Quyết định 48/2013/QĐ-UBND quy định thẩm quyền quản lý nhà nước về chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu: 48/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Trần Ngọc Thới
Ngày ban hành: 06/12/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2013/QĐ-UBND

Bà Rịa, ngày 06 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 308/TTr-SXD ngày 15 tháng 10 năm 2013 về việc ban hành quy định thẩm quyền quản lý nhà nước về chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định thẩm quyền quản lý nhà nước về chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

1. Sở Xây dựng:

Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các hoạt động đảm bảo chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

a) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh;

b) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị (trừ công trình giao thông);

c) Soạn thảo các văn bản, tài liệu nghiệp vụ về quản lý chất lượng các công trình xây dựng phù hợp với các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hướng dẫn cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng công trình xây dựng; theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng công trình xây dựng;

d) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn về quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành; kiểm tra chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;

đ) Kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; kiểm tra định kỳ, đột xuất sự tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật;

e) Thẩm tra thiết kế xây dựng, dự toán (đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước) công trình dân dụng, công trình công cộng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng cấp II, cấp III (trừ công trình thuộc danh mục bí mật nhà nước); nhà ở riêng lẻ từ 7 đến 19 tầng; công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II, cấp III đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và cấp II đối với công trình sử dụng vốn khác;

g) Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 1 của Quyết định này;

h) Hướng dẫn, tổ chức tuyển chọn hoặc chỉ định tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện giám định chất lượng, giám định nguyên nhân đối với các sự cố cấp II, cấp III và phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức giám định nguyên nhân sự cố cấp đặc biệt nghiêm trọng và sự cố cấp I công trình dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tổng hợp và báo cáo tình hình sự cố công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh;

i) Công bố trên trang thông tin điện tử do Sở Xây dựng quản lý thông tin năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh;

k) Kiểm tra, thanh tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

l) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về bảo trì công trình xây dựng thuộc loại công trình dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Xác định người có trách nhiệm bảo trì công trình; xác định lộ trình, kế hoạch lập quy trình bảo trì thuộc công trình cấp II đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì; kiểm tra việc thực hiện bảo trì và đánh giá sự an toàn công trình; kiểm tra đối với công trình xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; kiểm tra các công trình hết tuổi thọ thiết kế để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;

m) Tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh trước ngày 15 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

2. Các sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành:

a) Thẩm quyền quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành:

- Sở Giao thông vận tải giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng giao thông;

- Sở Công thương giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình công nghiệp chuyên ngành (trừ công trình công nghiệp vật liệu xây dựng);

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Trách nhiệm của các sở:

- Soạn thảo và ban hành văn bản hướng dẫn về quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành phù hợp với các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hướng dẫn cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành; theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng công trình xây dựng.

- Trực tiếp kiểm tra hoặc phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra định kỳ, đột xuất sự tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng công trình chuyên ngành; kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm tra thiết kế xây dựng, dự toán (đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước) công trình xây dựng cấp II, cấp III thuộc các công trình chuyên ngành quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 của Quyết định này (riêng công trình giao thông từ cấp II trở lên đối với công trình sử dụng nguồn vốn khác);

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 của Quyết định này;

- Tổ chức tuyển chọn hoặc chỉ định tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện giám định chất lượng, giám định nguyên nhân đối với các sự số cấp II, cấp III và phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức giám định nguyên nhân sự cố cấp đặc biệt nghiêm trọng và sự cố cấp I công trình xây dựng chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý. Báo cáo nguyên nhân sự cố công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định;

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về bảo trì công trình xây dựng chuyên ngành. Xác định người có trách nhiệm bảo trì công trình; xác định lộ trình, kế hoạch lập quy trình bảo trì thuộc công trình cấp II đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì; kiểm tra việc thực hiện bảo trì và đánh giá sự an toàn công trình; kiểm tra đối với công trình xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; kiểm tra các công trình hết tuổi thọ thiết kế để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;

- Tổng hợp báo cáo hàng năm về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn gửi Sở Xây dựng trước ngày 10 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu để tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình trên phạm vi địa giới hành chính quản lý, không phân biệt nguồn vốn, loại và cấp công trình xây dựng. Căn cứ tình hình thực tế phân công nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn cấp xã quản lý.

Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Xây dựng và các sở có công trình xây dựng chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tại địa phương, với nội dung sau:

a) Trực tiếp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng công trình xây dựng đối với tất cả công trình xây dựng trên địa bàn quản lý; tham mưu cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn quản lý;

c) Chủ trì giải quyết sự cố chất lượng công trình nhà ở riêng lẻ trên phạm vi địa giới hành chính quản lý. Khi cần thiết có thể kiến nghị Sở Xây dựng hoặc các chuyên gia để tư vấn, cho ý kiến xem xét, quyết định. Thực hiện việc đánh giá, kết luận và báo cáo nguyên nhân sự cố công trình xây dựng theo quy định;

d) Đề xuất để Sở Xây dựng nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phù hợp với quy mô, phạm vi và thực tế của địa phương;

đ) Tổng hợp báo cáo hàng năm về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn gửi Sở Xây dựng trước ngày 10 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu để tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc quy định thẩm quyền quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 

 

 





Nghị định 114/2010/NĐ-CP về bảo trì công trình xây dựng Ban hành: 06/12/2010 | Cập nhật: 08/12/2010