Quyết định 1045/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015"
Số hiệu: | 1045/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 07/07/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 19/07/2010 | Số công báo: | Từ số 404 đến số 405 |
Lĩnh vực: | Cán bộ, công chức, viên chức, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1045/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2010 - 2015"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015" của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, gồm các nội dung sau:
1. Mục tiêu, đối tượng và nội dung đào tạo, bồi dưỡng
a) Mục tiêu
Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, thành phố (gọi tắt là cấp tỉnh), quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là cấp huyện) và xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội Nông dân.
b) Đối tượng, nội dung đào tạo, bồi dưỡng:
- Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã có trình độ trung học cơ sở trở lên (chưa có bằng trung cấp), được đào tạo trung cấp "Công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân"; Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã đã có bằng trung cấp trở lên, nhưng chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội theo chương trình 03 tháng và chương trình 07 ngày;
- Cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội theo chương trình 01 tháng và chương trình 10 ngày
- Cán bộ các Ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội, cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh sẽ được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp sư phạm để làm giảng viên kiêm chức.
2. Các nhiệm vụ chủ yếu
a) Phân tích, đánh giá trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội của cán bộ Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội đối với cán bộ cấp huyện, cấp xã trong 05 năm (2010 - 2015) và hằng năm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
b) Xây dựng Đề án "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân", để đào tạo chuẩn hoá về chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cấp xã.
c) Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam.
d) Tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp.
3. Các giải pháp thực hiện cơ bản
a) Thực hiện sự phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội giữa Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đảm nhiệm.
b) Đa dạng hoá nội dung, hình thức, phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp từng loại đối tượng, chức danh và từng vùng, miền.
c) Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên tham gia thực hiện Đề án, bao gồm giảng viên Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam và đội ngũ cộng tác viên từ các cấp Hội trong cả nước.
d) Đối với việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức các khóa "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân" với đối tượng là cán bộ Hội Nông dân cấp xã; các lớp bồi dưỡng với đối tượng là cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội;
- Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho đối tượng là cán bộ Hội Nông dân cấp xã tại các trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
4. Tiến độ thực hiện: Đề án được thực hiện theo 2 bước:
Bước 1:
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng 01 tháng, 10 ngày với đối tượng là cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện; lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành Hội; một số lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội;
- Các tỉnh thành Hội tổ chức các lớp bồi dưỡng 03 tháng, 07 ngày với đối tượng là cán bộ Hội Nông dân cấp xã.
Bước 2: Sau khi Đề án "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân" được phê duyệt, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức các khóa đào tạo hệ trung cấp hai năm, ba năm "công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân" cho đối tượng là cán bộ Hội Nông dân cấp xã.
5. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Kinh phí để thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo, bao gồm những nội dung công việc sau:
- Kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng với đối tượng là cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội các lớp nâng cao kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, cán bộ các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội;
- Kinh phí tổ chức các khóa "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân" với đối tượng là cán bộ chủ chốt cấp xã;
- Kinh phí xây dựng Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015"; Đề án "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân"; biên soạn giáo trình chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ công tác Hội Nông dân; giáo trình "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân";
- Kinh phí tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, và các chi phí khác có liên quan.
c) Kinh phí do ngân sách địa phương đảm bảo gồm những nội dung công việc sau:
- Kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác Hội Nông dân ở địa phương;
- Kinh phí tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và các chi phí khác có liên quan.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Hội Nông dân Việt Nam
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân" trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi Đề án "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân" được phê duyệt, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam mở các khóa "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân" theo đúng tiến độ, đối tượng nêu trong Đề án;
- Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên tham gia giảng dạy các chương trình liên quan;
- Chỉ đạo, thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội các cấp và đào tạo Trung cấp công tác xã hội chuyên ngành công tác Hội Nông dân cho cán bộ Hội cấp xã;
- Thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về kế hoạch đào tạo bồi dưỡng; lập dự toán kinh phí hằng năm và thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành
- Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam mở mã ngành "Đào tạo trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân" và tổ chức thực hiện đào tạo hệ trung cấp khi có đủ điều kiện. Phân bổ chỉ tiêu "Đào tạo trung cấp ngành công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân" hệ 03 năm và 02 năm theo từng năm phù hợp với kế hoạch thực hiện Đề án,
- Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam dạy văn hóa cho các lớp trung cấp hệ 03 năm với các đối tượng chưa có bằng phổ thông trung học.
3. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành chế độ, chính sách đối với học viên tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng các đối tượng là cán bộ Hội Nông dân vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; cán bộ Hội là người dân tộc thiểu số.
4. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách hằng năm của các cơ quan trung ương và các địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
5. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Đưa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã vào nội dung công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của tỉnh, thành phố;
- Căn cứ vào thực trạng, nhu cầu và kế hoạch hằng năm của Đề án, chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp với trường chính trị tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội cấp huyện, cấp xã để trình duyệt kinh phí và tổ chức, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch;
- Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thuộc phạm vi Đề án và dự toán ngân sách hàng năm để bố trí kinh phí thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
THỦ TƯỚNG |
Quyết định 161/2003/QĐ-TTg Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Ban hành: 04/08/2003 | Cập nhật: 25/12/2009