Quyết định 21/2009/QĐ-UBND Quy định về cơ chế quản lý, đầu tư, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Số hiệu: 21/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu Người ký: Lê Trọng Quảng
Ngày ban hành: 17/09/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2009/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 17 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ, BẢO VỆ, KHOANH NUÔI TÁI SINH VÀ TRỒNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

Căn cứ Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015;

Căn cứ Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 06/5/2008 của UBND tỉnh Lai Châu về Ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu tại Tờ trình số 293/TTr-SNN ngày 16 tháng 9 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế quản lý, đầu tư, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Những nội dung không quy định tại Quyết định này thực hiện theo các văn bản, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và những quy định khác của UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng Thị xã Lai Châu, chủ dự án trồng rừng sản xuất và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trọng Quảng

 

QUY ĐỊNH

CƠ CHẾ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ, BẢO VỆ, KHOANH NUÔI TÁI SINH VÀ TRỒNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2009/QĐ-UBND ngày 17/9/2009 của UBND tỉnh Lai Châu)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về cơ chế quản lý đầu tư, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

- Các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng thị xã Lai Châu (BQL).

- Các Doanh nghiệp, Công ty, Hợp tác xã (HTX).

- Các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản.

- Các tổ chức Nhà nước có liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Mục đích

1. Quy định cụ thể về chủ thể quản lý rừng.

2. Quy định cụ thể về cơ chế quản lý đất rừng và rừng trên đất rừng.

3. Quy định cụ thể về cơ chế quản lý đầu tư bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng đối với từng loại rừng, từng chủ rừng.

Điều 4. Chủ rừng

1. Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng:

Chủ rừng là Nhà nước, được giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và đại diện cho nhà nước để trực tiếp quản lý, đầu tư bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng trên lâm phận được Nhà nước giao quản lý.

2. Đối với rừng sản xuất:

Chủ rừng là các tổ chức (Doanh nghiệp, Công ty, HTX) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, cấp phép đầu tư phát triển rừng sản xuất hoặc hộ gia đình, cá nhân được giao đất để trồng rừng sản xuất.

Điều 5. Quản lý đất rừng và rừng trên đất rừng

Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để trồng rừng, phát triển rừng; khi Nhà nước có nhu cầu thu hồi đất thì Nhà nước không bồi thường giá trị quyền sử dụng đất mà chỉ bồi thường tài sản trên đất được hình thành theo quy định của pháp luật.

1. Đối với đất quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng:

1.1. Đất lâm nghiệp được giao cho các Ban quản lý trực tiếp quản lý theo lâm phận. Không cấp GCNQSD đất cho các tổ chức (Doanh nghiệp, Công ty, HTX), hộ gia đình, cá nhân đối với đất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

1.2. Các Ban quản lý có thể khoán cho các tổ chức (Doanh nghiệp, Công ty, HTX, Xã, Bản), hộ gia đình, cá nhân trồng, chăm sóc rừng trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo hợp đồng khoán. Đối với đất đã cấp GCNQD đất theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp được chuyển sang hợp đồng khoán nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục nhận khoán đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng.

2. Đối với đất quy hoạch là rừng sản xuất:

Đất quy hoạch cho rừng sản xuất được cấp GCNQSD đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và còn quỹ đất (cấp cho tổ chức do UBND tỉnh quyết định, cấp cho hộ gia đình, cá nhân do UBND huyện quyết định).

2.1. Đối với các Doanh nghiệp, Công ty: Ngoài diện tích đất được nhà nước giao hoặc cho thuê, doanh nghiệp, công ty có thể ký hợp đồng thuê đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được nhà nước cấp GCNQSD đất để trồng rừng sản xuất theo thoả thuận giữa doanh nghiệp, công ty với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng kinh tế.

2.2. Đối với Hợp tác xã: Ngoài diện tích được Nhà nước giao hoặc cho thuê, diện tích đất do các xã viên của HTX góp, HTX có thể vận động các hộ gia đình, cá nhân góp đất và tham gia làm xã viên HTX hoặc thuê đất của hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước cấp GCNQSD đất để trồng rừng sản xuất theo thoả thuận giữa HTX với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng kinh tế.

3. Đối với rừng đã hình thành trên đất quy hoạch là rừng sản xuất được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước: Nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhận thì giao đất và rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý. Riêng đối với rừng khi giao được kiểm kê, đánh giá thực tế và giao có thu tiền đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận rừng. Số tiền thu được từ việc giao rừng được nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Điều 6. Cơ chế quản lý đầu tư

1. Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng:

1.1. Bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh:

Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc ban quản lý dự án 5 triệu ha rừng lập dự án, thiết kế bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trình UBND huyện, thị xã phê duyệt. Nội dung hồ sơ dự án và thiết kế kỹ thuật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Lâm nghiệp.

1.2. Đối với trồng rừng mới:

1.2.1. Hàng năm UBND các huyện, thị xã thống nhất với Sở Nông nghiệp và PTNT về danh mục các dự án trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trình UBND tỉnh phê duyệt, theo tiêu chí: Là đất chưa có rừng; là vùng đầu nguồn đặc biệt xung yếu của các công trình thủy điện, thủy lợi, nước sinh hoạt; là nơi bảo vệ các công trình quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh, bảo vệ các khu dân cư.

Căn cứ vào danh mục dự án được phê duyệt, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tổ chức khảo sát, thiết kế, lập dự án (kèm theo thiết kế kỹ thuật) báo cáo UBND huyện, thị, gửi Sở NN&PTNT tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ban quản lý rừng phòng hộ tổ chức lực lượng trồng hoặc giao khoán trồng, chăm sóc bảo vệ cho các doanh nghiệp, công ty, HTX, hộ gia đình theo hình thức thuê khoán. Các doanh nghiệp, hộ gia đình nhận khoán trồng rừng phòng hộ được tự đầu tư trồng thêm cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế để hưởng lợi ngoài mật độ quy định của rừng phòng hộ mà không làm ảnh hưởng đến cây trồng rừng.

1.2.2. Nội dung của dự án:

- Tên dự án và sự cần thiết phải đầu tư.

- Cơ sở lập dự án: Cơ sở pháp lý và các tài liệu sử dụng; Cơ sở thực tiễn (Điều kiện tự nhiên, KTXH vùng dự án đầu tư).

- Mục tiêu của dự án: Mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể.

- Địa điểm, quy mô đầu tư: huyện, xã, (lô, khoảnh, tiểu khu), quy mô (diện tích) của dự án.

- Chủ quản đầu tư: UBND tỉnh.

- Chủ đầu tư: UBND huyện, thị.

- Điều hành thực hiện dự án: Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trực tiếp quản lý, điều hành và thực hiện dự án.

- Thiết kế kỹ thuật.

- Giải pháp thực hiện: Về đất đai, lao động, tổ chức thực hiện, các giải pháp khác (nếu có).

- Dự toán vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư của dự án.

- Tiến độ thực hiện.

- Phân tích hiệu quả đầu tư của dự án về kinh tế, xã hội, môi trường.

- Đánh giá tác động môi trường và an ninh quốc phòng.

1.2.3. Hồ sơ dự án:

- Tờ trình xin thẩm định dự án của chủ đầu tư.

- Thuyết minh, nội dung dự án và các phụ lục tính toán kèm theo.

- Bản đồ hiện trạng, quy hoạch, thiết kế kỹ thuật của dự án tỷ lệ từ 1/5.000 đến 1/50.000 tuỳ theo quy mô dự án.

- Các văn bản pháp lý có liên quan.

Hồ sơ được lập thành 07 bộ gửi đến các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & MT, Kế hoạch & ĐT, Tài chính. Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì thẩm định, xin ý kiến của các ngành có liên quan và trình UBND tỉnh phê duyệt chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Đối với rừng sản xuất

2.1. Đối với các hộ gia đình, cá nhân

Các hộ gia đình, được nhận hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất khi có đủ các điều kiện:

- Có đất trồng rừng sản xuất được cấp GCNQSD đất: tối thiểu 1,0 ha, tối đa không quá 30,0 ha.

- Có phương án trồng rừng sản xuất, nội dung gồm: Diện tích, cơ cấu cây trồng, mật độ trồng, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, phương án tiêu thụ sản phẩm, vốn đầu tư, lực lượng lao động, tiến độ thực hiện được UBND xã xác nhận kèm theo đơn đề nghị nhà nước hỗ trợ.

- Phương án được gửi tới Ban quản lý và được Ban quản lý chấp thuận, trình UBND huyện, thị xã phê duyệt. Hộ gia đình, cá nhân tổ chức thực hiện và ký hợp đồng nhận hỗ trợ từ BQL theo phương án đã được UBND huyện, thị phê duyệt.

2.2. Đối với tổ chức Doanh nghiệp, Công ty, HTX.

2.2.1. Điều kiện để được hỗ trợ trồng rừng sản xuất:

- Doanh nghiệp, Công ty, HTX phải có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh trồng, chế biến, tiêu thụ lâm sản, có năng lực về tài chính.

- Có dự án đầu tư được phê duyệt hoặc được cấp phép đầu tư của cấp có thẩm quyền.

- Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được UBND xã, UBND huyện xác nhận. Mỗi dự án đầu tư tối thiểu 100 ha, tối đa không quá 5.000 ha.

- Có đăng ký kế hoạch trồng rừng sản xuất với Chi cục lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT ); Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp, thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt và nhận hỗ trợ trồng rừng sản xuất tại Ban quản lý rừng phòng hộ nơi thực hiện dự án.

2.2.2. Nội dung dự án đầu tư:

- Tên dự án và sự cần thiết phải đầu tư.

- Địa điểm, quy mô đầu tư: Huyện, xã, (lô, khoảnh, tiểu khu), quy mô (diện tích) của dự án.

- Mục tiêu của dự án: Mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể.

- Các giải pháp thực hiện:

+ Về kỹ thuật: Cơ cấu cây trồng, giống cây trồng, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, phương án khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

+ Về đất đai và rừng đã hình thành trên đất:

Diện tích đất đề nghị Nhà nước cho thuê, diện tích đất thuê của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phương thức thuê đất, cơ cấu sử dụng đất.

Rừng đã hình thành trên đất, nguồn gốc, giá trị rừng, phương án quản lý, bảo vệ, khai thác và nghĩa vụ tài chính khi giao rừng cho các Doanh nghiệp, Công ty, HTX.

+ Về lao động: Nhu cầu lao động, cơ cấu lao động, nguồn lao động (lao động tại chỗ, tuyển dụng lao động từ bên ngoài vào), chính sách đối với người lao động.

+ Về vốn, nguồn vốn đầu tư: Vốn của doanh nghiệp, trong đó vốn tự có, vốn huy động, hình thức huy động. Vốn đề nghị Nhà nước hỗ trợ, trong đó: theo chính sách hỗ trợ của chính phủ, theo chính sách ưu đãi của tỉnh (làm rõ nội dung, khối lượng, đơn giá hỗ trợ ).

- Cơ chế hưởng lợi sản phẩm sau khai thác.

- Phân tích hiệu quả dự án về kinh tế, xã hội, môi trường.

- Tiến độ thực hiện.

- Đánh giá tác động môi trường và an ninh quốc phòng.

- Những kiến nghị và cam kết của doanh nghiệp khi được phê duyệt dự án, cấp phép đầu tư.

2.2.3. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án và cấp phép đầu tư.

- Các Doanh nghiệp, Công ty, HTX có nhu cầu đầu tư phát triển rừng sản xuất đến làm việc với Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp & PTNT) để được giới thiệu về quy hoạch đầu tư phát triển rừng sản xuất, cơ chế quản lý đầu tư, chính sách đầu tư, trình tự thủ tục và nếu cần thì được Chi cục Lâm nghiệp đưa đi khảo sát sơ bộ địa bàn muốn đầu tư.

- Sau khi khảo sát sơ bộ, lựa chọn địa bàn đầu tư, Doanh nghiệp, Công ty, HTX có đơn đề nghị cho phép khảo sát, lập dự án đầu tư gửi UBND tỉnh, UBND huyện, Sở Nông nghiệp & PTNT, nội dung đơn đề nghị:

+ Tên, địa chỉ trụ sở chính, trụ sở chi nhánh (nếu có), giấy phép đăng ký kinh doanh, chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc điều hành (Kèm theo hồ sơ Doanh nghiệp,Công ty, HTX).

+ Địa điểm huyện, xã, phạm vi (lô, khoảnh, tiểu khu), quy mô (diện tích) của dự án.

+ Cơ cấu cây trồng.

+ Phương án khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

+ Thời gian khảo sát, lập dự án đầu tư.

+ Những kiến nghị và cam kết khi được phê duyệt dự án hoặc được cấp phép đầu tư.

- Khi nhận được đơn đề nghị, Sở Nông nghiệp & PTNT kiểm tra lại các nội dung, thống nhất với UBND huyện và đề nghị UBND tỉnh chấp thuận hay không chấp thuận cho Doanh nghiệp, Công ty, HTX khảo sát, lập dự án đầu tư.

- Sau khi có văn bản chấp thuận cho khảo sát, lập dự án đầu tư, chủ dự án tổ chức khảo sát, lập dự án đầu tư và trình duyệt theo đúng thời hạn ghi trong văn bản chấp thuận. Nội dung dự án như đã quy định ở mục 2.2.2.

- Hồ sơ trình thẩm định:

+ Tờ trình xin thẩm định dự án và cấp phép đầu tư.

+ Thuyết minh dự án và các phụ lục tính toán đính kèm.

+ Bản đồ hiện trạng, dạng đất, quy hoạch dự án tỷ lệ từ 1/5.000 đến 1/50.000 tuỳ theo quy mô dự án.

+ Bản cam kết bảo vệ môi trường.

+ Báo cáo thẩm định đất đai vùng dự án của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Tờ trình đề nghị thu hồi, cho thuê (giao) đất vùng dự án của UBND huyện.

Hồ sơ được lập thành 07 bộ gửi đến UBND huyện, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài nguyên & MT, Sở Kế hoạch & ĐT, Sở Tài chính. Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì thẩm định, lấy ý kiến của UBND huyện và các ngành có liên quan, trình UBND tỉnh phê duyệt, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của Doanh nghiệp, Công ty, HTX. Sau khi có quyết định phê duyệt dự án, đối với các dự án theo quy định phải được cấp phép đầu tư, Sở Kế hoạch & Đầu tư hoàn chỉnh thủ tục và cấp phép đầu tư cho Doanh nghiệp, Công ty, HTX.

2.2.4. Tổ chức thực hiện dự án:

Sau khi dự án được phê duyệt, cấp phép đầu tư, chủ dự án làm việc với Sở Tài nguyên & MT để được giao đất; Phối hợp với UBND huyện, xã để tuyên truyền vận động và ký hợp đồng thuê đất với các hộ gia đình có đất trong vùng dự án, đăng ký kế hoạch trồng rừng với Sở Nông nghiệp & PTNT (Chi cục Lâm nghiệp) và ký hợp đồng nhận hỗ trợ trồng rừng với Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, làm thủ tục ưu đãi đầu tư với Sở Kế hoạch & ĐT và tổ chức triển khai thực hiện theo các hợp đồng đã ký kết.

Điều 7. Chính sách hỗ trợ đầu tư và nguồn vốn đầu tư

1. Đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng:

1.1. Đối với bảo vệ rừng, KNTS:

- Bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh các xã biên giới; Bảo vệ rừng các xã nằm trong các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP mức hỗ trợ là 200.000 đồng/ha/năm.

- Bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh các xã còn lại mức hỗ trợ là 100.000 đồng/ha/năm.

1.2. Đối với trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng trồng: Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.3. Riêng đối với đất nương rẫy của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ mà chuyển sang trồng rừng, hộ có đất nương rẫy được Nhà nước hỗ trợ gạo theo Quyết định số 1317/QĐ-UBND ngày 11/9/2008 của UBND tỉnh Lai Châu.

1.4. Nguồn vốn đầu tư: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Nghị quyết 30a của Chính phủ và các nguồn vốn khác.

2. Đối với rừng sản xuất:

2.1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhận hỗ trợ theo chính sách trồng rừng sản xuất (Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015; Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BKH-NN-TC ngày 23/6/2008 của liên Bộ: Kế hoạch & ĐT - Nông nghiệp & PTNT và Tài chính: Hướng dẫn thực hiện quyết định 147/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ).

2.2. Riêng đối với đất nương rẫy của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ mà chuyển sang trồng rừng, hộ có đất nương rẫy được Nhà nước hỗ trợ gạo theo Quyết định số 1317/QĐ-UBND ngày 11/9/2008 của UBND tỉnh Lai Châu.

2.3. Nguồn vốn đầu tư: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Nghị quyết 30a và các nguồn vốn khác.

3. Chính sách ưu đãi đầu tư: Thực hiện theo quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 06/5/2008 của UBND tỉnh Lai Châu. Nguồn vốn do UBND tỉnh cân đối và đưa vào kế hoạch đầu tư hàng năm của tỉnh.

Điều 8. Công tác xây dựng kế hoạch

1. Đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng: Căn cứ vào dự án bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban quản lý rừng phòng hộ tổng hợp vào kế hoạch các nguồn vốn hàng năm (kể cả hỗ trợ lương thực đối với đất nương rẫy).

2. Đối với rừng sản xuất: Căn cứ vào hợp đồng nhận hỗ trợ hàng năm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, Ban quản lý tổng hợp vào kế hoạch hỗ trợ hàng năm (kể cả hỗ trợ lương thực đối với đất nương rẫy).

3. Ban quản lý rừng phòng hộ báo cáo UBND huyện, thị xem xét và có văn bản gửi về Sở Kế hoạch & ĐT, Sở Nông nghiệp & PTNT; Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp, thống nhất với Sở Kế hoạch & ĐT để đưa vào kế hoạch theo tiến độ xây dựng và tổng hợp kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm trình UBND tỉnh.

Điều 9. Công tác nghiệm thu, ứng vốn, thanh toán, quyết toán

Thực hiện theo quy định hiện hành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của chủ rừng

Các chủ rừng có trách nhiệm chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, các Luật khác có liên quan và những nội dung tại quy định này.

Sau 12 tháng kể từ ngày được phê duyệt dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nếu dự án không triển khai mà không có lý do hợp lệ, chủ rừng phải bồi hoàn lại các ưu đãi đã được hưởng và bị thu hồi đất đã cấp, mọi tổn thất chủ rừng phải chịu trách nhiệm.

Điều 11. Điều khoản thi hành

Căn cứ các quy định tại Quyết định này, Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, Ban quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan tới việc bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện.

Các nội dung không có trong quy định này thì áp dụng theo các quy định hiện hành.

Những quy định trước đây của UBND tỉnh trái với quy định này thì áp dụng theo quy định này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, có khó khăn vướng mắc. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.