Nghị quyết 37/2017/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020
Số hiệu: 37/2017/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Hoàng Văn Chất
Ngày ban hành: 15/03/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2017/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 15 tháng 03 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRỒNG CÂY PHÂN TÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XIV, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ NHẤT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp;

Xét đề nghị của UBND tỉnh Tờ trình số 75/TTr-UBND ngày 24/02/2017; Báo cáo thẩm tra số 186/BC-KTNS ngày 13/3/2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, như sau:

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng: Thực hiện theo Đề án trồng, chăm sóc và bảo vệ cây phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 quy định tại Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh.

2. Nguyên tắc hỗ trợ:

2.1. Việc hỗ trợ trồng cây phân tán thực hiện theo kế hoạch và danh mục, tiêu chuẩn, đơn giá hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.2. Giống cây trồng hỗ trợ được sản xuất, gieo ươm trong và ngoài tỉnh do các huyện, thành phố hợp đồng với các đơn vị có đủ điều kiện năng lực sản xuất, gieo ươm và được nghiệm thu tiêu chuẩn, chất lượng trước khi trồng.

3. Nội dung hỗ trợ:

3.1. Cơ chế huy động nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị tổ chức, cá nhân và hộ gia đình.

a) Tuyên truyền vận động, huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân trong việc bố trí đất đai; đóng góp ngày công lao động, vật liệu để tổ chức trồng, chăm sóc bảo vệ cây trồng phân tán.

b) Vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cung cấp cây giống thấp hơn giá thị trường và sự ủng hộ, đóng góp, tài trợ, viện trợ để thực hiện trồng cây phân tán.

3.2. Chính sách hỗ trợ kinh phí trồng cây phân tán:

a) Nội dung

Hỗ trợ giống cây phân tán theo Đề án trồng, chăm sóc và bảo vệ cây phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.

b) Mức hỗ trợ

Hỗ trợ tối đa không quá 100.000 đồng/cây tùy theo tiêu chuẩn, đơn giá của từng loài cây trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Hình thức hỗ trợ

Các huyện, thành phố hỗ trợ giống cây trồng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia trồng cây phân tán dọc hành lang các tuyến giao thông và khuôn viên các trường học trên địa bàn tỉnh.

d) Nguồn kinh phí: Nguồn ngân sách sự nghiệp kinh tế tỉnh.

3.3. Cơ chế chăm sóc và quản lý bảo vệ cây phân tán sau khi trồng:

a) Cây phân tán sau khi trồng phải được bàn giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và các hộ gia đình chăm sóc, quản lý bảo vệ. Trường hợp cây trồng bị chết sau khi trồng, chủ thể được giao quản lý phải tự tổ chức trồng lại theo quy định.

b) Định kỳ hàng năm các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo tình hình sinh trưởng phát triển, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng trên địa bàn với cấp có thẩm quyền.

3.4. Việc hưởng lợi các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ và hưởng lợi từ trồng cây phân tán: Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi trồng cây phân tán được hưởng toàn bộ sản phẩm khai thác lâm sản ngoài gỗ do cây trồng mang lại. Được phép khai thác gỗ cây trồng phân tán đối với những cây bị sâu bệnh, cây già cỗi, cây gẫy đổ và cây trồng thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo quy hoạch, kế hoạch của cấp có thẩm quyền. Sau khai thác phải có trách nhiệm trồng lại để phát huy hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường sinh thái. Đối với với việc chặt hạ khai thác sử dụng cây xanh trồng trong đô thị phải đảm bảo theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. UBND tỉnh tổ chức thực hiện nghị quyết.

2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa XIV, kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất thông qua ngày 15 tháng 3 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2017./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước, VP Quốc hội, VP Chính phủ;
- Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Ban công tác đại biểu của UBTVQH;
- Các Bộ: Kế hoạch đầu tư; Nội Vụ; Tài chính; Tư pháp;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- TT Huyện ủy, Thành ủy; HĐND; UBND các huyện, thành phố;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh; Chi cục VTLT tỉnh;
- Lưu: VT, KTNS.

CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Chất

 

 





Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị Ban hành: 11/06/2010 | Cập nhật: 15/06/2010