Quyết định 71/2016/QĐ-UBND Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 71/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
Ngày ban hành: 03/10/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2016/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 03 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Thực hiện Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2606/TTr-SKHĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016.

QUYẾT ÐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 10 năm 2016.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(kèm theo Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. Sự cần thiết:

Miền núi tỉnh Ninh Thuận gồm 27 xã thuộc 6 huyện, với dân số 167.085 người, diện tích tự nhiên 258.400 ha (chiếm 28% về dân số và 81% về diện tích so toàn tỉnh). Đây là khu vực có địa hình phần lớn là đồi núi, thấp dần từ Tây sang Đông với nhiều ngọn núi cao lan ra sát biển. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khô hạn, lượng mưa thấp nhất toàn quốc. Miền núi tỉnh Ninh Thuận là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái và có tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai. Đây là nơi có nhiều đồng bào các dân tộc cùng chung sống lâu đời, với các bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống yêu nước, là vùng căn cứ địa gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Ninh Thuận. Sự phát triển của vùng miền núi có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình, chính sách phát triển xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đời sống như: Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015,... mang lại những hiệu quả thiết thực bước đầu. Bộ mặt kinh tế - xã hội vùng miền núi có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tốt đã hình thành và phát huy, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, về tổng thể đến nay kinh tế - xã hội của vùng miền núi vẫn chưa phát triển, là vùng có nhiều tiềm năng về đất đai và các tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa được đầu tư khai thác hiệu quả, kinh tế vẫn chậm phát triển so với các khu vực khác trong tỉnh, chất lượng cuộc sống của nhân dân còn thấp và còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn trên 32,2%, riêng huyện Bác Ái, huyện nghèo được đầu tư theo Chương trình 30a của Chính phủ là 58,7%).

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo đột phá cho phát triển nhanh và bền vững, việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020 là thực sự cần thiết.

II. Cơ sở pháp lý:

- Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;

- Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

- Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;

- Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

- Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

- Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn;

- Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020;

- Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa II) về phát triển thương mại tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020;

- Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020;

- Nghị quyết số 33/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

- Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

Phần II

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2011 - 2015

1. Về kinh tế:

a) Sản xuất nông nghiệp:

Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn khu vực miền núi, những năm qua, đã tập trung huy động nhiều nguồn lực từ các chương trình, đề án đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, khai hoang cải tạo đồng ruộng cũng như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng vào sản xuất, đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể:

- Về trồng trọt: thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, bước đầu đạt được những chuyển biến tích cực. Đồng bào đã thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp như cây mía, mì, bắp, thuốc lá trọng tâm trên địa bàn các huyện Ninh Sơn, Bác Ái; vùng sản xuất cây ăn quả ở xã Lâm Sơn thuộc huyện Ninh Sơn (cây mít, sầu riêng, chôm chôm, …), xã Phước Bình thuộc huyện Bác Ái (chuối, bưởi,...). Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính tăng khá như: cây bắp được mở rộng về diện tích và giống bắp lai theo hướng thâm canh và đầu tư giống mới tăng năng suất, trong 5 năm diện tích được mở rộng thêm 1.300 ha, đến nay đạt 11.500 ha, năng suất tăng từ 21,8 tạ lên 38 tạ/ha; cây mía với diện tích trồng ước đạt 2.922 ha (tăng 712 ha so với năm 2010), sản lượng mía tăng từ 87.300 tấn lên gần 165.800 tấn (năm 2015), mỗi năm cung cấp cho nhà máy mía đường Phan Rang trên 150.000 tấn nguyên liệu. Cây mì được trồng chủ yếu tại các xã miền núi thuộc huyện Ninh Sơn, diện tích 3.100 ha, sản lượng đạt trên 75.300 tấn, bằng 1,8 lần năm 2010 cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột trên địa bàn.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu, chế biến nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp được hình thành và phát huy có hiệu quả như: Công ty cổ phần giống cây trồng Đông Nam, Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Xuân hỗ trợ đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng bắp ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (100 ha) và xã Phước Bình, huyện Bác Ái (36 ha); mô hình liên kết giữa Nhà máy đường và nông dân, trong đó nhà máy cung cấp vật tư, giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ thí điểm công nghệ tưới nước tiết kiệm, tưới phun và tưới bằng năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả cao tại xã Mỹ Sơn, Hòa Sơn và Quảng Sơn thuộc huyện Ninh Sơn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. Ngoài ra, vùng miền núi của tỉnh được các tổ chức quốc tế hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị ớt ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, là hướng đi mới góp phần giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo.

- Về chăn nuôi: thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, kết hợp chăn nuôi trang trại và hộ gia đình gắn với quy hoạch phát triển đồng cỏ; trong những năm qua, chăn nuôi khu vực miền núi có bước phát triển, chăn nuôi hộ gia đình thông qua các chính sách, chương trình, dự án đã hỗ trợ giống, xây dựng chuồng trại, vay vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ gia đình vùng miền núi để phát triển chăn nuôi1. Mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu, heo, gia cầm phát triển theo hình thức trang trại vừa và nhỏ xuất hiện nhiều nơi ở khu vực miền núi thông qua liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với các tổ nhóm của nông dân để đầu tư và thu mua sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả2, đã khuyến khích các hộ nông dân, cơ sở sản xuất mở rộng đầu tư, tăng quy mô đàn gia súc. Đến năm 2015, tổng đàn gia súc đạt 172.200 con, trong đó: Đàn bò 63.900 con; đàn dê, cừu 62.800 con và đàn heo 45.500 con; 20 trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp chiếm 87% số trang trại toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục đó là: chậm quy hoạch vùng chuyên canh, chưa khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của vùng; chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, chưa vững chắc. Quy mô sản xuất một số cây trồng chủ lực còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến. Chất lượng một số nông sản hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Phương thức canh tác một số nơi còn lạc hậu; chăn nuôi gia súc là lợi thế của vùng nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, còn phụ thuộc nhiều điều kiện tự nhiên.

b) Lâm nghiệp:

Là thế mạnh của vùng, có ý nghĩa quyết định về môi trường sinh thái của toàn tỉnh, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giao đất, giao rừng để thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng và khuyến khích trồng rừng, trong giai đoạn 2011 - 2015, thông qua chương trình phát triển và bảo vệ rừng bền vững đã thực hiện giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, thu hút được nhiều hộ đồng bào dân tộc tham gia trồng rừng và nhận khoán bảo vệ rừng. Đến năm 2015, đã giao khoán bảo vệ rừng trên 60.800 ha cho cộng đồng dân cư, với mức khoán bình quân 300.000 đồng/ha, trồng mới 3.954 ha rừng các loại, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng được 2.179 ha với các cây trồng chủ yếu như: Điều, neem, keo, trôm, cóc hành, … là những loại cây vừa tăng độ che phủ và tăng thu nhập cho người dân, góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 45%.

Nhìn chung, công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đã được thực hiện đến từng hộ nhận khoán, góp phần nâng cao trách nhiệm và thu nhập của người dân. Tuy nhiên, chủ trương phát triển kinh tế rừng, làm giàu từ rừng thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế rừng có hiệu quả, đời sống nhân dân sống ven rừng vẫn còn nhiều khó khăn.

c) Về xây dựng nông thôn mới và bố trí lại dân cư:

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện miền núi được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực bước đầu; có 5/27 xã khu vực miền núi được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, 100% số xã đã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới; toàn vùng có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn vùng đạt 9,5 tiêu chí/xã.

 Công tác sắp xếp, bố trí lại các điểm dân cư nông thôn ở miền núi được quan tâm. Đã sắp xếp tái định cư cho nhân dân vùng sạt lở núi Ma Nai, xã Phước Thành; sạt lở bờ sông xã Phước Bình (Bác Ái); sạt lở bờ sông thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn,… đã góp phần ổn định cuộc sống cho gần 200 hộ dân trên địa bàn; thực hiện 5 dự án định canh, định cư (01 dự án tập trung và 04 dự án xen ghép) cho 290 hộ/1.053 khẩu. Qua đó đã sắp xếp lại các khu dân cư cho các đối tượng sống phân tán, du canh, du cư, sống trong rừng phòng hộ, thiếu đất sản xuất và chưa được hưởng các chính sách khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, giúp đồng bào ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; giảm bớt tình trạng đồng bào du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy.

d) Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:

Chủ trương phát triển công nghiệp chế biến làm động lực cho phát triển công nghiệp được quan tâm, công nghiệp chế biến nông, lâm sản và làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở khu vực miền núi có những chuyển biến bước đầu. Đến năm 2015, trên địa bàn các xã miền núi đã thu hút 35 dự án công nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó một số nhà máy đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động đã có tác động tích cực đến việc khai thác, thu mua nguyên liệu, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, đóng góp ngân sách Nhà nước như: Nhà máy chế biến tinh bột mì ở huyện Ninh Sơn, công suất 3.000 tấn tinh bột/năm; Nhà máy chế biến đá Granít Thuận Thành tại xã Công Hải với công suất 100.000 m2/năm; Trạm nghiền Ximăng Luks với công suất 750.000 tấn/năm; Nhà máy Gạch Tuynen Du Long công suất 50 triệu viên/năm; Nhà máy dệt Quảng Phú và các dự án khai thác và chế biến đá xây dựng, sản xuất gạch Tuynen, gạch không nung,... Về thủy điện có 03 nhà máy là Đa Nhim công suất 160 MW, Hạ Sông Pha công suất 15,75 MW và nhà máy thủy điện sông Ông 8,1 MW.

Một số ngành tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống được khôi phục: Nghề đan lát gùi, tó của đồng bào Raglai ở thôn Ma Nai, xã Phước Thành, huyện Bác Ái và thôn Tập Lá, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc; đồng thời hỗ trợ phát triển gỗ mỹ nghệ, mây tre lá mỹ nghệ ở huyện Ninh Sơn, nghề làm xâu chuỗi, vòng đeo tay, móc khóa từ các hạt cây rừng (Bồ đề, Cam thảo,...) ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; làm chổi ở thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn. Các hoạt động trên đã góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp khu vực miền núi chưa phát triển, nhất là công nghiệp chế biến nông sản chưa nhiều, quy mô còn nhỏ,... chưa hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Chủ trương phát triển làng nghề triển khai còn chậm, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khu vực miền núi quy mô nhỏ, phân tán, số hộ tham gia không nhiều, sản phẩm còn đơn điệu, giá trị thấp, chưa tạo được sức cạnh tranh trong thị trường.

đ) Thương mại - Dịch vụ và Du lịch:

Các hoạt động thương mại - dịch vụ, du lịch miền núi bước đầu có nhiều chuyển biến, thu hút được sự quan tâm của các thành phần kinh tế, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hàng hóa của đồng bào dân tộc miền núi, khắc phục tình trạng tư thương ép giá, đổi hàng như trước đây.

Thực hiện chủ trương phát triển thương mại miền núi, những năm qua thị trường miền núi phát triển đáng kể thông qua việc đầu tư xây dựng các chợ nông thôn miền núi vùng đông dân cư; cùng với thực hiện khá tốt chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi được tổ chức nhiều đợt trong năm, góp phần quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bước đầu hình thành tập quán mua bán và sản xuất hàng hóa ở các khu vực miền núi của tỉnh3; cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Hệ thống đại lý cung ứng hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân được mở rộng góp phần làm cho hàng hóa khu vực miền núi thêm phong phú, đa dạng hơn và thúc đẩy giao thương, ổn định thị trường.

Các hoạt động dịch vụ như vận tải, tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông và các dịch vụ văn hóa khu vực miền núi được quan tâm và có bước phát triển, nhất là ở một số khu vực trung tâm huyện lỵ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Hoạt động kinh doanh du lịch khu vực miền núi có tiềm năng, lợi thế và bước đầu đã thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư, nhất là các khu du lịch sinh thái, văn hóa: Thác Chapơr, Bẫy đá PinăngTắc, Suối nóng Krongpha, Vườn Quốc gia Phước Bình, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Khu du lịch Bình Tiên, Vĩnh Hy, …

Tuy nhiên, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch miền núi còn chậm phát triển, giá trị hàng hóa còn nhỏ và chưa phong phú về chủng loại, sức mua người dân vẫn còn thấp, đặc biệt là vùng núi cao nơi đồng bào dân tộc Raglai sinh sống; hạ tầng thương mại còn lạc hậu, chưa thiết lập được mối liên kết bền vững giữa người sản xuất với thương nhân để xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiệu quả. Du lịch miền núi sản phẩm còn đơn điệu, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

2. Văn hóa - xã hội:

a) Về giáo dục - đào tạo:

Thực hiện chủ trương rút ngắn khoảng cách chênh lệch về giáo dục đào tạo giữa các vùng miền trong tỉnh, giáo dục miền núi những năm qua được chú trọng chăm lo trên nhiều lĩnh vực: các chính sách thu hút giáo viên khu vực miền núi được quan tâm triển khai, đội ngũ giáo viên ở các cấp học khu vực miền núi tăng cả về số lượng và chất lượng4; số lượng học sinh huy động ra lớp qua các năm luôn duy trì ở mức cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư, nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn đầu tư cho giáo dục miền núi, như: Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, Chương trình 30a, Chương trình 135, vốn ngân sách tập trung, Xổ số kiến thiết,... đã tập trung đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống trường lớp từ mẫu giáo đến trung học phổ thông và dân tộc nội trú, bán trú. Giải quyết cơ bản tình trạng học 3 ca, thay thế dần các phòng học xuống cấp theo hướng kiên cố hóa, lầu hóa và đầu tư các phòng học chức năng và các công trình phụ trợ khác. Xây dựng nhà ở giáo viên các xã miền núi đã góp phần cải thiện nơi ăn ở, làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên yên tâm công tác. Đến nay, toàn vùng miền núi có 132 trường học các cấp5; trong đó có 3 trường Dân tộc nội trú và 15 trường hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú dành riêng cho con, em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Học sinh ra lớp ngày càng ổn định, năm học 2015 - 2016, trên địa bàn các xã miền núi có 36.649 học sinh các cấp ra lớp (Mầm non 9.346 trẻ; Tiểu học 15.823 em; Trung học cơ sở 8.677 em; Trung học phổ thông 2.803 em).

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn miền núi được quan tâm. Trong giai đoạn 2011-2015, đã đào tạo trên 7.600 lao động khu vực miền núi, góp phần bồi bổ kỹ năng sản xuất, canh tác, bước đầu biết ứng dụng kỹ thuật vào lao động sản xuất tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đào tạo khu vực miền núi tuy có chuyển biến nhưng còn khoảng cách chênh lệch với các vùng khác trong tỉnh. Lao động có tay nghề và trình độ dân trí đang là rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi. Công tác xã hội hóa trong giáo dục chậm được triển khai. Chất lượng nguồn lao động còn thấp, trình độ chuyên môn và tay nghề kỹ thuật còn hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 33% (toàn tỉnh 50,4%).

b) Về y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân:

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng miền núi được chú trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư nâng cấp; đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, nhất là mạng lưới y tế cơ sở: Năm 2015, toàn vùng có 3 cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện đóng trên địa bàn, tất cả các xã đều có trạm y tế, 62% trạm y tế có bác sĩ làm việc và 100% số thôn vùng đồng bào dân tộc Raglai có nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản. Công tác y tế dự phòng, phòng chống các dịch bệnh xã hội được triển khai có hiệu quả, cơ bản không có dịch bệnh xảy ra. Trên 85% phụ nữ có thai được quản lý, 72,6% phụ nữ đẻ được khám thai đủ 3 lần 3 thời kỳ; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 39,3% năm 2010 xuống còn 28% năm 2015 (huyện Bác Ái). Các chính sách về y tế được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân khu vực miền núi mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ bác sĩ công tác vùng miền núi đạt thấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn khó khăn; công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, ý thức phòng chống, chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn cao, thay đổi từ 16,8-36%, tùy theo xã; bình quân năm 2015 ở huyện Bác Ái tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 28%.

c) Văn hóa, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình:

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiếu phim khu vực miền núi được quan tâm; văn hóa dân tộc truyền thống đã từng bước được phục hồi và phát huy. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đã và đang được tôn trọng và bảo vệ, các hủ tục lạc hậu dần bị xóa, nhiều nét đẹp tinh hoa văn hóa dân tộc được kế thừa và phát huy phù hợp với điều kiện hiện nay. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới vùng miền núi được triển khai sâu rộng. Các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng như: Trung tâm văn hóa thể thao xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ cho người dân trên địa bàn. Phong trào thể dục thể thao quần chúng có bước tiến bộ; hệ thống phát thanh, truyền hình đã phủ sóng toàn vùng góp phần thực hiện tốt vai trò truyền tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Chủ trương đưa tết về vùng đồng bào dân tộc Raglai miền núi 2 năm qua đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, tại nhiều thôn vùng sâu, vùng xa thì đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vẫn còn hạn chế, người dân ít được tiếp cận các thông tin và các dịch vụ văn hóa khác có liên quan.

d) Thực hiện các chính sách an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo:

Các chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội đối với đồng bào khu vực miền núi được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Thông qua các chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, hàng năm hỗ trợ tạo việc làm cho trên 4.500 lao động. Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 96 lao động, trong đó huyện nghèo Bác Ái đưa 37 lao động. Công tác hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt và vùng miền núi bị hạn hán được triển khai thực hiện kịp thời. Việc thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, hộ nghèo vùng miền núi trong các dịp lễ, tết được quan tâm triển khai thực hiện.

Thực hiện các chính sách giảm nghèo, trong giai đoạn 2011 - 2015 bằng nguồn lực từ các chương trình, dự án (như: Chương trình 30a, 134, 135, chương trình định canh định cư, …) và các nguồn lực khác đã huy động trên 5.300 tỷ đồng đầu tư cho công tác giảm nghèo vùng miền núi, trong đó vốn Trung ương Hỗ trợ có mục tiêu 462,3 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia 294,2 tỷ đồng, vốn Trái phiếu Chính phủ 2.567,5 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi là 241 tỷ đồng, vốn ODA, NGO 1.574 tỷ đồng, ngân sách địa phương 170 tỷ đồng và vốn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp là 64,5 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi của tỉnh. Chủ trương hỗ trợ nhà ở cho đồng bào nghèo khu vực miền núi triển khai đạt hiệu quả, cơ bản xóa được nhà tạm, nhà dột nát. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng đặc biệt khó khăn, hộ dân tộc thiểu số nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh,... được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và giải ngân đúng kế hoạch. Trong 5 năm đã xây dựng mới hơn 4.500 căn nhà ở cho các hộ nghèo và gia đình chính sách; đã hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo trên địa bàn xã khó khăn trên 20,6 tỷ đồng bằng tiền mặt và giống cây trồng, vật nuôi theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách là 500,3 tỷ đồng/38.733 hộ, tăng 178 tỷ đồng so với cuối năm 2010.

Kết quả, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi được cải thiện một bước, giảm hộ nghèo, hộ khá tăng, thu nhập bình quân đầu người vùng miền núi năm 2015 đạt 17 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30% năm 2010 xuống còn 17,8% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 3%/năm (riêng huyện miền núi Bác Ái giảm 8%/năm, theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015).

3. Thực trạng cơ sở hạ tầng: thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua bằng nhiều nguồn vốn đã tập trung đầu tư trên 4.500 tỷ đồng cho khu vực miền núi trên các lĩnh vực quan trọng như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, cụ thể trên một số lĩnh vực chính sau:

a) Giao thông:

Mạng lưới giao thông nông thôn, miền núi được quan tâm đầu tư, nhất là các tuyến đường quan trọng, phá thế chia cắt giữa các vùng, tạo kết nối giao thương giữa các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường và khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế của từng vùng. Trong 5 năm qua, ngoài việc đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ 27, 27B đi qua địa bàn các huyện miền núi, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã được tập trung đầu tư, như: Đường Phước Sơn - Hòa Sơn, đường Phước Chiến - Phước Thành, đường An Hòa - Phước Trung, đường Ma Nới - Gia Hoa, đường Ninh Bình - Phước Bình, đường Phước Đại - Phước Trung, đường Ba Tháp - Suối Le - Phước Kháng,... các tuyến giao thông nội đồng gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được đầu tư. Đến nay, 100% xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã và có thể lưu thông quanh năm, tỷ lệ đường giao thông trên khu vực được cứng hóa, cấp phối sỏi đỏ tăng hàng năm.

Nhìn chung, giao thông khu vực miền núi tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và dân sinh, nhất là các tuyến đường đến các khu du lịch sinh thái, các vùng sản xuất tập trung cả trồng trọt lẫn chăn nuôi còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu để khai thác tiềm năng, lợi thế các vùng này.

b) Thủy lợi:

Là định hướng ưu tiên đầu tư của vùng, trong thời gian qua hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 08 hồ chứa với tổng dung tích 66,55 triệu m3, nâng tổng dung tích các hồ chứa đến cuối năm 2015 đạt 215,81 triệu m3; cùng với đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống kênh mương cấp II, III đã góp phần nâng năng lực tưới thêm 5.500 ha đất canh tác, trong đó vùng miền núi hơn 1.600 ha, nhiều cánh đồng đã chủ động được nguồn nước tưới 2 vụ/năm, góp phần tăng năng suất cây trồng, giải quyết nước uống cho gia súc và cải thiện mực nước ngầm phục vụ dân sinh.

Tuy nhiên, khu vực miền núi diện tích canh tác được tưới còn chiếm tỷ lệ thấp, các hồ chứa xây dựng trên địa bàn miền núi nhưng chủ yếu phục vụ khu vực hạ lưu, trong khi hệ thống các kênh mương khu vực miền núi chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là 2 năm gần đây, do biến đổi khí hậu, nắng hạn khốc liệt kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân vùng bị hạn hán nói chung và vùng miền núi bị thiệt hại nặng nề do hạn hán gây ra.

c) Điện, nước sinh hoạt:

Hệ thống lưới điện quốc gia đã phủ hầu hết các xã miền núi của tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình được dùng điện lưới đạt 99%, góp phần thay đổi đáng kể đời sống văn hóa, tinh thần và bộ mặt nông thôn trên địa bàn.

Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và phân tán vùng miền núi được quan tâm đầu tư mới, nâng cấp mở rộng. Trong 5 năm 2011 - 2015, đã đầu tư 175 tỷ đồng xây dựng 28 công trình cấp nước tập trung và hỗ trợ xây dựng 1.830 công trình cấp nước phân tán cho các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện kết nối hệ thống nước sinh hoạt tập trung. Đến nay 60% số xã miền núi có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung quy mô 400 - 500 m3/ngày đêm; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực miền núi đạt 76% (toàn tỉnh 87%).

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực miền núi còn nhiều hạn chế: Hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ và chưa phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, hạ tầng xã hội thiếu về số lượng và hiệu quả sử dụng không cao; hạ tầng nông thôn nhiều nơi chậm phát triển, chưa đồng bộ, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.

4. Quốc phòng - An ninh:

Công tác quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân luôn được chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác tuyển quân khu vực miền núi hằng năm đều đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó nhiều quân nhân là con, em dân tộc Raglai tham gia nghĩa vụ quân sự. Lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ khu vực miền núi, giáp ranh không ngừng được củng cố; hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc. Công tác giáo dục kiến thức quốc phòng và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc phát triển, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

II. Đánh giá chung

1. Kết quả đạt được: nhìn chung, trong 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh có bước phát triển tích cực, diện mạo nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất năm 2015 đạt khoảng 2.585 tỷ đồng, tăng gấp 1,76 lần so với năm 2010; giá trị sản xuất tăng bình quân 11,9%/năm; sản xuất nông nghiệp đã và đang từng bước hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến như: Mía, mì, bắp lai, thuốc lá; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hình thức trang trại bán công nghiệp đạt kết quả bước đầu; một số mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch có chuyển biến bước đầu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân miền núi được cải thiện một bước, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 2010; tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

2. Tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn miền núi của tỉnh còn bộc lộ một số mặt hạn chế, tập trung ở các lĩnh vực sau đây:

- Trình độ phát triển kinh tế còn thấp và chưa bền vững, còn có sự chênh lệch lớn so với miền xuôi; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; tỷ lệ tích lũy từ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn rất thấp, chủ yếu dựa vào nguồn lực từ bên ngoài; tiềm năng lợi thế chưa được khai thác đúng mức;

- Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất còn thấp, phương thức canh tác tuy được cải thiện nhưng vẫn còn lạc hậu. Việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế; chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Công tác quản lý rừng và đất rừng vẫn là khâu yếu, dân sống ven rừng vẫn còn thiếu đất sản xuất. Hiệu quả kinh tế rừng còn thấp. Giao khoán, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng còn hạn chế, việc chặt phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra, thu nhập của người dân từ rừng còn thấp;

- Sản xuất công nghiệp chưa phát triển, chủ yếu là các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, công nghiệp chế biến nông, lâm sản còn ít; tiểu thủ công nghiệp phát triển còn nhỏ lẻ, sản phẩm còn đơn điệu, tính cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn; các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển còn chậm, chất lượng các ngành dịch vụ còn thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng;

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng miền núi tuy được quan tâm đầu tư nhưng công tác quản lý, khai thác sử dụng còn hạn chế, hiệu quả đầu tư chưa cao. Nhìn chung còn thiếu và kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển;

- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tuy có chuyển biến tích cực, song vẫn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực thấp là một rào cản lớn cho phát triển; đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn;

- Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh nhưng vẫn còn ở mức cao, gấp 2,2 lần so với tỷ lệ nghèo bình quân cả tỉnh (14,9%), một số xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 60% như: các xã Phước Thành, Phước Thắng, Phước Tân thuộc huyện Bác Ái; xã Ma Nới thuộc huyện Ninh Sơn; các xã Phước Kháng, Phước Chiến thuộc huyện Thuận Bắc. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng, số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% hộ nghèo của vùng.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

a) Về khách quan:

- Miền núi Ninh Thuận có địa bàn rộng, địa hình đồi núi, độ dốc cao, chia cắt; dân số phân bố không tập trung, gây khó khăn trong việc tổ chức phương án phát triển kinh tế - xã hội; nằm trong vùng khí hậu khô hạn nhất cả nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, đất đai phần lớn là đồi núi, tầng canh tác thấp, bạc màu, ít thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp;

- Về huy động và bố trí nguồn lực: vùng miền núi đã được ưu tiên nguồn lực (bình quân mỗi năm huy động lồng ghép hơn 1.000 tỷ đồng), song do nhu cầu đầu tư lớn, nhiều mục tiêu phải thực hiện trong khi xuất phát điểm thấp nên nguồn lực vẫn còn thấp so với nhu cầu; việc huy động nguồn lực hỗ trợ từ các Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp giúp đỡ cho huyện nghèo mặc dù đạt những kết quả khả quan nhưng không đồng đều qua các năm; những năm gần đây do khó khăn nên việc đóng góp, ủng hộ nguồn lực cũng giảm sút (các tập đoàn, tổng công ty đã ủng hộ 46,5 tỷ đồng, trong đó năm 2011 ủng hộ 11,5 tỷ đồng, năm 2015 ủng hộ 6,8 tỷ đồng);

- Về cơ chế chính sách: một số chính sách thực hiện trên địa bàn miền núi còn chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung, địa bàn (như: Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đều có các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã thuộc huyện nghèo), mặc dù không trùng lắp về nguồn lực nhưng do định mức, cơ chế, cách thức thực hiện khác nhau nên khó khăn trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện của các địa phương, cơ sở, làm phân tán nguồn lực, giảm hiệu quả của chương trình;

- Có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo nên phát sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn ra khỏi diện nghèo của một bộ phận người nghèo; công tác đánh giá, rà soát, bình xét hộ nghèo hàng năm ở một số địa phương, cơ sở còn nhiều sai sót.

b) Về chủ quan:

- Quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lại thường xuyên chịu tác động xấu của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và giá cả thị trường;

- Đặc điểm địa hình núi và dốc, hạ tầng sản xuất, đời sống yếu kém và thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông là những trở ngại lớn trong phát triển, đòi hỏi lớn về vốn đầu tư;

- Trình độ dân trí và chuyên môn kỹ thuật còn thấp, khả năng nắm bắt thông tin thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế. Một bộ phận người dân chưa thật sự thoát khỏi tư tưởng thoát nghèo, chưa thật sự vươn lên để phát triển kinh tế và làm giàu; tinh thần, ý chí tự vươn lên của một bộ phận người dân miền núi chưa cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại;

- Xuất phát điểm thấp, nền kinh tế chưa có tích lũy, nguồn lực trong dân, trong cộng đồng chưa được huy động tốt, nhất là trong phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, chưa tạo được nhiều mô hình giúp nhau giữa người giàu, người làm ăn giỏi với người nghèo để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên khá giả;

- Cơ chế phân cấp và trách nhiệm đối với cấp huyện và cấp xã chưa rõ ràng, nhất là đối với các công trình hỗ trợ phát triển sản xuất và hạ tầng dân sinh quy mô vừa và nhỏ, làm hạn chế vai trò chủ động của cấp xã, hạn chế sự tham gia của người dân (hiện nay, các công trình tại các địa phương chủ yếu đều do cấp huyện làm chủ đầu tư). Cơ chế chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng miền núi chưa đủ mạnh nên vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn;

- Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và cơ chế thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi đến người dân chưa được sâu, rộng, sát thực tế và đầy đủ, phương thức chưa phù hợp, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm đúng mức, làm hạn chế mức độ tham gia, giám sát của người dân, cộng đồng, hạn chế mức độ tham gia và huy động nguồn lực trong dân; việc ưu tiên bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án khác cho khu vực miền núi còn hạn chế;

- Công tác lựa chọn đầu tư, giám sát đầu tư ở một số địa phương miền núi thực hiện chưa tốt, dàn trải; một số công trình đầu tư chưa thực sự phù hợp với nhu cầu cấp thiết về sản xuất và dân sinh trên địa bàn; còn ít dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho cả vùng; cách thức hỗ trợ sản xuất tại một số địa phương chưa căn cứ vào quy hoạch sản xuất, chủ yếu tổ chức mua giống, vật tư cấp phát cho người dân, dẫn đến hiệu quả thấp;

- Chậm triển khai xây dựng các loại quy hoạch, chất lượng một số quy hoạch còn thấp. Nội dung quy hoạch chủ yếu tập trung vào quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và mạng lưới điểm dân cư nông thôn, ít chú trọng đến quy hoạch sản xuất;

- Sự chỉ đạo, điều hành của một số chính quyền cơ sở đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi còn hạn chế; đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn cán bộ là người tại chỗ còn có những hạn chế nhất định về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và tổ chức thực hiện chương trình nên cũng hạn chế đến hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng.

4. Một số bài học kinh nghiệm:

Qua thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, có thể rút ra một số bài học như sau:

- Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở; trong đó cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hóa nghị quyết thành những chính sách, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, đồng bộ và thống nhất. Quá trình thực hiện cần có sự phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân;

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động sự tham gia của cộng đồng dân cư cùng với Nhà nước thực hiện công cuộc phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, phát huy dân chủ, tạo ý thức tự lực, tự cường và tạo niềm tin, sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân;

- Phát huy tối đa các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, phát huy nội lực và huy động các nguồn lực từ bên ngoài để tập trung đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi, trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, giải quyết các vấn đề bức xúc về đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các địa bàn đặc biệt khó khăn; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân;

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi. Xây dựng và phát huy đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ dân tộc thiểu số, người có uy tín trên địa bàn. Đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch hàng năm, đặc biệt là quy hoạch về sản xuất, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển rừng để giải quyết cơ bản vấn đề việc làm, phát triển sản xuất, bảo vệ tài nguyên, giải quyết đói nghèo người dân địa phương;

- Để phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi đảm bảo nhanh và bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách với vùng đồng bằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, các ngành, các cấp thì việc nâng cao nhận thức, năng lực tự thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế gia đình của người dân trên địa bàn là vấn đề rất quan trọng.

Phần III

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI ĐẾN 2020

I. Quan điểm phát triển: phát triển kinh tế - xã hội miền núi được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị mà trước hết là của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương miền núi. Trên cơ sở phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, huy động nguồn nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí. Giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

II. Mục tiêu và một số chỉ tiêu

1. Mục tiêu: phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch, công nghiệp; trong đó cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường; thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo sự chuyển biến căn bản về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ tập quán lạc hậu. Củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020:

a) Về kinh tế: phấn đấu mỗi huyện miền núi có ít nhất 1 dự án nông nghiệp công nghệ cao; khu vực miền núi của tỉnh hình thành 1 - 2 cụm công nghiệp và xây dựng 1 - 2 làng nghề. Phấn đấu các huyện có từ 3 xã miền núi trở lên hình thành 1 - 2 mô hình kinh tế phát triển bền vững gắn với bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng; phấn đấu đến năm 2020 có 12/27 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng (trong đó, huyện Bác Ái là 18 triệu đồng).

b) Về xã hội: giải quyết việc làm mới bình quân 4.700 - 5.000 người/năm, trong đó phấn đấu mỗi năm đưa từ 60 - 70 lao động miền núi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5 - 6%/năm; có trên 30% số trường đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu 90% trạm y tế có bác sĩ làm việc; đào tạo nghề cho 8.000 lao động nông thôn, bình quân hàng năm 1.600 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% vào năm 2020.

c) Về môi trường: tỷ lệ che phủ rừng đạt 77%, để đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh 50%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88% vào năm 2020.

d) Về quốc phòng - an ninh: tỷ lệ giao quân hàng năm đạt 100%; hàng năm 100% xã đạt vững mạnh về quốc phòng - an ninh; tỷ lệ dân quân tự vệ đạt từ 1,5 - 2% so với tổng dân số.

III. Một số nhiệm vụ trọng tâm

1. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp:

a) Về sản xuất nông nghiệp:

Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, trọng tâm là phát triển cây công nghiệp ngắn ngày để cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, gắn với chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Đến năm 2020, phấn đấu hình thành mỗi huyện miền núi có ít nhất 1 dự án nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân, tác động lan tỏa trong ứng dụng khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.

- Trồng trọt: tập trung coi trọng việc chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng sang các cây trồng cạn ít tiêu thụ nước và từng bước nhân rộng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vùng sản xuất tập trung những cây trồng có lợi thế, nhất là các cây làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tăng nhanh giá trị sản xuất và tỷ trọng trong ngành trồng trọt như: Mía, mì, bắp, thuốc lá,... trên cơ sở đầu tư thâm canh, kết hợp với khai hoang, mở rộng diện tích để hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đi đôi ứng dụng khoa học công nghệ mới, nhất là công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ canh tác, thu hoạch; hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung có quy mô theo hướng sản xuất hàng hoá; trong đó chú trọng một số cây trồng chính như sau:

+ Cây Mía: là cây công nghiệp chủ lực, tập trung phát triển mạnh ở vùng nguyên liệu mía các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn thuộc huyện Ninh Sơn, đồng thời có khả năng mở rộng diện tích trồng ở các vùng có điều kiện tưới trên địa bàn các xã Lương Sơn, Mỹ Sơn thuộc huyện Ninh Sơn; các xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Tân và Phước Hòa thuộc huyện Bác Ái và các xã Phước Chiến, Lợi Hải, Công Hải và Phước Kháng thuộc huyện Thuận Bắc. Đi đôi với tiếp tục nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm và ứng dụng giống mới để nâng cao năng suất sản lượng và hiệu quả với thực hiện tốt mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và Nhà máy đường. Phấn đấu đến năm 2020, ổn định diện tích đất trồng mía gần 5.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt 234.000 tấn đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đường;

+ Cây Mì: phát triển vùng sản xuất tập trung trên địa bàn các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới, Mỹ Sơn; đồng thời triển khai mở rộng khai thác vùng đất đồi gò tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã thuộc huyện Ninh Sơn và Bác Ái để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến tinh bột mì. Nghiên cứu trồng thử nghiệm để sớm nhân rộng giống mì cao sản nhằm nâng cao năng suất, sản lượng... đảm bảo đến năm 2020, ổn định 2.700 ha đất trồng mì, sản lượng 63.300 tấn, trong đó chủ yếu là mì cao sản, cơ bản đủ cung ứng cho nhà máy chế biến tinh bột mì;

+ Cây Bắp: tập trung phát triển tại các vùng chuyên canh, trong đó ưu tiên bố trí phát triển mạnh các vùng thuộc các khu vực tưới của các hồ chứa nước hiện có; đồng thời chú trọng mở rộng diện tích theo phương thức trồng bắp luân canh trên vùng đất trồng lúa (khoảng 1.650 ha); trồng xen canh trên vùng đất trồng cây hàng năm khác thuộc địa bàn các xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, Quảng Sơn thuộc huyện Ninh Sơn và các xã Phước Thành, Phước Bình, Phước Tiến, Phước Đại thuộc huyện Bác Ái. Chú trọng nhân rộng giống bắp lai thương phẩm năng suất cao dần thay thế giống bắp truyền thống với diện tích chuyển đổi đạt 75 - 80% diện tích trồng bắp; tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong hỗ trợ cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra để bảo đảm phát triển ổn định diện tích gieo trồng đến năm 2020 đạt 16.000 ha, sản lượng 72.000 tấn;

+ Cây ăn quả: khu vực miền núi của tỉnh có nhiều vùng có tiềm năng thế mạnh về phát triển cây ăn quả tập trung có giá trị lớn như: Mít, sầu riêng, chôm chôm, chuối, măng cụt, … tập trung chủ yếu ở xã Lâm Sơn thuộc huyện Ninh Sơn và có khả năng mở rộng trên địa bàn một số xã thuộc địa bàn các huyện Ninh Sơn, Bác Ái như: phát triển vùng chuyên canh chuối, mít nghệ, sầu riêng ở xã Phước Bình, chuối ở xã Phước Thành; đồng thời đầu tư cải tạo vườn tạp, xây dựng các trang trại vườn đồi trồng cây ăn quả gắn với du lịch nhà vườn.

- Chăn nuôi: là thế mạnh của vùng, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu ngành nông nghiệp; thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, trang trại và đẩy mạnh chăn nuôi dưới tán rừng với quy mô hộ gia đình gắn với chủ động nguồn thức ăn, nước uống và phòng trừ dịch bệnh để bảo đảm tính ổn định và hiệu quả ngành chăn nuôi. Tập trung khai thác tốt nhất lợi thế về nguồn phụ phẩm từ ngành trồng trọt (mía, mì, bắp), quỹ đất rừng và diện tích đồng cỏ tự nhiên và quy hoạch đất trồng cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn có chất lượng, đi đôi lai tạo giống tốt để tạo đột phá trong phát triển chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh có lợi thế như: Bò, dê, cừu trên địa bàn các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Đồng thời thu hút, phát triển mạnh chăn nuôi bò nhập ngoại gồm: Bò sữa, bò thịt, bò giống trên khu vực miền núi của tỉnh. Phát triển đàn heo theo hướng nạc hóa và hình thành trang trại chăn nuôi heo tập trung quy mô lớn theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp gắn với cơ sở giết mổ tập trung để vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa nâng cao giá trị thương phẩm cho nông dân trên địa bàn các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc. Chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, quy hoạch diện tích trồng cỏ với diện tích khoảng 1.500 ha (Ninh Sơn: 1.250 ha, Thuận Bắc: 160 ha, Bác Ái 100 ha) để đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2020 đạt quy mô tổng đàn gia súc đạt trên 300.000 con, trong đó: bò, dê, cừu 226.000 con, heo 74.000 con.

b) Lâm nghiệp: phát triển ngành lâm nghiệp và nhất là lâm nghiệp vùng miền núi có ý nghĩa hết sức quan trọng, phát huy hiệu quả kinh tế rừng, vừa đảm bảo cân bằng sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Phát triển lâm nghiệp theo hướng quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng và đất rừng gắn với phát triển mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, diện tích rừng và đất rừng 198.150 ha.

Theo đó, trong thời gian tới tiến hành rà soát quy hoạch 3 loại rừng để đẩy mạnh việc giao đất rừng, giao rừng, khoán bảo vệ và phát triển rừng thông qua các chương trình đầu tư trên địa bàn, nhất là Nghị quyết 30a cho hộ dân sống ven rừng chủ động phát triển sản xuất, gắn với kinh tế rừng để ổn định đời sống. Hình thành các mô hình hiệu quả về phát triển kinh tế rừng để người dân sống ven rừng vươn lên làm giàu từ rừng, như: Mô hình chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, phục hóa cải tạo đất ven rừng để phát triển trồng trọt, khai thác bền vững các nguồn lâm sản phụ như tre, nứa từ rừng sản xuất phục vụ cho các ngành nghề đan lát truyền thống, các sản phẩm phụ khác, … đảm bảo cho người dân ven rừng sống được bằng nghề rừng. Phấn đấu các huyện có từ 3 xã miền núi trở lên hình thành 1 - 2 mô hình kinh tế phát triển bền vững gắn với bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng. Phấn đấu hầu hết số hộ có nhu cầu sản xuất, kinh doanh đều được giao đất, giao rừng.

Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển rừng sản xuất theo quy hoạch với các loại cây như: Keo lai, keo chịu hạn, cây neem và một số loại cây khác. Tập trung bảo vệ rừng ở vùng trọng điểm, khu bảo tồn các Vườn Quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái để phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đệm (Phước Bình, Phước Tân, Vĩnh Hải).

2. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch:

a) Về công nghiệp:

Quỹ đất khu vực miền núi rộng lớn, tương đối thuận lợi về giao thông, nhất là địa bàn các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc đều có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B đi qua, gần sân bay, cảng biển Ba Ngòi là điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm công nghiệp, trước hết là hình thành cụm công nghiệp Quảng Sơn để thu hút các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp chế biến nông sản để nâng cao giá trị và tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh. Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu ở miền núi như:

- Ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng cần được chú trọng phát triển một cách hợp lý theo quy hoạch và kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm môi trường và phát triển bền vững;

- Ngành sản xuất và phân phối điện: phát huy tối đa công suất các nhà máy thủy điện hiện có (Nhà máy thủy điện Đa Nhim, Dự án thủy điện Hạ Sông Pha 1, Hạ Sông Pha 2), thúc đẩy hoàn thành đúng tiến độ các dự án thủy điện đã và đang triển khai như các dự án: Dự án nâng cấp Nhà máy thủy điện Đa Nhim, Nhà máy thủy điện Tân Mỹ, …; hạn chế việc xây dựng mới các dự án thủy điện, đồng thời phối hợp quản lý tốt công tác dự báo đúng và có phương án xã lũ hợp lý để điều tiết được nguồn nước tưới phục vụ sản xuất ở vùng hạ lưu và giảm thiểu tối đa tình trạng xả lũ gây lũ lụt vào mùa mưa bão. Tạo điều kiện để sớm triển khai xây dựng dự án thủy điện tích năng đầu tiên của cả nước tại huyện Bác Ái với công suất 1.200 MW; xúc tiến triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn các huyện: Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Sơn.

b) Về tiểu thủ công nghiệp: phát triển tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khôi phục các ngành nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn các làng nghề, tổ sản xuất nhằm khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ, trọng tâm là địa bàn huyện Ninh Sơn và một số ngành nghề của đồng bào Raglai ở xã Phước Tiến thuộc huyện Bác Ái; xã Phước Chiến thuộc huyện Thuận Bắc và thôn Cầu Gãy, Đá Hang thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư, phát triển các làng nghề, trước mắt tập trung hỗ trợ hình thành 02 làng nghề: thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; làng nghề thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá thuộc xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của người dân trong các làng nghề. Gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, tạo ra hướng phát triển mới đối với làng nghề ở khu vực miền núi.

c) Về du lịch: phát triển du lịch miền núi để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó nghiên cứu phát triển loại hình du lịch cộng đồng, từng bước hình thành các loại hình du lịch hiện đại, du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp, như: thu hút đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Bác Ái, du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Phước Bình, Vườn Quốc gia Núi Chúa; phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở thôn Bình Tiên, Vĩnh Hy thuộc xã Vĩnh Hải; khai thác điểm tham quan du lịch Thác Chapơr, Sakai,..; gắn du lịch văn hóa, tham quan cuộc sống của các làng người dân tộc Raglai. Trên cơ sở đó, hình thành và kết nối các tour, tuyến du lịch giữa du lịch biển với khu vực miền núi, tạo liên kết vùng, tăng tính đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh (tour du lịch 2-3 ngày), như: du lịch sinh thái - du lịch biển Bình Sơn Ninh Chữ; du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Phước Bình, Thác Chapơr, Bẫy đá Pinăng Tắc, tham quan làng nghề, vườn nho Ba Mọi,...; nghiên cứu kết nối với tour du lịch thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng.

d) Về thương mại - dịch vụ: khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hình thành Trung tâm thương mại các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái để từng bước phát triển các kênh phân phối hàng hóa trong khu vực từ quy mô nhỏ, manh mún, phân tán trở thành các hệ thống và kênh phân phối mạnh, vừa mở rộng về quy mô và phạm vi, vừa tham gia sâu vào phát triển sản xuất, phát triển tiêu dùng. Chú trọng đầu tư phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ phù hợp với đặc điểm vùng miền núi, nhất là phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, tài chính, bảo hiểm, tín dụng nhân dân, bưu điện, vận tải, kinh doanh xăng dầu theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn. Tập trung phát triển các hoạt động thương mại phục vụ đời sống của dân cư, phục vụ cho hoạt động thu mua chế biến nông, lâm sản và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Phát triển các khu thương mại, dịch vụ tổng hợp ở các trung tâm cụm xã. Phát huy hiệu quả các chợ đã xây dựng, hình thành chợ liên xã; thực hiện có hiệu quả chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn miền núi, tổ chức các phiên chợ hàng Việt, các hội chợ triển lãm thương mại để quảng bá các sản phẩm đặc thù của vùng.

3. Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; chăm lo sức khỏe nhân dân và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc:

a) Phát triển giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo phù hợp với định hướng của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học theo hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống trường mầm non, trung học cơ sở và bán trú dân nuôi, nhằm bảo đảm cho học sinh theo học các cấp học ngay tại địa phương. Tập trung mọi nguồn lực và điều kiện để giảm nhanh chênh lệch về chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, đảm bảo đến năm 2020 trên địa bàn có trên 30% số trường đạt chuẩn quốc gia. Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục trung học cơ sở. Tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi. Thực hiện tốt công tác huy động trẻ em đến trường, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, bỏ học cách nhật, nhằm góp phần tạo đột phá trong nâng cao trình độ dân trí cho khu vực miền núi của tỉnh.

b) Cùng với đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao dân trí, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên: Ninh Sơn, Thuận Bắc,... đảm bảo mỗi năm đào tạo 1.350 lao động trên địa bàn miền núi, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%; hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn một cách thiết thực cho lao động nông thôn gắn với việc làm và xuất khẩu lao động; tổ chức các mô hình dạy nghề đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế của từng vùng; đặc biệt phát triển hình thức dạy nghề lưu động (mở các lớp dạy nghề tới các thôn, xã,...) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khó khăn tham gia học nghề, tự tạo việc làm. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết việc làm mới cho 23.500 - 25.000 lao động, bình quân mỗi năm 4.700 - 5.000 người; phấn đấu hàng năm đưa khoảng 60 - 70 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Thực hiện tốt chính sách đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ, trước hết là đội ngũ giáo viên, bác sĩ, đội ngũ cốt cán ở cấp xã về nghiệp vụ quản lý chuyên môn, kỹ thuật; coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ dân tộc ít người theo hướng lâu dài. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thu hút sinh viên, trí thức trẻ về công tác tại các xã miền núi; làm tốt chính sách cử tuyển, sử dụng con, em là người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn về công tác trên địa bàn. Tập trung rà soát, kiện toàn nâng cao chất lượng, trẻ hóa đội ngũ cán bộ cơ sở; quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ nguồn để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong các giai đoạn kế tiếp. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực chính trị, chuyên môn và phẩm chất đạo đức đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động.

c) Tập trung phát triển y tế miền núi toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế cơ bản. Tăng cường công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh từ cơ sở, không để dịch bệnh xảy ra. Đẩy mạnh truyền thông, vận động, tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Raglay để nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục thu hút bác sĩ về làm việc tại trạm y tế, tăng cường luân phiên bác sĩ về khám chữa bệnh tại cơ sở; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế xã, thôn; duy trì và phát huy có hiệu quả các mô hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Thực hiện tốt các chính sách đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Phấn đấu đến năm 2020 có 90% trạm y tế các xã miền núi có bác sĩ.

d) Về văn hóa: tập trung giữ gìn, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương (như: văn hóa đồng bào Raglai, Chăm sinh sống trên địa bàn). Phát triển đa dạng các hoạt động văn hóa thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa của vùng với các vùng khác trong tỉnh và giữa các dân tộc trong vùng.

Đẩy mạnh và đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, đúng thực chất; xây dựng nếp sống văn minh, xóa dần các tập tục lạc hậu. Duy trì và phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng; bảo tồn, phục hồi và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và sức khỏe cho nhân dân.

4. Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi: hệ thống kết cấu hạ tầng của các huyện miền núi còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được coi là khâu quan trọng để thúc đẩy, tạo nền tảng cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, khả năng đóng góp của nhân dân không đáng kể, cần ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng bức xúc, có tính đột phá để tạo tiền đề cho sự phát triển; trong đó tập trung vào phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi và một số cơ sở hạ tầng về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, cụ thể như sau:

a) Về giao thông: 

Là kết cấu hạ tầng thiết yếu, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi, bảo đảm lưu thông hàng hóa, mở rộng quan hệ phát triển với các khu vực lân cận. Trong 5 năm tới, ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông tạo kết nối giữa các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B với đường tỉnh, đường huyện, đường xã, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với khu vực miền núi, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh khu vực miền núi với vùng giáp ranh. Trước mắt phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư hoàn chỉnh nâng cấp mở rộng Quốc lộ 27 đoạn qua Ninh Thuận; tập trung đầu tư hoàn thành các dự án đang triển khai như: đường Phước Đại - Phước Trung, đường Suối Le - Phước Kháng, đường liên xã huyện Thuận Bắc; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư các tuyến đường vành đai Đông Nam, đường vành đai phía Bắc tỉnh, đường Văn Lâm - Sơn Hải, nâng cấp đường Quốc lộ 1A đi xã Phước Hà, đường Tân Mỹ - Phước Tiến đi Thác Chapơr, đường từ xã Ma Nới đi thôn Tà Nôi,... là những tuyến đường huyết mạch tạo liên kết giữa các địa phương, tạo điều kiện phát triển nhanh kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Đồng thời ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông liên xã, liên thôn, giao thông nội đồng, giao thông đến các khu sản xuất, các trang trại tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo lưu thông thông suốt cả mùa nắng và mùa mưa.

b) Về hạ tầng, thủy lợi: đầu tư hệ thống thủy lợi phát triển sản xuất, phục vụ đời sống dân sinh và cải tạo môi trường sinh thái được xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Tiếp tục tổ chức khai thác có hiệu quả hệ thống thủy lợi hiện có (Hồ Sông Sắt, Sông Trâu, Tân Giang,...). Trong 5 năm tới tập trung đầu tư các hồ: Tân Mỹ, Sông Than, Đa Mây, Kiền Kiền, Tân Giang 2 và triển khai hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 hồ Sông Biêu, hồ Lanh Ra, đồng thời khảo sát xây dựng một số dự án thủy lợi nhỏ và vừa phù hợp đặc điểm địa hình của vùng miền núi. Đi đôi với đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, ODA và thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế hỗ trợ đầu tư nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm mới, ưu tiên tập trung cho các vùng sản xuất tập trung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như: Mía, bắp, mì và các cây ăn quả như nho, táo, mít, chôm chôm, măng cụt,... và đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.

c) Về hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội:

- Giáo dục - đào tạo: rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp đảm bảo tính thống nhất, hợp lý, đầu tư có trọng tâm, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp học. Đầu tư, nâng cấp hệ thống các trường Dân tộc nội trú: Thuận Bắc, Ninh Sơn, Pinăng Tắc (Bác Ái), đi đôi với cải tạo nâng cấp các trường phổ thông dân tộc bán trú để đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập và điều kiện ăn, ở cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nâng cao tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày; đồng thời xây dựng nhà ở giáo viên ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn. Tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị, đi đôi với xây dựng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện: Ninh Sơn, Thuận Bắc, … để nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tìm kiếm việc làm và xuất khẩu lao động;

- Y tế: đầu tư cải tạo và xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới y tế bao gồm: nâng cấp các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên;

- Văn hóa: trùng tu, tôn tạo một số công trình văn hóa, lịch sử như: Bẫy đá Pinăng Tắc, hang 403, đồn Ma Ty, Tà Lú,…, và Đài ghi công, tưởng niệm các huyện, xã, quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở để giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc và chủ nghĩa yêu nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn miền núi.

5. Về quốc phòng - an ninh: tăng cường đảm bảo vững mạnh quốc phòng-an ninh trên địa bàn miền núi. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng lực lượng quốc phòng vững mạnh đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội vùng miền núi, nhất là vùng giáp ranh, vùng đặc biệt khó khăn.

IV. Nguồn vốn để thực hiện Đề án

1. Nhu cầu vốn đầu tư: nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi giai đoạn 2016 - 2020 là 5.000 - 5.500 tỷ đồng, trong đó:

- Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy lợi: 2.333 tỷ đồng;

- Lĩnh vực giao thông: 2.290 tỷ đồng;

- Hạ tầng an sinh xã hội: 510 tỷ đồng.

2. Nguồn vốn đầu tư:

Nguồn vốn đầu tư để thực hiện gồm: ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ, ODA, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác, cụ thể:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 1.508 tỷ đồng;

- Vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: 273 tỷ đồng;

- Trái phiếu Chính phủ: 2.723 tỷ đồng;

- Ngân sách địa phương: 314 tỷ đồng;

- Vốn ODA và nguồn vốn khác: 313 tỷ đồng.

3. Một số danh mục công trình trọng điểm ưu tiên đầu tư: theo phụ lục đính kèm.

V. Các nhóm giải pháp chủ yếu

1. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp, nhất là năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế của chính quyền địa phương cơ sở gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Các cơ quan quản lý Nhà nước ở huyện, xã tiếp tục đổi mới, chấn chỉnh phương thức chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, đặc biệt là năng lực triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, chính sách, chương trình, đề án giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội các địa phương miền núi của tỉnh.

2. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, nâng cao khả năng tự chủ của dân cư miền núi trong tổ chức sản xuất và đời sống:

a) Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức tự chủ, tăng cường kiến thức, kỹ năng về sản xuất và tổ chức đời sống; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; biết khai thác các tiềm năng, nguồn lực tại chỗ; biết tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và của các doanh nghiệp; biết chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng; biết tiết kiệm trong tiêu dùng và biết tích lũy tái sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống văn minh, gia đình hạnh phúc.

b) Chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp có hình thức thích hợp để tôn vinh các hộ gia đình vươn lên làm giàu, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp giúp đỡ cho các hộ gia đình miền núi thoát nghèo.

3. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch:

a) Bám sát quy hoạch và tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch, đi đôi với rà soát, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn phát triển 5 năm tới, bảo đảm sự phù hợp và tính liên kết giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với quy hoạch ngành; nghiên cứu lập quy hoạch các vùng nguyên liệu, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm chủ lực đặc thù, có sức cạnh tranh và có giá trị kinh tế cao; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng của từng huyện, xã để thuận lợi trong giao đất, giao rừng cho nhân dân phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo tất cả hộ dân sống ven rừng đều có điều kiện sản xuất và hưởng lợi từ rừng và đất rừng.

b) Quy hoạch xây dựng phát triển các khu dân cư, các điểm dân cư tập trung, rà soát lại quỹ đất, bố trí sắp xếp lại dân cư và phát triển theo mô hình nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.

4. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, các chương trình mục tiêu của Trung ương đối với khu vực miền núi; đồng thời rà soát bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện có của tỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại; về liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các huyện miền núi, giữa các huyện miền núi với các huyện đồng bằng, giữa phát triển vùng nguyên liệu ở miền núi với phát triển công nghiệp chế biến ở các cụm công nghiệp của tỉnh. Có chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, phát triển mạng lưới dịch vụ thu mua sản phẩm và cung ứng vật tư hàng hóa trên địa bàn miền núi.

5. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực:

a) Tập trung huy động, quản lý, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các nguồn hỗ trợ khác để bảo đảm tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: Chương trình 30a, 135; vốn cân đối Ngân sách địa phương, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn hỗ trợ ODA, NGO để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện, xã miền núi của tỉnh. Bảo đảm tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 5.000 - 5.500 tỷ đồng.

b) Đồng thời kêu gọi, động viên các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các địa phương miền núi phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và an sinh xã hội; hỗ trợ chế biến, tiêu thụ sản phẩm, dạy nghề, tạo việc làm…; triển khai các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện thiết thực.

6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái:

a) Chú trọng triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn miền núi. Tiếp tục nghiên cứu đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất; xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa bàn miền núi để chuyển dịch cơ cấu cây trồng chủ động, bền vững gắn với công nghệ tưới tiết kiệm nước.

b) Thực hiện có hiệu quả phương án phòng, chống lũ lụt, hạn hán, sạt lở,...; phòng, chống cháy rừng; xây dựng các mô hình kinh tế rừng có hiệu quả để triển khai tuyên truyền, nhân rộng; quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất, nước, các loại động, thực vật; đồng thời có biện pháp khắc phục và quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường và làm biến đổi môi trường sinh thái.

7. Tập trung nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và chất lượng dân số, xem đây là động lực quan trọng cho phát triển. Rà soát, đổi mới công tác đào tạo nghề, phát triển những ngành nghề đào tạo phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và yêu cầu của thị trường lao động.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh; là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Đề án.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

c) Phối hợp với các sở, ngành. địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác dân tộc miền núi để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của đồng bào trong việc thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn.

d) Chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, tổng kết, đánh giá và báo cáo định kỳ tình hình thực hiện Đề án.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cân đối, phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi hàng năm và trung hạn 5 năm 2016 - 2020 theo Luật Đầu tư công; đồng thời tham mưu lồng ghép các nguồn vốn khác đầu tư cho Đề án.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu rà soát, sửa đổi, xây dựng một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương kêu gọi, vận động, thu hút các nguồn hỗ trợ ODA, NGO, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào địa bàn miền núi.

d) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương đưa nội dung báo cáo tình hình thực hiện Đề án vào báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cân đối, tham mưu phân bổ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để thực hiện Đề án.

b) Hướng dẫn các địa phương trong công tác xây dựng, thực hiện và thanh, quyết toán các nguồn vốn thuộc chương trình, dự án, chính sách đầu tư trên địa bàn.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu lập quy hoạch các vùng nguyên liệu, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy hoạch 3 loại rừng; đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho người dân để đảm bảo tất cả hộ dân ven rừng có nhu cầu đều được nhận giao khoán và hưởng lợi từ rừng và đất rừng.

b) Rà soát, nghiên cứu, xây dựng và tham mưu ban hành các cơ chế chính sách có liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách phát triển rừng, các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp khu vực miền núi.

c) Tăng cường công tác khuyến nông - lâm - ngư để hỗ trợ người dân trong việc tìm giống mới và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và hiệu quả đầu tư.

d) Chủ trì triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho người dân trên địa bàn; xây dựng và phổ biến nhân rộng các mô hình sản xuất mới hiệu quả. Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ động, hiệu quả và theo hướng tiết kiệm nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và điều kiện canh tác vùng dân tộc miền núi.

5. Sở Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp theo lợi thế từng vùng. Tham mưu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hình thành phát triển các làng nghề trên địa bàn.

b) Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020.

c) Nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển công nghiệp, thương mại phù hợp với đặc điểm miền núi gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học; tiếp tục thực hiện các chính sách đối với học sinh, giáo viên, đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn miền núi.

b) Nghiên cứu xây dựng Đề án về nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi, rút ngắn chênh lệch về chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học ở vùng miền núi so với mặt bằng chung toàn tỉnh.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn miền núi.

b) Tăng cường đa dạng, đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm và xúc tiến các hoạt động xuất khẩu lao động nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho nhân dân khu vực miền núi.

8. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống; thực hiện tốt công tác quảng bá xúc tiến điểm đến du lịch miền núi kết nối đồng bằng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng phục vụ phát triển du lịch miền núi. Tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ, tôn tạo nguồn tài nguyên nhân văn nhằm khai thác một cách hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa truyền thống.

9. Các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan:

Căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Đề án; đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo mục tiêu của Đề án đề ra.

10. Ủy ban nhân dân các huyện có địa bàn thuộc khu vực miền núi:

a) Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án thành các chương trình, dự án, kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả triển khai thực hiện định kỳ theo quy định.

b) Huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi trên địa bàn.

c) Tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trên địa bàn các xã miền núi nâng cao ý thức tự chủ, tăng cường kiến thức, kỹ năng về sản xuất và tổ chức đời sống, vươn lên phát triển kinh tế.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội đoàn thể có liên quan:

a) Phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phổ biến các chính sách có liên quan để người dân biết, thực hiện.

b) Đề nghị Tỉnh đoàn Thanh niên chỉ đạo các Đội Thanh niên tình nguyện thực hiện lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về học nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn phù hợp với nội dung của Đề án.

12. Các sở, ngành, địa phương, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện; định kỳ 6 tháng, 9 tháng và cả năm báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội miền núi về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, báo cáo./.

 

PHỤ LỤC I

DANH SÁCH XÃ KHU VỰC MIỀN NÚI
(kèm theo Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

STT

Tên huyện, xã

Diện tích
(ha)

Dân số
(người)

Dân tộc thiểu số
(người)

I

Huyện Ninh Sơn (07/08 xã, thị trấn)

75.393

71.452

18.527

1

Xã Lâm Sơn

14.930

13.411

5510

2

Xã Lương Sơn

4.260

7.031

1282

3

Xã Quảng Sơn

8.100

17.777

521

4

Xã Mỹ Sơn

12.870

10.617

3338

5

Xã Nhơn Sơn

3.160

14.056

3498

6

Xã Hòa Sơn

6.580

4.235

391

7

Xã Ma Nới

25.500

4.325

3987

II

Huyện Bác Ái (09/09 xã)

102.730

28.486

25.594

8

Xã Phước Đại

11.342

4.233

3.070

9

Xã Phước Thắng

4.731

4.099

3.931

10

Xã Phước Chính

6.534

1.564

1.508

11

Xã Phước Tiến

7.617

4.177

3.399

12

Xã Phước Tân

6.509

2.713

2.717

13

Xã Phước Hoà

12.511

1.754

1.534

14

Xã Phước Bình

28.817

4.168

3.881

15

Xã Phước Trung

11.980

2.503

2.387

16

Xã Phước Thành

12.691

3.275

3.167

III

Huyện Thuận Nam (04/08 xã)

33.535

17.702

6.515

17

Xã Phước Ninh

2.690

5.594

3.179

18

Xã Nhị Hà

5.175

4.505

30

19

Xã Phước Hà

17.980

3.608

3.229

20

Phước Minh

7.780

3.995

77

IV

Huyện Thuận Bắc (05/06 xã)

29.735

34.880

26.475

21

Xã Công Hải

7.500

7.969

5.702

22

Xã Lợi Hải

6.825

11.699

8.482

23

Xã Phước Chiến

4.400

4.348

4.231

24

Xã Phước Kháng

4.690

2.462

2.428

25

Xã Bắc Sơn

6.320

8.402

5.532

V

Huyện Ninh Phước (01/99 xã, thị trấn)

4.590

9.031

1810

26

Xã Phước Vinh

4.590

9.031

1.810

VI

Huyện Ninh Hải (01/09 xã, thị trấn)

12.400

5.534

552

27

Xã Vĩnh Hải

12.400

5.534

552

 

Tổng cộng

258.383

167.085

79.463

 

PHỤ LỤC II

MỘT SỐ CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU CỦA KHU VỰC MIỀN NÚI
(kèm theo Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

STT

Nội dung chỉ tiêu

Đơn vị

Thực hiện 2006-2010

Thực hiện 2011-2015

Mục tiêu 2016-2020

 

 

I

Thực trạng sử dụng đất

 

 

 

 

 

I

Chỉ tiêu kinh tế

 

 

 

 

 

1

Diện tích tự nhiên

nghìn ha

258,4

258,4

258,4

 

2

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp

ha

53.303

55.969

56.500

 

 

Trong đó: + Cây mía

"

2.210

2.922

5.000

 

 

                + Cây mì

"

1.778

3.100

2.700

 

 

                + Cây bắp

"

12.300

11.500

16.000

 

3

Số lượng đàn gia súc

nghìn con

206,6

172,2

301

 

 

Trong đó: + Bò

"

53

63,9

99,4

 

 

                 + Dê, cừu

"

123,0

62,8

127,3

 

 

                 + Heo

"

30,6

45,5

74

 

4

Thu nhập bình quân đầu người

triệu đồng/năm

7

17

25

 

5

Số xã đạt nông thôn mới

0

2

12

 

II

Chỉ tiêu xã hội - môi trường

 

 

 

 

 

1

Dân số trung bình

nghìn người

162,4

167,1

177,4

 

2

Tỷ lệ hộ nghèo (1)

%

30

32,2

 

 

3

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo

%

3

3

5-6

 

4

Số lao động được giải quyết việc làm mới

người

21.140

22.815

23.500-25.000

 

 

Trong đó: xuất khẩu lao động

"

56

96

300 - 350

 

5

Tổng số trường

trường

126

132

132

 

 

Số trường mẫu giáo

trường

35

36

36

 

 

Số trường tiểu học

trường

56

59

59

 

 

Số trường trung học cơ sở

trường

30

31

31

 

 

Số trường trung học phổ thông

trường

5

6

6

 

6

Số trường đạt chuẩn quốc gia

trường

5

23

45

 

 

 Trong đó: + Trường phổ thông

"

7

22

36

 

 

                 + Trường mầm non

"

0

1

9

 

7

Số xã đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi

0

26

27

 

8

Số xã đạt phổ cập mầm non 5 tuổi

0

25

27

 

9

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

người

7.550

7.600

8.000

 

10

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

 

33

40

 

11

Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc

%

33,3

62

90

 

12

Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế

%

51,8

59,3

88,8

 

13

Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện

%

95

99

100

 

14

Tỷ lệ dân cư sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

%

45

76

88

 

Ghi chú: tỷ lệ hộ nghèo năm từ năm 2015 tính theo chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI KHU VỰC MIỀN NÚI 5 NĂM 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

STT

Danh mục

KẾ HOẠCH 2016 - 2020

Ghi chú

Tổng số

Trong đó

NSTT

HTMT

ODA
(nước ngoài)

TPCP

Xsố kiến thiết

Tín dụng ưu đãi

Các CTMTQG

 

Tổng số

5.134.840

207.300

1.508.900

295.000

2.723.940

107.500

18.800

273.400

 

I

Ngành giao thông

2.290.900

94.400

796.500

0

1.400.000

0

0

0

 

1

Đường vành đai phía Bắc tỉnh Ninh Thuận

1.400.000

 

 

 

1.400.000

 

 

 

 

2

Nâng cấp đường Phước Đại - Phước Trung huyện Bác Ái

98.500

 36.000

 62.500

 

 

 

 

 

 

3

Đường Ba Tháp - Suối Le - Phước Kháng

146.000

 51.000

 95.000

 

 

 

 

 

 

4

Dự án các tuyến đường giao thông nông thôn liên xã huyện Thuận Bắc

187.400

7.400

180.000

 

 

 

 

 

 

5

Nâng cấp Quốc lộ 1A đi Phước Hà, Thuận Nam

319.000

 

319.000

 

 

 

 

 

 

6

Đường giao thông liên xã Công Hải - Phước Chiến, Thuận Bắc

140.000

 

140.000

 

 

 

 

 

 

II

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi

2.333.700

64.300

660.600

290.000

1.300.000

0

18.800

0

 

7

Dự án “Quản lý nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với Biến đổi khí hậu tại tỉnh Ninh Thuận”.

231.000

11.000

20.000

200.000

 

 

 

 

 

8

Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA II)

79.000

8.000

21.000

50.000

 

 

 

 

 

9

Hệ thống thủy lâm kết hợp để phòng chống hoang mạc hóa và thích ứng biến đổi khí hậu

40.000

 

 

40.000

 

 

 

 

 

10

Dự án phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất

30.000

 

30.000

 

 

 

 

 

 

11

Vườn Quốc gia Phước Bình

86.000

 

86.000

 

 

 

 

 

 

12

Vườn Quốc gia Núi Chúa

150.000

 

150.000

 

 

 

 

 

 

13

Hồ Sông Than

1.300.000

 

 

 

1.300.000

 

 

 

 

14

Hệ thống kênh mương cấp II, III Lanh Ra

124.000

 

124.000

 

 

 

 

 

 

15

Dự án hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ

45.300

45.300

 

 

 

 

 

 

 

16

Kiên cố hóa hệ thống kênh mương hồ Tân Giang, Thuận Nam

229.600

 

229.600

 

 

 

 

 

 

17

Mở rộng kênh cấp II, III hồ Sông Sắt cấp cho khu vực đất sản xuất dọc theo Sông Trà Co, xã Phước Tiến

2.700

 

 

 

 

 

2.700

 

 

18

Hệ thống thủy lợi Suối Muông, xã Phước Chiến

4.600

 

 

 

 

 

4.600

 

 

19

Các tuyến kênh nhánh - hệ thống kênh Nam hồ Sông Biêu, xã Phước Hà

2.300

 

 

 

 

 

2.300

 

 

20

Kiên cố hóa kênh mương hệ thống hệ thống thủy lợi Gia Ngheo xã Phước Bình

4.300

 

 

 

 

 

4.300

 

 

21

Kiên cố hóa kênh tưới đập Đá xã Nhị Hà

4.900

 

 

 

 

 

4.900

 

 

III

Các chương trình, dự án khác

510.240

48.600

51.800

5.000

23.940

107.500

0

273.400

 

22

Dự án hỗ trợ giáo dục vùng núi, dân tộc thiểu số và khó khăn (Trường DTNT Thuận Bắc)

32.400

28.600

1.800

 

 

2.000

 

 

 

23

Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất (giai đoạn 2)

5.000

 

 

5.000

 

 

 

 

 

24

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên

23.940

 

 

 

23.940

 

 

 

 

25

Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn đồng bào dân tộc thiểu số Raglai thôn Xóm Bằng giai đoạn 2014 - 2017 và định hướng đến năm 2020

70.000

20.000

50.000

 

 

 

 

 

 

26

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

29.900

 

 

 

 

 

 

29.900

 

27

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

243.500

 

 

 

 

 

 

243.500

 

28

Đầu tư nâng cấp, sửa chữa các trường học trên địa bàn các xã miền núi

62.800

 

 

 

 

62.800

 

 

 

29

Đầu tư trang thiết bị y tế và nâng cấp mở rộng hệ thống các trạm y tế xã

33.500

 

 

 

 

33.500

 

 

 

30

Phát triển hệ thống vui chơi giải trí cho trẻ em huyện Bác Ái

9.200

 

 

 

 

9.200

 

 

 



1 Thông qua dự án IFAD tỉnh đã hỗ trợ người dân trên địa bàn các xã miền núi 1.077 con bò, 206 con dê và 265 cừu; Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 hỗ trợ 82 con bò,..

2 Mô hình liên kết xây dựng trang trại nuôi heo gia công với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam ở Ninh Sơn, đã xây dựng được 13 trang trại nuôi heo công nghiệp với tổng đàn trên 10.000 con; Cơ sở giết mỗ gia súc Lê Thanh Tâm, cơ sở kinh doanh mua bán gia súc Lê Duy Tuấn liên kết phát triển chuỗi giá trị Bò, Dê, Cừu ở Ninh Sơn; chăn nuôi gà lấy trứng ở Ninh Phước

3 Trong giai đoạn 2011-2015 đã đầu tư 9 chợ (xây mới 6 chợ, nâng cấp 3 chợ) đến nay, 100% số xã vùng trung du đã có chợ xã và liên xã. Các xã vùng dân tộc Raglai đang từng bước xây dựng các chợ và hình thành các điểm buôn bán và thí điểm tổ chức chợ phiên.

4 Năm học 2014 - 2015 toàn vùng có trên 2.467 giáo viên các cấp, tăng 8% so với năm học 2010-2011, trong đó giáo viên là người DTTS chiếm 29%. Chất lượng đội ngũ giáo viên: 100% giáo viên đạt chuẩn; tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn tăng cao trong từng năm học: năm học 2010-2011 đạt 37,2%, đến năm 2013- 2014 đạt 62,2%, tăng 25% (Riêng Bác Ái: giáo viên đạt trình độ trên chuẩn 44,9%, tăng 21,3%).

5 Toàn vùng có 132 trường học các cấp, trong đó: Mầm non: 36 trường, Trường phổ thông 3 cấp TH, THCS, THPT: 96 trường. Riêng địa bàn Bác Ái có 11 trường mầm non, 27 trường phổ thông.





Nghị quyết 44/2016/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết 86/2014/NQ-HĐND Ban hành: 01/08/2016 | Cập nhật: 16/11/2016

Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc Ban hành: 14/01/2011 | Cập nhật: 15/01/2011

Sắc lệnh số 05 về việc ấn định Quốc kỳ Việt nam Ban hành: 05/09/1945 | Cập nhật: 11/12/2008