phụ nữ, nam giới, vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi, là những người có nhu cầu và khả năng chi trả được thông tin, tư vấn, chuyển đổi hành vi và được chăm sóc, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ cung cấp trong Đề án.
- Đối tượng tác động:
+ Cán bộ y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế chuyên ngành sản-phụ khoa, ung thư; cơ sở cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản được cung cấp, trang bị kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và tham gia cung ứng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc.
+ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số, y tế thôn bản được tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng để trực tiếp tham gia cung cấp sản phẩm và triển khai những hoạt động, nội dung phù hợp trong các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc tại cộng đồng.
- Các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân sản xuất, phân phối, cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản.
3. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2020 đến năm 2030.
- Giai đoạn 1: Từ năm 2020-2025.
- Giai đoạn 2: Từ năm 2026-2030.
III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU
1. Tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin tạo môi trường xã hội đồng thuận thúc đẩy xã hội hóa, phát triển thị trường phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản, thị trường cung cấp dịch vụ và triển khai Đề án
- Thường xuyên cung cấp thông tin, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng; tổ chức các sự kiện truyền thông về xã hội hóa, nội dung và sản phẩm, dịch vụ, tập trung cho sản phẩm, dịch vụ mới của Đề án.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, cung cấp thông tin cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về lợi ích, sự cần thiết của xã hội hóa; ban hành chính sách, huy động nguồn lực, phối hợp tham gia thực hiện Đề án.
- Sản xuất và phát hành các loại tài liệu, tờ rơi, sách mỏng.
- Sản xuất và phát sóng các phóng sự...
2. Xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và phát triển sản phẩm, dịch vụ của Đề án
- Rà soát, bổ sung, xây dựng các chính sách khuyến khích xã hội hóa và phát triển sản phẩm, dịch vụ của Đề án. Ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện Đề án (theo hướng dẫn của Trung ương).
- Rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch tổng thể cho từng sản phẩm, dịch vụ của Đề án theo phân khúc thị trường.
- Tạo cơ hội cho đối tượng không thuộc diện ưu tiên miễn phí sử dụng lựa chọn biện pháp tránh thai, tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản thuận tiện, an toàn, phù hợp nhu cầu, khả năng mỗi cá nhân và gia đình.
3. Củng cố và mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ của Đề án
a) Phát triển sản phẩm, dịch vụ của Đề án
- Lựa chọn, thí nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới đưa vào triển khai thực hiện. Đánh giá khả năng tiếp cận và chấp nhận sử dụng của người dân.
- Tiến hành đăng ký và đưa vào triển khai trong Đề án những sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm có tác dụng phòng, chống ung thư; những giải pháp công nghệ thực hiện đơn giản, có tính cộng đồng cao về sàng lọc, chẩn đoán ung thư vú, ung thư cổ tử cung có hiệu quả, dựa trên nhu cầu, điều kiện của người dân và năng lực của hệ thống cung cấp.
- Bổ sung, xây dựng và ban hành quy trình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và quản lý soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng (theo văn bản hướng dẫn của Trung ương).
- Biên tập, cập nhật và phổ biến các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn về sản phẩm, dịch vụ mới (theo văn bản hướng dẫn của Trung ương).
b) Tổ chức cung ứng sản phẩm trong hệ thống dân số
- Tiếp tục triển khai các hoạt động của Đề án 818 (theo hướng dẫn của Trung ương) và Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 20/3/2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế trong chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2017-2020.
- Xây dựng và mờ rộng mạng lưới cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản, nhà thuốc, chú trọng người đủ năng lực, điều kiện và có nguyện vọng tham gia Đề án.
- Định kỳ tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và tập huấn kỹ năng theo chương trình, tài liệu và kế hoạch của Đề án.
- Tuyên truyền, tư vấn, cung cấp thông tin về các nội dung chăm sóc và vận động sử dụng sản phẩm tại hộ gia đình và cộng đồng.
- Phân phối các sản phẩm của Đề án tại cộng đồng.
- Định kỳ báo cáo, phản ánh các thông tin của khách hàng theo quy định.
c) Tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tại các cơ sở y tế đủ điều kiện
- Tiếp tục triển khai các hoạt động của Đề án 818 (theo hướng dẫn của Trung ương) và Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 20/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế trong chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2017-2020.
- Phát triển các cơ sở y tế tự nguyện và đủ điều kiện tham gia Đề án.
- Tiếp tục mở rộng các dịch vụ KHHGĐ/chăm sóc SKSS; chú trọng phòng chống nhiễm khuẩn, hỗ trợ sức khỏe tình dục, dự phòng, sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung.
- Tổ chức đào tạo và đào tạo liên tục kỹ thuật dịch vụ, tập huấn kỹ năng cho người cung cấp dịch vụ.
- Bổ sung trang thiết bị, dụng cụ cho các cơ sở y tế tham gia Đề án theo quy chuẩn.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế; huy động các cơ sở y tế phối hợp với mạng lưới dân số - y tế cơ sở tham gia cung cấp dịch vụ tại cộng đồng.
4. Quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Đề án
- Phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ của Đề án.
- Rà soát, đề xuất bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản, sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung (theo văn bản hướng dẫn của Trung ương).
- Rà soát đề xuất bổ sung quy trình kỹ thuật, quy trình quản lý sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng (theo văn bản hướng dẫn của Trung ương).
- Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của Đề án (theo văn bản hướng dẫn của Trung ương).
5. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý và hệ thống hậu cần của Đề án
- Định kỳ thu thập thông tin, điều tra thông tin cơ bản, điều tra đầu kỳ, giũa kỳ và cuối kỳ Đề án.
- Rà soát, bổ sung trang thiết bị các kho bảo quản sản phẩm của Đề án.
- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
6. Quản lý, giám sát
- Triển khai bộ công cụ giám sát, đánh giá thống nhất (theo hướng dẫn của Trung ương).
- Tổ chức khảo sát, học tập trao đổi kinh nghiệm...
- Tổ chức các hội thảo, hội nghị vận động, triển khai kế hoạch, sơ kết, tổng kết.
- Kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật: Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất, cơ quan quản lý cấp trên nắm bắt tình hình, đánh giá chất lượng việc triển khai thực hiện các hoạt động và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực về quản lý và thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý tuyến dưới.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Giải pháp kỹ thuật
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản đến năm 2030.
- Ngoài đối tượng ưu tiên được hỗ trợ miễn phí theo quy định của nhà nước, các đối tượng còn lại phải chi trả mức giá dịch vụ theo quy định hiện hành. Chú trọng những sản phẩm có nhu cầu cao, cần thiết, nhưng còn thiếu hoặc đang được sản xuất tại nước ngoài.
2. Giải pháp về quản lý
- Phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bên tham gia thực hiện Đề án. Cơ quan dân số, cơ sở y tế đủ điều kiện, các tổ chức, đơn vị, tư nhân triển khai phân phối sản phẩm, cung ứng dịch vụ của Đề án theo nhiệm vụ, phân cấp và được hưởng các chi phí theo quy định.
- Hỗ trợ phân phối sản phẩm và dịch vụ của Đề án được xác định theo nội dung công việc (thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương).
- Mức chi phí hoặc khung chi phí phân phối cho từng sản phẩm, dịch vụ và cho từng cấp phân phối sản phẩm và dịch vụ của Đề án (thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương).
3. Giải pháp huy động nguồn lực
a) Huy động nhân lực
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, xem công tác này là một nội dung trọng tâm trong các chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền.
- Cán bộ chuyên môn, kỹ thuật của các cơ quan y tế, dân số tại địa bàn được huy động tham gia thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Đối với cấp thôn, bản, tổ dân phố: cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, tổ dân phố tiếp tục được huy động tham gia tuyên truyền, vận động, tư vấn và phân phối sản phẩm của Đề án; huy động các nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi tham gia.
- Đối với cấp xã (Trạm y tế, phòng khám sản phụ khoa, cơ sở y tế tư nhân): huy động các bác sỹ và nhân viên y tế của các cơ sở y tế tham gia phân phối sản phẩm và cung cấp dịch vụ của Đề án theo phân cấp.
- Đối với cấp huyện/tỉnh: huy động các bác sỹ và nhân viên y tế của cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia cung cấp đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ của Đề án. Hỗ trợ kỹ thuật, tham gia cung cấp dịch vụ tại cộng đồng.
b) Huy động vốn đầu tư
Các nguồn vốn được hỗ trợ bao gồm: thực hiện theo ngân sách do trung ương cấp và thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương; từ người sử dụng tự chi trả.
c) Quản lý vốn đầu tư: Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư triển khai các hoạt động của Đề án theo các quy định tài chính hiện hành và các văn bản liên quan của trung ương.
4. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách Trung ương cấp và từ người sử dụng tự chi trả.
1. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức triển khai kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hằng năm, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản. Giao cơ quan thường trực là Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình.
- Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo có trách nhiệm triển khai và tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện triển khai Kế hoạch Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình, Sức khỏe sinh sản đến năm 2030.
- Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý, điều hành triển khai có hiệu quả các hoạt động của kế hoạch.
- Định kỳ hàng năm và đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai thực hiện kế hoạch.
2. Các Sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan
Căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị để xây dựng kế hoạch hoạt động, lồng ghép nội dung Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào hoạt động của đơn vị và thực hiện có hiệu quả chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong cơ quan, đơn vị; định kỳ báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình - Sở Y tế).
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và nội dung của kế hoạch để xây dựng kế hoạch thực hiện.
- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Trung Y tế và ban, ngành, đoàn thể tại huyện, thị xã, thành phố và các địa bàn triển khai kế hoạch tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung kế hoạch.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch tại địa phương tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình - Sở Y tế).
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung của kế hoạch, các cơ quan, ban, ngành, địa phương phản ảnh về Sở Y tế (Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |