Quyết định 471/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Số hiệu: 471/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Tiến Nhường
Ngày ban hành: 23/05/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 471/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 23 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005; Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; số 2149/2009/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Thông báo kết luận số 506/TB/TU ngày 10/7/2013 của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh về một số giải pháp xử lý một số bãi rác trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh: số 60/QĐ-UBND ngày 08/02/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 417/QĐ-UBND ngày 11/11/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại tờ trình số 105/TTr-SXD ngày 28/4/2014, về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung sau:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Sự cần thiết lập quy hoạch

Sự phát triển của các khu đô thị, khu cụm công nghiệp, các khu dân cư, các bệnh viện; sự thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn,... tốc độ đô thị hóa cao, góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo ra một lượng lớn chất thải rắn.

Theo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị hiện đại - văn minh - sinh thái - giàu bản sắc. Môi trường được giữ vững theo hướng xanh, sạch, đẹp, giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề. Đến 2015 có 98% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh; thu gom 100% và xử lý 70% - 80% rác thải sinh hoạt; quản lý và xử lý 100% chất thải công nghiệp, chất thải y tế nguy hại.

Bảo vệ môi trường và trực tiếp là quản lý chất thải rắn đang là vấn đề cấp bách cần tập trung quan tâm giải quyết. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh mỗi ngày đêm thải ra khoảng hơn 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Đến nay mới có huyện Quế Võ được đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Phù Lãng, các huyện, thị xã còn lại chưa đầu tư xây dựng khu xử lý dẫn đến chất thải rắn được thu gom đang tồn đọng tại các điểm tập kết, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Chất thải rắn y tế được thu gom, phân loại và xử lý bằng lò đốt ở nhiệt độ cao; chất thải rắn công nghiệp đã cơ bản được các cơ sở sản xuất ký hợp đồng thu gom và xử lý với các đơn vị chuyên nghiệp nhưng còn thiếu sự kiểm soát quản lý của nhà nước. Hàng năm, chất thải rắn gia tăng về số lượng, đa dạng về thành phần, chưa được phân loại tại nguồn, gây khó khăn cho công tác xử lý. Việc quản lý chất thải rắn còn phân tán, chồng chéo, hiệu quả chưa cao.

Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vấn đề quản lý chất thải rắn phải được xem xét nhìn nhận một cách tổng hợp, không chỉ đơn thuần là việc tổ chức xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh cho một đô thị, mà phải được xem xét toàn diện và trên diện rộng như vùng tỉnh, liên tỉnh. Do đó việc nghiên cứu “Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là rất cấp thiết giai đoạn hiện nay, đồng thời thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.

3. Mục tiêu của quy hoạch

- Xây dựng được các phương thức phân loại chất thải rắn tại nguồn và xác định lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

- Quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các cơ sở y tế và điểm dân cư nông thôn, trong đó xác định được các phương thức thu gom; xác định được vị trí các trạm trung chuyển chất thải rắn liên đô thị.

- Phân bố hợp lý các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo phục vụ các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các cơ sở y tế và các điểm dân cư nông thôn. Đồng thời lựa chọn công nghệ thích hợp để xử lý, tái chế các loại chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại nhằm đảm bảo xử lý triệt để chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.

- Đề xuất hệ thống quản lý, cơ chế chính sách nhằm nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của Tỉnh.

- Đề xuất kế hoạch, lộ trình và xác định nguồn lực thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu quy hoạch

- Phạm vị nghiên cứu: Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bắc Ninh được nghiên cứu trên toàn bộ lãnh thổ hành chính của tỉnh với diện tích 822,71 km2.

- Đối tượng nghiên cứu:

+ Chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

+ Chất thải rắn công nghiệp, nguy hại của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

+ Chất thải rắn y tế.

+ Chất thải rắn sinh hoạt của điểm dân cư nông thôn.

5. Nội dung chính của quy hoạch

- Điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải rắn.

- Dự báo các nguồn phát thải, thành phần, tính chất và tổng khối lượng các chất thải rắn thông thường và nguy hại đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Đánh giá khả năng phân loại tại nguồn và khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải rắn phát sinh từ đô thị, sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

- Xác định vị trí, quy mô các điểm thu gom, trung chuyển, cơ sở xử lý và chôn lấp chất thải rắn; đánh giá sự phù hợp của các vị trí lựa chọn với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

- Xác định phương thức thu gom chất thải rắn.

- Đề xuất các tiêu chí cần đạt được khi lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn.

- Xây dựng kế hoạch và nguồn lực thực hiện để bảo đảm thu gom và xử lý triệt để tất cả các loại chất thải rắn; khái toán kinh phí.

- Đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch quản lý chất thải rắn.

- Đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn (tổ chức thực hiện, cơ chế chính sách…).

- Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong quá trình lập đồ án.

6. Tiến độ lập quy hoạch: Trong tháng 6/2014: Hoàn chỉnh quy hoạch trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến của các ngành, địa phương; Sở Xây dựng chủ trì báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7/2014.

Điều 2. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lưu: HCTN,CN.XDCB, PVP.CNXDCB, CVP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường

 





Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn Ban hành: 09/04/2007 | Cập nhật: 14/04/2007