Quyết định 19/2011/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình giảm nghèo tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
Số hiệu: 19/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Lê Tiến Phương
Ngày ban hành: 29/07/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/2011/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 29 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ Kết luận số 94-KL/TU ngày 07/9/2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng xã nghèo và hỗ trợ nhà ở cho người nghèo;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2011/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX - kỳ họp thứ 2 về Chương trình giảm nghèo tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này "Chương trình giảm nghèo tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh Bình Thuận, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

CHƯƠNG TRÌNH

GIẢM NGHÈO TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Kèm theo Quyết định số 19/2011/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Phần I

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ THỰC TRẠNG HỘ NGHÈO

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG 5 NĂM (2006 - 2010)

1. Những kết quả đạt được:

- Thực hiện Nghị quyết số 33/2005/NQ-HĐNDVIII ngày 02/12/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa VIII) về Chương trình giảm nghèo tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006-2010, UBND tỉnh có Quyết định số 89/2005/QĐ-UBND ngày 26/12/2005 phê duyệt Chương trình giảm nghèo tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006-2010, Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 20/3/2008 về đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh Bình Thuận đến năm 2010, Quyết định số 21/2009/QĐ-UBND ngày 31/3/2009 về quy định một số chính sách đối với hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của chương trình giảm nghèo hàng năm. Các sở, ngành của tỉnh, chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo ở địa phương mình bằng nhiều biện pháp thiết thực, cụ thể đến từng hộ nghèo, vùng nghèo;

- Thông qua vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… ) bằng các phong trào cụ thể, thiết thực như: vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo"; phong trào "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình"; phong trào "Nông dân sản xuất giỏi"; Phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu"; phong trào "Thanh niên lập nghiệp", "Thanh niên tình nguyện…" cũng như sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân, của các tổ chức, cá nhân trong xã hội và doanh nghiệp, nhờ đó đã huy động thêm nguồn lực to lớn cho giảm nghèo, nhiều đoàn viên, hội viên và hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo;

- Nhiều dự án, chính sách hỗ trợ cho vùng nghèo, hộ nghèo được thực hiện có hiệu quả như: xây dựng kết cấu hạ tầng cho xã nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo gắn với hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thực hiện chính sách trợ giúp về y tế, giáo dục cho người nghèo;

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảm nghèo, hoạt động truyền thông và giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo có tiến bộ; trong 5 năm đã tập huấn cho trên 7.000 lượt cán bộ chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo và cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã. Công tác giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo có tiến bộ, đã xây dựng hệ thống các chỉ tiêu đánh giá phù hợp với yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh;

- Bằng các biện pháp thiết thực, hiệu quả, công tác giảm nghèo đạt kết quả khá tốt, toàn tỉnh giảm được 21.384 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 14,24% đầu năm 2006 xuống còn 3,9% vào cuối năm 2010 (đạt 128,2% chỉ tiêu chương trình đề ra là giảm còn 5%), bình quân mỗi năm giảm 2,07%. Đời sống của nhân dân ở xã nghèo, vùng nghèo được nâng lên rõ rệt.

2. Những tồn tại, hạn chế:

- Kinh tế - xã hội của các xã nghèo, xã bãi ngang ven biển, xã vùng cao phát triển vẫn còn chậm; mức sống giữa các vùng còn chênh lệch; kết cấu hạ tầng ở một số vùng còn khó khăn;

- Công tác điều tra, khảo sát nắm bắt hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà ở hộ nghèo còn sai sót;

- Việc thực hiện một số chính sách, dự án đầu tư cho vùng nghèo, hộ nghèo ở các địa phương còn chậm, hiệu quả còn thấp;

- Kết quả giảm nghèo hàng năm chưa thật bền vững, số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (trên 60%), tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo mới còn cao (10-12%), bình quân hàng năm có trên 2.000 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

3. Nguyên nhân của những tồn tại trên là do:

- Công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành, đoàn thể chưa được tập trung đúng mức, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, khả năng tham mưu đề xuất, nắm bắt tình hình, hướng dẫn còn nhiều hạn chế;

- Hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo một số địa phương hiệu quả chưa cao; cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội, giảm nghèo, nhất là cấp xã vừa thiếu lại yếu về năng lực, chuyên môn;

- Một bộ phận hộ nghèo còn thiếu ý chí nỗ lực vươn lên thoát nghèo, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước vẫn chưa được khắc phục, thậm chí một số hộ không muốn thoát nghèo để hưởng lợi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

II. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO

1. Chuẩn nghèo, cận nghèo áp dụng giai đoạn 2011-2015:

Theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng giai đoạn 2011-2015 như sau:

- Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/năm) trở xuống;

- Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/năm) trở xuống;

- Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đến 520.000 đồng/người/tháng;

- Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đến 650.000 đồng/người/tháng.

2. Thực trạng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh:

Kết quả điều tra trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2010 như sau:

- Số hộ thuộc diện nghèo: 24.286 hộ, chiếm 9,09%, trong đó:

+ Khu vực thành thị: 7.186 hộ, chiếm 2,69%;

+ Khu vực nông thôn: 17.098 hộ, chiếm 6,40%;

+ Dân tộc kinh: 20.134 hộ, chiếm 7,54%;

+ Dân tộc thiểu số: 4.150 hộ, chiếm 1,55%.

- Số hộ thuộc diện cận nghèo: 12.844 hộ, chiếm 4,81%, trong đó:

+ Khu vực thành thị: 4.448 hộ, chiếm 1,67%;

+ Khu vực nông thôn: 8.396 hộ, chiếm 3,14%;

+ Dân tộc kinh: 10.972 hộ, chiếm 4,11%;

+ Dân tộc thiểu số: 1.872 hộ, chiếm 0,7%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của từng hộ vẫn tập trung vào các nhóm: thiếu tư liệu sản xuất (đất, phương tiện sản xuất); thiếu lao động, đông người ăn theo, không có việc làm; khác (không biết làm ăn, ốm đau bệnh tật).

Phần II

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu, chỉ tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho hộ nghèo, đặc biệt là những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo và thoát nghèo bền vững; góp phần thu hẹp sự chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư.

b) Mục tiêu cụ thể:

Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5-1,7% mỗi năm.

2. Các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2015:

- Các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (16 xã) cơ bản có các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân;

- Tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả gần 15.000 ha đất sản xuất và hơn

89.000 ha rừng đã giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tìm quỹ đất tiếp tục giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất theo điều kiện từng địa phương;

- Giải quyết cho 59.000 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Có khoảng 30.000 lượt người nghèo được tiếp cận công tác khuyến nông - lâm - ngư - công, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn cách làm ăn;

- Có 5.000 người nghèo được hỗ trợ học nghề;

- Có 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;

- Có 100% trẻ học mầm non, học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo được hưởng chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định hiện hành của Nhà nước;

- Có 4.500 lượt cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội và cán bộ giảm nghèo ở các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, trong đó 95% là cán bộ cấp cơ sở;

- Tiếp tục hỗ trợ giải quyết về nhà ở cho khoảng 3.000 hộ nghèo.

II. CÁC CHÍNH SÁCH, DỰ ÁN

1. Tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập:

a) Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo:

Bảo đảm nguồn vốn cho vay, giải quyết cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, đến cuối năm 2015 có 59.000 lượt hộ nghèo và học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn với lãi xuất ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước, mức vay bình quân từ 9 - 9,5 triệu đồng/hộ.

Tổng nhu cầu vốn tín dụng là 553,545 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 548,545 tỷ đồng, ngân sách địa phương 5 tỷ đồng).

b) Chính sách hỗ trợ điều kiện sản xuất và phát triển ngành nghề:

Tiếp tục thực hiện các dự án, chính sách đối với người nghèo theo quy định của Chính phủ và của tỉnh, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể:

- Về đất sản xuất: tiếp tục giúp đồng bào sử dụng có hiệu quả khoảng

15.000 ha đất sản xuất và khoảng 86.000 ha rừng đã giao khoán trong những năm trước, đồng thời tiếp tục khai hoang khoảng 2.860 ha đất giao cho 3.885 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất. Mức chi phí khai hoang 10 triệu đồng/ha, nhu cầu kinh phí là 28,633 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2 tỷ, ngân sách tỉnh 26,633 tỷ);

- Về phát triển ngành nghề: tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đào tạo các nghề truyền thống cho hộ 6.500 lượt người nghèo. Nhu cầu kinh phí 6,5 tỷ đồng (ngân sách Trung ương cấp).

c) Dự án khuyến nông - lâm - ngư - công:

Tiếp tục thực hiện các dự án khuyến nông, lâm, ngư, công nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người nghèo. Trong 5 năm có 29.617 lượt người được dự các lớp tập huấn, hướng dẫn về công tác khuyến nông, lâm, ngư, công và tham gia mô hình, mức chi bình quân 200.000 đồng/người/khóa.

Nhu cầu kinh phí là 11,847 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ).

d) Dự án hỗ trợ người nghèo học nghề:

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho người nghèo theo quy định của Chính phủ gắn với dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bảo đảm đến cuối năm 2015 có 5.000 người nghèo được hỗ trợ học nghề.

Nhu cầu kinh phí là 6 tỷ đồng (ngân sách Trung ương cấp).

e) Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo:

Tiếp tục duy trì, nhân rộng 2 mô hình giảm nghèo liên kết với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đồng thời xây dựng mới các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo phát triển vùng nguyên liệu; xuất khẩu lao động trong hộ nghèo; mô hình giảm nghèo vùng chuyển đổi cây trồng nông nghiệp; chuyển đổi nghề trong đánh bắt thủy sản, đến năm 2015 được triển khai ở 16 xã đặc thù (vùng cao miền núi, vùng đồng bằng trung du, vùng bãi ngang ven biển và vùng ven thành thị).

Nhu cầu kinh phí là 1,6 tỷ đồng (ngân sách tỉnh cấp).

f) Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn:

Tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư của Chính phủ đối với 6 xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II và 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Nhu cầu kinh phí 80 tỷ đồng, bình quân 5 tỷ đồng/xã (ngân sách Trung ương cấp).

2. Tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội:

Tiếp tục thực hiện các chính sách của Chính phủ và của tỉnh hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở.. tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Bảo đảm trong 5 năm có 298.144 lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 42.410 lượt học sinh thuộc hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục; khoảng 3.000 hộ nghèo sống trong nhà tạm, nhà dột nát được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Tổng nhu cầu kinh phí là 160,925 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ là 11 tỷ đồng; ngân sách địa phương 100,925 tỷ đồng; huy động trong cộng đồng 49 tỷ đồng.

3. Nâng cao năng lực và nhận thức về công tác giảm nghèo:

Tiếp tục thực hiện các dự án nâng cao năng lực giảm nghèo và hoạt động giám sát đánh giá Chương trình giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân, nhất là người nghèo trong thực hiện Chương trình giảm nghèo. Đến cuối năm 2015 có 4.500 cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm nghèo.

Tổng nhu cầu kinh phí là 8,350 tỷ đồng (ngân sách Trung ương cấp 7,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp 1,25 tỷ đồng).

III. NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 857,400 tỷ đồng, gồm:

1. Vốn ngân sách là 254,855 tỷ đồng, gồm:

- Ngân sách Trung ương: 124,447 tỷ đồng;

- Ngân sách địa phương: 130,408 tỷ đồng.

2. Vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo: 553,545 tỷ đồng, gồm:

- Nguồn vốn Trung ương: 548.545 tỷ đồng;

- Nguồn vốn ngân sách tỉnh: 5 tỷ đồng (vốn cấp mới).

3. Nguồn huy động cộng đồng: 49 tỷ đồng.

IV. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo đến các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo. Từ đó, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; làm thay đổi nhận thức của người nghèo, quyết tâm nỗ lực vươn lên vượt nghèo.

2. Rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ và ỷ lại vào Nhà nước. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng bằng các chương trình lồng ghép, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Coi trọng việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, vốn sản xuất, việc làm và kinh nghiệm làm ăn cho các hộ nghèo còn khó khăn.

3. Phát huy tinh thần "Tương thân, tương ái", huy động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội cùng tham gia Chương trình giảm nghèo; phát động phong trào thi đua giảm nghèo; tổ chức để mọi người dân tham gia các hoạt động giảm nghèo, bảo đảm công khai, dân chủ và minh bạch.

4. Gắn việc thực hiện Chương trình giảm nghèo với thực hiện tốt chính sách giáo dục nâng cao trình độ dân trí, chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

5. Từng địa phương phải nắm chắc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở từng địa bàn để có biện pháp hỗ trợ thích hợp giúp họ tiếp tục vươn lên.

6. Tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể nhân dân các cấp trong tỉnh; đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Thực hiện đưa bộ tiêu chí giảm nghèo vào bộ tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền đơn vị hàng năm.

V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo các cấp cho phù hợp với giai đoạn mới;

- Là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh, có trách nhiệm tổng hợp chung kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo; phối hợp với các sở, ngành liên quan và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo của ngành, địa phương; xác định đối tượng, địa bàn ưu tiên, nhu cầu nguồn lực và đào tạo cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo, công tác truyền thông; xây dựng chính sách về hệ thống an sinh xã hội. Xây dựng, tổng kết và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về đất sản xuất, thủy lợi, nước sinh hoạt; thực hiện công tác khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao kỹ thuật giúp hộ nghèo, vùng nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

3. Ban Dân tộc tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách liên quan đến hộ nghèo dân tộc thiểu số như: giải quyết đất sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nước cho sản xuất và sinh hoạt, nhà ở...

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách và kế hoạch về giáo dục – đào tạo đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước; thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở…

5. Sở Y tế:

Quản lý Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc công tác mua, cấp BHYT và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh cho người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu; xác nhận các cơ sở y tế ngoài công lập đủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ y tế cho người nghèo; xây dựng kế hoạch và thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, xã nghèo, vùng nghèo về dân số, kế hoạch hóa gia đình.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Có trách nhiệm cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn vốn thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo theo kế hoạch hàng năm của tỉnh; xây dựng cơ chế quản lý tài chính và hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

7. Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh Bình Thuận:

Chủ động khai thác nguồn vốn và tổ chức thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ người nghèo theo kế hoạch hàng năm. Thực hiện có hiệu quả tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa; xử lý kịp thời những vụ việc chiếm dụng vốn và nợ quá hạn nhằm bảo tồn, khai thông nguồn vốn và nâng hệ số vòng quay của vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chuộc lại đất sản xuất, cải thiện nhà ở theo quy định hiện hành của Trung ương và địa phương.

8. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Đoàn thể tỉnh:

Có kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình giảm nghèo tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015 gắn với nhiệm vụ chính trị được giao.

9. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chuyên trang, chuyên mục để đăng tin, phát sóng định kỳ về nội dung, kết quả Chương trình; kịp thời thông tin, phổ biến những mô hình hay, những gương điển hình của Chương trình giảm nghèo đến năm 2015.

10. Các cơ quan thuộc UBND tỉnh:

Xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2011-2015 trong phạm vi trách nhiệm của ngành mình.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo đến năm 2015 và kế hoạch hàng năm tại địa phương mình; huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của các cơ quan sở, ngành cấp tỉnh. Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của từng cấp và các ban, ngành cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp cho cơ sở và đề cao tinh thần trách nhiệm. Tổ chức sơ, tổng kết định kỳ quý, 6 tháng, năm, giữa kỳ và cuối kỳ./.

 

TỔNG HỢP KẾT QUẢ GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 VÀ KẾ HOẠCH GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

STT

Chỉ tiêu, mục tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện giai đoạn 2006 – 2010

Kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015

Kế hoạch

Thực hiện

Tỷ lệ %

I

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo

 

 

 

 

 

 

Tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ kế hoạch

%

4,5

3,9

115,35

2,56

II

Thực hiện các dự án, chính sách

 

 

 

 

 

*

Tổng kinh phí Chương tr ình

Tr.đồng

497.554

923.232,5

200,95

857.400

1

Tín dụng ưu đãi hộ nghèo

Lượt hộ

45.260

74.308

164

59.010

 

Kinh phí

Tr.đồng

300.000

578.101

193

553.545

2

Hỗ trợ điều kiện sản xuất

Hộ

3.725

4.294

115,3

10.385

 

Kinh phí thực hiện

Tr.đồng

18.624

9.111

49

35.133

3

Công tác khuyến nông, lâm, ngư, công

Lượt hộ

28.340

24.321

86

29.617

 

Kinh phí thực hiện

Tr.đồng

1.700

6.360

374,2

11.847

4

Hỗ trợ người nghèo học nghề

Người

14.640

550

3,76

5.000

 

Kinh phí thực hiện

Tr.đồng

6.000

467,5

7,79

6.000

5

Xây dựng mô hình giảm nghèo

Mô hình

3

8

266,7

16

 

Kinh phí thực hiện

Tr.đồng

1.500

160

10,67

1.600

6

Xây dựng cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn

19

22

115,79

16

 

Kinh phí thực hiện

Tr.đồng

52.000

79.800

153

80.000

7

Chính sách hỗ trợ về y tế

Người

550.300

528.025

96

298.144

 

Kinh phí thực hiện

Tr.đồng

49.527

66.659

135

89.086

8

Chính sách hỗ trợ về giáo dục

Học sinh

146.360

121.010

83

42.410

 

Kinh phí thực hiện

Tr.đồng

32.818

33.050

100,7

11.839

9

Chính sách hỗ trợ về nhà ở

Hộ

5.000

14.273

285

3.000

 

Kinh phí thực hiện

Tr.đồng

30.000

145.456 (*)

 

60.000

10

Nâng cao năng lực giảm nghèo

Người

1.500

34.752

139

24.500

 

Kinh phí thực hiện

Tr.đồng

4.385

1.746

118,6

5.100

11

Hoạt động giám sát đánh giá

Tr.đồng

1.000

2.310

231

3.250

(*) Chưa tính kinh phí do người thân và gia đình hộ nghèo góp thêm (76.625 triệu đồng).

 

CƠ CẤU NGUỒN KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

STT

Chỉ tiêu, mục tiêu

Đơn vị tính

Kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015

Trong đó

Vôn TW

Vốn địa phương

Huy động công cộng

 

Tổng kinh phí Chương trình

Tr.đồng

857.400

672.992

135.408

49.000

1

Tín dụng ưu đãi hộ nghèo

Tr.đồng

553.545

548.545

5.000

-

2

Hỗ trợ điều kiện sản xuất

Tr.đồng

35.133

8.500

26.633

-

3

Công tác khuyến nông, lâm, ngư, công

Tr.đồng

11.847

11.847

-

-

4

Hỗ trợ người nghèo học nghề

Tr.đồng

6.000

6.000

-

-

5

Xây dựng mô hình giảm nghèo

Tr.đồng

1.600

-

1.600

-

6

Đầu tư xây dựng CSHT xã đặc biệt khó khăn

Tr.đồng

80.000

80.000

-

-

7

Chính sách hỗ trợ về y tế

Tr.đồng

89.086

-

89.086

-

8

Chính sách hỗ trợ về giáo dục

Tr.đồng

11.839

-

11.839

-

9

Chính sách hỗ trợ về nhà ở

Tr.đồng

60.000

11.000

-

49.000

10

Nâng cao năng lực giảm nghèo

Tr.đồng

5.100

5.100

-

-

11

Hoạt động giám sát đánh giá

Tr.đồng

3.250

2.000

1.250

-

 

DANH SÁCH

Các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (điều tra giai đoạn 2011 – 2015)

TT

Đơn vị

Tổng số hộ

Số hộ nghèo

Tỷ lệ %

1

Măng Tố - Tánh Linh

647

182

28,13

2

La Ngâu – Tánh Linh

503

144

28,63

3

Đức Thuận – Tánh Linh

1.375

292

21,24

4

Tân Thắng – Hàm Tân

2.008

406

20,22

5

Sông Phan – Hàm Tân

1.108

285

25,72

6

Trà Tân – Đức Linh

1.785

405

22,69

7

Đức Tín – Đức Linh

2.046

489

23,90

8

Sông Bình – Bắc Bình

955

192

20,10

9

Phan Điền – Bắc Bình

261

78

29,89

10

Phan Sơn – Bắc Bình

720

227

31,53

11

Phan Lâm – Bắc Bình

263

60

22,81

12

Phan Tiến – Bắc Bình

379

94

24,80

13

Hàm Cần – HTN

752

498

66,22

14

Mỹ Thạnh – HTN

187

97

51,87

15

Đông Tiến – HTB

239

66

27,62

16

Đông Giang – HTB

610

240

39,34

17

La Dạ - HTB

750

310

41,33

18

Phong Phú – Tuy Phong

1.639

340

20,74

19

Phan Dũng – Tuy Phong

182

63

34,62

20

Bình Thạnh – Tuy Phong

722

155

21,47

 

Cộng

17.131

4.623

26,99