Quyết định 1067/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020
Số hiệu: 1067/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Trần Thị Nga
Ngày ban hành: 05/10/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1067/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 05 tháng 10 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2017-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006; Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020; Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Liên bộ Tài chính - Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT- BKHCN-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Liên bộ Khoa học và Công nghệ - Tài chính quy định khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp; Thông tư số 17/2017/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; Thông tư số 14/2019/TT-BTC ngày 15 tháng 3 năm 2019 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị Quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức chi thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020” với các nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu chung

a) Nâng cao nhận thức cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tỉnh về tạo lập, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế.

b) Hỗ trợ các tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tỉnh về tạo lập, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm lợi thế có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn từ 5 sáng chế/giải pháp hữu ích trở lên của trong nước; từ 01- 02 sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam và một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao.

- Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước từ 20 đối tượng trở lên các sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù và sản phẩm làng nghề mang địa danh của địa phương (bao gồm: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như: Mở rộng Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh; xây dựng Chỉ dẫn địa lý sim rừng Măng Đen, cà phê Đăk Hà; nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể các sản phẩm rau, hoa, củ, quả xứ lạnh; các đặc sản của các địa phương…)

- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ và khai thác, áp dụng 50 đối tượng trở lên thuộc quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản trí tuệ của tỉnh tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ.

II. NỘI DUNG, MỨC CHI, NGUỒN KINH PHÍ, THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Nội dung và mức chi thực hiện Chương trình

Thực hiện theo quy định tại Nghị Quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định nội dung và mức chi thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020.

2. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình

a) Nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách tỉnh. b) Nguồn kinh phí khác, gồm:

- Kinh phí của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình.

- Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

3. Thời gian thực hiện Chương trình: Từ năm 2017 đến hết năm 2020.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các nội dung thực hiện của Chương trình này được xây dựng thành các dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Nội dung dự án, trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ; thẩm định nội dung; thẩm định kinh phí; ký hợp đồng thực hiện; kiểm tra, nghiệm thu; thanh quyết toán nhiệm vụ …được áp dụng theo các quy định hiện hành của tỉnh về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý Chương trình, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động chung, bao gồm: Thông tin, tuyên truyền về Chương trình, Hội nghị, Hội thảo, sơ kết, tổng kết Chương trình; nghiên cứu tham quan, khảo sát, điều tra, học tập kinh nghiện về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ và triển khai các hoạt động nhằm giúp Ủy bản nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình.

Sở khoa học và Công nghệ tổ chức quản lý các dự án cụ thể thuộc Chương trình, bao gồm: Đề xuất, xây dựng, tuyển chọn và phê duyệt hoặc tham mưu phê duyệt dự án thực hiện Chương trình; kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tổ chức đánh giá, nghiệm thu dự án; tổ chức áp dụng, phổ biến và nhân rộng các kết quả thực hiện dự án. Ban hành các văn bản cụ thể để hướng dẫn, quản lý Chương trình, bao gồm: Hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục xác định nhiệm vụ, thẩm định nội dung, thẩm định dự toán kinh phí, nghiệm thu, thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dự án thuộc Chương trình … bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành. Tổng hợp kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung trình khi có quy định mới của Trung ương. Xây dựng kế hoạch kinh phí hàng thực hiện Chương trình trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Định kỳ hàng năm, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ kết quả thực hiện Chương trình.

3. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất, thẩm định nội dung hỗ trợ thuộc lĩnh vực ngành quản lý theo Luật Sở hữu trí tuệ.

4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí ngân sách thực hiện Chương trình.

5. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh về quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của địa phương thông qua Chương trình khuyến công và Chương trình xúc tiến thương mại.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí tỉnh, Cổng thông điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Chương trình, kết quả thực hiện Chương trình; Luật Sở hữu trí tuệ; quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của địa phương.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lựa chọn, đề xuất các nội dung của Chương trình để được hỗ trợ bảo hộ, phát triển các sản phẩm, thành quả sáng tạo của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.

8. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sản phẩm, thành quả sáng tạo cần bảo hộ, quảng bá, phát triển đề xuất với cơ quan quản lý xem xét hỗ trợ; đồng thời bố trí kinh phí của đơn vị, cá nhân cùng thực hiện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020.

Điều 3. Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Bộ Khoa học và Công nghệ (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP UBND tỉnh, PVP phụ trách;
- Lưu: VT, KGVX4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga