Quyết định 622/QĐ-TTg năm 2000 phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng đại lộ Đông – Tây thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: 622/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 05/07/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 08/08/2000 Số công báo: Số 29
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 622/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐẠI LỘ ĐÔNG – TÂY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại Tờ trình số 382/UB-DA ngày 31 tháng 01 năm 2000 và ý kiến của Hội đồng Thẩm định Nhà nước về các Dự án Đầu tư tại Công văn số 41/TĐNN ngày 28 tháng 4 năm 2000.

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Đầu tư dự án xây dựng đại lộ Đông – Tây thành phố Hồ Chí Minh với nội dung chủ yếu như sau:

1. Vị trí xây dựng:

Tuyết dự án đi qua địa bàn huyện Bình Chánh, quận 6, quận 8, quận 5, quận 1 và quận 2 thành phố Hồ Chí Minh. Điểm đầu giao với quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), điểm cuối giao với xa lộ Hà Nội (quận 2).

2. Phạm vi dự án :

Tổng chiều dài tuyến dự án là 21,8 km, bao gồm các đoạn:

- Đoạn đường từ quốc lộ 1A vượt hương lộ 5, đường An Dương Vương, qua kênh Lò Gốm nối vào đầu đường Trần Văn Kiểu, dài khoảng 4,9 km;

- Đoạn đường từ đầu đường Trần Văn Kiểu (ven kênh Tàu Hũ) đến đường Hàm Tử, nối với Bến Chương Dương (ven kênh Bến Nghé) đi tới cầu Calmette, dài khoảng 8,2km;

- Hầm Thủ Thiêm bắt đầu từ dưới cầu Calmette, vượt sông Sài Gòn sang Thủ Thiêm, nối vào đầu tuyến đường T13 trong quy hoạch đô thị Thủ Thiêm. Hầm dài khoảng 1.970m, bao gồm hầm dìm khoảng 380m, hầm đào lấp khoảng 770, đường dẫn hai đầu hầm khoảng 820m;

- Đoạn đường từ cửa hầm bên Thủ Thiêm theo tuyến T13 trong quy hoạch đến liên tỉnh lộ 25 tại Giồng Ông Tố, đi theo hướng liên tỉnh lộ 25 về ngã ba Cát Lái tại xa lộ Hà Nội (quận 2), dài khoảng 8,7 km.

3. Tiêu chuẩn thiết kế, quy mô công trình chính:

a) Tiêu chuẩn thiết kế:

- Quy trình và tiêu chuẩn thiết kế: áp dụng quy trình, quy phạm của Việt Nam có tham khảo tiêu chuẩn của AASHTO (Hoa Kỳ), Nhật và các nước tiên tiến khác. Các hạn mục mà tiêu chuẩn Việt Nam chưa có sẽ sử dụng tiêu chuẩn thiết kế của nước ngoài.

- Tần suất thiết kế P=1%.

- Tốc độ thiết kế trong đường hầm và đường ven kênh là 60km/h, tốc độ thiết kế trên đường phía Thủ Thiêm là 80km/h.

- Tải trọng thiết kế : đoàn xe tiêu chuẩn H30-XB80 TCVN (tương đương với 125% (HS20-44) theo tiêu chuẩn ASSHTO của Hoa Kỳ).

- Tĩnh không của các công trình so với mặt đường tuyến dự án tối thiểu cao 4,5m. Tĩnh không và khoang thông thuyền của các cầu thực hiện theo cấp sông kênh thành phố.

- Kết cấu cầu dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, móng cọc bê tông cốt thép.

- Làn xe rộng 3,5m. Có dải phân cách giữa hai chiều, đối với đường tối thiểu là 4m, đối với hầm là 0,8m. Trên bộ phải có đường cho xe thô sơ và người đi bộ riêng rộng tối thiểu 4m được ngăn cách với luồng xe cơ giới bằng dải phân cách rộng tối thiểu 2,5m kể các bó vỉa.

- Tiêu chuẩn thiết kế hầm với độ dốc dọc tối đa 4%, đảm bảo xe hai bánh gắn máy có thể qua được.

- Cao độ mặt đường phải đảm bảo cao hơn mực nước triều cường cao nhất hàng năm, tối thiểu 60cm.

- Kết cấu mặt đường là bê tông nhựa trên nền các lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng, đá dăm hoặc các loại vật liệu địa phương khác.

b) Quy mô công trình:

- Phần hầm: Tiết diện hữu dụng của hầm đủ để bố trí 6 làn xe (2 x 3 x 3,5m), có dải phân cách ở giữa rộng 0,8 m và hai đường thoát hiểm hai bên rộng 2 x 2m cùng các thiết bị thông tin liên lạc, thông gió, chiếu sáng, thoát nước, …đảm bảo an toàn cho các phương tiện cơ giới kể cả xe gắn máy lưu thông theo tốc độ thiêt kế. Kết cấu vách hầm bằng bê tông cốt thép. Thi công theo phương pháp hầm dìm ở giữa sông và hầm đào lấp hoặc hầm hở ở hai đoạn nối vào bờ tùy theo cao độ nóc hầm.

- Phần đường ven kênh (từ rạch Lò Gốm đến cửa hầm Thủ Thiêm truớc cầu Calmette): 6 làm xe cơ giới (mỗi chiều 3 làn); có xem xét đến các giải pháp kiểm soát nhập luồng đảm bảo an toàn giao thông và khả năng thông qua, kể cả việc xây dựng đường riêng cho xe thô sơ và người đi bộ hai bên. Lộ giới tối thiểu [2 x (2 + 4 + 2,5 + 3 x 3,5) + 4] = 42m.

- Đường nối từ quốc lộ 1A đến rạch Lò Gốm: 6 làn xe cơ giới, có dành đất cho việc phát triển mở rộng đường trong tương lai (đường cửa ngõ thành phố). Lộ giới 60m.

- Đường nối từ cửa hầm Thủ Thiêm đến xa lộ Hà Nội: 6 làn xe cơ giới, có dành đất cho việc phát triển đường song hành trong tương lai. Lộ giới 100m.

- Các cầu mới xây dựng: cầu Nước Lên, cầu Rạch Cây, cầu Lò Gốm, cầu Quới Đước, cầu Bà Đô, cầu Rạch Ngọn Em, cầu Cá Trê Lớn, cầu Cá Trê Nhỏ.

Khổ cầu phải đủ rộng để bố trí 6 làn xe cơ giới có dải phân cách ở giữa rộng 0,8 m và đường cho xe thô sơ và người đi bộ riêng [2 x (0,3 + 4+ 0,8 + 3 x 3,5) + 0,8] = 32m. Khi thiết kế, thi công cần lưu ý các yếu tố kiến trúc đảm bảo mỹ quan đô thị.

- Cải tạo hoặc xây dựng lại năm cầu hiện hữu bao gồm:

+ Mở rộng cầu Chà Và.

+ Nâng cầu Chữ Y đảm bảo tĩnh không đối với đường dự án tối thiểu cao 4,7m.

+ Xây dựng lại cầu Calmette để đảm bảo đủ tải trọng H30-XB80.

+ Xây dựng lại đường dẫn cầu Mống.

+ Xây dựng lại cầu Khánh Hội, bảo đảm tĩnh không 3,5m.

- Xây dựng 5 nút giao khác mức gồm:

+ Nút giao với quốc lộ 1A;

+ Nút giao cầu Chà Và;

+ Nút cầu chữ Y;

+ Nút giao cầu Calmette;

+ Nút giao trên đường Hà Nội.

Thiết kế các nút giao với các tuyến đường hiện hữu cần xuất phát từ yêu cầu giao thông cụ thể tại từng vị trí và phương án phân kỳ đầu tư, kết cấu phải bền vững và đảm bảo mỹ quan kiến trúc.

- Trạm thu phí: xây dựng 1 trạm thu phí tại cửa hầm bên Thủ Thiêm.

- Các công trình phụ khác, bao gồm:

+ Kè bảo vệ bờ kênh.

+ Bến ven kênh lên xuống hàng hóa, hành khách: thay thế các bên đã bị dự án chiếm đất làm đường.

+ Cầu cho người đi bộ : làm mới 7-10 cầu và nâng cấp 3 cầu hiện hữu là cầu Bình Tây, cầu Chữ U và cầu Nhà Máy Rượu.

+ Các công trình ngầm cần di dời.

+ Hệ thống chiếu sách và thông tin tín hiệu.

+ Xây dựng thêm đường hào ngầm cho các công trình điện nước, thông tin ngầm…

4. Các dự án thành phần:

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, sau khi thiết kế chi tiết được duyệt, xác định danh mục các dự án thành phần phù hợp với yêu cầu tổ chức quản lý dự án, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn:

- Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 67,055 tỷ Yên Nhật Bản, tương đương 8.101,410 tỷ VNĐ (theo tỷ giá 1USD=13.894 đồng = 115 Yên).

- Tổng mức đầu tư chính thức sẽ được xác định sau khi có thiết kế chi tiết và tổng dự toán được duyệt.

- Nguồn vốn : Vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng từ ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh.

6. Tổ chức thực hiện :

a) Chủ đầu tư : Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

b) Đại diện chủ đầu tư : Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng đại lộ Đông – Tây thành phố Hồ Chí Minh.

c) Tiến độ thực hiện ; khởi công năm 2002, hoàn thành năm 2005.

7. Phương thức thực hiện dự án :

- Tư vấn thiết kế chi tiết và lập hồ sơ đấu thầu: đấu thầu quốc tế.

- Tư vấn giám sát: đấu thầu quốc tế.

- Xây lắp : đấu thầu cạnh tranh quốc tế.

- Xây lắp cơ sở hạ tầng 6 khu tái định cư: đấu thầu cạnh tranh trong nước.

8. Chuyển giao công nghệ : Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các ngành có liên quan có kế hoạch và biện pháp cụ thể để tiếp nhận chuyển giao công nghệ về xây lắp và vận hành khai thác hầm cho phía Việt Nam.

Điều 2. Phân giao nhiệm vụ.

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh:

- Quyết định phương án kỹ thuật trong quá trình thiết kế chi tiết trên cơ sở nghiên cứu những điểm lưu ý của Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã nêu trong Văn bản số 41/TĐNN ngày 28 tháng 4 năm 2000. Thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng về các phương án kỹ thuật cụ thể, nhất là hầm, các nút giao, tĩnh không các công trình…để đảm bảo lựa chọn phương án hợp lý, sử dụng vốn tiết kiệm và nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Xác định tổng mức đầu tư theo thiết kế được duyệt phù hợp với mặt bằng giá thực tế, các chi phí khác theo quy định, chế độ Nhà nước, thông qua thẩm định theo quy định hiện hành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt làm cơ sở lập kế hoạch đấu thầu.

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng xử lý các vấn đề liên quan đến các công trình quốc phòng trong khu vực dự án.

- Chịu trách nhiệm thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư bảo đảm tiến độ của dự án.

- Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam , Tổng cục Địa chính và các ngành có liên quan thực hiện theo chức năng và phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình đàm phán vay vốn và triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước, thông lệ quốc tế và đúng cam kết về vay, trả nợ.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phan Văn Khải

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.