Quyết định 999/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: 999/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Nguyễn Đình Xứng
Ngày ban hành: 08/04/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 999/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 08 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ, KINH DOANH, KHAI THÁC CHỢ BỈM SƠN, THỊ XÃ BỈM SƠN

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Quyết định số 4508/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 1800/QĐ-UBND ngày 31/5/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2013;

Theo nội dung tại Công văn số 4878/UBND-NN ngày 29/7/2011 của UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương và địa điểm thực hiện xây dựng chợ Bỉm Sơn của Tổng Công ty Thương mại và xây dựng Đông Bắc; Công văn số 8918/UBND-KTTC ngày 07/11/2013 về việc triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Bỉm Sơn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 544/TTr-SCT ngày 24/3/2014 về việc phê duyệt Phương án chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý chợ Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn với các nội dung chủ yếu sau:

1. Hiện trạng chợ Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn

1.1. Hồ sơ pháp lý về thành lập chợ

Chợ Bỉm Sơn nằm trên địa bàn phường Ngọc Trạo, là trung tâm mua bán của thị xã Bỉm Sơn và các vùng lân cận. Chợ được xây dựng vào năm 1991, kinh phí xây dựng chợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển hệ thống chợ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 606/QĐ-UBND ngày 06/3/2014, chợ Bỉm Sơn được quy hoạch là chợ hạng I. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chợ do Ban quản lý chợ Bỉm Sơn (trực thuộc UBND thị xã Bỉm Sơn) quản lý, kinh doanh và khai thác.

1.2. Hồ sơ về đất đai, quy mô xây dựng

Diện tích mặt bằng quy hoạch chợ là 10.355m2, thuộc thửa số 39 tờ bản đồ số 224509-IX-6, bản đồ địa chính phường Ngọc Trạo, tỷ lệ 1/500 đo vẽ năm 1996. Trong đó, diện tích quản lý thực tế 9.136m2 và 1.219m2 diện tích đất giao thông. Ngày 12/01/2012, UBND tỉnh đã có Quyết định số 120/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn cho Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng chợ trung tâm thị xã Bỉm Sơn.

1.3. Hồ sơ về tài sản

Nguồn tài sản đầu tư­ chợ đ­ược hình thành từ nguồn vốn nhà nước. Tại thời điểm ban hành Phương án chuyển đổi, chợ Bỉm Sơn không có công nợ.

Giá trị tài sản còn lại của chợ Bỉm Sơn tính đến ngày 19/10/2011 là 1.402.971.900 đồng (theo Quyết định số 2451/QĐ-UBND ngày 20/10/2011 của Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn).

1.4. Tình hình hoạt động quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Bỉm Sơn

- Số hộ kinh doanh tại chợ: Tại thời điểm 31/12/2013, các hộ tiểu thương có hợp đồng thuê quầy với Ban quản lý chợ Bỉm Sơn là 670 hộ. Thực tế, số hộ hiện đang kinh doanh cố định tại chợ là 654 hộ (16 hộ không còn kinh doanh).

- Hình thức quản lý: Do Ban quản lý chợ Bỉm Sơn trực tiếp quản lý, thời gian thuê quầy theo từng năm, thời điểm thanh lý hợp đồng thuê kinh doanh đối với các hộ vào ngày 31 tháng 12 hàng năm; tiền thuê quầy hàng năm được nộp vào ngân sách Nhà nước.

1.5. Hồ sơ lao động Ban Quản lý chợ

Tính đến ngày 31/12/2013, Ban Quản lý chợ Bỉm Sơn có 28 cán bộ, viên chức; đội ngũ cán bộ quản lý chợ hầu hết chưa qua đào tạo nên chất lượng và hiệu quả công việc chưa cao.

2. Phương thức chuyển đổi

- Việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Bỉm Sơn từ hình thức nhà nước quản lý sang doanh nghiệp đầu tư, quản lý được thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Công văn số 8918/UBND-KTTC ngày 07/11/2013.

- Sau khi tiếp nhận chợ Bỉm Sơn, Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc thành lập Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn để quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo cam kết của đơn vị tại Bản cam kết số 016/BCK-ĐB ngày 20/01/2014, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp tại thị xã Bỉm Sơn, bao gồm: Công ty TNHH Một thành viên Thành Công; Công ty TNHH Tiên Sơn Thanh Hóa; Công ty TNHH Xây lắp vận tải Phục Hưng.

Nếu các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Bỉm Sơn và các cá nhân đơn vị, cá nhân có nhu cầu góp cổ phần vào Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn thì vốn điều lệ của Công ty được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Phương án đầu tư chợ

Chợ được đầu tư, xây dựng mới trên nền chợ cũ, đạt quy mô chợ hạng I với các tiêu chí chủ yếu sau:

- Vốn đầu tư xây dựng chợ mới: khoảng 65 tỷ đồng.

- Thời gian hoàn thành dự án: tối đa 24 tháng kể từ khi Công ty Cổ phần Chợ Bỉm Sơn tiếp nhận quản lý chợ Bỉm Sơn.

 Thời gian khởi công: Dự kiến Quý II năm 2014, tiến độ xây dựng dự kiến:

Các bước thực hiện

Nội dung công việc

Dự kiến thời gian thực hiện

Bước 1

Bố trí chợ dân sinh hiện nay sang các khu vực lân cận.

Tiến hành xây dựng chợ dân sinh mới.

Trong tháng 4/2014

Bước 2

Sau khi hoàn thành chợ dân sinh, di chuyển các hộ về chợ dân sinh mới.

Trong tháng 6/2014

Bước 3

Hoàn thiện chợ tạm tại Khu phố 2 phường Ngọc Trạo (đã xây dựng từ năm 2011).

Tháng 5/2014

Bước 4

Di chuyển các hộ KD trong khu nhà tôn sang chợ tạm.

Trong 6/2014

Bước 5

Khởi công xây dựng chợ chính tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành tháng 12/2015.

18 tháng

Bước 6

Chuyển các hộ từ chợ tạm về chợ mới.

Tháng 12/2015

- Cụ thể hạng mục đầu tư dự kiến:

STT

Nội dung

Diện tích (m2)

Giá sau thuế

I

Chi phí xây dựng

 

55.476.000.000

1

Nhà chợ chính

10.370

49.776.000.000

-

Tầng 1

3.350

 6.080.000.000

-

Tầng 2

3.510

 6.848.000.000

-

Tầng 3

3.510

16.848.000.000

2

Nhà chợ ngoài trời (chợ dân sinh)

1.900

1.200.000.000

3

Khu xử lý nước thải

80

500.000.000

4

Công trình phụ trợ khác

 

500.000.000

5

Đường nội bộ, bãi để xe

 

2.000.000.000

6

Chợ tạm

 

1.500.000.000

II

Chi phí thiết bị (thang cuốn, hệ thống PCCC, camera,...)

 

3.800.000.000

III

Hệ thống nước, hệ thống điện

 

1.724.000.000

IV

Hoàn trả giá trị tài sản còn lại của chợ và ban xe phường Ngọc Trạo

 

1.500.000.000

V

Chi phí dự phòng

 

1.500.000.000

VI

Chi phí khác

 

1.000.000.000

Tổng

65.000.000.000

4. Quy trình xây dựng chợ tạm và chợ mới

4.1. Xây dựng chợ dân sinh

Bước 1: Bố trí, sắp xếp các hộ đang kinh doanh tại chợ dân sinh hiện trạng sang kinh doanh tại các khu vực lân cận để lấy mặt bằng xây dựng chợ dân sinh mới theo quy hoạch.

Bước 2: Xây dựng chợ dân sinh mới

Xây dựng chợ dân sinh mới tại vị trí quy hoạch đã được phê duyệt trên diện tích 2.100m2, được xây dựng với quy mô 01 tầng với kết cấu cột, khung vì kèo sắt, mái tôn, đảm bảo bố trí được trên 475 quầy hàng, diện tích 3-4m2/quầy. Trong đó, có bố trí khu vực bán thực phẩm sạch và khu vực chợ ngoài trời (có diện tích trên 200m2) cho các đối tượng bán hàng vãng lai.

 Trong quá trình xây dựng chợ dân sinh, khi di chuyển bảo đảm không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các hộ tiểu thương cũng như nhu cầu mua sắm của người dân.

Vị trí kinh doanh của các hộ tiểu thương tại chợ dân sinh mới phải được sắp xếp công bằng, hợp lý, đảm bảo sự tương xứng với lợi thế vị trí kinh doanh cũ.

4.2. Xây dựng chợ chính

Bước 1: Xây dựng chợ tạm

 - Chợ tạm đã được xây dựng tại Khu phố 2, phường Ngọc Trạo từ năm 2011, trên khu đất có diện tích 2.870m2, hiện nay một số hạng mục đã hư hỏng, doanh nghiệp tiếp nhận phải tu bổ, hoàn thiện lại chợ tạm, xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động kinh doanh tại chợ.

- Di chuyển toàn bộ các hộ kinh doanh trong khu vực nhà K, nhà A, nhà B sang chợ tạm để lấy mặt bằng xây dựng chợ chính. Các hộ có nhu cầu tiếp tục kinh doanh sẽ được bố trí kinh doanh tại chợ tạm, vị trí tại chợ tạm được bố trí tương ứng với vị trí kinh doanh tại chợ cũ.

- Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn bố trí, sắp xếp đủ vị trí kinh doanh cho các hộ đang kinh doanh tại chợ cũ có nhu cầu tiếp tục kinh doanh tại chợ tạm; đảm bảo bố trí đủ số lượng quầy; đồng thời, có trách nhiệm bảo vệ hàng hóa trong chợ và các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong chợ; đảm bảo vệ sinh môi trường tại chợ tạm.

Bước 2: Xây dựng chợ chính

Chợ Bỉm Sơn được xây dựng mới với quy mô là chợ hạng I với 3 tầng kiên cố, hiện đại; Cấp công trình: cấp II (theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9211:2012 Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế).

5. Phương án quản lý, kinh doanh, khai thác chợ

5.1. Phương án quản lý, kinh doanh trong quá trình thực hiện dự án

 Trong thời gian từ khi doanh nghiệp tiếp nhận chợ đến thời điểm khởi công xây dựng chợ mới: giá thuê quầy, các loại phí và dịch vụ được thực hiện như thời điểm trước khi doanh nghiệp nhận bàn giao chợ.

Trong thời gian xây dựng chợ: doanh nghiệp không thu tiền thuê quầy hàng và vị trí kinh doanh đối với các hộ kinh doanh tại chợ tạm để phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng công trình; các loại phí, lệ phí khác thu theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5.2. Phương án quản lý, kinh doanh, khai thác chợ sau khi dự án đầu tư xây dựng chợ mới hoàn thành

Các hộ tiểu thương ký hợp đồng thuê quầy, vị trí kinh doanh tại chợ Bỉm Sơn với Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn. Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn có trách nhiệm đảm bảo bố trí đủ số lượng quầy hàng và vị trí kinh doanh cho các hộ kinh doanh cố định tại chợ cũ khi chuyển về chợ mới.

a) Phương án kinh doanh 03 năm sau khi dự án hoàn thành

Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn ký hợp đồng cho thuê các quầy hàng và vị trí kinh doanh với các hộ tiểu thương theo từng năm. Giá thuê quầy và vị trí kinh doanh các ngành hàng được thực hiện như sau:

+ Năm thứ nhất: Bằng giá thuê tại thời điểm năm liền kề trước khi bàn giao chợ cộng thêm (+) 5%.

+ Hai năm tiếp theo: Tùy thuộc vào điều kiện thực tế và hiệu quả kinh doanh, giá thuê các quầy hàng và vị trí kinh doanh tại chợ có thể được điều chỉnh tăng (+) hoặc giảm (-). Trong trường hợp tăng giá, Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn phải thông báo, thống nhất với các hộ kinh doanh và xin ý kiến của cấp có thẩm quyền. Việc điều chỉnh tăng giá thuê được thực hiện mỗi năm không quá 01 lần, mức tăng không vượt quá 10% so với năm trước và không vượt quá quy định hiện hành của Nhà nước.

- Việc thu phí, các lệ phí khác: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Mức thu đối với các quầy còn lại, dôi dư sau khi đã bố trí đủ cho các hộ kinh doanh cũ:

+ Các hộ đang kinh doanh trong chợ có nhu cầu thuê thêm: Giá cho thuê được tính như giá thuê của các hộ đang kinh doanh cùng ngành hàng; số lượng quầy được thuê theo điều kiện thực tế của chợ.

+ Cá nhân, tập thể đăng ký thuê mới: Giá thuê quầy trên cơ sở thỏa thuận với Công ty nhưng không vượt quá mức thu theo quy định hiện hành của Nhà nước.

b) Phương án kinh doanh từ năm thứ 4 trở về sau

Giá thuê quầy, các vị trí kinh doanh, các khoảng phí, lệ phí tại chợ do Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn và các hộ kinh doanh tại chợ thỏa thuận nhưng không vượt quá mức quy định của Nhà nước và phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

c) Thời gian hợp đồng

Ngoài phương án cố định thu theo năm, Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn có thể xây dựng nhiều phương án thu tiền thuê quầy hàng và vị trí kinh doanh khác để các hộ tiểu thương lựa chọn: Phương án thuê trả tiền trước một lần cho 05 năm, 10 năm và 20 năm.

5.3. Phương án xử lý tài sản, tài chính, công nợ

 Giá trị tài sản cố định, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị do ngân sách Nhà nước đầu tư còn lại của chợ Bỉm Sơn tại thời điểm tháng 10/2011 là 1.402.971.900 đồng. Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc đã nộp vào Ngân sách Nhà nước.

5.4. Phương án sắp xếp vị trí kinh doanh khi hoàn thành dự án

Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn đảm bảo đủ vị trí và mặt bằng kinh doanh các ngành hàng cho các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũ.

a) Vị trí và số lượng điểm kinh doanh

- Số lượng điểm kinh doanh tại chợ dân sinh: 475 quầy.

- Số lượng điểm kinh doanh tại chợ chính: 429 quầy và 24 kiốt (bố trí ở tầng 1, hướng ra sân chợ chính), trong đó, tầng 01 có 192 quầy và 24 kiốt; tại tầng 2 có 237 quầy.

(Có sơ đồ ngành hàng và vị trí quầy kèm theo).

b) Phương án bố trí điểm kinh doanh khi chuyển về chợ mới

- Các hộ kinh doanh cố định trong chợ cũ có nhu cầu tiếp tục kinh doanh tại chợ mới thực hiện việc đăng ký với Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn.

- Ban Chuyển đổi chợ thị xã Bỉm Sơn và Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn chịu trách nhiệm sắp xếp, bố trí vị trí kinh doanh tại chợ Bỉm Sơn mới cho các hộ hiện đang kinh doanh tại chợ cũ. Điểm kinh doanh được sắp xếp, phân loại phù hợp với từng vị trí, quy hoạch từng ngành hàng, nhóm hàng; đảm bảo các điều kiện thuận tiện cho hoạt động mua và bán tại chợ, vệ sinh môi trường, an toàn PCCC, đảm bảo mỹ quan chợ. Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn đảm bảo đủ vị trí và mặt bằng kinh doanh cho các ngành hàng. Việc sắp xếp vị trí kinh doanh cho các hộ tại chợ mới được thực hiện theo phương thức sau:

+ Ban Chuyển đổi chợ thị xã Bỉm Sơn và Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn tổ chức đánh giá, phân loại vị trí kinh doanh tại chợ cũ và chợ mới theo ngành hàng, nhóm hàng, theo thứ tự từ thuận lợi đến không thuận lợi để làm căn cứ bố trí, sắp xếp vị trí kinh doanh tại chợ mới. Việc phân loại vị trí kinh doanh được công bố công khai và phải được sự đồng thuận của các hộ tiểu thương.

+ Vị trí tại chợ mới của các hộ được bố trí tương xứng như vị trí kinh doanh tại chợ cũ theo từng ngành hàng. Căn cứ vào xếp loại vị trí tại chợ cũ và xếp loại vị trí tại chợ mới, các hộ kinh doanh tiến hành bốc thăm vị trí tại chợ mới theo từng nhóm vị trí xếp loại của từng ngành hàng.

- Trường hợp các hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi sang vị trí khác: Sau khi bố trí, sắp xếp xong vị trí kinh doanh tại chợ mới cho các hộ đã kinh doanh cố định tại chợ cũ, nếu còn quầy hàng, vị trí kinh doanh dôi dư thì Ban chuyển đổi chợ thị xã Bỉm Sơn và Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn xem xét giải quyết.

Việc bố trí, sắp xếp vị trí kinh doanh nêu trên được áp dụng cho cả chợ chính và chợ dân sinh.

c) Phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết lao động

Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí công việc phù hợp và đảm bảo quyền lợi, các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật đối với các thành viên của Ban Quản lý chợ Bỉm Sơn cũ nếu có nhu cầu tiếp tục làm việc tại Ban Quản lý chợ mới.

- Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn nhận bàn giao Bãi giữ xe chợ Bỉm Sơn (hiện do Ban xe của UBND phường Ngọc Trạo thị xã Bỉm Sơn quản lý) và chịu trách nhiệm tiếp nhận, bố trí công việc phù hợp cho các lao động của Ban xe phường Ngọc Trạo nếu các lao động có nhu cầu được tiếp tục làm việc.

UBND thị xã Bỉm Sơn và chủ đầu tư xem xét, có chính sách hỗ trợ kinh phí các hộ tiểu thương thực hiện di chuyển và ổn định buôn bán tại chợ tạm.

6. Phương án quản lý và sử dụng đất đai

Thực hiện theo Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 12/01/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thu hồi đất tại phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn cho Tổng Công ty Thương mại và xây dựng Đông Bắc thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng chợ trung tâm thị xã Bỉm Sơn.

7. Quyền lợi, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan

7.1. Đối với Ban Chuyển đổi chợ Bỉm Sơn

- Thực hiện công bố công khai Phương án chuyển đổi chợ Bỉm Sơn đến Ban Quản lý chợ Bỉm Sơn, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ, các đơn vị có liên quan và nhân dân tại địa phương;

- Bàn giao chợ Bỉm Sơn cho doanh nghiệp tiếp nhận quản lý kinh doanh, đầu tư, khai thác theo Phương án chuyển đổi chợ đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt;

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các nội dung theo Phương án chuyển đổi; sắp xếp, bố trí vị trí kinh doanh cho các hộ tiểu thương trong quá trình thực hiện dự án và sau khi dự án hoàn thành;

- Tham mưu cho UBND thị xã Bỉm Sơn có chính sách hỗ trợ các hộ tiểu thương trong quá trình thực hiện dự án.

7.2. UBND phường Ngọc Trạo và các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương: Có trách nhiệm hỗ trợ công tác tuyên truyền và phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thực hiện Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Bỉm Sơn, đảm bảo đúng kế hoạch và tuân thủ sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền; thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận, nhất là các hộ kinh doanh trong chợ Bỉm Sơn, phản ánh kịp thời về Ban Chuyển đổi chợ thị xã.

7.3. Ban Quản lý chợ Bỉm Sơn

- Có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương và doanh nghiệp thực hiện việc vận động, tuyên truyền đến các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình chuyển đổi chợ; nắm bắt tình hình thực tế tại chợ, kịp thời tham mưu cho Ban Chuyển đổi chợ thị xã Bỉm Sơn trong quá trình tổ chức thực hiện chuyển đổi chợ;

- Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động của chợ Bỉm Sơn cho Ban Chuyển đổi chợ Bỉm Sơn khi có yêu cầu;

- Sau khi chuyển đổi chợ, các thành viên Ban Quản lý chợ nếu có nhu cầu sẽ được Công ty Cổ phần Chợ Bỉm Sơn tiếp nhận, bố trí công tác phù hợp và đảm bảo các quyền lợi theo quy định của Luật Lao động.

7.4. Đối với các hộ kinh doanh trong chợ

- Có trách nhiệm hỗ trợ, ủng hộ công tác chuyển đổi và đầu tư, xây dựng chợ để sớm đưa chợ Bỉm Sơn mới vào hoạt động; thực hiện việc di chuyển theo kế hoạch để đầu tư xây dựng chợ mới.

- Các hộ kinh doanh được miễn phí thuê vị trí trong thời gian kinh doanh tại chợ tạm để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng xây dựng công trình; được đảm bảo vị trí kinh doanh trong chợ mới tương xứng với lợi thế tại vị trí cũ, đồng thời được hưởng các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước, của tỉnh và của đơn vị được tiếp nhận đầu tư, quản lý chợ theo quy định.

7.5. Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc, Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn

 - Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc thành lập Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn theo cam kết ngay sau khi Phương án chuyển đổi chợ Bỉm Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

 - Công ty Cổ phần chợ Bỉm Sơn có trách nhiệm: Thực hiện công khai phương án đầu tư, kinh doanh và các thông tin liên quan khác để mời gọi các hộ tiểu thương và những người có nhu cầu tham gia góp cổ phần cùng kinh doanh, khai thác chợ; công khai mặt bằng, sơ đồ các vị trí ngành hàng, mặt hàng; cùng với Ban chuyển đổi chợ Bỉm Sơn sắp xếp vị trí kinh doanh phù hợp tại chợ tạm và chợ mới cho các hộ tiểu thương và thực hiện đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Bỉm Sơn đúng Phương án chuyển đổi đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và các quy định của pháp luật; xây dựng Nội quy hoạt động của chợ, trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt; thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế, phí theo quy định; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, đóng góp vào các hoạt động xã hội trên địa bàn; đảm bảo an toàn tài sản cho các hộ kinh doanh trong thời gian thực hiện dự án, nhất là đối với các hộ kinh doanh tại chợ tạm.

8. Kinh phí thực hiện chuyển đổi chợ

UBND thị xã Bỉm Sơn chủ động bố trí kinh phí thực hiện chuyển đổi chợ Bỉm Sơn từ các nguồn vốn hợp pháp của huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Căn cứ các nội dung được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này, Sở Công thương, UBND thị xã Bỉm Sơn và các Sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện; đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Cục Thuế Thanh Hóa; Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn, Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

 

 

 





Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ Ban hành: 14/01/2003 | Cập nhật: 22/02/2013